CHÚA NHẬT VI PS NĂM C

Thánh Thần, nguyên lý của bình an

Lm. GB. Trần Văn Hào

 

Phụng vụ hôm nay hướng tâm hồn chúng ta mừng lễ Chúa lên trời vào tuần tới, bởi vì việc Chúa về trời là tột đỉnh của mầu nhiệm Sống lại và đi vào vinh quang với Chúa Cha. Các bài đọc trong phụng vụ phản ánh thực trạng xảy ra nơi các tông đồ cách đây 2000 năm. Trong giây phút ly biệt đầy xốn xang, Chúa đã trấn an các học trò mình không phải bằng liệu pháp tâm lý, nhưng Ngài hứa ban Thánh Thần, là nguyên lý của bình an đích thực. Ngài khuyến mời các ông hãy tuân theo những chỉ dạy của Thần khí để có được bình an thực sự trong tâm hồn.

Thầy để lại bình an cho anh em.

Chắc chắn đây không phải là một lời chúc mang tính khách sáo, nhưng là một động thái Đức Giêsu đã thể hiện giữa các môn sinh của mình. Trong mỗi Thánh lễ, Giáo hội vẫn cầu nguyện xin Chúa Giêsu ban bình an xuống trên toàn thể Hội thánh giống như ngày xưa Ngài đã phú trao bình an cho các tông đồ trước khi đi thụ nạn. Nhưng sự bình an Chúa nói ở đây là bình an như thế nào?

Người ta vẫn thường nói: “Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”. Cũng vậy, bình an mà Chúa Giêsu ban tặng đòi hỏi các học trò phải quyết liệt đi vào cuộc chiến đầy gian nan, đó chính là cuộc chiến đấu thiêng liêng. Trong cuộc chiến gian khổ ấy, chúng ta phải chấp nhận chết để được sống, phải đi vào mầu nhiệm tự hủy để được tái sinh trong đời sống mới. Vì thế, Chúa đã nói: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy không theo kiểu thế gian (c.27). Hòa bình theo cách thế gian chỉ dựa vào sức mạnh của vũ khí và tiềm lực quân sự, còn bình an mà Chúa Giêsu đem đến phát nguồn từ chính Thánh Thần. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô cũng viết: “Hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).

Trong lần tiếp ông Gorbachop và bà Raissa vào năm 1989, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã trao tặng ông Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ một cuốn Kinh thánh, bên ngoài đề hàng chữ ‘Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng trao tặng bà Raissa một cỗ tràng hạt với câu cắt nghĩa ‘Nữ Vương ban sự bình an’. Ngài muốn ngụ ý nói rằng, chỉ qua Đức Giêsu chúng ta mới tìm ra con đường của sự thật dẫn đến sự sống, đồng thời bình an thật sự đến với loài người không phải dựa trên vũ khí, tiền bạc hay sức mạnh quân sự. Chúa Giêsu ban bình an cho các học trò của Ngài không theo kiểu cách thế gian. Ngài mời gọi họ hãy rộng mở tâm hồn để Thần khí tác động và luôn sẵn sàng đi vào cuộc chiến nội tâm, đặc biệt khi đứng trước viễn ảnh đen tối của Thập giá.

Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.

 

“Đừng sợ”. Đây là điệp khúc được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. “Đừng sợ những kẻ giết được thân xác nhưng không làm gì được linh hồn anh em”. “Đừng sợ, ta đã thắng thế gian”… Đây không phải là một lời trấn an mang dạng thức tâm lý, vì Chúa Giêsu không bao giờ đóng vai một nhà tâm lý học đối với các môn sinh của mình. Ngài mời gọi các môn đệ can đảm đối diện trước viễn ảnh Thập giá và cái chết. Những lời Chúa nói trong Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh bữa tiệc ly trước khi đi thụ nạn. Trong bài diễn từ rất dài ấy, Chúa nhắc đi nhắc lại về nguyên lý của tình yêu, là yếu tố giúp ta thắng vượt mọi sợ hãi. Thánh Phaolô cũng đã viết: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Tình yêu sẽ giúp chúng ta thực sự lưu lại trong Chúa, Đấng hằng sống, và chính Chúa Giêsu đã mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu Thầy” (Ga 15,9) bằng cách tuân giữ những điều Thầy truyền dạy”(c.10). Cũng thế, ngày hôm nay, Chúa cũng khẳng định rằng yêu mến Chúa chính là tuân giữ lời của Ngài (Ga 14,23).

Sợ hãi là kinh nghiệm mà chúng ta vẫn thường hay có. Người trẻ sợ tuổi già mau đến. Thanh niên khỏe mạnh sợ lúc bệnh tật hay ốm đau. Đôi trai gái yêu nhau say đắm sợ những giây phút ân ái mặn nồng vụt tan biến. Người giàu sợ sẽ đến ngày khách kiệt… Nói chung, có muôn vàn lý do để phải sợ hãi. Khi đối diện trước cái chết, chính Chúa Giêsu cũng sợ. Sự sợ hãi dâng lên tột độ đến mức mồ hôi và máu toát ra. Ngài đã lớn tiếng và rơi lệ cầu xin với Đấng có thể cứu mình khỏi chết (Dt 5,7), vì Ngài lo sợ, nỗi sợ theo bản tính tự nhiên của con người. Ngài sợ, vì tội lỗi của cả trần gian đang đè nặng trên đôi vai Ngài và cuối cùng dẫn đến cái chết nghiệt ngã. Nhưng khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu đã trở thành nguyên lý cho chúng ta về sự bình an để thoát vượt sợ hãi. Khi hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đến giữa lúc các ông đang ngồi co rúm lại vì sợ sệt. Chúa thổi hơi vào các ông, ban Thánh Thần và trao chúc bình an. Thánh Gioan nêu ra tất cả những chi tiết này để liên kết sự bình an với ân điển của Thần khí, hầu giúp chúng ta thoát vượt sợ hãi. Ngài còn cho các môn đệ thấy những dấu chứng về cuộc khổ nạn nơi thân xác Ngài, và đó cũng là vết tích gây nên sự sợ hãi nơi các tông đồ trước đây.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị đã khởi đầu triều đại Giáo hoàng của Ngài với thông điệp ‘Đừng sợ’. Bước vào năm thánh 2000, Ngài nhắc lại lời hiệu triệu ấy và mời gọi chúng ta, đặc biệt các bạn trẻ: “Đừng sợ. Các con hãy mở tâm hồn để cho Chúa Giêsu chiếm ngự” (Open door to Christ).

Vì thế, thoát khỏi sợ hãi không phải là một liệu pháp mang tính tâm lý, nhưng là một thái độ của đức tin, cắm sâu niềm tin vào mầu nhiệm Đức Giêsu đấng đã chết và đã sống lại.

Thành thánh Giêrusalem, quê hương của bình an đích thực.

Không phải vô tình mà Giáo hội chọn bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay trích trong sách khải huyền, đan kết với sứ điệp Chúa nói trong Tin mừng Gioan. Chúng ta được mời gọi hướng về quê hương vĩnh cửu, là thành thánh Giêrusalem trên trời, nơi chốn của bình an viên mãn. ‘Thành thánh chói lọi vinh quang Thiên Chúa và Con Chiên chính là ngọn đuốc chiếu soi thành’. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng quê hương mai sau của chúng ta là một thực tại rất xa vời so với cuộc sống hiện sinh của ngày hôm nay. Không phải thế. Có một bài hát với ca từ rất ý nghĩa: ‘ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay’. Thành Thánh Giêrusalem mai sau đã được bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, nếu chúng ta biết sống sung mãn trong tình yêu, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.

Đây không phải là nguyên tắc của lý thuyết xa vời vợi, nhưng đời sống đức tin của chúng ta phải được thể hiện cụ thể, bằng cách đi sâu vào sự kết hợp thân tình với Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện mỗi ngày. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, người sẽ được tôn phong Hiển thánh vào ngày 4 tháng 9 năm nay, là một chuyên gia trong việc thực hành bác ái, đặc biệt đối với những người cùng khổ và bị bỏ rơi. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Mẹ luôn nhấn mạnh và khuyên mời các con cái mình chuyên chăm cầu nguyện mỗi ngày. Trong cầu nguyện kết hiệp với Chúa, Mẹ đã nghe được tiếng Chúa Giêsu thét gào trên Thập giá: “Ta khát”. Khởi từ đời sống cầu nguyện, Mẹ đã hăng say lao vào những công việc bề bộn để phục vụ. Điều chính yếu không phải là chúng ta đã làm được những gì, nhưng quan trọng nhất, chúng ta đang là ai, chúng ta có thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu và có thường xuyên cầu nguyện để lưu lại trong tình yêu với Chúa hay không.

Kết luận

Chúa nói hôm nay: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy”. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch để có được bình an. Chân lý này cũng được Thánh Phanxicô Salê quảng diễn khi Ngài nói với chúng ta: “Ama et fac quod vis”, bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm

 

 

Tại sao lại tỏ mình ra cho con

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

 

Trong bài diễn từ tiễn biệt rất dài (từ cuối chương 13 cho tới hết chương 17 của Phúc âm Gioan) Đức Giêsu đã mất nhiều công sức để chấn an các môn đệ Người; chắc hẳn lúc đó các ông đang trong rơi vào tình trạng rất bồn chồn lo lắng, tương tự như một nhóm học sinh gần tới ngày ra trường phải ôn thi: các ông mong ghi nhớ hết mọi lời Thầy dạy, nhớ tới từng chi tiết, nhưng lại có nguy cơ quên mất điểu hệ trọng chính yếu nhất; và điều chính yếu đó không phải là những bài học từ chương về các điều Thầy dạy dỗ, nhưng là bộc lộ bản chất đích thực của Thầy Giêsu – Lời tối hậu của Thiên Chúa. Việc bộc lộ này rõ ràng chỉ dành cho các môn đệ là những người thâm tín đã theo Thầy suốt bằng ấy năm: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Nếu nắm bắt được nội dung lời trăn trối này, chúng ta sẽ có cơ may thấu hiểu được cái cỗi lõi của niềm tin Ki-tô hữu chăng?

 

Nắm giữ Lời là điều tối quan trọng trong việc duy trì tương quan với Thầy Giêsu, kể cả khi Người đã ra đi: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy…Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”. Lời đó chắc chắn không chỉ đơn thuần là các bài thuyết giảng mà Người đã từng tuyên giáo trên khắp các nẻo đường xứ Ga-li-lê và Giu-đê trong ròng rã ba năm trời; trong số đó có những bài thật ý nhị và độc đáo, chẳng hạn bài bàn về các mối phúc hay các câu chuyện dụ ngôn…; thế nhưng, cho dầu có tuân giữ được mọi lời Ráp-bi Giêsu giảng dạy đi nữa, thì điều đó cũng đâu có thể làm cho “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Lời đây hẳn là một điều gì rất đặc biệt mà Người đã từng khảng định: “không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Lời mà Người nhân danh Chúa Cha đến trần gian để nói lên cho bằng được, và chỉ có thể nói cho các môn đệ thâm tín nhất là những kẻ đã tin theo Người mà thôi.

Tuy nhiên Lời này sẽ không hề dễ hiểu, ngay cả đối với các môn đệ! Hồi đó, cho tới lúc Thầy Giêsu sắp ra đi, các môn đệ vẫn luôn cảm thấy khó chấp nhận bài học này: mỗi lần Thầy Giêsu đề cập tới sự tự hiến Thập Giá và đau khổ mà Người sẽ phải chịu tại Giê-ru-sa-lem, không một ai trong số họ không lớn tiếng phản đối, can ngăn. Nhất là khi Người khảng định: ai nhìn thấy Thầy tự hiến là nhìn thấy Chúa Cha, nhìn thấy vinh quang đích thực của Cha… thì không một môn đệ nào có thể hiểu nổi (xem Ga 14:8-11). Đức Giêsu biết rất rõ điều đó; cần phải có một can thiệp đặc biệt, can thiệp của Thần Khí; các môn đệ cần tới một đấng Bảo Trợ, Đấng “sẽ được sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Phải, để hiểu được Lời của Giêsu Thập Giá, hiểu được Tình Yêu tự hiến và cứu đô của Thiên Chúa, dứt khoát cần tới sự can thiệp của Thánh Thần. Người thường thì chỉ có thể hiểu được các lời khuyên dạy, các câu chuyện dụ ngôn, các lời dạy dỗ đầy khôn ngoan từ miệng Ráp-bi Giêsu phán ra, nhưng để hiểu chính con người và hành động của Giêsu Ki-tô là Lời của Thiên Chúa, nhất là khi Lời đó được vang lên, không phải trên bục giảng mà là trên Thập Giá, thì trí khôn con người, cho dầu có xuất chúng tới mấy đi nữa (kể cả bộ óc kỳ tài như Albert Einstein chẳng hạn), cũng không thể nào nắm bắt được.

Ồ, thật vậy sao? Ngay cả một Linh mục lớn tuổi như tôi mà vẫn cứ đinh ninh rằng: để hiểu và giữ lời Chúa thì chỉ cần một chút thông minh, một chút thiện chí; và thông minh – thiện chí cũng là điều tôi vẫn thường lớn tiếng đòi kêu gọi anh chị em tín hữu phải có. Có lẽ chính vì thế mà, cho tới giờ này, tôi có thấu hiểu gì về Lời Tình Yêu – Thập Giá đâu… và các giáo hữu nghe tôi giảng có lẽ cũng chẳng hiểu được gì hơn! Tôi chăm chú suy tư, lo đọn bài giảng hơn là dành thời giờ cầu nguyện, lo trình bày cho khôn khéo hơn là tin tưởng vào tác động của Đấng Bảo Trợ đang ngự trong tâm hồn các tín hữu; trên tòa giảng, tôi lo tạo ấn tượng trên các thính giả của mình, hơn là tìm cách đóng trên họ dấu ấn của Thần Khí.

Và dấu ấn của Lời đó trong Thần Khí thì thật rõ ràng: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi… Thầy để lại bình an cho anh em… Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Lời Thầy Giêsu – Lời Thiên Chúa xót thương không bao giờ là lời đe dọa; Lời đó không tạo áp lực ép buộc, cũng chẳng tạo căng thẳng lo âu! Lời Thầy Giêsu sẽ luôn lan tỏa an bình, thư thái cho cả những tâm hồn đã phạm phải những tội tầy trời nhất; “Ta không kết án, hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa!” Nếu vậy, tôi – một linh mục của Đức Ki-tô có thật sự mang Lời bình an này tới tâm hồn mọi tín hữu, nhất là những tâm hồn chìm đắm trong tội lỗi đang rất cần tới Lời an ủi hơn bất cứ điều gì khác? Và để làm được điều đó: không một ai khác có thể giúp tôi, hơn là Thánh Thần, Đấng ủi an.

Lạy Chúa Giêsu là Lời đích thực của Thiên Chúa Cha giầu lòng xót thương, xin đổ Thần Khí xuống trên con, để con hiểu được Lời Tình Yêu, nhất là mỗi khi con cử hành Thánh Lễ. Nếu chính con chưa một lần hiểu và giữ được Lời Tình Yêu đích thực, nhất là qua biểu lộ của Thánh Thể – Thập Giá, thì làm sao con có thể mở miệng loan truyền Lời Chúa cho anh chị em tín hữu? Có thể con đã giảng lời Giêsu quá nhiều, nhưng đã giảng Lời-Chúa quá ít. Xin chỉnh đốn tình trạng thiếu xót trầm trọng này nơi con! Xin đổ tràn ngập tâm hồn con thứ bình an độc đáo của Chúa, phát xuất từ cảm nghiệm bản thân về lòng Chúa Xót Thương, để con – linh mục của Chúa cũng có thể loan báo và thông truyền Tin Mừng đầy an ủi này cho mọi người, nhất là cho các tội nhân bất hạnh và bị đọa đầy. Amen

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube