WHĐ (01.9.2021) – Sách Giáo lý chỉ rõ cách thức mà điều răn thứ 7 có liên quan đến việc chúng ta đối xử với công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Trong những năm gần đây, nhiều vấn đề đã được đem ra thảo luận trên thế giới và trong Hội thánh Công giáo về vai trò của con người trong việc bảo vệ môi trường. Đó là điều mà chúng ta không thể làm ngơ được nữa, đặc biệt khi công nghệ và văn hóa tiêu dùng đang tìm cách thống trị thế giới và các nguồn tài nguyên.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo kết nối việc chăm sóc thiên nhiên của chúng ta với điều răn thứ 7: “Chớ lấy của người” hay hiểu rộng hơn “Bạn phải yêu người thân cận như chính mình.”
“Điều răn thứ bảy dạy phải tôn trọng sự toàn vẹn của công trình tạo dựng. Thú vật cũng như thực vật và những vật vô tri nhằm phục vụ công ích của nhân loại trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ, không thể được tách biệt khỏi việc phải tôn trọng những đòi hỏi của luân lý. Quyền thống trị Đấng Tạo hóa đã ban cho con người trên các vật vô tri và những sinh vật khác không phải là tuyệt đối. Quyền đó phải để ý đến việc chăm sóc phẩm chất đời sống của tha nhân, kể cả của những thế hệ tương lai; quyền này đòi phải có sự tôn trọng đạo hạnh đối với sự toàn vẹn của công trình tạo dựng”. (Giáo lý Hội thánh Công Giáo, số 2415)
Tất cả tạo vật đều có mối liên hệ với nhau, và vì vậy cách đối xử của chúng ta với thiên nhiên chắc chắn được liên kết với cách đối xử của chúng ta với con người.
Hơn nữa, điều răn này hướng dẫn chúng ta cách đối xử với động vật.
“Thú vật là những thụ tạo của Thiên Chúa. Ngài ân cần quan phòng chăm sóc chúng. Chỉ bằng sự hiện hữu của mình, chúng đã ca tụng và tôn vinh Ngài. Con người cũng phải đối xử tử tế với chúng. Phải nhắc lại rằng các thánh như Phanxicô Assisi hoặc Phi-líp-phê Nêri đã đối xử dịu hiền với thú vật như thế nào.
Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và trao phó cho con người việc quản lý các thú vật. Vì vậy, việc sử dụng thú vật làm lương thực và y phục là hợp pháp. Con người có thể thuần hóa chúng để chúng trợ lực con người trong lao động hoặc giải trí. Những thí nghiệm y học và khoa học trên thú vật có thể chấp nhận được về mặt luân lý, miễn là ở trong những giới hạn hợp lý và góp phần vào việc chữa bệnh hoặc cứu lấy mạng sống con người”. (Giáo lý Hội thánh Công Giáo, số 2416, 2417)
Tuy nhiên, Giáo hội cũng dạy không được hành hạ, hoặc yêu động vật hơn con người.
“Hành hạ thú vật và phung phí mạng sống của chúng cách vô ích là nghịch với phẩm giá con người. Cũng vậy, chi phí những số tiền quá đáng cho thú vật, mà lẽ ra phải ưu tiên làm giảm bớt sự khốn cùng của con người, là một việc bất xứng. Được phép ưa thích thú vật, nhưng không được dành cho chúng tình yêu, vốn chỉ dành cho con người”. (Giáo lý Hội thánh Công Giáo, số 2418)
Là con người, chúng ta được giao một trọng trách là người quản lý công trình sáng tạo tuyệt đẹp của Thiên Chúa. Việc giữ gìn nó là tùy thuộc vào chúng ta, nhưng chúng ta luôn luôn giữ trong tâm trí mình rằng chúng ta chăm sóc môi trường là vì lợi ích của chúng ta và cho thế hệ mai sau.
Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Jos. Đăng Vũ
Từ: aleteia.org (31.8.2021)
Trích nguồn: https://hdgmvietnam.com