Trong Tân Ước, chúng ta gặp thấy nhiều trình thuật phép lạ. Phép lạ có thực sự xảy ra hay chúng chỉ là truyền thuyết hoặc đó là cách mà người xưa mô tả những gì mà họ không thể giải thích?
Trước hết chúng ta nhìn vào vấn nạn được đặt ra trong câu hỏi này. Đức tin trong cả Cựu Ước và Tân Ước đều được đặt nền tảng trên các phép lạ. Trong Cựu Ước, biến cố nền tảng là cuộc xuất hành, bao gồm các phép lạ của cuộc Vượt Qua và sự phân rẽ Biển Đỏ. Đây là các phép lạ giải phóng dân Israel và trừng phạt kẻ thù của họ. Nếu không có các phép lạ này thì Cựu Ước không có mấy ý nghĩa. Trong Tân Ước, cuộc phục sinh của Đức Giêsu là phép lạ nền tảng. Các tác giả Tân Ước đều tin rằng Đức Giêsu Nadarét đã bị đóng đinh và ngày thứ ba đã sống lại. Nếu không có phép lạ này thì không có đức tin Kitô giáo; như thánh Phaolô xác quyết: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì đức tin của anh em thật hão huyền; và anh em vẫn sống trong tội của mình” (1 Cr 15,17). Như thế, nếu không có các phép lạ, thì đức tin trong Cựu Ước và Tân Ước ra vô nghĩa.
Tuy nhiên, dù các phép lạ là nguồn cội của đức tin trong Kinh Thánh, điều đó không có nghĩa là chúng đã xảy ra; nên chúng ta cần đặt vấn đề liệu rằng các phép lạ có thể đã xảy ra? Một số người dựa trên quan điểm triết học cho rằng phép lạ không thể xảy ra vì “các định luật tự nhiên” thì cố định và nếu Thiên Chúa tồn tại thì Người hoặc là không thể hoặc sẽ không “chống lại” các định luật tự nhiên. Dù đây là quan điểm một thời vững chắc, thì giờ nó cũng đã lỗi thời. Ý tưởng về “các định luật cố định của tự nhiên”, thuộc về vật lý Newton, không phải là thế giới của thuyết tương đối, vốn coi các định luật là những khái quát bao trùm các quan sát cho đến nay. Vậy thì vấn đề đối với chúng ta là liệu có bằng chứng nào cho thấy có một năng lực (một năng lực thần linh) tạo ra những bất thường trong quan sát của chúng ta về các sự kiện mà chúng ta gọi là phép lạ hay không.
Câu trả lời của Kinh Thánh nói chung và của Tân Ước cách riêng là có. Năng lực thần linh cơ bản đến từ Thiên Chúa. Kinh Thánh xác nhận rằng Người là sự giải thích đầy đủ duy nhất cho sự tồn tại của thế giới. Ngôi vị (personality) của Người là lời giải thích thỏa đáng duy nhất cho sự tồn tại của ngôi vị con người. Hơn nữa, vì Người là một ngôi vị nên Người đã gắn bó với thế giới này. Chúng ta thấy một số đặc điểm gắn bó của Người trong các sự kiện thường xuyên của “tự nhiên” (Cl 1,16-17; Hr 1,3), trong khi vào những lúc khác, Người cho thấy sự hiện diện của mình bằng những hành động khác biệt. Đó là những sự kiện mà chúng ta gọi là phép lạ.
Một phép lạ có hai phần: sự kiện và giải thích. Sự kiện là một biến cố ngoại thường mà chúng ta không thể giải thích bằng những khả năng bình thường mà chúng ta biết. Đôi khi bản thân sự kiện không phải là biến cố ngoại thường, nhưng thời gian nó xảy ra lại là độc nhất, ví dụ trường hợp nước sông Giođan dừng lại (x. Gs 3,14-17) và ít là một số tai ương tại Ai Cập vào thời Cựu Ước (x. Xh 7,3 – 11,10). Có lúc, bản thân sự kiện là có một không hai như việc phục sinh kẻ chết trong Tân Ước.
Phần giải thích phép lạ cho thấy ai đứng sau sự kiện và tại sao Người làm điều đó. Nếu một người bệnh đột nhiên khoẻ lại, chúng ta có thể nói: “Điều đó thật dị thường. Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra?” Hoặc chúng ta có thể cho rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế, biết đâu người bệnh không hề bị ốm”. Hay thậm chí chúng ta có thể cho rằng: “Đây thật là phép ma thuật, việc làm của một sức mạnh thần dữ”. Tuy nhiên, nếu sự kiện xảy ra khi một người đang cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha nhân danh Chúa Giêsu thì bối cảnh tự nó giải thích sự kiện. Vậy nên chúng ta nói: “Thiên Chúa đã thực hiện phép lạ”. Trong Tân Ước, chúng ta khám phá ra rằng sự kiện Đức Giêsu phục sinh được giải thích như là hành động của Thiên Chúa nhằm hiện thực hoá điều Chúa Giêsu đã tiên báo và đó cũng là cách Thiên Chúa tôn vinh Đức Giêsu (x. Ga 13,31-32).
Làm sao chúng ta biết một phép lạ như thế thực sự xảy ra? Rõ ràng là chúng ta không thể biết chắc chắn. Một đàng, chúng ta không thể hoàn toàn chắc chắn thậm chí cả những gì chúng ta kinh nghiệm. Nhưng chúng ta vẫn thường tin vào giác quan của mình, mặc dù chúng ta không thể chắc chắn chính xác một trăm phần trăm. Đàng khác, chúng ta không được trực tiếp chứng kiến các phép lạ Kinh Thánh, mặc dù đó không phải là điều không thể hiểu đối với các Kitô hữu ngày nay vì chúng ta cũng có những kinh nghiệm tương tự, thậm chí kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh. Hơn nữa, không ai trong chúng ta có mặt khi các sự kiện Kinh Thánh xảy ra, nên chúng ta không thể tin vì được chứng kiến trực tiếp, nhưng chúng ta tin các chứng nhân đáng tin.
Đối với biến cố phục sinh, chúng ta có nhiều bằng chứng thời đó từ các chứng nhân đáng tin. Phần lớn trong số họ đã chết để xác thực lời chứng của mình, điều mà những người nói dối khó có thể làm. Họ khẳng định rằng họ đã nhiều lần có kinh nghiệm cá nhân để xác tín rằng Chúa Giêsu thực đã sống lại từ cõi chết (x. 1 Cr 15,1-11). Dù điều này không hoàn toàn chứng minh được rằng phép lạ chính yếu này đã xảy ra, nhưng điều đó đủ làm cho phép lạ phục sinh đáng tin cậy trên nền tảng đức tin.
Nếu chúng ta tin rằng phép lạ trung tâm trong Tân Ước thực sự xảy ra thì chúng ta ít gặp vấn đề với bất kỳ phép lạ nào khác. Sau phép lạ phục sinh kẻ chết thì các phép lạ khác như chữa lành bệnh hay thậm chí dẹp yên một cơn bão, đều trở nên nhỏ bé. Tắt một lời, nếu Thiên Chúa muốn thể hiện bằng một cách nào đó, thì cũng không nhạc nhiên khi Người thể hiện bằng nhiều cách khác.
Các phép lạ trong Kinh Thánh có một số mục đích. Thứ nhất, chúng làm cho các sứ điệp Thiên Chúa gởi đến đáng tin hơn, dù là qua trung gian ông Môsê, một ngôn sứ, tông đồ, Chúa Giêsu hay một Kitô hữu bình thường. Các phép lạ là cách Thiên Chúa chứng minh rằng một người nào đó không chỉ nhân danh Chúa mà đến, mà thật sự đến từ Thiên Chúa. Người đó củng cố hành động của mình bằng năng lực thần thiêng.
Thứ hai, các phép lạ cho thấy bản chất của Thiên Chúa và triều đại của Người. Chúng có thể biểu lộ công lý của Thiên Chúa, nhưng thường chúng cho thấy đặc điểm của Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót và tha thứ. Chúa Giêsu công bố nước Thiên Chúa đã đến và người ta có thể tự hỏi cách chính đáng rằng nước đó trông thế nào. Chúa Giêsu làm các phép lạ biểu lộ bản chất của Thiên Chúa: người mù được thấy, kẻ què đi được, người bị ruồng bỏ được đón nhận và các năng lực tự nhiên hung hãn bị chế ngự. Đó là dấu chỉ của nước Thiên Chúa.
Thứ ba, các phép lạ hiện thực hoá nước Thiên Chúa. Khi đọc Tin Mừng Luca chương 18, người ta khám phá ra rằng người giàu không thể được cứu độ, mặc dù đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Sau đó, bước qua Lc 19,1-10, ông Dakêu, một người giàu có, đã từ bỏ của cải và được cứu độ. Đây rõ ràng là một phép lạ và nước Thiên Chúa đã được hiện thực hoá với người đàn ông giàu có này. Điều tương tự cũng đúng đối với việc trục xuất ma quỷ, vì mỗi lần điều này xảy ra, biên giới của vương quốc ma quỷ bị đẩy lùi. Thật vậy, nhiều phép lại khác cũng có cùng mục đích như thế.
Vậy các phép lạ có thực sự xảy ra không? Câu trả lời là “có” và điều này đã thật sự xảy ra trong lịch sử. Phép lạ là một phần quan trọng của niềm tin Kitô giáo vì các phép lạ đóng vai trò quan trọng trong việc xác thực, giải thích và hiện thực hoá vương quốc Thiên Chúa. Các phép lạ là sự thể hiện đặc tính của Thiên Chúa, không chỉ trong quá khứ mà còn ngay trong hiện tại.
Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD
(Dựa theo Walter C. Kaiser, Frederick Fyvie Bruce, Hard sayings of the Bible. Downers Grove: InterVarsity Press, 1996).
Trích nguồn:https://kinhthanhvn.net