Niềm Trông Cậy Cho Kẻ Chết

Sự phục sinh trở nên vô nghĩa khi tách rời khỏi thập giá. Chính tại trung tâm mầu nhiệm thập giá của đời sống Kitô hữu mà sự sống mới được tìm thấy hay được trao ban.

Thông thường, chúng ta hay để cho những suy nghĩ của mình nhảy vọt từ Thứ sáu Tuần thánh đến Chúa nhật Phục sinh, mà không quan tâm đủ đến ngày thứ hai trong cuộc vượt qua của Đức Kitô, đó là Thứ bảy Tuần thánh. Tuy nhiên, dẫu nghe có vẻ lạ lẫm, theo ngôn ngữ và luận lý của ân sủng, thì chính nơi trống rỗng, mất mát, sầu khổ và tối tăm này, ở không gian chuyển tiếp bị lãng quên giữa ngày thứ nhất và ngày thứ ba, ở giữa sự hư vô trống không giữa ngày cuối cùng trên thập giá và ngày đầu tiên của đời sống mới – trong vinh quang phục sinh – chính nơi đây chúng ta tìm thấy chiếc neo vững chắc nhất để hiểu về niềm hy vọng Kitô giáo. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ chú ý đến nhiều sắc thái ý nghĩa của hạn từ hy vọng.

“Hy vọng” là một hạn từ khó nắm bắt vì mang nhiều ý nghĩa. Tiếng Anh không diễn tả được hết các lớp ý nghĩa phong phú của hạn từ này. Tuy vậy, trong các ngôn ngữ khác thì lại có nhiều từ khác nhau để diễn tả các tầng ý nghĩa của hạn từ “hy vọng”. Trong tiếng Pháp, từ espoir diễn tả hy vọng như là một điều mong ước. Từ này được dùng để diễn tả sự hy vọng là trời sẽ không mưa vào ngày dã ngoại hoặc là tuyết sẽ không rơi khi chúng ta đi du lịch trong mùa Giáng sinh. Chúng ta cũng có thể hy vọng về một buổi phỏng vấn xin việc suôn sẻ, một sức khỏe tốt để có thể chu toàn các trách nhiệm hoặc hy vọng những người thân yêu của mình có thể tránh bệnh tật, tai nạn hay hy vọng một cuộc phẫu thuật thành công. Đến đây, chúng ta đã tiến gần hơn đến ý nghĩa sâu xa của hy vọng qua từ esperance trong tiếng Pháp. Sự hy vọng (esperance) giống như một chuyển động nội tâm, cho thấy hiện tại và viễn cảnh tương lai, hay khi không thấy chúng, thì trong ánh sáng của một khả năng khác, chuyển động này sẽ cho thấy một điều tốt đẹp hoặc thậm chí tốt hơn một chút. Sự hy vọng nhìn nhận rằng những gì có thể xảy ra trong hiện tại có lẽ chưa phải là tất cả. Nó còn mong đợi một điều gì khác – một con người, một vật, một sự kiện, một thời khắc, hoặc một tình trạng – trong khi chấp nhận rằng nếu và khi xảy đến, nó chỉ có thể xảy ra như một ân ban.

Hy vọng nằm ở tâm khảm con người. Không còn thứ gì khác chính yếu hơn đối với đời sống con người. Hy vọng là động lực của mọi sáng kiến con người, là ảnh hưởng ngầm của mọi hoạt động con người. Nó thôi thúc và thúc đẩy con người; nó tìm kiếm những gì mới đang tới, mà trước đó chưa từng có. Hy vọng là động năng mang chúng ta từ thời điểm này đến thời điểm kia, hướng chúng ta nhìn từ hiện tại đến tương lai, từ những gì hiện có đến những gì vẫn chưa tới, và có lẽ cả những gì hiện chưa có. Nó là động năng của con người đang trên đường đi (in via). Hy vọng bị tiêu hao trong thất vọng khi buông xuôi trước thất bại và trong sự tự phụ khi quá chắc chắn hoàn thành. Cả hai đều phản bội lại hy vọng, vì qua chúng, con người tìm cách phủ nhận cuộc hiện sinh du hành của mình, chỉ ước muốn thay vì kiểm soát và rồi đoan chắc về những gì xảy ra phía trước.

Hình thức sâu xa nhất của hy vọng cắm rễ trong niềm xác tín rằng vẫn còn nhiều điều phải nói và có thể còn có tin tốt lành nữa. Hy vọng là chờ đợi và khao khát. Nó không phải là sự bồn chồn, mà giống như điều dự đoán hơn là mong đợi.

Ở mức độ ý nghĩa sâu sắc hơn này, hy vọng (esperance) không phải là chủ nghĩa lạc quan. Không nên đánh đồng hy vọng với cảm giác thích thú mà chúng ta có thể cảm nhận khi công việc dường như đang diễn ra theo ý của mình. Hy vọng cũng không phải là động lực để chúng ta dồn hết năng lượng và thời gian cho một ai hay một điều gì đó nhằm có cơ may thành công. Đúng hơn, hy vọng là niềm tin vững vàng sẽ có điều gì đó đáng giá cho bất cứ điều gì tôi phải bỏ đi, cho dù nó có kết quả như thế nào.

Chúng ta hy vọng trong lúc càng tuyệt vọng thì hy vọng càng sâu sắc hơn, trong những hoàn cảnh càng bị cấm đoán thì những gì khó thành công lại càng trở nên tốt hơn. Càng có vẻ vô vọng trong hiện tại thì lại càng mãnh liệt hy vọng những điều tốt hơn.

Hy vọng không đứng yên một chỗ. Nó vươn mình về phía trước, với xác tín là sẽ có cách để vượt qua mọi khó khăn trước mắt, cũng như mọi thứ đều có thể được giải quyết ngay cả khi có vẻ khó xảy ra. Hy vọng là nhận thức không lay chuyển về điều có thể xảy ra hoặc có thể là. Nó luôn hướng đến điều tốt đẹp trong tương lai tuy có khó khăn nhưng không phải hoàn toàn không thể đạt được. Hy vọng mong mỏi tìm thấy hoặc kiến tạo một con đường vượt qua mọi ngõ cụt. Hy vọng càng lớn mạnh khi phương sách cuối cùng dường như không giúp được chúng ta, khi chúng ta đi đến chỗ phải bó tay trước một tình huống dường như không còn một khả năng nào cả. Ngay cả khi chúng ta bất ngờ bị dừng lại, thì hy vọng vẫn cố tìm cho kì được lối tiến về phía trước.

NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
Đặc biệt trong Kitô giáo, hy vọng hay trông cậy là một trong ba nhân đức đối thần. Xen giữa đức tin và đức mến, đức cậy giống như đứa con giữa trong gia đình, không được quan tâm bằng những đứa con khác như chúng ta vẫn hay nói. Thông thường các Kitô hữu hay nại đến bản văn của thánh Phaolô, trong đó ngài khẳng định rằng đến cuối cùng đức tin, đức cậy và đức mến đều tồn tại, “nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Tuy nhiên, đức cậy vẫn kéo dài và vẫn tồn tại. Đức tin và đức mến cũng thế. Thật vậy, có một sự trùng lặp rất lớn giữa ba nhân đức. Một mặt, có một sự tương đồng đáng kể giữa đức trông cậy, tin tưởng, và phó thác, dù tin tưởng và phó thác thường liên kết với đức tin. Mặt khác, đức trông cậy thì gần với ước ao, ước muốn và khao khát, cả ba hạn từ này thông thường liên kết với đức mến.

Những sự phân biệt giữa ba nhân đức đối thần này chỉ giúp chúng ta hiểu các chiều kích khác nhau của cùng một thực tại ân huệ có thể giúp chúng ta đào sâu tương quan với Thiên Chúa cũng như có thể đáp trả ân huệ này.

Vậy đức cậy có nét gì riêng biệt? Liệu có gì liên quan đến con người và giữa con người với Thiên Chúa để chúng ta gọi đúng tên là đức cậy, khác với điều mà chúng ta gọi tên là “đức tin” và “đức mến”?

Cách chung, những thần học gia trong truyền thống Kitô giáo khẳng định rằng đức cậy dựa trên những gì đức tin đã khẳng định. Đức tin đi bước trước. Khi người Kitô hữu nói rằng: “Vâng, con chấp nhận, con tin”, thì đức cậy được đặt vào những gì vừa được xác nhận. Chúng ta sống những điều chúng ta tin, và hy vọng bằng đức ái, hay đức mến.

Nói cách khác, đức tin là một chuyển động của lý trí. Đức ái là hành động. Niềm hy vọng là năng lực thôi thúc và thúc đẩy cả đức tin lẫn đức ái.

Khi xem xét những nhận thức của Karl Rahner, chúng ta có thể nói rằng đức cậy hay hy vọng củng cố đức tin và đức mến. Niềm hy vọng chính là điều kiện để có thể tin tưởng và yêu thương. Nó là lối mở đến ánh sáng của đức tin và hành động của đức mến. Niềm hy vọng trong mỗi người là khả năng mở ra cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa vốn được mặc khải trong Ngôi Lời và Thần Khí. Niềm hy vọng chính là khả năng này, nó ở trong chúng ta và định rõ chúng ta là người lữ hành (homo viator), là người đang trên đường, rộng mở cho một điều gì đó mới mẻ sắp thành hình bên trong chúng ta, điều mà trước đây chúng ta nghĩ là gần như không thể, ngoài sức tưởng tượng.

Là một nhân đức đối thần, đức cậy là một ân ban và cũng là hành vi của chúng ta. Chúng ta lớn lên trong đức cậy chính là nhờ hy vọng và hành động trong hy vọng. Đức cậy phải được rèn luyện, ngay cả khi phải đối mặt với những điều dường như vô vọng, đặc biệt khi đối diện với cảm giác thất vọng của chính mình.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube