SUY NIỆM
Trong bốn mươi ngày Chay Thánh, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa tập luyện cuộc chiến đấu thiêng liêng, chịu ma quỷ cám dỗ. Đó là một quá trình để Chúa Giêsu nên vững mạnh, không những khi bị ma quỷ cám dỗ trước những nhu cầu ăn uống là điều căn bản nhất, mà còn cả khi Người đối diện với cuộc khổ nạn và cái chết.
Nhưng cảnh tượng diễn ra trên núi Tabor trong đoạn Tin Mừng hôm nay thật khác xa với những gì đã diễn ra trong bốn mươi đêm ngày trong hoang địa. Trước đó, Phêrô đã đại diện anh em đồng môn tuyên bố: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Giờ đây đến lượt Chúa Cha tôn vinh Con Chí Ái của Ngài, có Thánh Thần dưới hình đám mây bao phủ: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Vinh quang ấy được hai nhân vật lịch sử Cựu Ước là Môisen và Êlia làm chứng.
Cũng bởi vì Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn khiến các ông bị sốc, nên Người đã củng cố đức tin cho các ông bằng cuộc biến hình trên núi Tabor. Tuy biến cố này không phải là chóp đỉnh, nhưng đây được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Tân Ước, vì nó tóm tắt tất cả mạc khải. Biến cố này còn có sự hiện diện của vị đại điện Lề Luật và Tiên tri.
Như vậy, toàn bộ Cựu Ước giới thiệu và quy hướng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Tin Mừng được mạc khải trước cho ba môn đệ thân tín Phêrô, Giacôbê và Gioan. Nhờ đó, các ông sẽ không bị ngã lòng thất vọng khi cùng trải qua với Chúa trong vườn Dầu ảm đạm, thậm chí Chúa sợ hãi đến nỗi đã đổ mồ hôi máu; cũng như qua cuộc khổ nạn đau thương trên thánh giá. Việc biến hình này để giúp các môn đệ vững tin, xác tín khi làm nhân chứng cho biến cố phục sinh sau này, hăng say loan báo Tin Mừng cứu độ. Và bởi vì các ông là những người sẽ trở nên ‘cột trụ’ của Giáo Hội, nên sẽ củng cố đức tin cho anh chị em mình. Tuy nhiên, việc biến hình đi đến trọn vẹn không phải khi các môn đệ ngây ngất và Phêrô muốn dựng lều ở mãi trên núi với Chúa, cũng không phải khi Chúa được truyền tụng chữa được bệnh và trừ được quỷ, hay được tung hô làm vua vì đã hóa bánh cho dân chúng ăn no nê, mà là khi Người phó thác để “Vâng theo ý Cha”.
Giây phút các môn đệ thật hạnh phúc khi được chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu biến hình. Và trong cuộc sống chúng ta, cũng có những giây phút mà chúng ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh tích tắc. Và rồi, con người chúng ta cũng được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, vậy chúng ta có hy vọng được “biến hình” không?
Cuộc “biến hình” của chúng ta không phải như trong phim Tây Du Ký, Tề Thiên Đại Thánh có phép thần thông biến hóa. Chúng ta có thể được “biến hình” vì chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, được Thiên Chúa phú cho có một lương tâm biết làm lành lánh dữ. Dầu thế, vẫn là “Nhân vô thập toàn”, do ảnh hưởng của cuộc sống trần thế này mà con người còn nhiều khiếm khuyết. Và ai trong chúng ta dám tự hào mình không có tội lỗi, tật xấu, đam mê mù quáng làm mất đi hình ảnh đẹp trong con mắt anh chị em hay trong lòng mọi người.
Cho nên, chỉ khi chúng ta sống dưới sự chỉ dạy của Chúa, dưới những điều Răn của Ngài, để cho lương tâm mình được ánh sáng Thiên Chúa chiếu qua, chúng ta mới có thể được Chúa “biến hình” nên sáng láng tốt lành. Như người cha giải thích cho con mình rằng những hình người trong các tấm kính màu được gắn lên các khung cửa nhà thờ chính là những vị thánh. Họ được gọi là thánh vì đã để cho ánh sáng của Chúa soi chiếu vào trong cuộc đời họ để họ nên tốt lành thánh thiện vậy. Amen.
Lm Anfonso Nguyễn Quang Hiển
HÃY VÂNG NGHE LỜI NGÀI
Truyền thống giáo dục trong mọi nền văn hóa đều nhấn mạnh đến sự vâng lời, trong gia đình con cái phải vâng lời cha mẹ, học trò vâng lời thày cô, người dưới vâng lời bề trên. Có người hỏi tại sao phải vâng lời cha mẹ và người trên? Thưa vì cha mẹ là người sinh ra ta và là người yêu thương ta và nhiều kinh nghiệm hơn ta. Đặc biệt với văn hóa Á đông việc vâng lời ông bà cha mẹ thày cô được nâng lên thành Đạo. Do đó một người con ngoan, thảo hiếu là người con biết vâng lời và làm theo lời dạy bảo của cha mẹ, bậc cha mẹ thì cảm thấy vui và hạnh phúc khi có những đứa con biết ngoan ngoãn vâng lời, và hãnh diện khoe với mọi người về sự thảo hiếu của con mình.
Cũng trong truyền thống văn hóa Á đông này, hôm nay có thể nói, Thiên Chúa tự hào về Người Con của mình là Đức Giêsu, Ngài đã “khoe” với mọi người: Đây là con ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta, các ngươi hãy nghe lời Người.
Thưa quý OBACE, bước vào Chúa nhật thứ hai mùa chay, Lời Chúa mời gọi chúng ta học nơi Chúa Giêsu, đó là vâng nghe lời Thiên Chúa và trở thành người con làm đẹp lòng Thiên Chúa, có thái độ của một trẻ thơ, hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa và vâng nghe lời Đức Giêsu dạy. Nghe là thái độ của một người con đối với lời dạy bảo của cha mẹ, của học trò đối với thày cô, nhưng nghe cũng có nhiều cấp độ, vì có khi tai chúng ta cố tình đóng lại thì chúng ta không thể đón nhận được âm thanh, hoặc có thể có nghe, nhưng không chú tâm, không hiểu, nên lời nói không đi vào được trong tâm hồn. Hôm nay Chúa muốn chúng ta có một thái độ chú tâm hơn đó là lắng nghe và tích cực hơn nữa, đó là biết vâng nghe lời Chúa. Lắng nghe là chú ý để nghe, để hồn tĩnh lặng đón nhận, và vâng nghe, là nghe và đón nhận trong thái độ khiêm tốn, tin tưởng và thực hành như một em bé vâng nghe theo lời chỉ bảo của cha mẹ.
Vâng nghe lời Chúa, đòi phải có một thái độ sẵn sàng, phó thác và từ bỏ ý riêng của mình, hoàn toàn tin tưởng vào lời của Chúa, và không cần biết lý do tại sao, vâng nghe là thái độ chấp nhận, thực hành, dù có nhiều điều mình chưa thể hiểu hết. Bài đọc một đã cho chúng ta một tấm gương về sự vâng nghe Lời Chúa của ông Abraham. Khi đó Abraham là một người giàu có, nhiều của cải đất đai và súc vật, thế mà Thiên Chúa đã ngỏ lời với ông: Người hãy bỏ xứ sở, họ hàng nhà cha ngươi, mà đi tới đất ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, và sẽ chúc phúc cho ngươi. Với một lời mời gọi dường như mơ hồ như thế, vậy mà Abraham đã dám bỏ lại tất cả để lên đường đi theo lời chỉ dạy của Chúa, ông chấp nhận bỏ lại đàng sau ruộng đất, nhà cửa, cha mẹ, anh em, để đi đến một miền đất vô định chưa biết ở đâu, tất cà còn ở thì tương lai, vậy mà ông cũng không hỏi Chúa một câu nào, chỉ biết vâng theo để lên đường. Chính từ thái độ ngoan ngoãn vâng lời như thế mà Thiên Chúa chúc phúc cho ông, trở nên bạn hữu với ông, và còn bênh vực ông: Ta chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi, và nguyền rủa những ai nhục mạ ngươi.
Trong Tin Mừng hôm nay, trước khi bước vào cuộc tử nạn thập giá, để củng cố đức tin cho các tông đồ, Chúa Giêsu cho các môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan được chứng kiến giây phút hiển dung, chứng kiến gương mặt thánh thiện sáng ngời của mình để động viên tinh thần và củng cố lòng tin cho các ông. Các tông đồ hết sức ngỡ ngàng, đang khi còn ngây ngất với vinh quang ấy, thì có tiếng Thiên Chúa Cha, nói với các ông từ đám mây: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài. Thiên Chúa Cha hài lòng về sự vâng phục của Đức Giêsu, vì Ngài đã không chọn theo ý riêng mình, mà chọn sự vâng phục Thiên Chúa để đón nhận con đường cứu độ bằng thập giá. Còn các tông đồ, mặc dù đã đi theo Chúa nhiều năm, nhưng các ông vẫn chọn lựa theo kiểu thế gian, tìm kiếm quyền lực theo kiểu trần gian, chưa sẵn sàng để chấp nhận một Đấng Mêsia phải chịu đau khổ nhục nhã. Trong khi đó Chúa Giêsu cũng đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa Cha dẫn dắt và định liệu cho cuộc đời mình, dù có những lúc Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ để tìm một con đường riêng cho mình, như chúa nhật tuần trước chúng ta đã suy niệm, nhưng cuối cùng Ngài đã dùng Lời của Chúa, lời Kinh Thánh để chống trả lại cám dỗ đó, và sẵn sàng bước theo con đường của Chúa Cha đã định.
Các tông đồ khi chứng kiến vinh quang của Chúa, thì các tông đồ đã hạnh phúc ngây ngất, và muốn kéo dài tình trạng hạnh phúc này và quên đi thực tế trước mắt, nên các ông đã xin dựng ba lều để được ở lại trên núi, trốn tránh những thực tại của cuộc sống: Nếu Thày muốn, chúng con xin dựng ba lều. Nhưng Chúa Giêsu muốn cho các tông đồ, qua biến cố này được thêm lòng tin để đón nhận cuộc khổ hình sắp tới mà chúa sẽ bước vào. Cuộc khổ hình này chắc chắn rất kinh khủng và vượt quá khả năng tưởng tượng của các ông, và vì thế các ông cần phải có một thái độ sẵn sàng, vâng phục. Chính vì thế có tiếng Chúa Cha từ trời nói với các ông: Hãy vâng nghe lời Người. Qua lời này, Chúa Cha một lần nữa muốn các tông đồ tin và đón nhận lời của Đức Giêsu như một vị Thiên Chúa và là Đấng Mesia cứu thế, như con cái nghe lời cha mẹ, nhưng học trò vâng lời thày.
Từ trên núi xuống, Đức Giêsu bắt đầu nói với các ông về việc Con Người sẽ bị khổ hình và sẽ từ cõi chết sống lại. Chắc chắn lúc đó các tông đồ chưa hiểu hết những điều Chúa nói trước về cuộc khổ nạn, phần vì các ông không muốn nghe, phần vì dù có nghe, nhưng không muốn chấp nhận, để đón nhận và vâng nghe lời Đức Giêsu, để loan báo về Đức Giêsu và cuộc khổ nạn của Người, thì cần phải dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Cũng giống như ngày xưa Chúa đã gọi Apraham và làm cho ông trở thành cha của một dân tộc đông đúc, giống như Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng nghe theo lời của Thiên Chúa để cứu độ nhân loại bằng con đường thập giá, thì chúng ta cũng được kêu gọi để trở thành dân thánh của Thiên Chúa, trở nên những người thuộc về Đức Kitô, làm theo gương của Đức Giêsu và lời dạy của Ngài.
Thưa quý OBACE, Vâng nghe lời Chúa luôn là một thách thức cho chúng ta, vì nhiều khi Lời Chúa không như ý chúng ta muốn, có khi còn ngược lại với ý của chúng ta, có khi Lời Chúa đụng chạm đến những góc tối, những vết thương trong tâm hồn, khiến chúng ta sợ không dám để cho Lời Chúa đụng vào. Lời Đức Giêsu luôn đòi chúng ta từ bỏ và hy sinh, trong khi cuộc sống và xã hội lại khuyến khích chúng ta chạy theo sự thỏa mãn dễ dãi, chạy theo tiền bạc và danh vọng. Trong khi xã hội cổ võ lối sống tự do hưởng thụ, thì Chúa lại đòi chúng ta vác thập giá mình hằng ngày, vì thế mà chúng ta luôn bị giằng co, và đòi chúng ta phải quyết định chọn lựa.
Trong bổn phận làm vợ làm chồng, làm cha mẹ, sinh sản và giáo dục con cái, hãy vâng nghe Lời Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội, phó thác tương lai của mình và gia đình cho Chúa để Chúa dẫn dắt, hãy vâng nghe Lời Chúa để làm chuẩn mực cho đời sống và cho công việc của mình, đừng để sự gian dối, tham lam điều khiển cuộc sống của mình, đừng để cho sự lười biếng bê tha rượu chè, cờ bạc làm trì trệ cuộc sống của gia đình, gây ra bất hòa bất hạnh cho nhau.
Cuộc sống sung túc, tiện nghi ngày hôm nay cũng đang là một cản trở khiến nhiều bạn trẻ khó có thể nghe được Lời Chúa, những âm thanh và cuộc sống ồn ào náo nhiệt khiến cho nhiều người không còn một khoảng lặng nào trong ngày để nhìn lại cuộc sống mình, những hấp dẫn và mời chào của xã hội khiến cho nhiều người từ chối Lời của Chúa, không chấp nhận thập giá và không dám vâng theo,… tất cả những điều đó đang là thách thức cho các bạn trẻ Công giáo trong đời sống đức tin.
Đúc Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc vâng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, xin Mẹ cũng giúp mỗi chúng ta biết noi gương Mẹ, tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, sống xứng đáng là những người con ngoan, thảo hiếu, vâng lời Thiên Chúa. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí