Sự Vô Hiệu Của Hành Vi Kết Hôn

SỰ VÔ HIỆU CỦA HÀNH VI KẾT HÔN

1. Sự vô hiệu của hành vi pháp lý

Hành vi pháp lý (juridical act) được xem là hành vi phát sinh những hiệu quả pháp lý về quyền lợi và bổn phận trong đời sống riêng tư, xã hội, tôn giáo.
Một hành vi pháp lý có thể bị vô hiệu hay bất thành (invalid).
Kết hôn là một hành vi pháp lý, nên có thể bị vô hiệu

1.1. Luật bãi hiệu hay bãi năng

Một nguyên tắc cơ bản giúp xác định hành vi là hữu hiệu hay vô hiệu được quy định ở điều 10:
Chỉ những luật nào minh nhiên ấn định rằng một hành vi không có hiệu lực hoặc một người không có khả năng, thì mới được xem là luật bãi hiệu hoặc luật bãi năng.
Sự xác định minh nhiên đó thường diễn tả bằng những từ ngữ như: không hữu hiệu, vô hiệu, hủy tiêu, không thành sựbất thành, chỉ thành sự khi… hoặc không có khả năng….
Ví dụ 1, điều 149§3 quy định:
Việc bổ nhiệm vào một giáo vụ do mại thánh, đương nhiên là vô hiệu.
Ví dụ 2, điều 1191§3 quy định:
Lời khấn được tuyên hứa do một sự sợ hãi nghiêm trọng và bất công hay do man trá, thì đương nhiên bất thành.
Trong vấn đề hôn nhân, 12 điều về ngăn trở tiêu hôn (đ. 1083-1094) đều có chứa những chữ: “không thể kết hôn thành sự” (đ. 1083§1), “kết hôn cũng bất thành” (đ. 1088). Về sự “ưng thuận” kết hôn, tòa án hôn phối xác định hôn nhân vô hiệu, cũng dựa trên những điều có quy định là “không có khả năng” kết hôn (đ. 1095) hoặc kết hôn “bất thành”.
Ví dụ 3, điều 1103 quy định :
Hôn nhân bất thành, nếu vì bạo lực hay vì sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài, mặc dầu không cố tình gây nên, người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát.
Tuy nhiên nếu một điều luật đòi hỏi phải làm hoặc cấm làm điều gì, phải xin phép… mà không xác định bằng những từ ngữ bất thành, không có khả năng hay tương đương thì hành vi vi phạm luật chỉ bất hợp luật (illicit) chứ không vô hiệu (invalid).
Ví dụ 4, điều 1083 quy định :
§1. Người nam chưa trọn mười sáu tuổi, cũng như người nữ chưa trọn mười bốn tuổi, không thể kết hôn thành sự.
§2. Hội Đồng Giám Mục có trọn quyền ấn định tuổi cao hơn để kết hôn cách hợp luật.
Theo quy định trên, nam dưới 20 tuổi trọn, nữ dưới 18 tuổi trọn theo quy định của HĐGM Việt Nam, kết hôn mà không xin chuẩn tuổi thì hôn nhân bất hợp luật nhưng vẫn thành sự.
Tương tự, vi phạm lệnh cấm kết hôn hỗn hợp (đ. 1124), như kết hôn giữa người Công Giáo và Tin lành thì kết hôn bất hợp luật nhưng vẫn thành sự.
Cũng nên lưu ý rằng, sự không biết hay lầm lẫn về luật bãi hiệu hay bãi năng không làm cho luật này mất hiệu lực (đ. 15).
Ví dụ 5:
Cha sở chứng hôn cho một người nữ Công giáo và một người lương đã ly dị vợ. Hôn nhân này vô hiệu, do người nam bị ngăn trở dây hôn phối (đ. 1085§1), cho dù cha sở tưởng lầm rằng người lương đã ly dị thì không còn bị ngăn trở tiêu hôn.
Ví dụ 6:
Cha sở cử hành một kết hôn khác đạo và sau đó ngài thấy mình quên xin miễn chuẩn ngăn trở khác đạo. Hôn nhân này vô hiệu cho dù cha sở bị quên sót.

1.2. Luật về hành vi pháp lý

Sự vô hiệu của hành vi pháp lý không chỉ được xác định bởi luật bãi hiệu bãi năng ở điều 10, nhưng còn quy định ở điều 124, có tầm mức phổ quát hơn:
§1. Để được hữu hiệu, một hành vi pháp lý phải do một người có khả năng hành động thực hiện và phải hội đủ những yếu tố cấu thành bản chất của hành vi ấy, cũng như phải giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu.
Điều 124§1 kê ra ba yếu tố cần thiết để hành vi được hữu hiệu:

1.2.1. Người có khả năng hành động thực hiện

Đối với hôn nhân, Giáo luật quy định về khả năng pháp lý hay năng cách pháp lý để kết hôn thành sự.
Không có khả năng kết hôn thành sự được quy định bởi 12 ngăn trở tiêu hôn: Tuổi, bất lực, dây hôn phối, chức thánh… Một số ngăn trở tiêu hôn có thể được miễn chuẩn. Cũng thấy có một số quy định khác thuộc phạm vi ưng thuận cho trường hợp người không có khả năng (đ. 1095)

1.2.2. Hội đủ những yếu tố cấu thành bản chất của hành vi

Hôn nhân được thành lập bởi một kết ước giữa hai người nam nữ. Yếu tố cấu thành của hôn nhân là hai người nam và nữ với lời kết ước thành vợ chồng.
Vì vậy, hai người có đồng giới tính không thể kết hôn thành sự hoặc hai người nam nữ chỉ có yêu nhau và sống chung mà không kết ước thì hôn nhân không thành sự.

1.2.3. Giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu.

Hôn nhân nói chung của đạo lẫn đời đều đòi hỏi một thể thức cử hành công (public) để được công nhận bởi một dân tộc, một tôn giáo, một xã hội.
Giáo luật quy định, nếu có một bên là Công Giáo thì hôn nhân phải cử hành theo thể thức giáo luật (forma canonica) thì mới thành sự.
Điều kiện để kết hôn được nhiều điều luật quy định tùy theo trường hợp. Nói chung là không có những ngăn trở tiêu hôn, người kết hôn phải có khả năng và sự ưng thuận không bị hà tỳ hay khiếm khuyết.
Về điều kiện thành sự riêng cho từng trường hợp, thì có thể kể ví dụ như: sự thẩm vấn (interpellatio) bên người lương khi cử hành kết hôn theo đặc ân Thánh Phalô (đ. 1144); người chứng hôn phải có năng quyền chứng hôn hay được ủy nhiệm chứng hôn (đ. 1109; đ. 1111), kết hôn qua người đại diện (đ. 1105)…
Xét riêng về việc cử hành thể thức kết hôn thì việc cử hành này cũng là một hành vi pháp lý, nên cũng phải hội đủ 3 quy định nói trên.
Ví dụ, về quy định thứ hai là phải hội đủ những yếu tố cấu thành hành vi, khi cử hành kết hôn nếu không đọc lời kết ước thì kết hôn vô hiệu, nhưng không trao nhẫn cho nhau thì hôn nhân vẫn hữu hiệu, vì việc trao nhẫn trong nghi thức đạo chỉ là yếu tố phụ, không thuộc yếu tố cấu thành.[1]

2. Sự vô hiệu của kết ước hôn nhân

Điều 1957§1 quy định về sự thành lập hôn nhân :
§1. Chính sự ưng thuận của đôi bên được biểu lộ cách hợp thức giữa những người có năng cách về mặt pháp lý làm nên hôn nhân và không một quyền lực nào của loài người có thể thay thế được sự ưng thuận ấy.
Điều luật trên cho thấy ba yếu tố chính yếu làm nên kết ước hôn nhân, được liệt kê như sau:

  1. được thực hiện bởi người có năng cách pháp lý;
  2. sự ưng thuận của đôi bên;
  3. sự ưng thuận phải được biểu lộ hợp thức.

Thiếu hoặc khiếm khuyết một trong ba yếu tố này, kết ước hôn nhân có thể sẽ vô hiệu (invalid, null), còn gọi là “không hữu hiệu” hay “bất thành”.
a- Người có năng cách pháp lý: Họ là những người được luật (Giáo luật) công nhận là có đủ khả năng và tư cách để kết hôn.
Không có năng cách pháp lý kết hôn được Giáo luật quy định qua 12 ngăn trở tiêu hôn. Người đang vướng ngăn trở tiêu hôn này thì hôn nhân bị hủy tiêu, nghĩa là vô hiệu.
b- Sự ưng thuận: Điều này phải được thực hiện trong sự sáng suốt của lý trí và ước muốn tự do. Nếu không, sự ưng thuận có thể bị hà tỳ hay khiếm khuyết. Khi đó việc kết hôn sẽ vô hiệu.
c- Sự ưng thuận phải được biểu lộ hợp thức: Sự ưng thuân phải được biểu lộ theo những hình thức mà luật hay lệ quy định. Trong hôn nhân Công Giáo, nó phải cử hành theo thể thức được Giáo luật quy định (forma canonica), ta hay nói là “cử hành nghi thức kết hôn”. Việc cử hành này có thể là trong thánh lễ hay ngoài thánh lễ (phép giao). Không cử hành hoặc cử hành không đúng theo thể thức luật quy định thì kết hôn vô hiệu.
Sự vô hiệu hôn nhân vì vậy được chia thành ba nhóm:

  1. do mắc ngăn trở tiêu hôn;
  2. sự ưng thuận bị hà tỳ;
  3. thiếu thể thức giáo luật.

2.1. Do mắc ngăn trở tiêu hôn

Giáo Luật quy định 12 ngăn trở tiêu hôn (đ.1083-1094), bao gồm:

1. Tuổi (đ.1083§1): chưa đủ 16 (nam) -14 (nữ) tuổi trọn kết hôn bất thành. Ngăn trở tuổi có thể được miễn chuẩn.

2. Bất lực giao hợp (đ. 1094§1): Bất lực có trước kết hôn và vĩnh viễn, về phía người nam hay người nữ, tuyệt đối hay tương đối thì làm hôn nhân bất thành.

Tương đối nghĩa là chỉ đối với một số người nào đó chứ không với hết mọi người. Người nữ có thể bị bất lực tương đối với một người chồng nào đó, thường do bị sốc tâm lý.

3. Dây hôn phối (đ. 1085§1): Đang bị ràng buộc bởi dây hôn phối trước, dù chưa hoàn hợp, dù là dây hôn phối của hai người lương, kết hôn bất thành. Ngăn trở dây không thể được miễn chuẩn.

4. Khác đạo (đ. 1086): Kết hôn giữa người Công Giáo và một người không được rửa tội thì bất thành. Ngăn trở khác đạo có thể được miễn chuẩn.

5. Chức Thánh (đ. 1087): Phó tế, linh mục… kết hôn bất thành. Quyền miễn chuẩn ngăn trở chức thánh được dành riêng cho Tòa Thánh.

6. Khấn dòng (đ. 1088): Tu sĩ trong một hội dòng đang bị ràng buộc bởi lời khấn công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh kết hôn bất thành. Ngăn trở khấn dòng có thể được miễn chuẩn, bởi Bản Quyền địa phương hay Tòa Thánh, tùy theo trường hợp..

7. Bắt cóc (đ. 1089): Người nữ bị bắt cóc hay bị giam giữ để bị buộc kết hôn thì kết hôn bất thành.

8. Tội ác (đ. 1090): Người có chủ ý kết hôn và gây ra cái chết của phối ngẫu người ấy hay của mình thì kết hôn bất thành. Quyền chuẩn ngăn trở tội ác có thể được dành riêng cho Toà Thánh.

9. Họ máu (đ. 1091): Hai người có liên hệ họ máu hàng dọc kết hôn bất thành. Trong họ máu hàng ngang, hôn nhân bất thành đến hết bậc thứ bốn. Ví dụ, anh em họ con chú con bác hay cậu dì, có liên hệ họ máu hàng ngang 4 bậc, kết hôn bất thành. Ngăn trở họ máu có thể được miễn chuẩn, nhưng anh em ruột thì bị cấm hôn, không được miễn chuẩn.

10. Họ kết bạn (hôn thuộc) (đ. 1092): Họ kết bạn được hình thành do cuộc kết hôn thành sự; kết hôn bất thành bất cứ có liên hệ hôn thuộc hàng dọc nào. Ví dụ, sau khi vợ chết, người chồng kết hôn với mẹ vợ hay con gái riêng của vợ đều bất thành. Ngăn trở họ kết bạn có thể được miễn chuẩn.

11. Công hạnh (liêm sĩ) (đ. 1093): Phát sinh do kết hôn bất thành hay sống chung công khai hay hiển nhiên. Ngăn trở này tiêu hôn ở bậc thứ nhất hàng dọc. Ví dụ, người đàn ông kết hôn với mẹ hay con riêng của người đàn bà mà mình đã từng sống chung, thì bất thành. Ngăn trở công hạnh có thể được miễn chuẩn.

12. Pháp tộc: Phát sinh do việc nhận con nuôi được pháp lý công nhận, kết hôn bất thành ở hành dọc hoặc ở bậc thứ hai thuộc hàng ngang. Có họ thiêng liêng, qua việc đở đầu Rửa tội không gây ngăn trở tiêu hôn. Ngăn trở pháp tộc có thể được miễn chuẩn.

Trong thực tế, it khi xảy ra kết hôn bất thành do mắc ngăn trở, đôi khi thấy có trường hợp bất lực hoặc mắc dây hôn phối (do giấu giếm).

2.2. Hà tỳ ưng thuận

Yếu tố quan trọng nhất để kết ước hôn nhân thành sự chính là sự ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng. Khi sự ưng thuận này bị khiếm khuyết hay hà tỳ, kết ước hôn nhân bất thành.
Sự ưng thuận là một hành vi của con người với hai yếu tố cơ bản: lý trí và ý chí, nghĩa là, để thực hiện sự ưng thuận hữu hiệu, người đó phải có đủ hiểu biết và có ý muốn tự do.
Sau đây là những lý do hay những cơ sở gây tiêu hôn được Giáo Luật quy định một cách minh nhiên.

2.2.1. Thiếu khả năng kết hôn (đ. 1095)

a. Do không thể sử dung đủ trí khôn (đ. 1095,10)

Người có trí khôn quá yếu kém không có khả năng kết hôn.

b. Do thiếu phân định thích đáng về nghĩa vụ hôn nhân (đ. 1095,20)

Người tuy có trí khôn thông thường, nhưng thiếu nghiêm trọng sự phân định thích đáng (defectu discretionis iudicii) về những quyền lợi và bổn phận trao ban cho nhau trong hôn nhân thì kết hôn vô hiệu (đ. 1095,20).

c. Do bản chất tâm lý không thể đảm nhận những nghĩa vụ hôn nhân (đ.1095,30)

Người bị những tâm lý bất thường khiến không thể đảm nhận những nghĩa vụ hôn nhân, kết hôn vô hiệu.

2.2.2.  Không biết (đ. 1096)

Người không biết về bản chất hôn nhân, là một sự hiệp thông vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ, nhắm đến việc sinh sản con cái do một sự cộng tác nào đó thuộc phái tính, thì kết hôn bất thành (đ. 1096). Ví dụ: Một cô gái tưởng rằng chỉ hôn nhau cũng đã có thể sinh con hoặc tưởng rằng kết hôn là để sống chung với nhau như anh em.

2.2.3. Lầm lẫn (đ. 1097)

a. Lầm lẫn nhân thân (đ. 1097§1)

Khi lầm lẫn nhân thân là lầm người này với người khác; hoặc lầm nhiều đặc tính về một người khiến tưởng người này nhưng hóa ra người khác, kết hôn bất thành.

b. Lầm lẫn một phẩm cách được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu (đ. 1097§2)

Được coi là nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu khi phẩm cách đó được chú trọng hơn là chính con người.

2.2.4. Lầm lẫn do lừa gạt (đ. 1098)

Lầm lẫn do lừa gạt về một điều tự bản chất có thể gây xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống vợ chồng thì làm hôn nhân vô hiệu.

2.2.5. Kết hôn giả hình, simulatio (đ. 1101§2)

 Kết hôn giả hình là khi kết hôn đã có ý chí tích cực hay ý muốn loại trừ chính hôn nhân hay một điều chính yếu nào của hôn nhân, như sự thiện ích hôn nhân, tính bất khả phân ly, sự chung thủy đơn nhất, thiện ích con cái.

2.2.6. Kết hôn với điều kiện (đ.1102)

a- Điều kiện tương lai (đ. 1102§1)      

Kết hôn với điều kiện ở tương lại thì bất thành, cho dù điều kiện ấy sau kết hôn có được thỏa mãn hay không.

b- Điều kiện quá khứ hay hiện tại (đ.1102§2)

Điều kiện về quá khứ hay hiện tại chỉ vô hiệu hôn nhân khi điều kiện ấy không được thỏa mãn.

2.2.7. Kết hôn do sợ hãi nghiêm trọng (đ. 1103)

Khi bị áp lực của sợ hãi kết hôn bất thành. Sự kính sợ ((timor reverentialis) cha mẹ hay người khác cũng có thể khiến hôn nhân bất thành.

2.3. Thiếu thể thức giáo luật (forma canonica)

Nếu không cử hành theo thể thức giáo luật hay cử hành mà không thực hiện đầy đủ những yếu tố cần thiết mà luật đòi để được hữu hiệu thì sự kết hôn vô hiệu. Vài nguyên tắc chính yếu cần thiết:
– Hôn nhân nào, hễ có một bên là Công giáo, phải cử hành theo thể thức giáo luật thì mới thành sự (đ. 1059).
– Thể thức kết hôn gồm việc kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản Quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên uỷ quyền, và trước mặt hai nhân chứng (đ.1108).
– Vị chứng hôn phải có năng quyền hay được ủy quyền để chứng hôn; nếu không có năng quyền việc chứng hôn bất thành  (đ. 1109).

[1] x. Sách Nghi thức cử hành hôn nhân, số 165.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube