Ngày 22 tháng

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của cuộc thăm viếng. Mẹ Maria khi gặp chị họ là bà Elizabeth, Mẹ đã thốt lên bài ca chúc tụng Thiên Chúa, quen gọi là lời kinh MAGNIFICAT được đọc trong Giờ Kinh Chiều mỗi ngày.

Xuất xứ của lời kinh Magnificat cho đến nay vẫn chưa hết những tranh luận của nhiều nhà thần học, nhưng dựa theo chính những lời được thốt ra trong lời kinh “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” mà đặc ân “đầy ơn phúc” lúc này chỉ có nơi Đức Maria và được khẳng định qua sứ thần Gabriel cũng như của bà Elisabeth, nên ta không nghi ngờ gì nữa mà chắc chắn lời kinh này được hát lên từ môi miệng Đức Maria, ca ngợi lòng thương xót của Chúa đã thực hiện lời hứa cứu chuộc dân Người. Tuy lời kinh hoạ lại tâm tình của bà Anna mẹ của Samuel (x. 1Sm 2, 1- 10) cùng với những chắt lọc ý nguyện của các lời kinh Cựu Ước đương thời, nhưng quan trọng hơn cả là được đọc trong một tâm tình của một người nữ tỳ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và cộng tác trực tiếp trong chương trình cứu độ.

Kinh Magnificat được khởi đầu bằng niềm vui của một con người được cứu độ (x. Lc 1, 47), kế đến nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai hèn mọn (x. Lc 1, 48- 53). Đặc biệt, điều được nói đến nhiều nhất là sự đối nghịch giữa thế lực giàu và người nghèo bị áp bức, và Thiên Chúa đã yêu thương cứu giúp người nghèo khó khiêm hạ.

Có thể nói, Đức Maria đã cất lên bài ca của những người bị áp bức, mà trong đó Mẹ và bà Elisabeth diễn tả mối bận tâm của mình dành cho dân Israel. Đức Maria đã nhận vào trong con người của Mẹ một cảm thức và mối bận tâm của bà Anna sau khi bà này sinh hạ Samuel, và ca ngợi về tất cả những điều này vào trong một bài ca biết ơn. Luca giữ lấy cảm thức này cho chúng ta trong kinh Magnificat mà ngài đặt như là một lời dẫn cho việc công bố của Đức Giêsu về sứ mạng của Người là giải phóng người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi (Lc 4, 18- 19).

Cụm từ tapeinoi (tapeinoi) hoặc anawim (anawim) theo ngôn ngữ Hy Lạp muốn nói về một người nghèo bình thường, không quyền hành, không ảnh hưởng. Khi hát lên lời này, Đức Maria như muốn tuyên bố, Thiên Chúa không đánh giá con người theo tiêu chuẩn trần thế. Những con người thành đạt, giàu sang và leo lên đỉnh cao quyền lực, có lẽ sẽ làm cho mọi người kính nể và sợ sệt, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Giàu sang và quyền lực trần thế chỉ là thứ chóng qua như “con người chóng qua như cỏ”. Thiên Chúa chú tâm đến người góa bụa, trẻ mồ côi, người hèn mọn, những con người không có chút quyền hành gì, những con người vô tích sự trước mắt người đời. Kẻ giàu sang quyền thế thường thoả mãn về mình; người nghèo hèn chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Kinh Magnificat là tuyên ngôn: Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo và người bị áp bức; phúc cho người nghèo vì có Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc họ. Đức Maria là mẫu gương sự nghèo khó và lời kinh Magnificat mà Mẹ hát lên phản ánh việc Mẹ đứng về phía những người bị áp bức. Điều này làm cho lời kinh này mang một tính cách mạng vĩ đại: cần phải thay đổi vị trí xã hội để mọi người được bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.

Tóm lại: Lời kinh Magnificat được thốt lên trong bối cảnh của cuộc thăm viếng bà chị họ Elisabeth, bao hàm hành trình truyền giáo đầu tiên của Mẹ Maria với đầy đủ tính năng của một cuộc truyền giáo thực thụ, khi Mẹ đem Chúa Giêsu đến cho người khác và trao ban Chúa Giêsu để những người lãnh nhận được tràn ngập niềm vui vì được cứu độ. Điều này cũng tựa như việc Phêrô cho anh què ở Cửa Đẹp Đền Thờ chính Chúa Giêsu và anh được chữa lành để rồi anh nhảy nhót tưng bừng ca ngợi Thiên Chúa. Biến cố thăm viếng làm nổi bật lên đặc trưng của người môn đệ là: Đức tin, đức ái và cảm thông -nghĩa là mỗi Ki-tô hữu đều mang trên mình niềm tin phó thác cho công trình cứu độ của Thiên Chúa, thực hiện đức ái Kitô bằng việc dấn thân phục vụ và trao ban niềm vui, đồng thời cảm thông và bênh vực cho những người nghèo hèn và những người bị áp bức trong xã hội.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con sống tinh thần của Mẹ Maria là sống trong ơn nghĩa của một tâm hồn đầy Chúa, cưu mang Chúa trong trái tim mình, để rồi mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân. Đặc biệt cụ thể hoá việc làm chứng cho Chúa qua chính đời sống phục vụ. Amen.

 

http://hoidongxitothanhgia.com/suy-niem-hang-ngay/suy-niem-ngay-trong-tuan-tu-19-den-24-thang-12-hien-lam-1389.html

 

 

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube