Chúng ta không thể xây dựng Giáo Hội, nếu thiếu tinh thần vâng phục. Và ơn gọi nền tảng của người môn đệ Đức Giêsu là vâng phục.
1. Không thể phân biệt “Lời Chúa vĩnh cửu” và “Lời Chúa hiện thực”:
Lần đầu tiên người viết đuợc nghe sự phân biệt Lời Chúa vĩnh cửu và Lời Chúa hiện thực, được cắt nghiã rõ ràng trong clip 196 này. Theo đó, Lời Chúa trong Kinh Thánh là Lời Chúa vĩnh cửu, và Lời Chúa được Chúa Cha mặc khải cho chị Thiên Thương là Lời Chúa hiện thực.
Khi phân biệt Lời Chúa như thế, người nghe sẽ có cảm tưởng có “hai loại” Lời Chúa, một loại vĩnh cửu được ghi lại và đặt ở đâu đó, không dính dáng gì đến đời sống, không gần gũi con người, không ăn sâu, bén rễ trong cuộc sống nhân sinh. Đối trọng là Lời Chúa hiện thực, một loại Lời Chúa đang có mặt, đang hoạt động, vì đụng chạm đến đời sống thực của con người.
Như chúng ta biết, Kinh Thánh Cựu Ước là Lời Thiên Chúa nói với Ítraen, dân Ngài ngay trong lịch sử của dân tộc, ngay giữa các sự kiện của đời sống, như khi Thiên Chúa chọn Ápraham, chuyện son sẻ của Xara, vợ ông, chuyện sinh Isaác và thử thách của Ápraham khi Thiên Chúa muốn ông đem con trai duy nhất lên núi sát tế làm của lễ dâng Ngài (x. St 12, 1-7 ; 21,1-7 ; 22,1-18) đến những biến cố vĩ đại của cả nòi giống, dân tộc như cuộc xuất hành rời bỏ đất nô lệ Ai Cập đi về Đất Hứa, những tháng ngày nội chiến, những năm tháng ly tán, đầy đọa …
Và trọn bộ Kinh Thánh Cựu Ước, không có Lời nào của Thiên Chúa Giavê, cũng như những lời Ngài nói qua các ngôn sứ đã ở ngoài cuộc sống, đã lơ mơ, bay bổng ngoài cuộc sống, nghiã là không hiện thực, không thực sự ở trong đời sống, không đang thực hiện trong cuộc sống. Trái lại, từng Lời Thiên Chúa trong Cựu Ước đã là những lời chỉ bảo, dạy dỗ, trách móc, kể cả trừng phạt của Thiên Chúa đối với dân Ngài, và trong tất cả mọi hoàn cảnh, tình huống Thiên Chúa đều ngỏ lời nói với con người ngay trong hiện sinh sống động của họ.
Đến thời Tân Ước, thì chính Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa (x. Ga 1,1.9-12.14), là Lời sống động của Thiên Chúa nói với con người bằng chính sự sống, sự chết và phục sinh của Ngài. Lời Thiên Chúa sống động khi là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), mà ngoài Lời là “Đường, Sự Thật, Sự Sống” của Ngôi Lời, thử hỏi lời nào có thể hiện thực, nghĩa là sống động, gần gũi, gắn chặt, trầm mình sâu trong đời sống con người hơn? Ngoài Ngôi Lời là Thiên Chúa đã từ bỏ trời cao để mặc lấy tron vẹn thân phận con người, hầu nói với con người điều Thiên Chúa muốn nói bằng chính ngôn ngữ của con người, thử hỏi có lời nào hiện thực, ở với con người sâu sát, và sống động hơn không ?
Vì thế, không có “Lời Chúa hiện thực” được mặc khải qua chị Thiên Thương, mà chỉ có Lời Chúa đã được mặc khải trong Cựu Ước và bởi chính Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô trong Tân Ước. Lời Chúa ấy, tự bản chất, không chỉ vĩnh cửu, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24,35) mà còn luôn sống động, hiện thực, vì “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4), bởi Lời Chúa là lời tạo dựng, làm cho vạn vật từ hư không được hiện thực, sống động: “Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng” (St 1,3), và “Cả địa cầu phải kính sợ Chúa, mọi thế nhân hãy khiếp oai Người. Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên.” (Tv 32,8-9); Lời Chúa là lời chữa lành (x. Tv 106,20), như lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng đón rước Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8); Lời Chúa là lời cứu độ như Đức Giêsu trên Thánh Giá đã ban nước Trời cho người gian phi cùng bị đóng đinh khi Ngài hứa: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
Vấn đề còn lại của chúng ta là mức độ đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống của mỗi người. Dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng Matthêu (x. Mt 13,3-8) đã được chính Đức Giêsu cắt nghĩa: Người gieo giống là Đức Giêsu, hạt giống là Lời Chúa: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan, hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh quang phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết qủa gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết qủa và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13,19-23).
Như thế, không có sự phân biệt Lời Chúa vĩnh cửu và Lời Chúa hiện thực, mà chỉ có Lời Chúa, “là Đường, Sự Thật và Sự Sống” được Thiên Chúa gieo vào lòng mỗi người, và tùy mỗi người, Lời ấy có được sinh hoa kết trái trong đời sống, có được thể hiện cách sống động trong sinh hoạt hằng ngày, có được trở thành lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng hay không?
Tắt một lời, người Kitô hữu chúng ta có sống Lời Chúa, hay chỉ xem Lời Chúa như những áng văn cổ, bất hủ làm tăng giá trị của tủ sách? Bởi khi sống Lời Chúa, tức lắng nghe Lời Chúa, tin vào Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa, thực hành Lời Chúa, bằng để Lời Chúa thấm nhập vào tư tưởng, lời nói, việc làm, chúng ta sẽ được Lời Chúa đổi mới, thánh hóa, cứu độ, như Phêrô đã thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sư sống đời đời” (Ga 6,68).
Và cũng với Lời Chúa, chúng ta chống lại ma quỷ, và trừ quỷ. Vấn đề là chúng ta tin Lời Chúa có sức mạnh giải thoát và cứu rỗi, như một người kia có con trai bị quỷ ám đã đến gặp Đức Giêsu và phàn nàn: “Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi” (Mc 9,18). Nghe vậy, Đức Giêsu than thở: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi” (Mc 9,19). Và Ngài đã trừ quỷ và chữa lành cậu bé, đồng thời quả quyết: “Mọi sự đều có thể với người tin” (Mc 9,23), và “giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” (Mc 9,29). Điều đó làm chứng: Lời Chúa trong Kinh Thánh đã cho chúng ta biết phải làm gì đối với ma quỷ, chứ không phải đợi đến hôm nay, với “Lời Chúa hiện thực”, chúng ta mới biết phải ứng xử thế nào. Bằng chứng này cũng là nền tảng cho phép chúng ta tin vào công thức trừ quỷ của Giáo Hội, và cẩn trọng khi chấp nhận những công thức trừ quỷ khác, dựa trên những “mặc khải” mới lạ.
2. Đức Tin của Phêrô hay đức tin nào khác?
Khi xác tín là người công giáo, chúng ta xác tín mình tin với đức tin đã được thánh Phêrô, tông đồ trưởng long trọng tuyên xưng trước mặt Đức Giêsu, có anh em tông đồ hiện diện đồng tình: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và đức tin ấy đã được Đức Giêsu công khai chứng thực: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là gười có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy , Đấng ngự trên trời” (Mt 16,16-17).
Tin với đức tin của Phêrô, mà không là đức tin của ai khác, vì đức tin của ai đó có thể là đức tin vào một Đấng Thiêng Liêng, Toàn Năng, nhưng không là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô; tin với đức tin của Phêrô là tin vào một Thiên Chúa làm người, ở giữa loài người, mà không tin vào một thiên chúa xa xôi, xa lạ với con người; tin với đức tin của Phêrô là tin vào Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã nói với con người về Thiên Chúa, và tương quan Cha -Con mật thiết giữa Thiên Chúa và con người; tin với đức tin của Phêrô là tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu đã dâng hiến mạng sống mình để chuộc tội muôn dân.
Tin với đức tin của Phêrô còn là tin vào một Hội Thánh được chính Đức Giêsu thiết lập trên tảng đá tông đồ trưởng, khi Ngài gọi đích danh: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghiã là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hôi Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Tin với đức tin này là tin vào nền tảng của Giáo Hội được đặt trên con người của Phêrô, dù là con người yếu đuối đã công khai chối Thầy ba lần khi Thầy đang bị tra khảo trong dinh thượng tế Caipha; tin với đức tin của Phêrô là chấp nhận quyền cai qủan, thánh hoá và giáo huấn mà Đức Giêsu ban cho Phêrô để chăn dắt đoàn chiên của Ngài khi Ngài nói: “Thầy sẽ trao cho anh chià khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi đièu gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19); tin với đức tin của Phêrô là vâng phục quyền bính của Phêrô và tất cả những tông đồ hiệp thông với Phêrô, vì khi tuyên xưng đức tin trước mặt Đức Giêsu, Phêrô đã tuyên xưng trong sự hiệp thông với các anh em tông đồ, và các vị đều đồng tình với anh trưởng Phêrô.
Chính vì thế, chúng ta không thể nói với mọi người mình là người công giáo, nếu chúng ta từ chối tuyên xưng đức tin đã được thánh Phêrô tuyên xưng, bởi công giáo chính là sống đức tin tông truyền đã được tông đồ trưởng Phêrô tuyên tín, như Kinh Tin Kính của Dân Chúa: “Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.
Với đức tin tông truyền, tức đức tin được xây trên nền tảng tông đồ trưởng Phêrô, và được truyền đến chúng ta từ các thánh Tông Đồ, người công giáo không thể phủ nhận quyền chăn dắt của Đức Thánh Cha là người kế vị thánh Phêrô, Tảng Đá trên đó Giáo Hội được xây dựng, đồng thời vâng phục các Giám Mục bản quyền là các tông đồ, với điều kiện các vị này hiệp thông với Đức Thánh Cha, như các tông đồ đã hiệp thông với tông đồ trưởng Phêrô.
Do đó, khi một hay nhiều Giám Mục là những đấng kế vị các Tông Đồ tự ý cắt đứt hiệp thông với Đức Thánh Cha, thì những vị này không còn thuộc về hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo nữa. Lịch sử Giáo Hội đã có những cuộc ly khai khỏi Giáo Hội công giáo. Những giáo hội tách ra khỏi Giáo Hội công giáo khi phủ nhận quyền tối thượng của tông đồ trưởng Phêrô, tức Đức Thánh Cha cũng là Giám Mục Rôma, nơi thánh Phêrô đã chịu tử đạo đóng đinh ngược, tuy vẫn tin vào Đức Giêsu, nhưng các vị không còn thuộc về Giáo Hội công giáo, vì chối bỏ tính tông truyền của một Giáo Hội đã được Đức Giêsu gọi đích danh Phêrô khi đặt nền móng (x. Mt 16,17.18), và goi tên ông nhiều lần khi trao quyền chăn dắt, chăm sóc đoàn chiên của Ngài (x. Ga 21,15-17).
Cũng vì lý do này mà những Giám Mục Đức, nếu Công Nghị đang tiếp diễn dẫn đến sự không vâng phục quyền chăn dắt đoàn chiên hoàn vũ của Đức Thánh Cha, với những quyết định trái nghịch giáo lý đức tin và luân lý của Giáo Hội công giáo Rôma, thì điều sẽ xảy ra chính là sự Hiệp Thông giữa các vị và Giáo Hội công giáo Rôma bị rạn nứt, và có thể đổ vỡ, cũng như khi một tín hữu công giáo từ chối vâng phục quyền chăn dắt của Đấng Bản Quyền, thì chính đương sự tự cắt đứt hiệp thông với Giáo Hội.
Chúng ta cần lưu ý điều rất quan trọng trong mầu nhiệm Giáo Hội, đó là tình Hiệp Thông giữa các thành phần Giáo Hội, bởi Giáo Hội là Thân Thể mà tất cả là chi thể; bởi Đức Giêsu là Cây Nho, và chúng ta là cành nho, như Ngài đã nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo” (Ga 15,5-6).
Giáo Hội không thể thiếu Hiệp Thông, vì mầu nhiệm Giáo Hội là mầu nhiệm Hiệp Thông, nên khi cắt đứt hiệp thông, chúng ta không còn là Giáo Hội, không còn thuộc về Giáo Hội.
Bài đọc 2 trong lễ Chúa lên Trời hôm nay là lời thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng thiết yếu của tinh thần hiệp nhất, hiệp thông trong Giáo Hội: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4, 3-5). Và chính Thiên Chúa đã ban cho người này ơn này, người kia ơn nọ để phục vụ là “xây dựng thân thể Đức Kitô” – Hội Thánh của Ngài (x. Ep 4,11-13).
3. Đặc sủng được ban để phục vụ Giáo Hội:
Khi được Chúa ban những ơn đặc biệt như chữa bệnh, trừ quỷ … , người công giáo đón nhận những ơn này trong tư cách “chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội ”, do căn tính Hiệp Nhất, Hiệp Thông của mình, nghiã là nhận đặc sủng để phục vụ Giáo Hội, dùng ơn Chúa ban để đem lại lợi ích chung của Giáo Hội, như thánh Phaolô đã viết: “Khi anh em hội họp, người thì hát thánh ca, người thì giảng dậy, người thì nói lời mặc khải, người thì nói tiếng lạ, người thì giải nghĩa: tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh” ( 1 Cr 14,26), “vì khao khát những ơn của Thần Khí, anh em hãy tìm kiếm để được dồi dào các ân huệ đó, nhằm xây dựng Hội Thánh” (1 Cr 14,12).
Về điểm này, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng coi mình là ân nhân của nhân loại, nhờ có đặc sủng đã say mê làm những việc thiện ích cho người khác, nhất là khi làm không công, không nhận thù lao, không tìm lợi tức, không gây quỹ đen quỹ đỏ. Đây cũng là cám dỗ đẩy chúng ta, những người của Giáo Hội, đến ý nghĩ xây dựng một công trình độc lập bằng tự miễn trừ khỏi bổn phận đặt mình dưới quyền cai qủan của Đấng Bản Quyền, vì lợi ích chung và rộng lớn hơn của Giáo Hội, trong đó có lợi ích của cả những người chúng ta muốn giúp đỡ.
Một chi tiết khác cũng cần quan tâm, đó là không nhất thiết phải tin vào Chúa, tin có Chúa, yêu mến Chúa và vì Chúa, người ta mới hy sinh, mới vui lòng chịu “điều tiếng”, thị phi và vất vả, cực nhọc, tốn kém để phục vụ người khác, bởi có nhiều người vô thần, không niềm tin siêu nhiên, không tín ngưỡng, tôn giáo cũng hy sinh cuộc đời mình vì lý tưởng phục vụ tha nhân, cũng dâng hiến cả mạng sống mình cho đồng loại. Những người này say mê con người, yêu mến con người và tận tụy phục vụ con người. Vì thế, lấy việc phục vụ con người, và lo lắng cho thiện ích của con người làm tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá đức tin thiết tưởng là một qủa quyết không luôn chính xác.
Tóm lại, trong lịch sử Giáo Hội đã có rất nhiều người được Chúa ban những đặc sủng như làm phép lạ, chữa bệnh, trừ quỷ, nói tiên tri …, nhưng khi Đấng Bản Quyền yêu cầu tạm ngưng, nhiều người trong số họ đã mau mắn vâng lời, vì ý thức đòi hỏi “xây dựng Thân Thể mầu nhiệm”, đem lại lợi ích cho Giáo Hội là đòi hỏi tiên quyết, quan trọng nhất của chi thể biết quan tâm đến sự hiệp nhất, hiệp thông của toàn thân thể, bằng chấp nhận vâng phục với niềm tin yêu, phó thác ở Đấng đã ban ân huệ.
Nói cách khác, chúng ta không thể xây dựng Giáo Hội, nếu thiếu tinh thần vâng phục, và cơn cám dỗ dữ dội nhất của chúng ta là từ chối vâng phục Giáo Hội để có thể làm những việc thiện ích cho người khác theo như ý mình muốn, mà quên rằng ơn gọi nền tảng của người môn đệ Đức Giêsu là vâng phục như Ngài đã vâng phục thánh ý của Cha Ngài: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Đàng khác, chính sự vâng phục của chúng ta đã làm cho nhiều người nhận biết và ca tụng Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã khẳng định: “Họ tôn vinh Thiên Chúa, vì thấy anh em vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Kitô…” (2 Cr 9,13).
Một lần nữa, người viết cám ơn quý cha, quý sơ, anh chị em “Nhà Chúa Cha”, cũng như quý Bạn đã kiên nhẫn đọc những dòng chia sẻ này. Có thể rải rác đây đó có những dòng làm buồn, gây sốc, nhưng chắc chắn, tất cả đều phát xuất từ tấm lòng khao khát tình Hiệp Nhất, Hiệp Thông của người anh em cùng một gia đình Giáo Hội công giáo, gia đình mà mỗi người chúng ta tận thâm tâm đều yêu mến, gắn bó, mà nếu vì lý do nào đó phải xa cách, sẽ không khỏi lưu luyến, tiếc nuối, nhớ thương, “vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10, 17).
Jorathe Nắng Tím
Trích nguồn: https://tinmungduongpho.com