Ca Nhập lễ là một trong những bài hát đi kèm với cuộc rước. Đúng vậy, vì nó đi kèm với một hành động, một chuyển động.
Trong thánh lễ, có ba bài hát đi kèm cuộc rước: Ca Nhập Lễ, Ca Dâng Lễ và Ca Hiệp Lễ.
Bài Ca Nhập Lễ ra đời vào khoảng thế kỷ IV-V, vào triều đại của Constantinô, khi Giáo hội được tự do thờ phượng và cử hành Thánh Thể, và với cách bắt đầu việc cử hành như vậy, đã đem lại sự trang trọng cho các đền thờ uy nghi và to lớn của Giáo hội.
Bài Ca Nhập Lễ làm tăng thêm sự long trọng cho Đức Giáo hoàng và những người tháp tùng với ngài khi tiến vào nhà thờ với tiếng hát của ca đoàn. Khi tiến vào đến chỗ ca đoàn, Đức Giáo hoàng ra dấu cho ca đoàn hát Kinh Vinh Danh, trong khi ngài nằm phủ phục cầu nguyện. Kết thúc bài thánh ca, ngài tiến lên và hôn bàn thờ.
Thế kỷ VI Ca Nhập Lễ được xem như một định chế cổ xưa của Giáo hội. Đến thế kỷ X, với việc sửa đổi nghi thức [vào nhà thờ] và xây dựng phòng thánh [phòng mặc áo], đoàn rước không còn tiến vào nhà thờ từ bên ngoài như trước nữa, nhưng từ phòng áo tiến ra gian cung thánh và bài ca nhập lễ trở thành bài hát đi kèm với việc linh mục tiến lên bàn thờ và bắt đầu thánh lễ.
Ngày nay, bài ca nhập lễ đi kèm cuộc rước, giúp đi vào chủ đề của việc cử hành phụng vụ trong ngày. Mục đích của bài ca này để “mở đầu Thánh lễ, giúp cộng đoàn hiệp nhất với nhau và hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm sắp được cử hành trong Thánh lễ và để kèm theo cuộc rước linh mục và các thừa tác viên tiến đến bàn thánh” (QCSLRM 47).
Tóm lại chúng ta có thể nói rằng bài Ca nhập lễ làm nên cung điệu cho bản văn và cho cả âm nhạc của buổi phụng vụ sẽ được cử hành. Đó là bài hát mà cộng đoàn diễn tả những cảm xúc về mầu nhiệm đức tin mà họ đang cử hành.
Vì thế, người có trách nhiệm nên chọn lựa những bài thánh ca thích hợp để chuẩn bị cho thánh lễ cách xứng đáng. Bài ca phải có khả năng liên kết dân Thiên Chúa nhằm tạo nên ý nghĩa cho cộng đoàn. Ca hát thì mạnh mẽ hơn so với lời nói và nó có thể tiếp cận với cộng đoàn tốt hơn. Khi kết hợp tất cả các giọng ca và mọi tâm hồn để ca hát khiến chúng ta trở nên hiệp nhất hơn.
Dưới đây là một số hướng dẫn, trích từ các tài liệu của Giáo hội, giúp các ca trưởng ca viên ý thức rằng : “Âm nhạc dành cho Phụng Vụ phải được chuẩn bị và chọn lựa một cách chu đáo. […] Việc chuẩn bị thiết thực những bài hát phụng vụ sẽ thúc đẩy việc tham gia tối đa của cộng đoàn, là cách thức hợp tác nhằm tôn trọng vai trò chính yếu của nhiều người khác nhau với những khả năng hỗ trợ cho nhau” (HDMVTN số 110).
1. Ca Nhập Lễ được hát khi nào?
“Khi dân chúng đã tụ họp và đang khi linh mục cùng với phó tế và các thừa tác viên tiến vào thì hát ca nhập lễ” (QCSLRM số 47, HDMVTN số 131).
2. Ca Nhập Lễ được hát như thế nào?
“Ca nhập lễ được hát luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc cũng theo thể thức ấy, giữa ca viên và cộng đoàn, hoặc tất cả do cộng đoàn hay ca đoàn hát […] Nếu không hát ca nhập lễ, thì tất cả hoặc một vài giáo dân hoặc một độc viên, đọc ca nhập lễ ghi sẵn trong Sách lễ. Nếu không có ai đọc, thì chính vị tư tế đọc, vị này cũng có thể thích ứng điệp ca ấy theo kiểu lời khuyên nhủ đầu lễ” (QCSLRM số 48).
3. Cách chọn bài Ca Nhập Lễ
Chọn lựa đầu tiên để hát ca nhập lễ là hát chính tiền xướng/đối ca (antiphona) trong Graduale Romanum/Graduale Simplex cùng với Thánh vịnh. Đây là những bài thánh ca được dệt nhạc từ chính lời của đối ca và các Thánh vịnh đã được chỉ định làm ca nhập lễ trong Graduale Romanum/Graduale Simplex (x. UB Thánh Nhạc – HĐGM VN, Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc [= HDMVTN], số 73, 133a).
Chọn lựa thứ hai là hát bài thánh ca được sáng tác (1) dựa vào/theo ý của đối ca và Thánh vịnh đã được chỉ định làm ca nhập lễ trong Graduale Romanum/Graduale Simplex; hoặc được sáng tác (2) dựa vào/theo ý bản văn ca nhập lễ của ngày lễ được ghi trong Sách Lễ Rôma (đây là gợi ý tốt cho việc chọn bài hát ca nhập lễ với nội dung tương hợp). (Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (= QCSLRM), 48; HDMVTN 133b).
Chọn lựa thứ ba là hát bài thánh ca đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận với các chủ đề sau: (1) quy tụ (giúp hợp nhất cộng đoàn); (2) mùa phụng vụ/ngày lễ (hướng tâm hồn tín hữu về mầu nhiệm mùa phụng vụ hoặc ngày lễ; (3) tác động phụng vụ (cuộc rước tiến đến bàn thánh) (x. QCSLRM 47); (4) liên hệ với các Bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ. [1]
4. Một vài lời khuyên
– Không nên chọn hát ca nhập lễ với những bài mang âm hưởng lê thê, buồn sầu, u uất, ảm đạm, cũng như mang dáng vẻ suy niệm trầm tư, bởi vì đặc tính của bài ca nhập lễ là nét hân hoan, vui tươi, khơi dậy niềm phấn khởi nơi các tín hữu tham dự Thánh lễ.[2]
– Đừng chọn một bài quá dài cho một nghi thức ngắn, hoặc ngược lại. Cần bao quát được thời gian giúp cho nghi lễ được gọn gàng, không kéo dài thêm sự chờ đợi của cộng đoàn.
– Cần phải có một giai điệu đủ đơn giản và cao độ vừa phải (nhất là vào sáng sớm) giúp cho các ca viên và cộng đoàn không ái ngại khi tham gia.
– Bài hát phải thích hợp với mùa Phụng vụ hoặc ngày lễ và nội dung phải rõ ràng.
– Cấu trúc của bài hát ở mức trung bình, đừng quá khó, để mọi người, từ trẻ tới già, có thể hát được mà không gặp khó khăn khi hát.
G. Võ Tá Hoàng
Trích nguồn: https://gpquinhon.org
Trích nguồn: https://gpquinhon.org
[1] Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS, Thánh lễ và Thánh nhạc: Phần thường lễ & phần riêng của Thánh lễ (hdgmvietnam.com)
[2] Sđd
Thích, theo dõi và chia sẻ!