Thi Hành Chức Vụ Giám Mục Giáo Phận Từ Khi Nào?

Đôi khi có những thắc mắc liên quan đến vị tân Giám mục giáo phận; hỏi rằng, khi một linh mục được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận, thì ngài là Giám mục giáo phận chưa; ngài đã có quyền tài phán trên Giáo phận mà ngài được bổ nhiệm hay chưa; tên của ngài đã được nêu trong kinh nguyện Thánh thể hay chưa.

Trước tiên cần phân biệt “chức thánh” Giám mục, linh mục, phó tế với “chức vụ” mà các vị ấy đảm nhiệm.

Đối với Giáo hội địa phương là một giáo phận, Đức Giáo hoàng ra Tông sắc bổ nhiệm một linh mục, với “chức vụ”, hoặc:

– Giám mục giáo phận;

– Giám mục phó;

– Giám mục phụ tá.

Khi mới ra Tông sắc bổ nhiệm một linh mục làm Giám mục giáo phận mà thôi thì:

a- Linh mục đó chưa có “chức thánh” Giám mục và cũng chưa nhận “chức vụ” Giám mục giáo phận, hay Giám mục phó, Giám mục phụ tá;

b- Ngài chưa có quyền lãnh đạo hay tài phán trên giáo phận;

c- Tên của ngài có thể nêu trong kinh nguyện Thánh Thể, tuy không buộc.

Xin lý giải như sau:

1- Chưa là Giám mục, chưa là Giám mục giáo phận

Tiến chức Giám mục phải được tấn phong Giám mục thì mới có chức Thánh Giám mục. Điều này thì khá rõ.

Còn việc thi hành quyền lãnh đạo hay tài phán, Giáo luật quy định là không được thi hành chức vụ trước khi đảm nhận giáo phận, nghĩa là trước khi nhậm chức:

Điều 382

  • l. Giám mục được tiến chức không được xen vào việc thi hành chức vụ đã được trao phó trước khi đảm nhận giáo phận theo Giáo luật; tuy nhiên, ngài có thể thi hành các chức vụ ngài đã giữ trong giáo phận đó trước khi được tiến chức, miễn là vẫn tôn trọng những quy định của điều 409§2. 

Điều 382§l, tuy không có quy định là “vô hiệu” nếu tiến chức “xen vào việc thi hành chức vụ, nhưng nếu tìm hiểu những quy tắc luật khác, thì sẽ thấy việc thi hành chức vụ ấy là vô hiệu. Và như vậy, khi chưa nhậm chức thì tiến chức Giám mục giáo phận chưa có quyền lãnh đạo hay quyền tài phán trên giáo phận.

Có thể căn cứ vào những điều luật như sau:

a- Nhậm chức là cần thiết để thành sự

Việc nhậm chức là rất cần thiết để “trở thành” Giám mục giáo phận hay Giám mục phó. Vì lẽ, nếu Giám mục phó mà đã không nhậm chức hợp lệ thì ngài không thể trở thành Giám mục phó và cũng không trở thành Giám mục giáo phận khi Tòa Giám mục khuyết vị, theo như quy định của điều 409§1.

Điều 409

  • 1. Khi toà Giám mục khuyết vị, Giám mục phó tức khắc trở thành Giám mục của giáo phận vì đó mà ngài đã được đặt lên, miễn là ngài đã nhậm chức hợp luật.

b- Liên quan đến khuyết vị

Sự nhậm chức vô hiệu có thể do Tòa chưa khuyết vị:

Điều 153

  • 1. Việc trao ban một chức vụ mà không khuyết vị theo luật thì vô hiệu do chính sự kiện, và không trở thành hữu hiệu do sự khuyết vị sau đó.

Hãy thử xét một trường hợp cụ thể: Đức Giáo hoàng ban Tông sắc thuyên chuyển một Giám mục giáo phận A đến giáo phận B, và bổ nhiệm một linh mục làm tân Giám mục giáo phận cho giáo phận A.

Khi Giám mục giáo phận A chưa “nhậm chức” ở giáo phận B do thuyên chuyển, thì tòa A “chưa bị khuyết vị”, như điều 418§1 quy định:

Điều 418

  • 1. Trong vòng hai tháng kể từ khi nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển, Giám mục phải đến giáo phận mà ngài được sai đến và nhậm chức theo Giáo luật; và kể từ ngày ngài nhậm chức trong giáo phận mới, giáo phận cũ của ngài trở thành khuyết vị.

Mà khi Tòa chưa khuyết vị thì sự trao ban hay bổ nhiệm một chức vụ vào Tòa đó sẽ không hữu hiệu, căn cứ vào điều 153§1 kể trên.

Điều này chứng tỏ rằng, khi Tông sắc được ban ra, nó không hữu hiệu tức thời, nghĩa là linh mục được tiến chức Giám mục giáo phận không tức khắc trở thành Giám mục giáo phận. Khi giáo phận chưa khuyết vị thì làm sao tiến chức, có thể là Giám mục giáo phận với quyền lãnh đạo hay tài phán hữu hiệu ở giáo phận đó được.

c- Giá trị Tông sắc

Phản biện có thể cho rằng:

Vậy Tông sắc của Đức Giáo hoàng lại không có giá trị hay sao?

– Tông sắc của Đức Giáo hoàng tất nhiên là có giá trị (valide) hoàn toàn, nhưng hiệu lực (effetto) của Tông sắc lại còn tùy thuộc những nguyên tắc luật hay những điều kiện khác.

Rõ ràng nhất là Giáo luật có quy định là bổ nhiệm trước, rồi hiệu lực đến sau, kể từ ngày chức vụ bị khuyết vị.

Điều 153

  • 2. Tuy nhiên, nếu là một chức vụ, chiếu theo luật, được trao ban (conferito) trong một thời gian nhất định, thì việc trao ban có thể được thực hiện trong vòng sáu tháng trước khi hết hạn, và có hiệu lực (effetto) kể từ ngày chức vụ khuyết vị.

Cũng tương tự, bộ Giáo luật được thiết lập (istituita) khi được công bố trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis), nhưng chỉ có hiệu lực (in vigore) sau ba tháng kể từ ngày được công bố trên Công báo. Còn luật địa phương thì chỉ hiệu lực sau khi công bố được một tháng (đ. 8).

Vậy sự chưa có hiệu lực của một sắc lệnh, một bộ luật… là tùy theo quy định luật. Không được cho rằng sắc lệnh đó là không có giá trị khi thấy nó chưa hay không hiệu lực.

Hơn nữa, có thể kể vài điều kiện liên quan đến sự hữu hiệu như:

Chức vụ Giám mục giáo phận sẽ vô hiệu nếu chức thánh linh mục của tiến chức là giả hoặc linh mục ấy chưa được Rửa tội. Nên biết: Hành vi pháp lý hễ bị vô hiệu thì cho dù do sự lầm lẫn hay không biết, hành vi ấy vẫn là vô hiệu (đ.15§1).

Chức vụ Giám mục giáo phận cũng sẽ vô hiệu, nếu tiến chức đã lãnh nhận vô hiệu chức thánh phó tế hay chức thánh linh mục. Ví dụ, được truyền chức linh mục bởi một vị tưởng là Giám mục mà thực sự là không có chức thánh Giám mục.

Các nhà chú giải cũng đồng ý rằng, khi chưa nhận quyền theo giáo luật, vị tiến chức Giám mục giáo phận nếu có thi hành quyền lãnh đạo thì cũng vô hiệu. S. Sipos trong quyển Bách khoa tự điển Giáo luật giải thích rằng, để có thể thực hiện quyền tài phán cách hữu hiệu (valide), cần phải có sự nhậm chức trước (ut iurisdictio per institutionem canonicam iam obtenta excercere valide possit, nessaria est introdutio in possessionem, quae est verbali set realis), (S. SIPOS, Enchiridion iuris canonici, §50, 205. Cf. F.X. WERNZ – P VIDAL, Ius Canonicum, n 597, 629.)

 2. Nêu danh tiến chức Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể

Trong quyển Nghi thức của các Giám mục (Cerimoniale dei Vescovi) có quy định:

  1. Dal giorno della presa di possesso del vescovo, tutti i sacerdoti che celebrano la messa nella sua diocesi, anche nelle chiese e negli oratori degli esenti, devonoinserire il suo nome nella preghiera eucaristica. 
  2. Kể từ ngày nhận chức của Giám mục, tất cả các linh mục cử hành thánh lễ trong giáo phận của ngài, ngay cả trong các nhà thờ và nhà nguyện của những dòng miễn trừ, đều phảinêu tên ngài trong kinh nguyện Thánh Thể.   

Có người cho rằng chỉ nêu tên Giám mục sau khi ngài đã nhậm chức, căn cứ vào chính quy định của số 1147 này.

Tuy nhiên, cần phân biệt, đây là quy định đòi “phải” (devono), chứ không là quy định “cấm”.  Quy định 1147 đòi “phải” nêu tên khi ngài đã nhậm chức, nhưng không cấm nêu tên khi chưa nhậm chức. Việc này cũng tương tự như trong một giáo phận, nếu có Giám mục đã về hưu hoặc Giáo mục nào khác, chúng ta cũng thường cầu nguyện cho cả Giám mục giáo phận và các Giám mục đó trong kinh nguyện Thánh Thể.

J.B. Lê Ngọc Dũng
Trích nguồn: http://conggiao.info

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube