Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Thánh Giuse, Người Công Chính Và Hôn Phu Của Đức Maria

Lúc 9 giờ, sáng thứ Tư 01 tháng Mười Hai, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 4.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 38 tính từ đầu năm nay.

Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, tám linh mục lần lượt đọc tám ngôn ngữ đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (1,18-19): “Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”.

Bài huấn giáo

Tiếp đó là bài giáo lý về thánh Giuse. Bài thứ ba này tựa đề là: “Thánh Giuse, người công chính và hôn phu của Đức Maria”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục hành trình suy tư về thánh Giuse. Hôm nay, tôi muốn đào sâu sự “công chính” của thánh nhân và là “hôn phu của Đức Maria”, và qua đó gởi một sứ điệp tới tất cả những người đính hôn. Có nhiều câu chuyện về thánh Giuse được kể trong các trình thuật ngụy thư về Tin mừng, nghĩa là không được xếp vào sổ bộ Kinh thánh, nhưng những trình thuật ấy cũng ảnh hưởng tới nghệ thuật và nhiều nơi phụng tự. Những trình thuật ấy đáp ứng ước muốn bổ túc các trình thuật Tin mừng chính thức, vốn mang lại cho chúng ta tất cả những gì là thiết yếu đối với đức tin và đời sống Kitô.

Thánh Giuse, người công chính

Thánh sử Tin mừng Matthêu định nghĩa thánh Giuse là “Người công chính”. Chúng ta hãy nghe trình thuật về ngài: “Này đây sự giáng sinh của Chúa Giêsu Kitô xảy ra như sau: Đức Maria Mẹ Ngài, đã đính hôn với Giuse, trước khi đoàn tụ với nhau, thì Người có thai nhờ Chúa Thánh Thần. Giuse, hôn phu của người, là người công chính và không muốn tố giác người, nên đã quyết định âm thầm từ bỏ người” (1, 18-19)

Hôn nhân theo truyền thống Do thái

Để hiểu thái độ của thánh Giuse đối với Mẹ Maria, cũng nên nhắc lại tập tục hôn nhân thời cổ của Israel. Hôn nhân gồm hai giai đoạn được xác định rõ ràng. Giai đoạn thứ nhất như một cuộc đính hôn chính thức, bao gồm một tình trạng mới: đặc biệt người nữ, tuy tiếp tục sống ở nhà cha mẹ trong một năm, được coi là “vợ” trong thực tế, được hứa hôn cho hôn phu. Giai đoạn thứ hai là sự di chuyển của hôn thê từ nhà cha mẹ về nhà hôn phu. Điều này diễn ra với lễ rước dâu, hoàn tất hôn lễ. Trên nền tảng những tập tục đó, sự kiện “trước khi về ở chung với nhau, Đức Maria có thai” khiến Đức Trinh Nữ có thể bị cáo về tội ngoại tình. Và theo luật xưa, tội này bị trừng trị bằng hình phạt ném đá (Xc Dnl 22,20-21). Tuy nhiên, trong tập tục Do thái giáo sau đó, có một sự giải thích nhẹ hơn, chỉ buộc phải ly dị nhưng với những hậu quả về dân sự và hình luật đối với phụ nữ.

Thái độ của thánh Giuse

Tin mừng nói rằng Giuse là “người công chính” vì tuân giữ luật như mọi người Israel đạo đức. Nhưng trong tâm hồn của thánh Giuse, tình yêu đối với Đức Maria, và lòng tín thác nơi vị hôn thê đã gợi ý cho thánh nhân một cách thức cứu vãn việc tuân giữ luật và danh dự của hôn thê: thánh nhân quyết định âm thầm rời bỏ, không ồn ào, không buộc Đức Maria bị nhục nhã công khai. Thánh Giuse chọn con đường kín đáo, không xét xử và trả đũa.

Sứ thần Chúa can thiệp

Nhưng thánh sử Matthêu nói thêm ngay: Trong khi Giuse nghĩ đến những điều đó, thì này đây sứ thần Chúa hiện ra trong giấc ngủ và nói với thánh nhân: “Hỡi Giuse, con Vua Davit, đừng ngại nhận lấy Maria, hôn thê, vì điều xảy ra nơi Maria đến từ Thánh Linh. Maria sẽ sinh một con trai và ông sẽ gọi Người là Giêsu: thực vậy, Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (1,20-21).

Tiếng Chúa xảy ra qua một giấc mơ, trong khi Giuse phân định, tỏ cho thánh nhân một ý nghĩa lớn hơn chính công lý của Giuse. Điều này quan trọng đối với mỗi người trong chúng ta, đó là vun trồng một đời sống công chính và đồng thời luôn cảm thấy mình cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, để có thể mở rộng những chân trời của chúng ta và coi những hoàn cảnh của cuộc sống dưới một quan điểm khác, bao quát hơn. Bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy mình là tù nhân của những gì xảy ra cho chúng ta; nhưng chính khi đứng trước một số hoàn cảnh của cuộc sống, ban đầu có vẻ là bi thảm đối với chúng ta, trong đó có tiềm ẩn một sự quan phòng của Chúa, với thời gian, hoàn cảnh ấy có một hình thái và soi sáng ý nghĩa cả sự đau khổ mà chúng ta gặp phải.

Bài học từ trường hợp thánh Giuse và Mẹ Maria

Nhưng tôi muốn chúng ta dừng lại để suy nghĩ về một khía cạnh trong câu chuyện được Tin mừng thuật lại. Mẹ Maria và thánh Giuse là hai người đính hôn, có lẽ đã nuôi dưỡng những ước mơ và những mong đợi về cuộc sống của mình và về tương lai chung. Thiên Chúa dường như đi vào như một sự bất ngờ trong cuộc sống của họ và tuy ban đầu có vất vả khó khăn, nhưng cả hai đã mở rộng tâm hồn đối với thực tại xảy ra trước mặt.

Anh chị em thân mến, nhiều khi cuộc sống chúng ta không xảy ra như chúng ta tưởng tượng. Nhất là trong những quan hệ yêu thương, tình cảm, chúng ta khó đi từ tình trạng phải lòng nhau, yêu nhau lúc ban đầu, đến tình trạng tình yêu chín mùi. Giai đoạn đầu tiên luôn có một sự mê hoặc nào đó, làm cho chúng ta sống chìm đắm trong một sự tưởng tượng nhiều khi không tương ứng với thực tại. Nhưng chính khi sự yêu nhau với những mong đợi dường như chấm dứt, thì lúc đó mới bắt đầu tình yêu đích thực. Quả vậy, yêu không phải là đòi người khác hoặc cuộc sống phải tương ứng với trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng đúng hơn có nghĩa là chọn lựa trong tự do hoàn toàn lãnh nhận trách nhiệm về cuộc sống, như xảy ra cho chúng ta. Đó là lý do thánh Giuse mang cho chúng ta một bài học quan trọng, chọn Maria “với đôi mắt mở toang”. Thực vậy, Tin mừng nói: “Khi tỉnh dậy, Giuse làm như lời thiên thần Chúa đã truyền và đưa hôn thê của mình về nhà, và Maria đã sinh một con trai mà Giuse đặt tên là Giêsu” (Mt 1,24-25).

Và Đức Thánh cha kết luận: “Các Kitô hữu đính hôn được kêu gọi làm chứng về một tình yêu như thế, có can đảm đi từ những tình trạng mới yêu nhau đến những tình trạng tình yêu trưởng thành. Đó là một chọn lựa đòi nhiều yêu sách, thay vì đóng kín cuộc sống, thì có thể củng cố tình yêu để nó được lâu bền trước những thử thách của thời gian. Khiết tịnh, chung thủy, tôn trọng, lắng nghe không phải là những đức tính cần phải có trong sự đính hôn để khơi lên cảm thức tội lỗi, nhưng là để chỉ dẫn một hướng đi, chỉ có đường hướng này mới có thể làm cho các mơ ước của chúng ta có thể được thể hiện và lâu bền.”

Đức Thánh cha cũng ứng khẩu nhắc nhở các đôi vợ chồng đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau, nếu đã làm phật lòng nhau, vì chiến tranh lạnh làm hại hôn phối.

Đức Thánh cha nói: Lần này chúng ta cũng kết thúc với một kinh nguyện.

“Lạy thánh Giuse, người đã yêu thương Đức Maria trong tự do, và đã chọn lựa từ bỏ sự tưởng tượng của mình để dành chỗ cho thực tại, xin giúp mỗi người chúng con để cho mình được Thiên Chúa làm ngạc nhiên và đón nhận cuộc sống không phải như một sự bất ngờ phải chống lại, nhưng như một mầu nhiệm giấu ẩn một bí quyết vui mừng đích thực.

“Xin thánh Giuse làm cho tất cả các Kitô hữu đính hôn được niềm vui và sự quyết liệt, nhưng luôn bảo tồn ý thức rằng chỉ có lòng từ bi và tha thứ làm cho tình yêu có thể. Amen”.

Chào thăm và nhắn nhủ

Bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha sau đó được các linh mục thông dịch lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Chúa nhật tới đây, 05 tháng Mười Hai, tại Ba Lan sẽ cử hành Ngày cầu nguyện và giúp đỡ Giáo hội ở miền Đông. Tôi cám ơn tất cả những người, từ hơn 20 năm nay đón nhận sáng kiến này của Hội đồng Giám mục Ba Lan, hỗ trợ Giáo hội tại các nước Đông âu và Á châu bằng lời cầu nguyện và sự giúp đỡ cụ thể. Xin Chúa trả công bằng ơn thánh của Ngài cho sự ân cần quảng đại đối với các anh chị em Kitô đang ở trong tình trạng túng thiếu.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến Ngày Thế giới chống bệnh Sida (Aids). Ngài nói: “Đây là dịp quan trọng để nhớ đến bao nhiêu người bị virus này, nhiều người trong đó ở những vùng trên thế giới không có những sự chữa trị thiết yếu. Tôi cầu mong có sự tái dấn thân liên đới để bảo đảm một sự chữa trị y tế công bằng và hữu hiệu.”

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Ngày mai, tôi sẽ đi Cipro rồi sang Hy Lạp để viếng thăm dân chúng yêu quí tại hai nước ấy, phong phú về lịch sử, linh đạo và văn minh. Đây là một chuyến đi về nguồn mạch đức tin tông truyền và huynh đệ giữa các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau. Tôi cũng sẽ có dịp đến gần nhân loại bị thương tổn, nơi bao nhiêu người di dân đang tìm kiếm hy vọng. Tôi sẽ đến đảo Lesbo. Tôi xin anh chị em vui lòng tháp tùng tôi bằng lời cầu nguyện.”

Đức Thánh cha cũng chào thăm các tín hữu hành hương và nhắc đến các dòng nữ đang cử hành Tổng tu nghị: các nữ tu Dòng thánh Giuse ở Chambéry, các nữ tu Thừa sai giáo lý, các nữ Thừa sai Tông đồ Công giáo và các nữ tu dòng Bệnh viện Thương xót. Ngài cầu xin ơn phù trợ của Chúa cho mỗi nữ tu, để những lúc suy tư và phân định củng cố các chị trong sự dấn thân quảng đại cho Tin mừng.

Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm những người cao niên, bệnh nhân, người trẻ và hàng chục đôi tân hôn. Ngài nhắc họ rằng “Mùa Vọng mời gọi chúng ta chuẩn bị lễ Giáng sinh, đón nhận, không chút sợ hãi, Chúa Giêsu Kitô đến giữa chúng ta. Nếu chúng ta mở rộng cánh cửa cuộc sống, thì mọi sự sẽ được một ánh sáng mới và gia đình, việc làm, đau khổ, sức khỏe, tình bạn, cũng trở thành những cơ hội để khám phá sự hiện diện an ủi của Chúa, sự hiện diện của Đức Emmanuel-Chúa ở cùng chúng ta, và để làm chứng sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube