TÓM TẮT
Đã từ rất lâu, vật phẩm tôn giáo được xem như là biểu tượng gắn liền với các quá trình lịch sử hình thành nên nhiều tôn giáo lớn, mỗi vật phẩm có thể gắn với một con người hay một sự kiện đặc biệt trong tôn giáo. Các vật phẩm ấy không chỉ có chức năng tưởng niệm hay nhắc nhớ mà đôi khi còn là vật phẩm củng cố những giá trị về mặt tinh thần cho những con người thật sự có niềm tin vào nó, một sự bình an hay ổn định về mặt tâm lý. Thánh giá, khăn tẩm liệm, những cây đinh sắt, những chiếc huy hiệu, xương và máu các vị thánh…từ lâu đã được Hội thánh Công giáo công nhận và phổ biến sự sùng kính các vật phẩm ấy. Trong đó, chiếc Huy hiệu Thánh giá Benedict được xem như chiếc huy hiệu dùng để tưởng nhớ đến cuộc đời của vị thánh Benedict. Một người có nhiều đóng góp cho sự truyền bá Kitô giáo ở Châu Âu và khắp thế giới. Bài viết tập trung làm rõ các khái niệm cũng như quá trình hình thành và chức năng cơ bản của chiếc huy hiệu này.
Từ khóa: Huy hiệu; Thánh giá; Thánh Benedict.
1. Đặt vấn đề
Việc nghiên cứu các biểu tượng tôn giáo là công việc đã được thực hiện hàng nghìn năm qua trong lịch sử văn minh của loài người. Cho đến ngày nay, ngành khoa học xã hội và nhân văn vẫn còn rất ít đề cập đến việc nghiên cứu đối tượng này. Nhiều chuyên ngành như thần học (theology) hay nghiên cứu thánh tượng (iconology), v.v…Tuy nhiên , sự bao la của những biểu tượng tôn giáo kèm theo những tầng ý nghĩa vô cùng rộng lớn đôi khi có phần mơ hồ khiến việc nghiên cứu các đối tượng ấy trở nên khó khăn hơn. Về thực tế cho thấy, các tôn giáo tồn tại được trên cơ sở của tính biểu tượng nên chừng nào tôn giáo còn tồn tại thì các tính biểu tượng của tôn giáo cũng sẽ còn tồn tại. Từ lâu, các biểu tượng tôn giáo của người phương Tây, đặc biệt ở Kitô giáo mang phần phổ biến hơn. Những vật phẩm tôn giáo trải qua hằng nghìn năm cho đến nay vẫn là chứng tích cho quá trình hình thành và phát triển của tôn giáo ấy. Trong số những biểu tượng tôn giáo ấy, hẳn phải kể đến huy hiệu thánh giá Benedict, chiếc huy hiệu tưởng nhớ đến cuộc đời vị thánh Benedict “nổi danh trời Âu”, người có đóng góp cho sự phát triển nền văn minh Châu Âu. Bài viết tập trung làm rõ các khái niệm liên quan cũng như lịch sử hình thành của chiếc huy hiệu này từ đó hiểu thêm về các chức năng thiêng liêng của biểu tượng này đối với những người theo Kitô giáo.
1.1. Một số khái niệm liên quan
Theo từ điển Cambridge, Huy hiệu (Medal) được hiểu như là một tấm kim loại nhỏ mà trên đó có khắc các dòng chữ hay hình ảnh, các huy hiệu này được dùng cho mục đích trao tặng những hành động dũng cảm, sự chiến thắng trong một cuộc thi hay dùng để ghi nhớ các sự kiện đặc biệt. Ngày nay, những chiếc huy hiệu còn đại diện cho các cấp bậc, đại diện cho Giáo hoàng, các Hồng Y hay Giám mục, Linh mục, mỗi chiếc huy hiệu này có thể được thiết kế riêng tùy theo sự lựa chọn của mỗi người. Có thể hiểu, huy hiệu thánh giá Benedict là chiếc huy hiệu được các thành viên kế nhiệm thánh Benedict cho đúc sau khi ông qua đời, nhằm mục đích tưởng niệm về cuộc đời của ông, từng hình tượng trên chiếc huy hiệu này gắn với cuộc đời của vị Thánh này.
Thánh giá (Cross), từ cổ gọi là Câu-rút, phiên âm từ Crux trong tiếng Latinh, biểu tượng này được xem là hình ảnh tiêu biểu nhất để liên hệ đến sự việc Chúa Giesu bị đóng đinh, đây được xem là hình ảnh đặc trưng của Giáo hội Kitô giáo. Vào những thời gian đầu chỉ xuất hiện các thuật ngữ như thập giá, thập tự hay thập tự giá, đây được xem là dụng cụ từng được sử dụng ở thời đế quốc Rôma dùng để thi hành các án tử hình đối với các trọng tội, đây có thể được xem là một dấu hiệu của sự đau khổ, ô nhục, sợ hãi và chết chóc. Nhưng theo thần học Kitô giáo, sau khi Chúa Giesu chịu chết để chịu tội cho con người thì thuật ngữ Thánh giá mới được dùng phổ biến một cách rộng rãi, mang ý nghĩa “biểu tượng cho sự hi vọng và tình yêu, của sự vâng phục và tận hiến, của sự sống và vinh quang [1, tr.794-795].
Huy hiệu Thánh giá Benedict có thể xem là sự kết hợp hoàn hảo, một vị thánh dành cả cuộc đời của mình để tôn kính thánh giá, với ông “không lấy gì hơn tình yêu Chúa Kitô” [5, Chương 4, Câu 21]. Trong suốt quá trình tu hành, ông đã từng làm nhiều các phép lạ với Thánh giá. Sau khi chết, các người kế nhiệm ông đã cho đúc chiếc huy hiệu này để tưởng nhớ đến cuộc đời của ông. Chiếc huy hiệu được cho là có nhiều công dụng về mặt thiêng liêng mang lại sự bình an dành cho những ai tin tưởng vào nó.
1.2. Các vị thánh trong Kito giáo
Thánh nhân là từ dùng để chỉ những con người có đời sống trổi vượt, đó là những gì thuộc về thần linh. Trong Thánh Kinh, tiếng Hy Lạp có từ Hagios có nghĩa là tách ra khỏi những gì thuộc về phàm tục, thuộc về thần linh [1, tr. 803].
Có bao nhiêu vị Thánh đã được Giáo hội Công giáo công nhận? Chúng ta sẽ không bao giờ có được câu trả lời chính xác. Ở các thế kỉ đầu đã không có các lễ phong thánh chính thức nào. Một vị được gọi là thánh sau khi được sự tuyên dương hay sự sùng mộ của quần chúng tín hữu. Những người dùng cái chết để hi sinh trong quá trình truyền đạo hay những con người có cho mình được một đời sống thánh thiện. Vì không có những con số cụ thể hay chính xác, Giáo hội Công giáo dành cả một ngày lễ quan trọng để các tín hữu mừng ngày lễ Các Thánh Nam Nữ [2] (All Saints- Toussaint), có những vị được công nhận ở từng các quốc gia hay lãnh thổ, có những vị danh tiếng lan xa khắp thế giới.
Năm 993 là năm đánh đấu khi lần đầu tiên có nghi lễ phong thánh. Khi đó, Đức giáo hoàng Gioan XV phong thánh cho Giám mục Ulrich thành Augsburg. Các bộ sách Hạnh Các Thánh (Lives of Saints) của Butler, xuất bản lần đầu giữa năm 1756 và 1759 liệt kê có 1486 vị, bộ sách nhận chính năm 1956 liệt kê có 2565 vị và con số này có thể tăng rất nhiều hơn nữa ở thời gian sau này [3].
Việc phong thánh từ lâu đã là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian, có người hơn cả một thế kỉ. Công việc này gồm nhiều giai đoạn như: điều tra, công nhận khả kính, công nhận một phép lạ, rồi được chính thức phong chân phước [4] được công nhận một phép lạ thứ hai, sau cùng mới là việc phong thánh. Công việc này có thể ban đầu được khởi xướng bởi một Giám mục địa phương hay một nhà nghiên cứu, sau đó thông tin được chuyển qua một tổ chức của Vatican gọi là Hội đồng Tuyên thánh (Congregation for the Causes of Saints) để tiếp tục điều tra, bầu chọn và cuối cùng là chuyển lên Giáo hoàng [5]. Các công việc bầu chọn này có thể kéo dài lâu hơn nữa trừ khi có những phép lạ xảy ra. Trường hợp Giáo hội Kito giáo cũng đẩy nhanh tiến độ phong thánh với trường hợp của hai Giáo hoàng gần đây là John XXIII (1958-1963) và John Paul II (1978-2005). Nhưng có thể nói những vị thánh họ đến từ những thành phần khác nhau: những người phản chiến và chiến binh, vua chúa và người ăn xin, những nhà hoạt động và người tu khổ hạnh v.v…
1.3. Cuộc đời thánh Benedict
Thánh Benedict được xem là bậc thầy của đời sống đan tu [6], được xem là “vị Tổ phụ của các đan sĩ Tây phương” [3, tr.4], người được xem là có ảnh hưởng rất lớn đến sinh mệnh của Giáo hội và cả nền văn minh của phương Tây. Ông sinh ra ở Nursie, cách Roma khoảng 110 cây số, là người sinh ra trong một gia đình quý tộc giàu có. Khi lớn hơn, năm 17 tuổi ông được gửi đến Rôma để học văn chương. Vì trong thời gian cuối cùng của nền văn minh Roma, hùng biện văn chương vẫn được coi là môn học rất được ưa chuộng. Từ lâu ông nhận ra được hai thứ cám dỗ nhất ở xã hội được thời là văn hóa trần tục và phái nữ. Chính về tâm lý “sợ sa ngã” và cái ước muốn “làm đẹp lòng một mình Thiên Chúa” là những lí do thúc đẩy con người này từ bỏ Roma, từ bỏ mọi đường công danh tốt đẹp của mình và trở thành một đan sĩ, Trong tác phẩm Thánh Biển Đức anh hùng của núi đồi [2, tr.3) có trích dẫn: “Cậu Biển Đức được cha mẹ gửi đến Rôma để học tập, nhưng giờ đây không còn hứng thú trong công việc học hành nữa. Tối hôm qua, cậu nói rõ ràng rằng: cậu không muốn làm một nhà lãnh đạo về luật pháp cũng như về chính trị. Cậu chỉ muốn làm một nhà ẩn tu sống trong hang! Thật là một cậu bé điên khùng. Xirila [7] nghĩ như thế trong lúc sửa soạn bữa tối cho Biển Đức”.
Trước khi thành lập các đan viên, Benedict có thời gian ẩn thân tại Subiaco, sống ẩn tu ở đó trong thời gian ba năm. Thánh Gregorio [8] đã nhận định việc làm này của Benedict là “ao ước chịu đau khổ ở đời này hơn là được khen tặng, thà nhọc công vì Thiên Chúa hơn là sự ưu đãi của thế gian”. Thời gian sau, Thánh Benedict lập ra tu viện Montocassino cùng 12 tu viện lớn nhỏ khác, trở thành đan phụ [9] của tu viện Montocassino, “Monte Cassino, ngọn núi cao chót vót phía trên thành phố, thuộc quyền sổ hữu của Tetulo, cha Plaxido. Biển Đức chọn nơi này để thiết lập một nhà mới. Đỉnh núi là một địa điểm tốt nhất cho một đan viện. Ở một vị trí như thế, người ta sẽ ít bị những thú vui thế tục lôi cuốn” [2, tr.70].
Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên cho cậu thanh niên quê quán ở Nursia đã bỏ học ở trường Roma năm 17 tuổi giờ đây đang là người điều khiển một trường học, người dạy những người nông dân chân lắm tay bùn trở thành một đan sĩ [10] . “Những người nào đã đến thăm Subiaco sẽ trả lời cách nhanh chóng rằng, đan viện của Biển Đức không phải là một tu viện thường. Ngài đòi hỏi những kẻ theo ngài phải cày cuốc, phảo lao động với hai bàn tay của mình và nhận làm những công việc khiêm tốn. Ngài đòi hỏi phải có lòng bác ái và biết vâng phục. Lúc bấy giờ, có khoảng 12 đan viện được dựng lên bằng gỗ; mỗi đan viện có một vị Bề trên điều khiển, vì thiết lập trên phạm vi cách Subiaco hai dặm” [2, tr.37-38].
Đặc biệt, ông viết ra cuốn tu luật [11] mà sau này được phổ biến khắp cả Châu Âu. Ba điều được cho là quan trọng nhất trong cuốn tu luật ấy là “Cầu nguyện, học hành và lao động” [12] được xem là kim chỉ nam giúp những người đi theo trở nên thánh thiện hơn. Nhiều tu sĩ cũng bắt đầu đi theo con đường của ông. Dom Claude nhận định: “Đó là mục đích của việc tìm kiếm một lối sống thánh thiện. Đối với tâm hồn chỉ khao khát một mình Thiên Chúa ấy, dường như chỉ sự hoàn thiện nội tâm mà thôi chưa đủ. Cách sống bên ngoài cũng phải thánh thiện nữa” [3, tr.14].
Thánh Benedict đã sống một cuộc đời thánh thiện, một cuộc đời sống và làm việc được cho là “đẹp lòng của Thiên Chúa”. Chính vì thế, đôi khi Ngài gặp không ít sự ghen tị hay đố kị của những con người ghen ghét Ngài trong cuộc sống. Benedict luôn tìm cách tránh né những con người cố tình hãm hại mình nhưng lúc nào cũng tỏ ra thương xót, tha thứ cho những con người ấy, “một điều quan trong cần lưu ý là con người rất thánh thiện, luôn siêu nhiên ấy dường như không bao giờ ngạc nhiên, khó chịu, chán nản trước những cái xấu mà ngài chứng kiến và đôi khi còn là nạn nhân. Qủa thật, xem ra không gì và không ai có thể làm cho ngài ngỡ ngàng. Ngài chấp nhận như một sự kiên âm mưu ám sát của các đan sĩ ở Vicovaro. Sau này, vị linh mục Florentius, vì ganh tị thành công của ngài- miếng bánh tẩm thuốc độc sẽ do một con quạ mang đi. Do đó trên các tranh cổ về thánh Biển Đức [13] ta hay nhìn thấy một con quạ nhỏ- sau cùng, không nghĩ ra cách nào khác, vị linh mục đáng thương đã sai bảy cô gái làng chơi đến nhảy múa trong vườn đan viện. Thánh Biển Đức sẽ làm gì? Lần này cũng vậy, ngài không than thở một lời. Ngài chỉ nhường chỗ và di cư đến núi Cassino. Hơn thế nữa, đang khi ngài còn trên đường đi, thì kẻ bách hại ngài đã bị trừng phạt và chết trong một tai nạn. Thấy thế người môn đệ yêu dấu của thánh nhân là Mauro vội chạy đi báo tin và không giấu diếm những tâm tình quá tự nhiên của mình. Nghe vậy, tôi tớ Thiên Chúa buồn rầu than thở, vì thấy kể thù địch với mình đã phải chết và môn đệ của mình lại lấy thế làm niềm vui, ngài liền phạt thầy ấy vì tội đã dám tỏ ra vui mừng khi thông báo cho ngài cái chết của kẻ bách hại ngài” [3, tr.62].
Thánh Benedict sống một cuộc đời đạo đức cho đến lúc chết đi, cái chết của vị thánh này cũng được xem là một đỉnh cao. Dom Claude nhận định rằng: “Thật vậy, ngài biết trước giờ chết, nên sai mở huyệt ra trước. Nhưng ta đừng tưởng là vì ngài ưa thích những chuyện ma quái thịnh hành vào cuối thời Trung cổ đâu, trái lại, kiệt sức sau 6 ngày lên cơn sốt, ngài truyền các môn đệ đưa ngài vào nhà nguyện rước lễ như của ăn đàng, rồi tựa vào tay các môn đệ, ngài qua đời trong tư thế đứng thẳng, tay giơ lên trời, tiếp tục việc cầu nguyện liên lỉ ngài đã làm trong suốt cuộc sống tại thế” [3. Tr.70].
Thánh Benedict qua đời ngày 21/03/547, một con người sống cuộc đời với đức khiêm nhường, luôn giúp đỡ người khác và đặc biệt luôn biết tha thứ cho những con người ghen ghét hãm hại mình. Ngày 24/10/1964, Đức giáo Hoàng Phaolo VI đặt thánh Benedict làm bổn mạn [14] toàn Châu Âu.
- Lịch sử hình thành Huy hiệu thánh giá Benedict
Trải qua hàng thế kỉ, Thánh giá là biểu tượng cũng như là các huy hiệu yêu thích dùng để tưởng nhớ đến Chúa Giesu. Các tác phẩm của Thánh Giáo Hoàng Gregorio (540-604) cho thấy Thánh Benedict là người có niềm tin vào thánh giá và làm các dấu lạ với thánh giá. Nữ Biển Đức có trích dẫn câu chuyện về một lần trừ quỷ: “Một buổi sáng kia, các đan sĩ cố gắng khuân một hòn đá cần thiết để xây dựng đan viện mới, nhưng vô hiệu! Các thầy không thể nào lây chuyển được nó. Bốn người xum nhau kéo, giật,rồi 8 người, rồi 12 người. Nhưng hòn đá vẫn trơ trơ, vững như đồng. Sau cùng, các đan sĩ chạy đi cầu cứu Đan phụ. Khi đến nơi để xem xét sự tình, ngài làm dấu thánh giá trên hòn đá, tức thì một người có thể nhấc nó lên nhẹ nhàng; các đan sĩ kháo với nhau: Ma quỷ đang ngồi trên hòn đá ấy, nhưng nó chẳng chống lại nổi với dấu thánh giá và những lời cầu nguyện của cha Đan phụ đâu” [2, tr.74].
Những dấu lạ với Thánh giá thời gian sau khi Benedict mất đi đã được truyền lại cho các tu sĩ dòng Benedictine. Bằng sự sùng kính Thánh giá qua các dấu lạ của thánh Benedict đã dần xuất hiện một cách phổ biến hơn các huy hiệu được làm ra với biểu tượng thánh Benedict cầm một cây Thánh giá. Sự kiện năm 1050, cậu con trai Bruno của nhà quý tộc Ugo Enghimsheim ở Alsace được chữa lành một cách thần kỳ sau khi được tặng một chiếc huy hiệu, sau nay cậu bé trở thành một đan sĩ dòng Biển Đức và trở thành Giáo hoàng Leo IX. “Sự hiện diện của vị Tổ phụ các đan sĩ còn hiện diện dưới một hình thức lưu động hơn: ảnh đeo cổ thường được gọi của thánh Biển Đức chắng hẳn không lên đến thời ngài, dù nó khá hợp với cách thức của ngài. Chúng ta nghe đến nó lần đầu tiên vào thế kí XI, qua phép lạ chữa lành cho linh mục Bruno, sau này là đan sĩ và là Giáo Hoàng. Nhưng đến năm 1647, ta mới được nghe tả lại cách chính xác trong một sự đụng độ giữa phép phù thủy với ảnh tượng đó. Phép phù thủy đã thua, không làm gì được đan viện được tấm ảnh bảo vệ chống lại sức tấn công của ma quỷ. Dĩ nhiên ta không bắt buộc phải tin chuyện đó, nhưng dù sao thì tinh thần và mục đích của ảnh đó rõ ràng mang nét linh đạo Biển Đức” [3, tr.75].
Ban đầu huy hiệu chỉ xuất hiện với hình ảnh vị thánh Benedict cầm thánh giá. Dần về sau xuất hiện thêm các chữ cái Latin được bổ sung bên lề của các huy hiệu. Sự kiện năm 1647 [15], các đan sĩ tìm ra được các bản thảo từ những năm 1415 tại tu viện Metten, Barvaria giải thích các chữ cái đầu tiên ở trên các huy hiệu như một lời trừ tà Latin dùng để chống lại quỷ Satan [16]. Năm 1742, Giáo hoàng Benedict XIV đưa ra thông báo “ơn đại xá” [17], những đặc ân lớn cho những ai tôn sùng những chiếc huy hiệu này. Các kí hiệu sau cùng đã được tổng hợp lại và đưa vào cùng 1 chiếc huy hiệu và được thiết kế mới năm 1880 dưới sự giám sát của các tu sĩ ở Montecassino, Ý để kỉ niệm 1400 năm ngày sinh của thánh Benedict. Các thiết kế này được sản xuất tại Đan viện thánh Martin, Beuron, Đức theo yêu cầu của Đan phụ Bonniface Krug [18] (1838-1909). Và sau cùng, năm 1880, huy hiệu này đã được phổ biến trên khắp thế giới để tôn vinh thánh Benedict.
- Đặc điểm Huy hiệu thánh giá Benedict
Những chiếc huy hiệu được thiết kế có hai mặt, với kiểu dáng hình tròn và được đúc bằng các chất liệu kim loại. Mỗi mặt có các biểu tượng chữ cái Latin và các hình mang những ý nghĩa khác nhau. Mặt đầu tiên với hình ảnh tay phải thánh Benedict cầm Thánh giá, đây được xem là biểu tượng thiêng liêng của những người theo đạo Công giáo. Điều này nhắc nhớ đến các công việc truyền giáo từ thế kỷ V-XIX, có ảnh hưởng đến văn minh Châu Âu được thực hiện bởi các tu sĩ và nữ tu của dòng Benedictine [19] Tay trái thánh Benedict cầm cuốn tu luật được xem là cuốn sách soi đường chỉ lối nhiều thế hệ sống thánh thiện hơn với câu: “Walk in God’s ways, with the gospel as your guide- Bước đi theo cách của Chúa, với tin mừng hướng dẫn chúng ta”.
Bệ bên phải huy hiệu là hình ảnh chiếc cốc độc, hình ảnh này gợi nhớ đến câu chuyện thánh Benedict bị các tu sĩ hãm hại chỉ vì ông hay khiển trách các tu sĩ này vì lười biếng, “những vị tu sĩ này thì quá lười biếng. Khi chuông gọi họ đi đọc kinh, nhiều người vẫn không lo đi tới nhà nguyện. Họ bảo rằng, lúc ấy họ không thích thú việc đọc kinh, đến mai họ sẽ đọc cũng được” [2, tr.30]. Thánh Benedict không ngờ tới việc những nhắc nhở hay khiển trách hằng ngày của mình đối với các tu sĩ càng làm cho họ trở nên ghanh ghét mình. “Một ngày kia, trong bữa ăn, người hầu bàn đem vào để trước mắt ngài một bình rượu. Như thường lệ, vị bề trên trẻ tuổi giơ tay ban phép lành trên bình rượu ấy. Bỗng ngài hết sức kinh ngạc: bình rượu tự nhiên vỡ làm đôi, như thể ngài đã ném hòn đá, thay vì lời nguyện, vào thức uống dùng trong bữa ăn. Biển Đức sững sờ nhìn vũng rượu đang lan dần trên sàn nhà. Không nghi ngờ gì nữa, rượu này không thể uống được. Những bàn tay độc ác đã bỏ thuốc độc vào đó” [2, tr.31].
Tiếp đến, bệ bên trái chiếc huy hiệu là hình ảnh con quạ mang theo ổ bánh mì độc của kẻ thù ganh tị Benedict, đây cũng là câu chuyện trong cuộc đời của vị thánh này với vị linh mục Florence, người sống ở vùng lân cận Subiaco, người đã thù ghét Benedict vì lòng ghen tị với tài năng và sự nổi tiếng của Benedict. “Vào khoảng năm 527, khi Biển Đức ở Subiaco gần 30 năm, Florence không còn chịu đựng tình cảnh đau khổ này được nữa. Ông quyết định gởi cho Biển Đức một ổ bánh mì nhỏ, có bỏ thuốc độc. Bằng cách này, ông hy vọng sẽ loại trừ được người láng giềng khó chịu của mình. Bởi vì vào thời ấy, bạn bè gửi tặng nhau những ổ bánh mì nhỏ là một việc bình thường. Những tặng vật ấy quen gọi là Eulogia, và là dấu hiệu ưu ái, tượng trưng cho sự thông hiệp giữa những Kito hữu, nhờ tấm bánh mì là mình Đức Kito. Eulogia được gởi tặng nhau vào bất cứ mùa trong năm. Và Florence tự hào rằng không một ai có thể nghi ngờ, vì ông chỉ muốn tỏ lòng cảm mến Đan phụ Biển Đức thôi” [2, tr.59].
Khi Benedict ngắm nhìn ổ bánh mì đã biết ổ bánh mì này có thuốc độc, trong lúc ngồi ở phòng riêng, ngài đã thấy một con quạ mà ngài từng tập cho nó những thói quen. Như thường ngày, con quạ đậu bên cửa sổ để nhận phần ăn trưa của mình. “Lòng nguôi nguôi khi thấy con quạ quen thân, Biển Đức đứng lên, tay chỉ ổ bánh mì có thuốc độc, miệng nói: Bạn ơi, hãy lấy ổ bánh mì này đi, nhân danh Chúa, và hảy bỏ nó vào một nơi không thể gây nguy hiểm cho ai. Con quạ nhìn ổ bánh mì một cách ngờ vực, nó vỗ cánh và kêu lên những để phản đối mệnh lệnh của cha Đan phụ. Sau cùng, Biển Đức khuyên nhủ và sẽ hứa cho nó bữa ăn trưa thường ngày sau khi nó hoàn thành nhiệm vụ, con quạ mới há mỏ, gắp ổ bánh độc hại, tung cánh bay đi” [2, tr. 60-61]. Số phận của vị linh mục ác độc cam tâm hãm hại Benedict cũng không tốt lành mấy sau khi một cây đà to lớn đè chết vị linh mục ác độc này. Benedict với tấm lòng thương người đến nỗi tỏ ra xót thương cho vị linh mục này mặc dù đã có những hành động hãm hại Benedict và tỏ ra nghiêm nghị trách phạt môn đệ Mauro vì đã cười vui vẻ trên cái chết của Florence.
Cũng ở mặt đầu tiên này, hai dòng chữ bao quanh huy hiệu, dòng chữ bên trong và dòng chữ bao quanh phía ngoài của huy hiệu cũng mang những ý nghĩa khác nhau. CRUS S.PATRIS BENEDICTI được hiểu là Thánh giá của Cha thánh Benedict. Các kí tự khác như EIUS IN OBITU NOSTO PRAASENTIA MUNIAMUR được hiểu là chính sự hiện diện của thánh Benedict sẽ là khiên che chắn bảo vệ cho những người sắp chết trong giờ lâm tử.
Chỉ những dòng chữ Latinh phức tạp ấy chính là những đặc trưng riêng khiến chiếc huy hiệu Benedict này trở nên khác biệt nhất so với các huy hiệu khác. Nếu ở mặt thứ nhất có những hình ảnh mang những câu chuyện khác nhau về cuộc đời của vị thánh này thì ở mặt thứ hai, các dòng chữ cái Latin cho người đọc thấy được ý nghĩa của các dòng chữ này như một công thức trừ tà để chống lại ma quỷ. Ở đây, các kí tự chữ cái này sẽ được giải thích theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải như sau:
– (Phía trên đầu) PAX– Xin Chúa chúc lành bình an bằng Thánh giá.
– (Dọc xuống) C.S.S.M.L: CRUX SACRA SIT MIHI LUX– Xin Thánh giá là ánh sáng cho đời con (May the Cross be my light).
– (Ngang) N.D.S.M.D: NON DRACO SIT MIHI DUX– Không bao giờ con để con rắn [20] (ma quỷ) lôi kéo (May the dragon never be my guide).
– (Vòng quanh phía bên phải) V.R.S.N.S.M.V: VADE RETRO SATANAS NUMQUAM SUADE MIHI VANA– Hãy lui đi, hỡi Satan, chớ khuyên ta những điều phỉnh gạt của mi (Be gone Satan! Never tempt me with your vanities!).
– (Vòng quanh phía bên trái) S.M.Q.L.I.V.B: SUNT MALA QUAE LIBAS, IPSE VENENA BIAS– Thức uống người rót cho ta thật là tệ hại. hãy uống lấy chất độc của chính ngươi. [2, tr.76].
Những biểu tượng hay chữ cái được phân tích phía bên trên cho ta thấy không đơn thuần đây là những câu thần chú để trù diệt ma quỷ mà còn khiến người đọc phải liên tưởng đến “một cuộc chiến đấu với thủ lĩnh trần gian”- Ở đây ý nói đến là ma quỷ chính là thủ lĩnh của mọi cám dỗ của cuộc sống đời thường. Đây là cuộc chiến đấu trường kỳ. Tác giả Dom Claude nhận định: “Thật là một sứ điệp kỳ lạ, khiến người đọc phải ngạc nhiên: vậy ra đó là sự bình an theo tinh thần Biển Đức họ vẫn thường nghe ca tụng đó sao? Vả chăng ngày nay ai còn cảm thấy sợ hãi vì nghĩ rằng mình đang thực sự chiến đấu với Satan? Tuy nhiên, đó là một trong những khía cạnh chủ yếu của một nền linh đạo, không những của thánh Biển Đức mà còn của các thánh phụ sa mạc và của chính thánh Phaolo nữa, chính Phaolo là người đầu tiên nói đến việc chống trả với thủ lĩnh thế gian này. Hơn nữa, có gì lạ đâu nếu sự bình an phải trả giá bằng một cuộc chiến đấu không nhân nhượng? Sự không ngoan của các dân tộc cũng như cuộc đời vị Tổ phụ các đan sĩ cũng dạy ta rằng: bình an thật không bao giờ là kết quả của một sự đào tẩu, chạy trốn trách nhiệm: ta phải trả giá bằng một sự chọn lựa. Thánh Augustin dùng hình ảnh hai thành đô, thánh Ignace nói đến hai màu cờ, tựu trung cũng chỉ là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa hay Satan mà thôi” [2, tr.77].
4. Chức năng của các Huy hiệu Thánh giá Benedict (theo quan niệm của Kitô giáo)
Với những phân tích ở những mục trên cũng cho thấy được Huy hiệu này có những chức năng nhất định. Mọi vật thể hay các biểu tượng văn hóa (hữu hình hay vô hình) đều có ý nghĩa và chức năng cụ thể nhằm phục vụ cho cá nhân riêng lẽ hay xã hội chung. Với Malinowski [21] (1884-1942), ông không quan tâm đến nguồn gốc và cách thức hình thành như thế nào mà ông quan tâm nhiều hơn đến cách mà vật thể hay biểu tượng văn hóa đó vận hành như thế nào. Trong các chức năng mà ông đưa ra, chức năng về tinh thần là chức năng mà con người muốn hướng tới. Những khó khăn, thách thức khiến con người tìm đến các vật thể hay biểu tượng văn hóa, tôn sùng, thần tượng nhằm mục đích tìm đến sự an tâm về mặt tinh thần. Chính vì thế, Huy hiệu Benedict cũng mang cho mình những chức năng nhất định khiến cho những ai mang nó, tin vào nó sẽ mang lại những bình an, may mắn hay chống lại các thế lực tà ác:
Chiếc huy hiệu như một vật làm cũng cố hơn đời sống tinh thần của những người tin vào nó. Huy hiệu mang cho mình như một sự bảo vệ vô hình của Chúa và của thánh Benedict. Huy hiệu nhắc nhớ đến những người theo Kito giáo phải biết gìn giữ những phẩm chất của người theo đạo. Những lúc khó khăn, chiếc huy hiệu như một vũ khí tinh thần giúp con người vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân đối với những khó khăn, thử thác hay những đe dọa của cuộc sống. Những chiếc huy hiệu này thường được đeo ở cổ, được đính vào các chuỗi tràng hạt, giữ trong túi hoặc ví, được đặt trong xe hơi, nhà cửa. Trong những công trình hay nhà cửa, Huy hiệu Benedict được đặt vào các nền móng của các ngôi nhà, trên các bức tường hoặc nơi kinh doanh nhằm mục đích mang lại sự bình an và may mắn cho người đặt nó. Ngoài ra, việc sinh nở được bình an hay thai nhi được khỏe mạnh, dùng cho những người bị ngộ độc, ngăn chặn chất độc lây lang v.v.
Những chiếc huy hiệu này, về mặt tâm linh, những người giữ nó như một vật chống lại sự quấy phá của quỷ Satan hay được các Giám mục hay Linh mục sử dụng trong các “nghi thức trừ tà” [22] để xua đuổi Satan. Nó có tác dụng phá tan những ma thuật, những lời nguyền rủa của các phù thủy hay những ảnh hưởng của ma quỷ: “Câu chuyện của hai anh em nhà Burners, Illfur, Alsatia. Hai anh em được giải thoát năm 1869, sau hàng loạt các cuộc trừ quỷ. Hành động quỷ quyệt của ma quỷ là ké hoạch lật nhào xe ngựa chở nhà trừ quỷ, một đức ông và một nữ tu. Ma quỷ đã bị chặn đứng chỉ vì người láy xe ngựa được trao cho mề đay thánh Biển Đức để bảo vệ anh ta trên đường, và người đàn ông tốt lành đã bỏ vào túi” (Gabriele Amorth, Joseph Hoàng Phúc chuyển ngữ, 2019, tr.64). Gabriele Amorth [23] là vị linh mục nổi tiếng với công việc trừ quỷ, người giải quyết những hiện tượng siêu nhiên mà ông cho là do ma quỷ quấy rối. Ông từng nhận định: “Chúng tôi kinh nghiệm nhiều về hiệu quả của những mề đay được đeo với niềm tin. Những phép lạ chỉ quy về những mề đay kì diệu…” [4, tr.83].
Thánh Teresa là người từng có những nhận định về khả năng của những vật phẩm mang tính tôn giáo này về mặt tâm linh: “Tôi cầm Thánh giá trong tay, và cảm thấy thật sự Chúa đã ban sức mạnh cho tôi, vì trong chốc lát tôi thấy tôi là một con người khác, vì tôi không sợ phải chiến đấu với chúng; vì tôi nghĩ rằng với thánh giá, tôi có thể dễ dàng chế ngự tất cả chúng nó” [4,tr. 233].
Trong những giờ phút lâm tử, những chiếc huy hiệu này được dùng như vật mang lại sự bình n cho những người sắp chết. Thánh Benedict cũng là vị thánh bảo trợ cho những người sắp “về thế giới bên kia”. Trong lần thánh Benedict hiện ra với thánh Gertrude, ngài có nói rằng: “Bất cứ ai nhớ đến chân giá trị mà Chúa đã làm vinh danh thầy và ban cho thầy nước thiên đàng qua cái chết vinh quang rực rỡ của thầy thì kẻ ấy, thầy hứa sẽ trợ giúp trong giờ lâm tử và sẽ chống lại mọi tấn công của kẻ thù trong giờ quyết tử này . Linh hồn kẻ ấy sẽ được thầy có mặt trợ giúp và họ sẽ an bình thoát khỏi mọi sự rình rập của kẻ thù và sẽ được bay lên trời hưởng hoan lạc đời đời” [24]
5. Kết luận
Những các câu chuyện của các Linh mục sử dụng các huy hiệu như mục đích tâm linh ít nhiều đã được Công đồng Vatican chứng thực. Những chiếc huy hiệu như thế được phổ biến ra khắp thế giới nhờ sự phê duyệt của các Giáo hoàng cũng như Giáo hội do những tác dụng của nó mang lại cho những người thật sự có niềm tin vào nó. Các huy hiệu này được phổ biến như một vật mang lại bình an, sự may mắn và ơn chữa lành cho những người đeo nó.
Sự đóng góp của vị thánh Benedict, sau này là các tu sĩ dòng Benedict kế nhiệm đã góp phần quan trọng cho việc phổ biến những phẩm hạnh tốt đẹp của người tu sĩ đi theo tư tưởng của thánh Benedict. Các vật phẩm tôn giáo là những vật không chỉ có chức năng mang lại bình an, may mắn mà còn là dấu hiệu nhắc nhớ những con người đi theo đời sống tốt đẹp của vị thánh này. Ngày nay, Đại học Benedictine, Hoa Kỳ mang tên vị thánh Benedict hay các tu viện dòng Benedict (Bao gồm dòng Thánh Biển Đức và dòng Nữ Biển Đức) trên khắp thế giới cho thấy công trình đóng góp của thánh Benedict mang lại những kết quả tốt đẹp cho đến thời điểm hiện tại.
Ngoài các giá trị nhân văn thì Huy hiệu Thánh giá Benedict còn là biểu tượng văn hóa có giá trị lịch sử cao. Những đóng góp của thánh Benedict không chỉ trong nội bộ Giáo hội mà được cả xã hội công nhận những đóng góp của thánh Benedict đối với nền văn hóa Châu Âu. Ngày nay, sự nghiệp của thánh Benedict vẫn còn được tiếp diễn qua sự lớn mạnh của các đan viện dòng Biển Đức, cách riêng Huy hiệu Thánh giá Benedict tiếp tục được sùng kính rộng rãi khắp thế giới Kito giáo.
Hồ Lưu Phúc
Trích nguồn: http://conggiao.info
CHÚ THÍCH
[1]. Kitô giáo là thuật ngữ dùng chung chỉ những người đi theo tôn giáo của Chúa Giêsu, gồm nhiều nhánh chính như: Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, Tin lành. Bài viết sử dụng thuật ngữ “Công giáo” để chí tính phổ biến của chiếc huy hiệu này ở nhánh Công giáo Rôma.
[2]. Lễ các Thánh Nam Nữ được tổ chức vào ngày 01/11 hằng năm. The economist. (2013 tháng 12). What is Saintthood. (Ngô Việt Nguyên dịch).
Truy xuất từ: nghiencuuquocte.org
[3]. Chân Phước hay Chân Phúc, còn gọi là Á Thánh, là tên gọi chỉ bước thứ 3 trong quá trình phong
[4]. Thánh, là danh hiệu của Giáo hội Công giáo Roma dành cho những người được xem đã vào “Thiên đàng”, có khả năng cầu nguyện giúp những người cầu nguyện với họ.
[5]. Giáo hoàng (tiếng Latin là Papa) là giám mục của giáo phận Roma, lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo toàn thế giới.
[6]. Đời sống đan tu là đời sống chỉ có một mình, không lập gia đình, là người dân cả cuộc đời cho Thiên Chúa
[7]. Xirila là bà vú nuôi Benedict từ nhỏ.
[8]. Gregorio (540-604) là vị thánh của Công giáo, từng là Giáo hoàng thứ 64 của Giáo hội Công giáo, người có những ghi ghép về cuộc đời Benedict.
[9]. Đan phụ, Viện phụ hay Đan viện phụ là các cha bề trên của các đan viện.
[10]. Đan viện có hai thành phần: “Quy sĩ” và “Ca sĩ”. “Quy sĩ” là những người ít học, đảm trách các công việc chân tay. “Ca sĩ” là người học thức cao đảm trách việc ca hát phụng tự và các việc trí thức
[11]. Tu luật là sách ghi về các luật tu của Benedict soạn, bản chính đã bị mất khi quân Lombards chiếm núi Cassino, ít lâu sau khi Biển Đức qua đời. (Nữ Biển Đức, 2008, tr.35).
[12]. Tham khảo từ: The Order of Saint Benedict. (2017 tháng 06). The medal of Saint Benedict. Truy xuất từ: osb.org
[13]. Biển Đức là từ được Việt hóa từ tên Benedicto da Norcia theo tiếng Ý.
[14]. Thánh bổn mạng là người được chọn để noi gương theo vì họ sống một đời đạo đức, thánh thiện. Lễ bổn mạng là lễ tưởng nhớ đến ngày sinh hay mất của các vị thánh được cử hành mỗi năm.
[15]. Tham khảo từ: The Order of Saint Benedict. The medal of Saint Benedict. Truy xuất từ: osb.org
[16]. Satan trong tiếng Do Thái là danh từ để chỉ “sự cản trở, đối kháng”. Là nhân vật xuất hiện trong các Kinh thánh của Công giáo, được cho là hình tượng của ma quỷ.
[17]. Theo quan niệm của Công giáo, ơn đại xá là những ơn tha tội dành cho những người mắc phải những tội lỗi hoặc ơn tha tội này sẽ được nhường cho những người chưa được lên Thiên đàng.
[18]. Đan phụ Bonniface Krug (1838-1909): Người quản lí tu viện Montecassino trong 12 năm, từ 1897 cho đến năm 1909. Ông gia nhập dòng thánh Benedict tại tu viện thánh Vincent’s Archabbey ở Pennsylvania năm 1859, được phong chức linh mục năm 1861.
[19]. Benedictine là từ dùng để chỉ những người tu theo dòng của thánh Benedict, hiện nay có hai dòng là Order of St. Benedict (Dòng thánh Biển Đức) và Benedictine Sisters (Các Nữ tu dòng Biển Đức).
[20]. Con rắn là biểu tượng cho ma quỷ trong các sách Sáng thế trong Cựu ước của Công giáo.
[21]. Bronislaw Malinowski (1884-1942): Nhà nhân học người Anh gốc Balan, được xem là là nhân học nổi tiếng nhất thế kỉ XX.
[22]. Cộng đồng Vatican có cả một Hội đồng chuyên giải quyết các hiện tượng siêu nhiên mà được cho là do sự quấy rối của ma quỷ. Các nghi thức trừ tà này chỉ do những Giám mục hay Linh mục đươc Vatican giao trách nhiệm mới được phép thực hiện.
[23]. Trong vòng 36 năm, linh mục Gabriele Amorth là nhà trừ quỷ hàng đầu của Vatican và của giáo phận Roma cho đến khi vị linh mục này qua đời vào tháng 9 năm 2016.
[24]. Nguồn gốc ảnh thánh giá trừ quỷ, st. Benedict, truy cập từ: hddaminhthanhlinh.net
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu thành văn:
[1]. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2016), Từ điển Công giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 1216 trang.
[2]. Nữ Biển Đức (2008), Thánh Biển Đức Anh hùng của núi đồi, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 178 trang.
[3]. Dom Claude. J. Nesmy. Thánh Biển Đức và Đời sống Đan tu. (Nữ Biển Đức dịch), 157 trang.
[4]. Gabriele Amorth (2019), Nhà trừ quỷ kể chuyện mình. (Joseph Hoàng Phúc dịch). NXB Đồng Nai, Đồng Nai, 271 trang.
[5]. Tu luật thánh Biển Đức (bản Việt ngữ), được sử dụng trong Hội dòng Xito Thánh Gia Việt Nam và các đan viện Biển Đức Việt Nam.
Tư liệu Internet:
[1]. The Order of Saint Benedict (2017 tháng 06), The medal of Saint Benedict, osb.org, truy cập ngày 13 tháng 02 năm 2020.
[2]. Wikipedia. Saint Benedict medal, en.wikipedia.org, truy cập lúc 17h30 ngày 13 tháng 01 năm 2020.
[3]. The economist (2013 tháng 12), What is Saintthood. (Ngô Việt Nguyên dịch), nghiencuuquocte.org, truy cập ngày 12 tháng 01 năm 2020.