Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Thánh Giuse Thực Là Một Vị Thầy Về Những Điều Thiết Yếu

Lúc 9 giờ, sáng thứ Tư, ngày 17 tháng Mười Một, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 5.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Nội thành Vatican.

Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 36 tính từ đầu năm nay. Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu, mọi người nghe đọc một đoạn cuối cùng trích từ đoạn 5 sách ngôn sứ Mikha (Mk 5,1.2-3.4):

Lắng nghe Lời Chúa

“Phần ngươi, hỡi Bethlehem Ephrata, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuda, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel […] Vì thế, Thiên Chúa sẽ đặt họ trong quyền của người khác cho đến khi người sẽ phải sinh sẽ sinh hạ; và phần còn lại của các anh em ngươi sẽ trở lại với con cái Israel. Người sẽ trỗi dậy và chăn dắt với sức mạnh của Chúa, với uy nghiêm của danh Chúa là Thiên Chúa của người […]. Chính Người sẽ là hòa bình!”

Bài huấn giáo

Tiếp đó, Đức Thánh cha đã bắt đầu loạt bài mới về thánh Giuse, nhân dịp năm kính thánh nhân. Bài thứ nhất có đề tài: “Thánh Giuse trong môi trường sống của ngài.”

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lý do loạt bài mới

Ngày 08 tháng Mười Hai năm 1870, chân phước Giáo hoàng Piô IX đã tôn thánh Giuse làm Bổn mạng Giáo hội hoàn vũ. 150 năm sau biến cố đó, chúng ta đang sống năm đặc biệt kính thánh nhân, và trong Tông thư “Patris corde”, Từ tâm lòng cha, tôi đã thu thập một số suy tư về hình ảnh của thánh Giuse. Chưa bao giờ như ngày nay, trong thời đại này có một cuộc khủng hoảng toàn cầu với nhiều yếu tố khác nhau, thánh nhân có thể nâng đỡ chúng ta, an ủi và hướng dẫn. Vì thế, tôi đã quyết định dành một chu kỳ giáo lý về thánh Giuse mà tôi hy vọng có thể giúp chúng ta càng để cho mình được gương sáng và chứng tá của thánh nhân soi sáng.

Ý nghĩa tên Giuse

Trong Kinh thánh có hơn 10 nhân vật mang tên Giuse. Vị quan trọng nhất trong số đó là con của Giacop và Rachele, qua nhiều thăng trầm, từ nô lệ đã trở thành nhân vật quan trọng thứ hai tại Ai Cập, sau vua Pharaon (Xc St 37-50). Danh Giuse, trong tiếng Do thái, có nghĩa là “Thiên Chúa tăng trưởng, làm tăng trưởng”. Đó là một lời cầu chúc, một lời chúc lành dựa trên niềm tín thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và đặc biệt nói về sự phong phú và sự gia tăng con cái. Thực vậy, chính danh xưng này tỏ cho chúng ta một khía cạnh nòng cốt trong nhân cách của thánh Giuse thành Nazareth. Ngài là một người đầy tin tưởng nơi Thiên Chúa, nơi sự quan phòng của Chúa. Mỗi hành động của thánh nhân được kể trong Tin mừng đều có chứa đựng sự chắc chắn rằng Thiên Chúa “làm tăng trưởng”, “tăng thêm”, “thêm vào”, nghĩa là Thên Chúa lo liệu để kế hoạch cứu độ của Ngài được tiến hành. Và trong khía cạnh này, thánh Giuse thành Nazareth rất giống ông Giuse Ai Cập.

Gốc gác địa lý

Đức Thánh cha nói thêm rằng: Cả một số tham chiếu chính về địa lý cũng nói về Giuse: Bethlehem và Nazareth có một vai trò quan trọng giúp hiểu chân dung thánh nhân.

Trong Cựu ước, thành Bethlehem được gọi với tên Beth Lechem, “Nhà bánh”, hoặc cũng gọi là Efrata, vì chi tộc định cư trên lãnh thổ ấy. Trái lại, trong tiếng Arập, tên ấy có nghĩa là “Nhà thịt”, có lẽ vì một số lượng lớn đoàn cừu và dê hiện diện trong vùng đó. Thực vậy, không phải tình cờ khi Chúa Giêsu sinh ra, những người chăn súc vật là những chứng nhân đầu tiên về biến cố ấy (Xc Lc 2,8-20). Dưới ánh sáng biến cố Chúa Giêsu, những ám chỉ về bánh và thịt gợi lại mầu nhiệm Thánh Thể: Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống (Xc Ga 6,51). Sau này Chúa nói về mình: “Ai ăn thịt và uống máu Thầy thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54).

Ý nghĩa Bethlehem

Bethlehem nhiều lần được trưng dẫn trong Kinh thánh, ngay từ sách Sáng Thế. Chuyện bà Rut và Noemi cũng gắn liền với Bethlehem, chuyện này được kể trong cuốn sách nhỏ nhưng tuyệt vời, Sách Bà Rut. Bà Rut sinh hạ một con trai tên là Obed từ đó sinh ra Iesse, cha của vua Đavít. Và thánh Giuse xuất thân từ dòng dõi Đavít, thánh nhân là cha của Chúa Giêsu về phương diện luật pháp. Rồi, ngôn sứ Mikha đã tiên báo nhiều điều vĩ đại về Bethlehem: “Và hỡi Bethlehem Efrata, ngươi bé nhỏ nhất trong số các làng mạc của Giuđa, từ ngươi sẽ phát sinh cho Ta Đấng sẽ là vị thống trị tại Israel” (Mk 5,1). Thánh sử Matthêu lấy lại lời ngôn sứ này và liên kết với lịch sử Chúa Giêsu như với sự thể hiện hiển nhiên lời tiên báo.

Chúa chọn nơi khiêm hạ

Thực vậy, Con Thiên Chúa không chọn Jerusalem như nơi nhập thể của Ngài, nhưng chọn Bethlehem và Nazareth, hai làng ở ngoại ô, xa những tiếng huyên náo của thời sự và quyền bính thời ấy. Tuy rằng Jerusalem là thành được Chúa yêu mến (Xc Is 62,1-12), là “thành thánh” (Dn 3,28) được Thiên Chúa chọn để cư ngụ (Xc Zc 3,2; Tv 132,13). Thực thế, tại đây có các nhà thông luật, các kinh sư và những người Pharisêu, các thủ lãnh tư và các kỳ lão trong dân (Xc Lc 2,46; Mt 15,1; Mc 3,22; Ga 1,19; Mt 26,3).

Đó là lý do tại sao việc chọn Bethlehem và Nazareth nói với chúng ta rằng vùng ở ven biên, ngoại ô và ở ngoài lề lại được Thiên Chúa ưa chuộng hơn. Không nghiêm túc để ý thực tại ấy có nghĩa là không coi trọng Tin mừng và công trình của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục biểu lộ trong những vùng ngoại biên về địa lý và trong cuộc sống. Đặc biệt, Chúa Giêsu đi tìm những người tội lỗi, đi vào nhà họ, nói với họ, kêu gọi họ hoán cải. Nhưng Ngài cũng đi tìm những người không làm sự ác nhưng họ phải chịu những sự ấy: các bệnh nhân, những người đói khổ, nghèo túng, những người rốt cùng.

Những “ngoại ô” trong xã hội ngày nay

Dưới khía cạnh đó, xã hội thời đó không khác xa xã hội thời nay. Cả ngày nay, có một trung tâm và một ngoại ô. Và Giáo hội biết rằng mình được kêu gọi loan báo Tin mừng từ những vùng ngoại ô. Thánh Giuse là một thợ mộc ở Nazareth và tín thác nơi dự án của Thiên Chúa về vị hôn thê trẻ của mình và về chính mình, nhắc nhở cho Giáo hội hãy ngắm nhìn điều mà thế giới cố ý làm ngơ không biết tới. Thánh nhân nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta hãy dành tầm quan trọng những gì mà người khác gạt bỏ. Theo nghĩa đó, thánh Giuse thực là một vị thầy về những điều thiết yếu: Ngài nhắc nhở chúng ta về điều thực không thu hút sự chú ý của chúng ta, nhưng nói một sự phân định để được khám phá và đề cao giá trị. Chúng ta hãy cầu xin thánh Giuse chuyển cầu để toàn thể Giáo hội phục hồi cái nhìn ấy, khả năng phân định và đề cao giá trị điều thiết yếu. Chúng ta hãy tái khởi hành từ Bethlehem, tái khởi hành từ Nazareth.

Quan tâm đến những người bị quên lãng

“Hôm nay tôi muốn gửi một sứ điệp đến tất cả những người nam nữ đang sống trong các khu ngoại ô địa lý bị quên lãng nhất trên thế giới hoặc đang sống trong những tình trạng ở ngoài lề cuộc sống. Ước gì anh chị em có thể tìm được nơi thánh Giuse một chứng nhân và là một vị phù hộ để hướng nhìn đến Ngài. Chúng ta có thể ngỏ lời với thánh nhân qua kinh nguyện này:

“Lạy thánh Giuse, ngài luôn tín thác nơi Thiên Chúa và đã thực hiện những chọn lựa theo sự hướng dẫn của Chúa Quan Phòng, xin dạy chúng con đừng trông cậy vào những dự phóng của chúng con, nhưng tin cậy nơi kế hoạch tình thương của Chúa. Thánh Giuse đến từ những khu vực ngoại ô, xin giúp chúng con hoán cải cái nhìn của chúng con, yêu chuộng những gì thế gian gạt bỏ và đặt ở ngoài lề. Xin thánh Giuse an ủi những người cảm thấy cô độc và nâng đỡ những người âm thầm dấn thân bảo vệ sự sống và phẩm giá con người. Amen.

Chào thăm và nhắn nhủ

Bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các linh mục thông dịch lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Với các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào các tham dự viên Hội nghị liên kết các Đền thánh Quốc gia, nhóm các nhân viên bệnh viện đa khoa thánh Matthêu ở thành Pavia bắc Ý. Ngài khích lệ họ hãy vui tươi gắn bó với thánh ý Chúa, tín thác nơi sự bảo vệ hiền mẫu của Đức Trinh nữ Maria.

Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm những người cao niên, bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nói: Phụng vụ hôm nay kính nhớ thánh nữ Elisabeth hoàng hậu Hungary, là một phụ nữ có đức tin sâu xa và lòng bác ái nhiệt thành. Ước gì tấm gương và sự chuyển cầu của thánh nữ bác ái nổi bật này giúp mỗi người chúng ta sống một đời sống nhân đức, với tâm hồn mở rộng, ra đi gặp gỡ những người đang ở trong cảnh túng thiếu.”

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube