LỜI CHÚA: Lc 11, 37 – 41
(37) Ðức Giêsu đang nói, thì có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. (38) Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì trước tiên Người không rửa tay trước bữa ăn. (39) Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. (40) Ðồ ngốc! Ðấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? (41) Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.
SUY NIỆM
Thói quen rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh ăn uống. Ngày nay tại các trường mẫu giáo, các cháu bé đều được dạy năm bước rửa tay trước khi ăn. Thậm chí các cháu còn biết bi bô hát theo tiết mục quảng cáo trên trên truyền hình : “chưa rửa tay là chưa được ăn đó nghe”. Vậy tại sao Đức Giê-su lại có vẻ đã không tuân thủ mà lại còn lên án một thói quen văn minh tốt lành như thế? Thực ra mục đích của Đức Giê-su không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Ngài muốn lợi dụng cơ hội để dạy cho các ông Pha-ri-sêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực đó là “lòng nhân ái xót thương”.
Thực vậy đối với người Do-thái việc rửa tay hay những việc tẩy rửa khác không đơn thuần là để giữ vệ sinh mà là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn theo luật. Vì quá nệ luật nên họ lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái bên ngoài mà đánh mất điều quan trọng của tâm linh bên trong đó là Tình yêu, lòng nhân ái và xót thương; như đã có lần một kinh sư hỏi Đức Giê-su “Trong các giới luật thì điều nào trọng nhất?”; và chúng ta đã biết câu trả lời của Đức Giê-su: “Giới răn trọng nhất là : “Nghe đây hỡi Israel! Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…hãy yêu tha nhân như chính mình” (x. Mc 12, 28t). Hơn nữa, từ ‘bố thí’ theo nghĩa gốc của tiếng Hy-lạp là lòng xót thương. Vì thế Đức Giê-su đã nói: “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c.41) Lòng xót thương phát xuất từ tình yêu chứ không mang ý thương hại hay là khinh miệt, xem thường. Đó là tình yêu đã khiến Đức Giê-su luôn chạnh thương khi đứng trước nỗi khổ đau của con người. Tình yêu, lòng xót thương đó có thể minh chứng sự trong sạch trong tâm hồn con người; như Đức Giê-su là Đấng không hề phạm tội cũng chính là Đấng yêu thương không giới hạn.
Lời Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Nó lại càng đúng cho con người hôm nay. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Người ta thích tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô, ham hố danh vọng, tiền tài. Người ta có thể an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần bên trong…. Và Đức Giê-su gọi đó là “Những mồ mả tô vôi, bên ngoài đẹp đẽ, nhưng bên trong lại lúc nhúc những giòi bọ” (x. Mt 23, 27t). Vì thế, điều quan trọng là làm sao để tâm hồn mình được sạch vì “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa” (x. Tv. 23, 3 – 4). Và Đức Giê-su đã nói trong tin mừng hôm nay “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c.41) Hay nói khác hơn phải sống đơn thành trước Thiên Chúa và hãy có tinh thần yêu thương vị tha chia sẻ đích thực đối với đồng loại – Hãy có lòng xót thương!
Năm đức tin, người Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi xét lại cách sống đức tin của mình một cách cụ thể trong một xã hội, một thế giới tự coi mình là văn minh tiến bộ, với những thành quả khoa học tột bậc, nhưng lại luôn đề cao chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân bằng lối sống ích kỷ, thực dụng, nghiêng về nền văn hóa sự chết; một thế giới như một thị trường lớn luôn cạnh tranh sống chết, sẵn sàng đạp người khác xuống để đạt mục đích của mình nhưng lại mang một cụm từ rất hoa mĩ “cạnh tranh công bằng”; một thế giới ‘toàn cầu hóa’ xem ra rất tuyệt vì tính liên đới toàn cầu nhưng lại làm cho người giàu càng giàu và người nghèo cứ nghèo mãi; kẻ mạnh cứ bành trướng còn người yếu sẽ bị tiêu diệt. Sống trong một thế giới như thế, người tín hữu có can đảm sống với ‘tấm lòng thanh’ mà Tin mừng đòi hỏi – sống một tình yêu vị tha, không tính toán – một tình yêu không cứ nhìn bề ngoài mà xét xử, không câu nệ hình thức và không giới hạn.
Lạy Chúa Giêsu! Đọc lời Chúa hôm nay, con nhìn vô chính tâm hồn mình, con thấy mình còn quá xa vời với tinh thần của Chúa. Tâm hồn con còn chất chứa đầy những ham hố ích kỷ lợi lộc thấp hèn. Tâm hồn không thanh sạch vì trong con còn những kèn cựa thấp cao, những thành kiến, những ác ý. Cuộc sống con còn thiếu bác ái với anh em trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động, lại tự cao tự đại về những cái chẳng ra gì. Con xin Chúa thứ tha và thanh tẩy cho tâm hồn con được sạch. Xin cho con được sáng suốt, đừng tìm cách chải chuốt, tô vẽ cho vẻ bề ngoài, nhưng biết trang điểm tâm hồn mình bằng những nhân đức. xin cho con biết mạnh dạn, dám lội ngược dòng để sống tinh thần Tin mừng của Chúa. Và xin đổ đầy tình yêu Chúa vào trong tim con để con biết yêu thương anh em bằng tình yêu của Chúa. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh