Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Tiến Bước Trong Thánh Linh Làm Cho Chúng Ta Được Tự Do Và Vui Tươi

Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư ngày 10 tháng Mười Một năm 2021, như thường lệ, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 6.000 tín hữu hành hương, ngồi chật bên trong Đại thính đường Phaolô VI, ở Nội thành Vatican.

Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 35 tính từ đầu năm nay.

Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu, mọi người nghe đọc một đoạn cuối cùng, trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galat (6,9-10.18):

Lắng nghe Lời Chúa

“Anh em, chúng ta đừng mệt mỏi làm điều thiện; thực vậy, nếu chúng ta không nản chí, thì đến thời, chúng ta sẽ được gặt hái. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện đối với tất cả mọi người, nhất là đối với những anh chị em trong đức tin […]. Nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh chị em tràn đầy ân sủng. Amen”.

Bài huấn giáo

Tiếp đó, Đức Thánh cha trình bày bài thứ 15 và cũng là bài cuối, trong loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: “Chúng ta đừng mệt mỏi làm điều thiện”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta đang đi tới chỗ kết thúc các bài giáo lý về thư gửi tín hữu Galat. Lẽ ra, chúng ta có thể suy tư về bao nhiêu điều khác chứa đựng trong thư này của thánh Phaolô! Lời Chúa là một nguồn mạch vô tận. Và thánh Tông đồ, trong thư này đã nói với chúng ta, như một người loan báo Tin mừng, như một nhà thần học và chủ chăn.

Thánh Phaolô

Thánh giám mục Ignatio thành Antiokia có một kiểu diễn tả đẹp, khi ngài viết: “Chỉ có một Thầy duy nhất nói và điều Người nói được thực hiện; nhưng những điều Ngài làm khi thinh lặng đáng là của Chúa Cha. Ai có lời của Chúa Giêsu thì cũng có thể lắng nghe được sự thinh lặng của Người” (Ad Ephesios, 15,1-2). Chúng ta có thể nói rằng thánh Tông đồ Phaolô có khả năng mang lại tiếng nói cho sự thinh lặng ấy. Những trực giác của thánh nhân đặc sắc hơn giúp chúng ta khám phá sự mới mẻ sâu rộng chứa đựng trong mạc khải của Chúa Giêsu Kitô. Ngài thực là một nhà thần học, đã chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Kitô và đã thông truyền với trí thông minh sáng tạo của ngài. Ngài cũng có khả năng thực thi sứ mạng mục tử đối với một cộng đoàn bị lạc hướng và hoang mang. Thánh nhân thực hiện với các phương pháp khác nhau: thỉnh thoảng ngài dùng sự châm biếm, nghiêm khắc, hiền từ. Thánh nhân khẳng định quyền tông đồ, nhưng đồng thời không giấu giếm những yếu đuối về tính tình của mình. Trong con tim của ngài, sức mạnh của Thánh Linh đã thực sự tác động: cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh đã chinh phục và biến đổi trọn cuộc sống của thánh nhân, và ngài đã xả thân hoàn toàn để phục vụ Tin mừng.

Thánh Phaolô bênh vực tự do

Thánh Phaolô không bao giờ nghĩ đến một thứ Kitô giáo với những nét hòa hoãn, thiếu sự quyết liệt và nghị lực, ngược lại mới là đúng. Ngài đã bảo vệ tự do đã được Chúa Kitô mang lại, với lòng hăng say, làm cảm động cho đến ngày nay, nhất là nếu chúng ta nghĩ đến tất cả những đau khổ và cô đơn thánh nhân phải chịu. Thánh Phaolô xác tín đã nhận được một ơn gọi mà ngài chỉ có thể đáp lại; và ngài đã muốn giải thích cho người Galát rằng họ cũng được kêu gọi đạt tới tự do ấy, tự do giải thoát khỏi mọi hình thức nô lệ, vì tự do ấy làm cho họ trở thành những người thừa hưởng lời hứa xưa kia, và trở thành con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Ý thức về những rủi ro nguy hiểm mà quan niệm như thế về tự do mang theo, thánh Phaolô không bao giờ coi nhẹ các hậu quả. Thánh nhân thẳng thắn quả quyết với các tín hữu rằng tự do không hề có nghĩa là tháo thứ, cũng không dẫn tới những hình thức tự phụ tự mãn. Trái lại, thánh Phaolô đã đặt tự do dưới bóng của tình yêu và đã thiết định việc thi hành nhất quán tự do ấy trong việc phục vụ bác ái. Tất cả quan điểm ấy đã được đặt trong chân trời cuộc sống theo Thánh Linh, Đấng làm cho Lề Luật Chúa ban cho Israel được viên mãn và ngăn cản sự rơi trở lại dưới ách nô lệ của tội lỗi.

Hai thái độ

Vào cuối hành trình giáo lý này, tôi thấy có thể nảy sinh nơi chúng ta hai thái độ. Một đàng, giáo huấn của thánh Tông đồ tạo nên nơi chúng ta sự phấn khởi; chúng ta cảm thấy được thúc đẩy tức khắc đi theo con đường tự do, “tiến bước theo Thần Trí”. Đàng khác, chúng ta ý thức những giới hạn của mình, vì chúng ta cảm nghiệm mỗi ngày thật là cơ cực chừng nào để ngoan ngoãn đối với Thánh Linh, chiều theo hoạt động sinh lợi ích của Chúa. Vì thế, có thể xảy ra sự mệt mỏi ngăn cản sự hăng hái, đôi khi bị gạt ra ngoài lề so với lối sống theo não trạng trần tục. Thánh Augustinô gợi ý về cách thức chống lại tình trạng ấy, nhắc đến giai thoại Tin mừng về bão tố trên hồ. Ngài nói thế này: “Niềm tin Chúa Kitô ở trong tâm hồn bạn cũng như Chúa Kitô đang ở trên thuyền. Khi nghe những lời lăng mạ, bạn mệt mỏi, hoang mang, và Chúa Kitô ngủ. Hãy đánh thức Chúa Kitô, đánh động đức tin của bạn! Thậm chí trong hoang mang xáo trộn ấy, bạn có thể làm được điều gì đó. Hãy đánh thức đức tin của bạn. Xin Chúa Kitô thức dậy và nói với bạn… Vì thế hãy đánh thức Chúa Kitô. Hãy tin điều đã được nói, và sẽ có một niềm an bình lớn trong tâm hồn của bạn” (Discorso 163/B 6). Và đúng như vậy. Chúng ta phải đánh thức Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta và chỉ lúc ấy, chúng ta mới có thể chiêm ngắm những sự việc với cái nhìn của Chúa, vì Chúa nhìn xa hơn bão tố. Qua cái nhìn trong sáng, thanh thản của Ngài, chúng ta có thể nhìn thấy một toàn cảnh, mà một mình, chúng ta chẳng có thể nhận thấy.

Đừng mệt mỏi làm điều thiện

Trong hành trình vất vả nhưng nhiều thích thú này, thánh Tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể để cho mình bị mệt mỏi khi làm điều thiện. Chúng ta phải tín thác rằng Chúa Thánh Linh luôn đến giúp đỡ trong sự yếu đuối của chúng ta và ban ơn nâng đỡ chúng ta đang cần. Vì thế, chúng ta hãy học cách thường xuyên khẩn cầu hơn Chúa Thánh Linh! Chúng ta có thể làm điều đó bằng những lời đơn sơ, vào những lúc khác nhau trong ngày. Và chúng ta có thể mang theo mình, thí dụ kẹp một cuốn sách Tin mừng bỏ túi, một kinh nguyện đẹp mà Giáo hội vẫn đọc vào ngày lễ Hiện Xuống: “Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến, xin gửi từ trời cao một tia sáng của Chúa, xin hãy đến, hỡi Đấng là Cha những người nghèo, xin hãy đến, Đấng ban các hồng ân, xin hãy đến, Ánh sáng của các tâm hồn! Đấng An ủi tuyệt hảo, khách dịu dàng của tâm hồn, ơn an ủi rất dịu dàng…”. Và tiếp tục như thế, đó là một kinh nguyện rất đẹp. Chúng ta nên đọc thường xuyên. Chúng ta sẽ được giúp đỡ tiến bước trong Thánh Linh, trong tự do và trong vui tươi.

Chào thăm và nhắn nhủ

Bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các linh mục thông dịch, lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Đặc biệt khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Ngày mai là quốc khánh mừng độc lập của Ba Lan. Trong khi cảm tạ Chúa vì hồng ân tự do, chúng ta hãy nhớ rằng, – như thánh Gioan Phaolô II đã nói,- “tự do này phải được thực hành trên căn bản tình yêu Chúa, yêu tổ quốc và anh chị em” (13-11-2002). “Ngày nay thế giới và Ba Lan đang cần những người có con tim quảng đại, phục vụ trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương, chúc phúc thay vì chúc dữ, chinh phục đất với phúc lành” (Sopot 5.6.1999). Tôi cầu chúc mọi người an bình và mọi sự tốt lành, đồng thời phó thác mọi người Ba Lan cho Thiên Chúa. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em”.

Với các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các Hiệp hội giáo sĩ và hiệp hội những nhân viên phụng tự – những người coi phòng thánh nhà thờ. Ngài nói: “Tôi đánh giá cao việc phục vụ của anh chị em, và tôi khuyến khích anh chị em luôn chu toàn với tinh thần nhạy cảm mục vụ… Tôi cũng chào thăm các đại diện của ngành cảnh sát các Trung tâm cải huấn, lính cứu họa và các thực tại công đoàn khác thuộc phân bộ an ninh và quốc phòng: Tôi cầu chúc làm sao để nghề nghiệp của anh chị em được hiểu như một “sứ mạng” cần chu toàn, với khả năng chuyên môn và tinh thần trách nhiệm luân lý”.

Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm những người cao niên, bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắc đến lễ thánh Lêô Cả Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội thánh, đã tận hiến cuộc sống để bảo vệ và phổ biến chân lý Tin mừng. Nhờ sự chuyển cầu của thánh nhân, ước gì anh chị em có thể sống đức tin trong vui tươi và trở thành những chứng nhân thanh thản về tình yêu của Chúa”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube