Ngọc Yến – Vatican
Trên đây là những lời xúc động của một nữ tu giám đốc bệnh viện Công giáo thuộc Hội dòng Hy vọng Thánh, ở Giáo phận Hiến Huyện, tỉnh Hà Bắc gửi đến Hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo. Cũng như cơ sở chăm sóc sức khỏe này, nhiều bệnh viện Công giáo ở Trung Quốc đang ở tuyến đầu trong việc đối phó với sự lây lan của virus corona, tiếp nhận và điều trị cho những người nhiễm bệnh. Các tổ chức bác ái Công giáo, các Giáo phận, giáo xứ, phong trào Giáo hội, linh mục, nữ tu và giáo dân đang nỗ lực hết mình để đáp ứng nhu cầu của người dân Trung Quốc, làm cho mọi người cảm nhận được sự nâng đỡ của Giáo hội hoàn vũ.
Cuộc chiến chạy đua với thời gian
Ngay từ đầu, các cộng đoàn Công giáo đã huy động để tham gia vào “cuộc chiến chạy đua với thời gian” này: nhiều bệnh viện công giáo, doanh nghiệp, nhà máy do giáo dân quản lý đã sẵn sàng cho chính quyền dân sự sử dụng để đón nhận người nhiễm bệnh hoặc sản xuất các vật dụng y tế cần thiết.
Hoạt động tâm linh
Mặt khác, cộng đoàn Công giáo còn ngay lập tức hướng đến các hoạt động thiêng liêng, kêu gọi các cộng đoàn tín hữu không chỉ trong nước mà khắp nơi trên thế giới cùng nhau cầu nguyện.
Dấn thân cụ thể
Ngoài ra, Tổ chức Bác ái Jinde, tổ chức bác ái Công giáo lớn nhất đang hoạt động ở Trung Quốc, đã đưa ra lời kêu gọi gây quỹ mang tầm quốc tế. Tổ chức Bác ái Quốc tế và các Tổ chức Bác ái của các quốc gia khác là những tổ chức được Tổ chức Bác ái Jinde hướng tới đầu tiên, và sau đó là các bệnh viện Công giáo do các dòng tu điều hành trên khắp thế giới. Các tổ chức Bác Ái tại Trung Hoa cảm thấy được nâng đỡ sau những lời chia sẻ và kêu gọi cầu nguyện của Đức Thánh Cha tại buổi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày 26 tháng 01.
Một thông tin được gửi đến Hãng tin Fides, từ ngày 5 tháng 2, Tổ chức Bác ái Jinde đã nhận được 6 triệu nhân dân tệ từ thế giới Công giáo. Số tiền này đã dành hoàn toàn cho việc mua vật dụng cần thiết nhất. Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2, Tổ chức Bác ái Jinde đã cung cấp hơn 10 ngàn bộ quần áo bảo hộ, 100 máy trợ thở và 30 tấn chất khử trùng.
Cha Wang Wei, linh mục giáo xứ Shao Lin Kou của giáo phận Thiên Tân nói: “Chúng tôi là người Công giáo, tâm hồn và thông điệp tình yêu của chúng tôi là phổ quát. Nơi nào cần, ở đâu nhân loại đau khổ, chúng tôi sẵn sàng làm cho mọi người cảm nhận được sự gần gũi và tình bác ái, không phân biệt tôn giáo, dân tộc hay quốc tịch”. Theo cha Wang Wei, không thể kể hết những việc làm quảng đại, dấn thân to lớn của mọi người, bởi vì giờ đây nó đã là một hành động ảnh hưởng đến tất cả các cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc, những người đang làm phần của họ, với lời cầu nguyện, tuần cửu nhật, lẫn chuỗi và với các dấn thân cụ thể.
Đáp ứng nhu cầu mục vụ từ xa
Ngay cả đời sống đức tin ở Trung Quốc cũng thích nghi với tình huống khẩn cấp. Do không thể tổ chức các cuộc hội họp của các tín hữu, các vị mục tử đã tìm đến môi trường ảo, kết nối mạng, để có thể tiếp tục nuôi dưỡng đời tinh thần và cộng đoàn. Các công cụ công nghệ và ứng dụng nhắn tin mới, như WeChat, được sử dụng để chia sẻ trong các nhóm và cộng đoàn tín hữu các bài đọc phụng vụ trong ngày, lời giảng dạy của các Giám mục và bài giảng của các linh mục.
Với những tin nhắn hàng ngày, các vị mục tử cố gắng làm cho người già, bệnh tật, người túng thiếu và người cô đơn cảm thấy thoải mái và được an ủi. Ngày nay, phương tiện truyền thông xã hội trong cộng đoàn Công giáo Trung Quốc tràn đầy sự ấm áp của tình người, thiêng liêng và đó cũng là các kênh loan báo Tin Mừng, vì mọi người nhìn thấy các tín hữu đang hành động, sẵn sàng trao ban và chia sẻ niềm hy vọng của Tin Mừng. (Fides 6/02/2020)
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va/