(Tt 3,1-7; Lc 17,11-19)
Trong phép lịch sự xã giao của xã hội, mà ngay từ khi một đứa trẻ bập bẹ biết nói, người ta đã dạy chúng hai từ căn bản, đó là: xin lỗi và cám ơn. Đây là thái độ của một con người được đánh giá là lịch sự, là có giá trị. Giá trị ở chỗ nhận ra những gì xảy đến trong cuộc đời là do ân ban do tình thương của người khác. Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Thánh sử Luca đã đề cao một hành vi nhỏ bé ấy, vốn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
Trên đường đi Giêrusalem mừng lễ vượt qua và chịu chết ( Lc18, 35), khi Ngài đi tới một làng ở giữa ranh giới Samari và Galilê, Đức Giêsu gặp mười người phong cùi đón gặp Ngài. Từ xa, họ lớn tiếng kêu xin: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”. Lời van xin nức nở của những người đang đau khổ đến cực độ, nỗi đau chẳng biết kêu xin ai, vì mọi người đều bất lực, mà còn trốn tránh trách nhiệm, đuổi người phong cùi ra khỏi đời sống cộng đồng, ra khỏi lề cuộc sống, những người này như không được làm người nữa, nỗi đau tâm lý còn nặng nề gấp bội phần nỗi đau thể lý.
Những người phong cùi sống trong nỗi thất vọng như tuyệt đối, thì may thay, họ gặp được một vị cứu tinh để cậy trông, van nài, đó là Đức Giêsu: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Chúa Giêsu đáp lại lời kêu xin không phải chữa lành ngay, nhưng Ngài bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Họ đi với lòng tin cách can đảm, không sợ phá luật Môsê, vì họ còn bị phong cùi.
Ý Chúa Giêsu thì muốn nói với Giáo Hội và xã hội: phải chịu trách nhiệm với các bệnh nhân này, không được xua trừ và phủi tay trước nỗi đau của đồng loại, và xóa tan mặc cảm trong tâm hồn của bệnh nhân, và đồng thời Chúa cũng thử luyện lòng tin của họ, để giúp cho đức tin của họ được lớn mạnh. Những người phong cùi đi trình diện cũng là một hành vi biểu lộ lòng tin của họ, tin vào lời Chúa dạy, đang khi đi thì họ được sạch, đây là hiệu năng của đức tin. Một người trong họ, là người Samari, thấy mình được khỏi bệnh cùi cách lạ lùng, anh tin chính Đức Giêsu đã chữa anh, anh vượt khỏi luật trình diện, anh quay trở lại gặp Chúa Giêsu, phủ phục trước dưới chân Ngài để cám ơn Ngài và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, anh tỏ lòng biết ơn cách chân thật và nhìn nhận Đức Giêsu là một con người vượt trên mọi người, là Đấng cứu thế, qua thái độ phủ phục và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?” Chúa Giêsu có ý xác nhận mười người đều được lành, và là lời thầm trách chín người Do thái kia, vì vụ luật trình diện mà không đến tạ ơn Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói: “tôn vinh Thiên Chúa” mà mạc khải Ngài là Đấng Cứu Thế đến để giải thoát con người khỏi ách của tội lỗi và sự chết. Sau cùng Chúa Giêsu nói với anh Samari: “Đứng dậy về đi lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Chúa Giêsu muốn xác nhận hiệu quả của đức tin, đức tin đem lại sự sống: thể xác được khỏi bệnh, linh hồn được thanh tẩy.
Chúa Giêsu chữa bệnh cho người Do thái và cả người Samari, Chúa mời gọi ta khi phục vụ cần nêu cao tinh thần phổ quát, không phân biệt đối tượng trong việc đối xử, kể cả người làm hại mình. Chúa Giêsu chữa bệnh phần xác và cả phần hồn, nên khi ta được ơn phần xác thì cũng nhớ biến đổi phần linh hồn nữa, là sống theo tinh thần của Chúa Giêsu. Những người phong cùi Do thái vụ luật trình diện không trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta cũng được rất nhiều ơn Chúa, nhưng vì bổn phận, các sinh hoạt của đời sống thường ngày, nên không đến với Chúa trong giờ đạo đức, chúng ta không vượt thắng trở ngại vì chúng ta quên mất nguồn gốc của các ơn ta được là chính Thiên Chúa, chúng ta quý ơn Chúa mà không quý Chúa, là Đấng đã làm nên tất cả, chúng ta thường vô ơn với Chúa.
Nhiều lúc chúng ta tỏ lòng biết ơn và cảm mến đối với một người nào đó đã làm ơn cho mình, dù là một việc nhỏ nhoi, nhưng chúng ta lại quên đi những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta lớn lao biết nhường nào. Nhiều người không quan tâm đến việc bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa qua việc thờ phượng Người và đã không cảm tạ Người mỗi khi được nhìn thấy một ngày mới tươi đệp. Lại có người không dám nói cho người khác về Thiên Chúa và về ơn mà Người ban cho chúng ta. Cũng có người biết ơn sự giúp đỡ tận tình của bạn bè hay một ai đó, mà lại không hề biết cảm động và bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ hay anh chị em mình. Thật là những nghịch lý không đẹp lòng Chúa.
Lòng biết ơn có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Hạnh phúc và thành công đều tạo dựng từ lòng biết ơn. Cho nên từ xưa đến nay, cha ông ta vẫn luôn căn dặn thế hệ mai sau “uống nước nhớ nguồn”, phải luôn khắc ghi công ơn của những người đã cho ta cuộc sống này. Như thế, lòng biết ơn luôn hiện diện xung quanh cuộc đời ta, chỉ là chúng ta không để ýnhận ra thôi. Đừng bao giờ quá bận rộn đến quên nói lời “làm ơn” hay “cảm ơn”. Sống mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu đời chỉ là chuỗi những lời oán than về bất công và thua thiệt mà ta đã gặp phải, mà không nhớ đến những may mắn đã từng đến với ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị trầm cảm, một căn bệnh thường gặp trong xã hội ngày nay.
Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Người đời thường phê phán những kẻ “ăn cháo đá bát”, “có mới nới cũ”, lừa thầy phản bạn, bất hiếu với mẹ cha. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ.
Huệ Minh
Trích nguồn: http://conggiao.info/