Giải Tội Chung Trong Đại Dịch Covid-19

GIẢI TỘI CHUNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID 19
Trong tình trạng đại dịch cúm Covid 19 đang diễn ra, để phòng ngừa, vấn đề được đặt ra là: Có thể áp dụng Giáo luật để cho phép được ban ơn xá giải chung (general solution) cho nhiều hối nhân cùng một lúc được không?

1. Việc hòa giải có thể thực hiện bằng cách khác
Điều 960 quy định:

Việc xưng tội riêng và xưng tội đầy đủ cùng với việc xá giải tạo thành phương cách thông thường duy nhất, nhờ đó một tín hữu ý thức mình có tội trọng được hoà giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội; chỉ có sự bất khả thể lý hay luân lý mới miễn chuẩn việc xưng tội như trên, trong trường hợp này, việc hoà giải cũng có thể được thực hiện bằng những cách khác.
Như vậy khi có “bất khả thể lý hay luân lý” (impossibilitas physica vel moralis) thì có thể “miễn chuẩn việc xưng tội như trên”, nghĩa là miễn việc “xưng tội riêng và xưng tội đầy đủ”.
Bất khả thể lý, hay vật lý, có thể ví dụ như: đường xa, ngăn trở, có nhiều nguy hiểm… khiến quá khó hay không thể nào đến được với cha Giải Tội; bệnh nhân quá yếu, không thể xét mình hay không đủ sức lực để xưng thú tội.
Bất khả luân lý thì thuộc loại bất khả về tinh thần, ví dụ như người đang mắc tội trọng thấy mình không thể xưng tội với một linh mục lại là người thân của mình.
Điều 916 quy định trong những trường hợp bất khả thể lý hay luân lý, việc miễn chuẩn xưng tội riêng và “việc hoà giải cũng có thể được thực hiện bằng những cách khác”.
Những “cách khác” đó, có thể kể như việc ăn tội cách trọn của người đang mắc tội trọng, có thể được Rước lễ, vì có lý do nghiêm trọng, không thể xưng tội trước (đ. 916); hay một bệnh nhân nguy tử không thể xưng tội, linh mục dùng năng quyền của Hội Thánh ủy thác ban ơn xá giải để ban ơn đại xá và tha thứ mọi tội lỗi cho bệnh nhân (x. Nghi thức Xức Dầu trong lúc nguy tử).

2. Xá giải chung
Trong những cách hòa giải cách khác đó, điều 961-963 quy định về việc ban ơn xá giải chung (general absolution).
Sự khác nhau giữa xá giải riêng và chung là: Trong phương cách ban ơn xá giải riêng, mỗi cá nhân phải xưng thú tội một cách riêng trước, và ngay sau đó vị giải tội ban ơn xá giải; trong phương cách giải tội chung, vị giải tội ban ơn xá giải, mỗi cá nhân không phải xưng thú các tội của mình.
Tuy nhiên việc giải tội chung chỉ được áp dụng trong trường hợp có ngăn trở thể lý hay luân lý như điều 960 quy định. Điều 961 nêu ra hai trường hợp có thể ban ơn xá giải chung:

Điều 961
§1. Không thể ban ơn xá giải chung cho nhiều hối nhân cùng một lúc nếu mỗi cá nhân không thú tội trước, trừ:
10 Trường hợp nguy tử sắp xảy ra và không đủ thời giờ để cho một hay nhiều tư tế nghe từng hối nhân xưng tội;
20 Trường hợp có nhu cầu nghiêm trọng, nghĩa là khi có đông hối nhân mà không có đủ cha giải tội để nghe từng người xưng tội đúng cách trong một thời gian thích hợp, đến nỗi các hối nhân không được lãnh ơn của bí tích hoặc không được rước lễ trong thời gian lâu dài mà không do lỗi của họ, tuy nhiên, không được coi là có nhu cầu đủ, khi không có sẵn cha giải tội chỉ vì có đông hối nhân như có thể xảy ra trong một ngày lễ lớn hoặc trong một cuộc hành hương lớn nào đó.
§2. Việc nhận định xem những điều kiện cần thiết chiếu theo quy tắc của §l, 20 có hay không là thuộc về Giám Mục Giáo Phận; ngài có thể xác định những trường hợp có nhu cầu như thế, dựa vào những tiêu chuẩn đã được thoả thuận chung với các thành viên khác của Hội Đồng Giám Mục
a- Trường hợp nguy tử
Trường hợp thứ nhất, là “nguy tử sắp xảy ra”. Bệnh cảm cúm Covid 19 được coi là đại dịch đang lan rộng khắp hoàn cầu, đe dọa mạng sống con người. Rõ ràng là sự ngăn ngừa trước là khâu then chốt. Một khi đã có một số người nhiễm bệnh thì nguy hiểm lây lan tăng lên gấp bội. Biện pháp, đề phòng, cách ly… được tích cực thực hiện, xét cho cùng là để tránh “nguy tử sắp xảy ra”. Trường hợp này được ban ơn xá giải chung vì lý do nguy hiểm về thân xác.

b– Trường hợp có nhu cầu nghiêm trọng
Trường hợp thứ hai, là có nhu cầu nghiêm trọng. Điều nghiêm trọng muốn nói ở đây là “hối nhân không được lãnh ơn của bí tích hoặc không được rước lễ trong thời gian lâu dài mà không do lỗi của họ“. Trường hợp này được ban ơn xá giải chung vì lý do tín hữu bị thiệt hại, không được lãnh nhận ơn thánh.
Như vậy việc giải tội chung được ban khi có lý do nguy hiểm về thân xác hay thiệt hại về phần linh hồn.
Trong cả hai trường hợp đều kèm theo một điều kiện nữa là “không đủ thời giờ để cho một hay nhiều tư tế nghe từng hối nhân xưng tội”.
Nếu áp dụng vào trường hợp  phòng chống bệnh dịch, thì điều kiện “không đủ thời giờ” nói trên không đáp ứng đúng theo nghĩa hẹp, vì hiện nay vẫn có đủ linh mục và vẫn có đủ giờ để nghe xưng thú tội riêng của từng hối nhân.
Tuy nhiên, ở đây, cần hiểu là  thời gian vẫn “hiện hữu”, vẫn “có đó” một cách tự nhiên của vũ trụ, nhưng vị linh mục phải dành thời gian đó cho một việc khác, như là việc cử hành Thánh lễ…, mà việc khác đó (cử hành Thánh Lễ) nếu bị bỏ đi thì gây thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đoàn tín hữu. Vì vậy điều kiện này khi đặt vào hoàn cảnh dịch bệnh thì cũng tương tự: Nếu dành cho việc nghe xưng thú tội riêng thì gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đoàn tín hữu.
Chúng ta còn có thể hiểu, điều kiện này được hiểu là sự bất khả thể lý về phía linh mục. Ta có thể thấy rằng, sự nguy tử hay thiệt hại nghiêm trọng có thể sắp xảy ra cho cộng đoàn, cho quốc gia, tạo thành sự bất khả cho linh mục nghe hối nhân xưng tội. Ta xác định nó tạo thành sự bất khả, vì ngược lại, nếu cho rằng đó là khả thể thì lại gây ra sự nguy tử hay thiệt hại nghiêm trọng, không lường được.
Vì vậy, điều kiện không có linh mục để nghe giải tội vì không có đủ thời gian để nghe xưng thú tội, theo điều 961, cũng được xem là tương tự với điều kiện “Không thể có linh mục để nghe giải tội”.
Tại sao ta lại có thể giải thích sang nghĩa rộng để áp dụng điều 961 như vậy?
Giáo Luật đã cho phép ta được giải thích, theo những nguyên tắc như sau:
– Áp dụng một cách tương tự, với sự hợp tình hợp lý, như điều 19 quy định:

Trong một trường hợp đã được xác định, nếu không có quy định minh nhiên của luật phổ quát hay của luật địa phương hoặc nếu không có tục lệ, thì sự việc phải được giải quyết theo những luật đã được ban hành trong những trường hợp tương tự, theo những nguyên tắc tổng quát của luật đã được áp dụng với sự hợp tình hợp lý của Giáo luật, theo án lệ và cách thực hành của Giáo-triều Rôma, theo ý kiến chung và kiên định của các học giả, trừ khi đó là vụ án hình sự.
Trường hợp xác định” ở đây là tình trạng bệnh dịch và việc giải tội; đã không có luật quy định về trường hợp này. Ta có thể giải quyết theo “những luật đã được ban hành trong những trường hợp tương tự, theo những nguyên tắc tổng quát của luật đã được áp dụng với sự hợp tình hợp lý của Giáo luật”.
– Luật hạn chế quyền lợi cho tín hữu được giải thích theo “nghĩa hẹp”, nhưng có lợi cho họ thì được giải thích theo “nghĩa rộng”, tương tự như việc giải thích một văn kiện hành chính ở điều 36§1:
Một văn kiện hành chính phải được hiểu theo nghĩa đen của từ ngữ và theo ngôn ngữ thường dùng; trong trường hợp hồ nghi, những văn kiện hành chính liên quan đến tranh tụng, ngăm đe hay tuyên kết một hình phạt, hạn chế quyền lợi của cá nhân, xâm phạm quyền thủ đắc của người khác hoặc ngược với một luật có lợi cho tư nhân, thì phải được giải thích theo nghĩa hẹp; còn những hành vi hành chính khác phải được giải thích theo nghĩa rộng.
3. Xác định nguy cơ lây nhiễm của việc xưng tội riêng là rất lớn
Ở phần trên ta đã  khẳng định: việc nghe xưng tội riêng sẽ có thể gây ra sự nguy tử, cần phải tránh. Vậy hãy xác định lại khẳng định trên có đúng không hay đúng với hiện trạng ở mức độ nào? Có thể tránh được bằng những biện pháp nào khác không?
Về vấn đề thứ nhất, thì theo y khoa, rõ ràng là việc tiếp xúc sẽ lây nhiễm và mức độ lây nhiễm rất nghiêm trọng, gây thiệt hại khủng khiếp. Vì vậy, biện pháp cách ly được áp dụng cách triệt để phòng dịch.
Vấn đề thứ hai, trong việc giải tội riêng, có thể dùng những biện pháp ngăn ngừa khác để phòng dịch một cách an toàn hay không. Câu trả lời sẽ là phủ định, tức là không an toàn, như được xem xét như sau:
Việc xưng tội riêng bao gồm việc một linh mục giải tội, ngồi nghe hàng trăm hàng ngàn người đến gần bên mình nói và mình phải lắng nghe, với một khoảng cách rất gần, khoảng từ 20cm đến 50cm. Một linh mục phải tiếp cận với số lượng hối nhân lớn như vậy, nguy cơ bị nhiễm rất cao, tăng gấp trăm ngàn lần. Nguy cơ lây nhiễm tỷ lệ thuận với việc tiếp xúc. Khi quốc gia chưa công bố tình trạng an toàn, thì nguy cơ vẫn còn, cho dù có rất ít người nhiễm bệnh.
Một tấm màng lớn (chứ không phải màng nhỏ quen dùng nơi tòa giải tội) và cả hai, cha giải tội và hối nhân, đều mang khẩu trang cũng chỉ có tác dụng tương đối, chứ vẫn không đạt tới mức an toàn. Virus rất bé nhỏ lan tỏa trong không khí trong các bụi nước của hơi thở. Ở khoảng cách gần 1-2 mét khó mà ngăn cản việc hít phải hơi thở của người khác. Khả năng lọc các vi khuẩn, virut lại cũng tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng khẩu trang. Có những khẩu trang giá vài ngàn nhưng cũng có những khẩu trang hàng trăm ngàn đồng; có những khẩu trạng có màng hóa chất lọc được vi khuẩn, virus, lại có những khẩu trang chỉ lọc được bụi vì chỉ làm bằng vải đơn thuần; có những khẩu trang đủ kín, lại có những khẩu trang không đù kín…
Một linh mục đang hoạt động, nếu nhiễm bệnh, thì sẽ là nguồn siêu lây nhiễm và khó mà được kiểm soát, vì hàng ngày, ngài phải tiếp xúc với bao nhiêu người qua Thánh Lễ. Khi bệnh được phát hiện, thì vị linh mục này đã gây nhiễm cho bao nhiêu người. Trong trường hợp này, quả là quá khó khăn để kiểm dịch.
Vì vậy việc bảo vệ linh mục khỏi nhiễm bệnh phải đặt lên hàng đầu, được thực hiện do giáo quyền cũng như do chính bản thân linh mục.
Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm giữa các hối nhân cũng khó mà tránh được, khi có rất nhiều người vào quỳ vào cùng một chỗ mà người khác đã quỳ, để tay lên cùng một chỗ mà người khác đã để tay, hít cái không khí mà người khác đã thở ra. Không lẽ, sau mỗi người xưng tội thì phải xịt thuốc hay lau chùi và thổi bay đi cái hơi thở của hối nhân đang còn nơi đó!
Nguy cơ lây nhiễm trong trường hợp xưng tội riêng cũng cao hơn nhiều so với việc dự lễ trong nhà thờ. Trong nhà thờ họ có thể chỉ đứng gần dăm ba người bên cạnh, nhưng nơi tòa giải tội họ tiếp xúc với hàng trăm người khác, qua việc quỳ chung một chỗ, đặt tay trên cùng một chỗ, hít hơi thở trên cùng một khoảng không khí.

4. Tùy thuộc vào nhận định của Giám mục giáo phận
Việc nhận định xem có thể áp dụng việc giải tội chung trong tình trạng bệnh dịch hiện nay thì tùy thuộc Giám mục giaó phận, như điều 961§2 quy đinh:

Việc nhận định xem những điều kiện cần thiết chiếu theo quy tắc của §l, 20 có hay không là thuộc về Giám Mục Giáo Phận; ngài có thể xác định những trường hợp có nhu cầu như thế, dựa vào những tiêu chuẩn đã được thoả thuận chung với các thành viên khác của Hội Đồng Giám Mục.
5. Điều kiện để  được ơn xá giải chung hữu hiệu
Điều 962 quy định :
§1. Để hưởng nhờ hữu hiệu một ơn xá giải bí tích được ban cùng một lúc cho nhiều người, người Kitô hữu không những phải được chuẩn bị đầy đủ, mà đồng thời còn phải có chủ tâm là sẽ đi xưng tội riêng vào thời gian thích hợp, về các tội trọng mà hiện tại họ không thể xưng thú như vậy được.
Triệt 1 của điều 962 đòi hỏi sự đi xưng tội riêng về các tội trọng mà hiện tại không thể xưng thú. Chú ý, ở đây Giáo luật đòi hỏi có sự “chủ tâm” hay “chủ định” (propositus, intention) chứ không đòi phải thực hiện một cách thực tiễn. Vì vậy trong thời gian chưa được công bố an toàn về dịch bệnh, thì hối nhân vẫn có lý do được miễn xưng tội riêng, miễn là vẫn có chủ tâm muốn đi xưng tội riêng khi có thể thì cũng đủ, để được ơn tha thứ các tội nặng nhẹ.

6. Thực hiện sự thống hối ăn năn
Triệt 2 của điều 962 đòi hỏi sự ăn năn sám hối:

§2. Trong mức độ có thể, ngay vào dịp lãnh nhận một ơn xá giải chung, các Kitô hứa phải được dạy cho biết những điều kiện buộc phải có chiếu theo quy tắc của §1. Và kể cả trong trường hợp nguy tử, nếu còn thời giờ, thì phải khuyên bảo trước khi xá giải chung, để mỗi người lo giục lòng ăn năn Sám Hối (CIS 721).
Điều 987 chỉ dẫn:
Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích Sám Hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình.
Các tín hữu có thể nhầm lẫn khi cho rằng, bí tích Giải tội tha hết mọi tội một cách vô điều kiện khi được cha giải tội ban ơn tha tội. Họ nên được lưu ý rằng, để hưởng nhờ ơn tha tội, điều kiện cần thiết là phải có quyết tâm sửa mình, cải thiện đời sống. Hiệu quả tại sự của Bí tích Giải tội, tức là hiệu quả được tha thứ, thì đi đôi với sự ăn năn thống hối. Điều này có nghĩa là, ơn tha thứ là có mức độ, ít hay nhiều, thì tùy thuộc vào sự ăn năn thống hối, cải thiện đời sống, tùy vào lòng yêu mến.
Về sự tha thứ đối với người phụ nữ tội lỗi, khóc lóc về tội mình, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người, lấy tóc mình mà lau… Chúa Giêsu đã với ông Simon: “Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47).
Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube