Đức Maria – Ngôi Sao Truyền Giáo

Như chúng ta đã biết Thiên Chúa đã chọn Đức Maria trong số các người nữ để làm người cưu mang Con Một của Ngài. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về công cuộc truyền giáo của Đức Maria từ khi mang trong mình Con Thiên Chúa.

I. Truyền giáo là gì?

 Trước khi bàn chủ đề Đức Maria – Ngôi sao truyền giáo, thiết tưởng chúng ta nên hiểu qua truyền giáo là gì?
Truyền giáo phải chăng là truyền giáo lý cho người khác? Truyền giáo phải chăng là tuyên truyền một thứ học thuyết cho người khác? Hay truyền giáo là vận động người ta đi theo mình? Hoặc truyền giáo là đi cứu vớt người ta thoát khỏi cảnh tối tăm của cuộc đời?…Không! Truyền giáo ở đây phải được hiểu là đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người. Hay nói cách khác, truyền giáo là loan tin vui cho người khác. Tin vui nào? Tin vui ở đây là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Một Emmanuel mà chúng ta phải có trách nhiệm loan truyền cho người khác. Trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 viết: “Chúng ta không thể giữ cho riêng mình tình yêu mà ta cử hành trong bí tích. Tình yêu này, tự bản chất, đòi phải được chuyển thông cho mọi người. Điều mà thế giới cần là tình yêu của Thiên Chúa, là gặp gỡ Đức Kitô  và tin vào Ngài”[1].

Truyền giáo có thể được coi như là việc chúng ta đi giới thiệu một “loại thuốc” đặc biệt. Loại thuốc đó đã giúp ta thoát khỏi căn bệnh nan y. Đến lượt chúng ta chúng ta, chúng ta cũng phải có trách nhiệm giới thiệu loại thuốc đó cho những người khác. Loại thuốc đó chính là Đức Giêsu Kitô. Việc giới thiệu thuốc là trách nhiệm của chúng ta còn hiệu quả khỏi bệnh là do viên thuốc. Điều ấy có nghĩa là chúng ta chỉ có công việc loan tin thôi, còn cứu độ là công việc của Đức Kitô. Đức Kitô là Đấng cứu độ muôn loài. Khác hẳn với Đức Phật, ngài không cứu độ ai cả. Ngài chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi.
Truyền giáo hiểu cho đúng là làm chứng. Làm chứng gì đây? Như các thánh Tông Đồ ngày xưa, các ngài thấy như thế nào thì chúng tôi làm chứng như vậy. Làm chứng về một con người cụ thể chứ không rao giảng lý thuyết suông. Làm chứng về cái gì hay về ai thì người làm chứng phải biết rõ rành rành về đối tượng mình làm chứng thì điều mình làm chứng mới đáng tin. Vì thế, người truyền giáo làm chứng về con người cụ thể Đức Giêsu Kitô thì đương nhiên phải là người biết rõ về Ngài; phải là người đã thuộc hẳn về Đức Giêsu; phải là người đã cảm và nếm được Ngài; phải là người như Thánh Phaolô đã nói “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”[2]. Hay nói cách khác, người truyền giáo phải là người luôn xác tín rằng ‘đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi’. Như thế, người truyền giáo mới dễ dàng lôi cuốn được người khác. Vì mình có sống và có cảm nghiệm thì mình mới giảng dạy cho người khác được. Điều đó có thể nói rõ ràng rằng các bạn có tin hay không tùy các bạn nhưng chúng tôi thấy thế nào thì chúng tôi loan tin như vậy.
Hơn nữa, theo lệnh truyền của Thầy Chí Thánh đã truyền cho các Tông Đồ xưa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo[3]. Là kitô hữu, chúng ta cũng phải đáp lại lệnh truyền đó một cách triệt để. Đáp lại như thế nào? Phải chăng là dấn thân thực bằng những công việc cụ thể: chẳng hạn đi cứu trợ lũ lụt, thăm nom cô nhi quả phụ, thăm viếng các bệnh nhân,…? Phải chăng họ sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu Kitô qua việc làm, qua việc phục vụ của chúng ta? Đó không phải là cách truyền giáo hữu hiệu hay sao? Vì thời nay, người ta thích chứng nhân hơn là thầy dạy. Khi nói đến vấn đề này, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã nhắn nhủ như sau: “các kitô hữu không chỉ “nói ” về Đức Giêsu, mà còn phải “cho thấy”Đức Giêsu, phải làm sáng lên khuôn mặt của Đấng Cứu Chuộc nơi mọi hang cùm ngõ hẻm của trái đất này trước mặt các thế hệ của thiên niên kỷ mới và cách riêng trước mặt giới trẻ của mỗi lục địa – họ là những đối tượng ưu tiên và là chủ thể của công cuộc Loan báo Tin Mừng” [4].

 Chúng ta vừa mới trình bày sơ lược về truyền giáo. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem công việc truyền giáo đã được thực hiện như thế nào nơi Đức Maria?

II. Đức Maria – Ngôi sao truyền giáo

 Như chúng ta đã biết Thiên Chúa đã chọn Đức Maria trong số các người nữ để làm người cưu mang Con Một của Ngài. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về công cuộc truyền giáo của Đức Maria từ khi mang trong mình Con Thiên Chúa.

Có thể nói được rằng cuộc đời của Đức Maria là một chuỗi lên đường. Lên đường nơi Đức Maria không đơn thuần như lên đường của biết bao người khác, nhưng lên đường của Đức Maria mang một nhiệm vụ lớn lao và cao cả: đó là luôn mang Chúa đến cho người mà Mẹ gặp gỡ.

Thật vậy, Đức Maria là nhà truyền giáo đầu tiên từ khi Mẹ mang Con Thiên Chúa đến thăm chị họ mình là bà Elisebeth. Khi nghe tin bà chị họ mang thai đã được 6 tháng rồi trong lúc tuổi già, Đức Maria đã vội vàng thu xếp công việc, không quản ngại đường sá gai góc và ghồ ghề để đi thăm chị họ. Đức Maria đã sẵn sàng lên đường bất chấp mọi hiểm nguy. Một sự lên đường vội vã và không ngại gian khó của Đức Maria đủ nói lên một tinh thần truyền giáo tuyệt vời. Động lực nào đã thôi thúc Mẹ lên đường như vậy? Xin thưa, vì Mẹ đang mang trong mình Con Thiên Chúa. Phải chăng người truyền giáo phải là người của Thiên Chúa? Chính Đức Maria đã mang Con Thiên Chúa đến nhà chị họ. Có thể nói được rằng cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà chị họ đã cụ thể hóa cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người. Vì khi nghe lời chào của Đức Maria thì đứa con trong lòng bà chị họ nhảy mừng lên. Một sự nhảy mừng khôn tả mà chỉ có bà chị họ mới cảm nhận được rõ ràng nhất. Khi suy niệm biến cố này, Thầy Stêphano Nguyễn Khắc Dương viết rằng “…hai bà Mẹ, hai Bào Thai, cả bốn đều chào mừng nhau, đều sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần mà hợp lòng cất tiếng ca tụng Thiên Chúa với chính lời của Đức Maria : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa[5]. Điều đó cũng được Thánh sử Luca ghi lại rằng khi nghe lời chào của Đức Maria, bà Élisabeth được tràn đầy Thánh Thần và bà đã kêu lên rằng “Bởi đâu tôi được Mẹ Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này[6]. Phải chăng tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã được bà Élisebeth tuyên xưng ngay từ lúc này? Đặc biệt hơn nữa, chính nhờ sự hiện diện của Đức Maria đã đem lại cho Thánh Gioan Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền. Truyền giáo phải chăng là mang ân huệ của Thiên Chúa đến cho người khác? Nếu đúng vậy thì Đức Maria là nhà truyền giáo tuyệt vời.

Công việc truyền giáo của Đức Maria còn được thể hiện rõ tại hang đá Belem. Chính nơi đây, Đức Maria đã giới thiệu Chúa Giêsu cho các mục đồng và ba vua[7]. Theo Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt : “…đến Bêlem, Đức Maria trao Đức Kitô cho những người nghèo, làm cho bầu trời Bêlem sáng lên, các thiên thần ca hát, đã đem lại niềm vui cho các mục đồng[8]. Quả thật, Đức Maria đã giới thiệu về một Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự hạ làm người. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa nay đã nhập thể và nhập thế. Đức Giêsu Kitô đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hang với Thiên Chúa nhưng đã vâng lời xuống thế làm người để cho con người được cứu chuộc. Hay nói như Thánh Giáo Phụ Irénée: Thiên Chúa làm người để con người được làm Chúa. Thật là hạnh phúc biết bao. Đây quả là Tin vui cần được loan đi. Và chính Đức Maria đã là người Loan tin vui này cho các mục đồng và các vua. Phải chăng truyền giáo là Loan tin vui cho người khác? Tin vui đó chính là Con Thiên Chúa đã xuống làm người và cư ngụ giữa chúng ta. Ngài chính là Emanuel!

Công việc truyền giáo của Đức Maria không dừng tại đó. Trên bước đường rao giảng của Đức Giêsu, Đức Maria như là người kề cạnh và là người giúp đỡ Ngài cũng như các Tông Đồ rất nhiều. Điều đó được thể hiện rõ trong Tin Mừng Gioan: Chính Đức Maria đứng ra làm môi giới xin Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana[9]. Khi thấy tiệc cưới hết rượu, Đức Maria đã đến xin Chúa Giêsu làm phép lạ. Tại sao Đức Maria lại xin Chúa Giêsu can thiệp vào chuyện hết rượu? Tại sao Mẹ không bảo người ta ra quán mà mua rượu? Vì Đức Maria hoàn toàn tin tưởng vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Mẹ đã chân nhận được rằng đối với Thiên Chúa không gì là không thể.[10] Chính vì thế, khi thấy hết rượu, Mẹ đã bình tĩnh và tin tưởng rằng Đức Giêsu sẽ làm được chuyện này. Chính sự tin tưởng nơi Mẹ, Mẹ đã dặn dò mấy người phục vụ rằng Người bảo gì thì hãy làm như vậy. Và niềm tin tưởng của Đức Maria đã được chấp nhận. Niềm tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa như vậy đã không chỉ làm cho tiệc cưới thêm vui mà còn dạy cho mọi người một bài học là hãy biết tin tưởng vào Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta nhận thấy Đức Maria là một người truyền giáo lỗi lạc và uyên thâm. Vì niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, nên Đức Maria đã luôn tin tưởng và phó thác tất cả cho Ngài. Phải chăng người truyền giáo là người luôn tràn đầy niềm tin vào Thiên Chúa? Vì không ai cho người khác điều mà mình không có. Điều đó có nghĩa là nều chúng ta không tin tưởng vào Thiên Chúa thì làm sao chúng ta nói với người khác được về Thiên Chúa? Thật vậy, để việc truyền giáo được sinh hiệu quả và giúp nhiều người trở về với Chúa, thiết nghĩ người truyền giáo phải là người biết tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Nếu không những gì người truyền giáo giảng dạy chỉ là lý thuyết suông và toàn lời sáo ngữ.

Công việc truyền giáo nơi Đức Maria đã đạt đến đỉnh cao tại đồi Golgotha. Chúng ta biết rằng Đức Maria đã theo chân Chúa Giêsu trên mọi bước đường ngay cả bước đường Thương khó của Đức Giêsu Kitô. Trong giây phút Con Mẹ bị treo trên Thập Giá, các môn đệ đã trốn hết, còn Mẹ, Mẹ vẫn trung thành đứng dưới chân Thập Giá[11]. Một chứng nhân trung thành dẫu cho bao hiểm nguy vây hãm. Nói khác đi,  Đức Maria đã hiệp nhất hy tế với Con mình, cách nhìn đó đã được diễn tả cách đúng mức, giản dị và trang trọng trong một bản văn Công Đồng Vatican II: “Như thê, Đức Nữ Trinh cũng tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thập Giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Người đã đứng ở đó. Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra[12]. Như vậy, Đức Maria không chỉ hiện diện suông bên Thập giá của Đức Giêsu, Mẹ còn thông hiệp nỗi đau với Đức Giêsu. Đức Giêsu chịu đau khổ về thể xác nhưng Đức Maria đã chịu đau khổ trong tâm hồn. Phải chăng câu nói của Ông Simeon nay đã thành hiện thực “Hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu ngõ hầu tâm tư của nhiều tâm hồn phải bày ra[13]. Phải chăng người truyền giáo là người biết chia sẻ nỗi đau khổ với người khác? Phải chăng người truyền giáo là người gần gũi, kề cạnh và đau khổ chung với người đồng loại? Đức Maria đã làm được điều đó.

Mặt khác, việc truyền giáo của Đức Maria còn được thể hiện nơi Lễ Ngũ Tuần.[14] Sau khi tạm thời xa cách về mặt thân xác, vì Con Mẹ đã thăng thiên, Đức Maria về chung sống với các Môn đệ. Mẹ đã cùng với các Môn đệ chờ đợi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sự hiện diện của Mẹ đã đem lại niềm an ủi quý báu cho các môn đệ. Phải chăng truyền giáo là luôn đồng hành với người khác và dấn thân thực sự với người khác trong mọi hoàn cảnh?

Điều đặc biệt, sự im lặng của Đức Maria phải chăng là một chứng từ sống động của việc truyền giáo? Bởi vì, suốt cuộc đời của Đức Maria, Mẹ đã luôn luôn lắng nghe mọi Lời của Thiên Chúa qua Con của Mẹ và Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng. Một sự im lặng tuyệt vời. Im lặng ở đây không phải là không muốn nói gì nhưng im lặng được hiểu là trước sự cao cả của Thiên Chúa, Mẹ chỉ biết chiêm ngưỡng và cảm nhận thay vì nói ra bên ngoài. Một sự im lặng chỉ có Thiên Chúa với Đức Maria biết mà thôi: một cuộc gặp gỡ thân mật giữa Thiên Chúa và Đức Maria. Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng đã cảm nghiệm sự im lặng như vậy trong bốn bức tường kín của Tu viện. Sự im lặng hay sự gặp gỡ thân mật giữa chị thánh với Thiên Chúa đã làm cho bao nhiêu người trở về với Thiên Chúa. Sự im lặng của chị thánh đã trở thành người truyền giáo hiệu quả đến nỗi Giáo Hội đã chọn chị thánh làm Bổn Mạng Truyền Giáo của Giáo Hội. Quả thật, truyền giáo đâu chỉ là việc rao giảng bên ngoài, mà truyền giáo còn được thể hiện nơi việc tiếp xúc nội tâm với Thiên Chúa. Một cuộc tiếp xúc âm thầm nhưng hoa quả của nó đã triển nở khôn tả. Vì thế, phải chăng truyền giáo nơi Đức Maria không chỉ qua lời nói và việc làm của Mẹ, mà còn qua sự im lặng kỳ diệu của Mẹ nữa?

Qua những phân tích trên chúng ta có thể kết luận rằng Đức Maria quả là ngôi sao của việc truyền giáo. Mẹ đã để lại cho mỗi người chúng ta một mẫu gương truyền giáo tuyệt vời. Mẹ xứng đáng được gọi là Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ. Chúng ta hãy biết noi gương Mẹ để công việc truyền giáo của chúng ta ngày hôm nay mang lại nhiều kết quả cao và đưa được nhiều người về với Chúa.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
Trích nguồn: http://conggiao.info

 [1] Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, Tông Huấn  Sacramentum Caritatis, số 84

[2] Gl 2,20

[3] X. Mc 16,15

[4] Sứ điệp của ĐGH Bênêđictô 16 nhân ngày quốc tế truyền giáo 2010

[5] THẾ TÂM, Chuỗi Mân Côi và đời sống suy niệm, tr.15

[6] X. Lc 1, 42-43

[7] X. Lc 2, 16; Mt 2, 11-12

[8] TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Ai lên xứ Lạng, Nxb tôn giáo, 2010, tr.167

[9] X. Ga 2, 1-11

[10] X. Lc 1, 37

[11] X. Ga 19, 25-27

[12] LG 58

[13] X. Lc 2, 35

[14] X. Cv 1, 14

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube