Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Sự Phân Định Giúp Ta Nhận Ra Chúa Qua Những Sự Kiện Bất Ngờ

Sáng thứ Tư, ngày 06 tháng Chín năm 2022, vì số tín hữu đông đảo hơn, nên lần đầu tiên từ đầu mùa hè đến nay, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 10.000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, thay vì tại Đại thính đường Phaolô VI, ở nội thành Vatican.

Lúc gần 9 giờ, ngài đi xe díp mui trần tiến ra quảng trường, đi qua các lối đi để chào thăm các tín hữu tụ tập tại đây, dưới bầu trời nắng thu. Ngài cũng cho bốn em bé lên ngồi chung xe.

Lên đến bục cao trên thềm Đền thờ, Đức Thánh cha làm dấu thánh giá, với lời chào phụng vụ để mở đầu buổi tiếp kiến. Tám giáo dân độc viên lần lượt đọc một đoạn sách Huấn ca (6,18-19).

Bài giáo lý

Trong phần huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về sự phân định và trong bài thứ hai này có tựa đề: “Một ví dụ: Thánh Ignatio Loyola”, qua đó ngài nói về trường hợp thánh Ignatio Loyola như một thí dụ cụ thể về sự phân định.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trường hợp thánh Ignatio Loyola

Chúng ta tiếp tục suy tư về sự phân định, và điều mà chúng ta sắp nói đây là sự phân định thiêng liêng. Trong việc này, một chứng từ cụ thể có thể giúp đỡ chúng ta. Một trong những gương hữu ích nhất là thánh Ignatio Loyola, với giai đoạn quyết định trong cuộc sống của thánh nhân. Ignatio đang ở nhà dưỡng bệnh, sau khi bị thương ở chân trong một trận chiến. Để giải buồn, Ignatio xin một cuốn sách để đọc. Ngài vốn thích những chuyện hiệp sĩ, nhưng rất tiếc trong nhà lúc đó chỉ có sách hạnh các thánh. Ignatio miễn cưỡng thích ứng với tình trạng đó, nhưng trong khi đọc, Ignatio bắt đầu khám phá một thế giới mới, một thế giới chinh phục được Ignatio và dường như cạnh tranh với thế giới của các hiệp sĩ. Ignatio bị thu hút vì gương thánh Phanxicô và Đa Minh, nên cảm thấy muốn bắt chước các vị.

Tình trạng giằng có trong tâm hồn

Nhưng thế giới hiệp sĩ tiếp tục ảnh hưởng thu hút trên Ignatio. Và thế là Ignatio cảm thấy trong tâm hồn sự nối tiếp các tư tưởng với nhau như thể bình đẳng với nhau. Nhưng Ignatio cũng bắt đầu thấy có những khác biệt. Trong cuốn tiểu sử tự thuật – thánh nhân viết ở ngôi thứ ba như sau: “Khi nghĩ đến những sự trần thế, anh ta cảm thấy thích thú, nhưng khi mệt mỏi, từ bỏ những thứ đó thì anh cảm thấy trống rỗng và thất vọng. Trái lại, đi Jerusalem không giầy dép, chỉ ăn cỏ, thực hành mọi sự khổ chế mà các thánh vẫn thường làm, thì đó là những tư tưởng không những an ủi anh, trong khi anh dừng lại những điều ấy, cả sau khi rời bỏ chúng, thì anh vẫn cảm thấy mãn nguyện và đầy vui mừng” (n.8).

Hai khía cạnh

Trong kinh nghiệm ấy, chúng ta có thể đặc biệt nhận thấy hai khía cạnh.

Thứ nhất là thời gian: những tư tưởng thế tục, thoạt đầu thu hút, nhưng rồi chúng mất sức quyến rũ và để cho chúng ta trống rỗng, bất mãn… Trái lại, những tư tưởng về Thiên Chúa thì thoạt đầu gợi lên một vài sự kháng cự, nhưng khi ta đón nhận chúng thì chúng mang lại một an bình khác lạ, kéo dài trong thời gian”.

Và đây là khía cạnh thứ hai: điểm tới của các tư tưởng. Thoạt đầu tình trạng dường như không rõ ràng. Có một phát triển sự phân định: Chúng ta hiểu đâu là điều tốt đối với chúng ta một cách không trừu tượng, trống trống, nhưng cụ thể trong đời sống chúng ta. Trong những qui luật để phân định, đi từ thành quả của kinh nghiệm cơ bản ấy, thánh Ignatio đặt một tiền đề quan trọng, giúp hiểu tiến trình ấy: “Với những người đi từ tội trọng này đến tội trọng khác, ma quỷ thường đề nghị những điều có vẻ là khoái lạc, làm cho người ta nghĩ ra những điều thích thú và lạc thú nhục dục, để cầm hãm họ và làm cho họ lún sâu trong tật xấu và tội lỗi của họ. Đối với những tình trạng như thế, tinh thần tốt dùng phương pháp ngược lại, kích thích họ thống hối trong tâm hồn với sự phán đoán theo lý trí” (Linh thao, 314).

Kinh nghiệm của thánh Ignatio

Có một chuyện đi trước người phân định nó, một lịch sử không thể không biết tới, vì sự phân định không phải là một thứ lời sấm, hoặc thuyết định mệnh, như bốc thăm về hai điều có thể. Những câu hỏi lớn nảy sinh, khi mà trong cuộc sống, chúng ta đã tiến được một đoạn đường, và chúng ta phải trở lại đoạn đường ấy để hiểu chúng ta đang tìm kiếm gì… Thánh Ignatio, khi bị thương và ở nhà thân phụ, không hề nghĩ đến Thiên Chúa hoặc nghĩ đến việc thay đổi cuộc sống. Thánh nhân đã cảm nghiệm Thiên Chúa lần đầu tiên khi lắng nghe con tim của mình, con tim tỏ cho thánh nhân một sự đảo lộn kỳ lạ: Những điều thoạt nhìn có sức thu hút, nhưng lại để thánh nhân bị thất vọng, và trong những điều khác, kém hào nhoáng hơn, thì thánh nhân lại cảm thấy an bình kéo dài.

Hạnh các thánh

Vì thế, thánh Ignatio khuyên nên đọc chuyện các thánh, vì các chuyện này kể lại và giúp hiểu đường lối của Thiên Chúa trong cuộc sống con người, không khác nhiều với chúng ta. Hoạt động của họ nói với chúng ta, giúp chúng ta hiểu ý nghĩa. Trong giai thoại nổi tiếng ấy, chúng ta có thể nhận ra một khía cạnh khác quan trọng của sự phân định, như chúng ta đã có lần nhắc đến. Có một điều có vẻ là tình cờ trong những biến cố của cuộc đời: tất cả dường như nảy sinh từ một trục trặc tầm thường: không có các sách hiệp sĩ, nhưng chỉ có sách chuyện các thánh. Nhưng một trắc trở có thể bao hàm một sự thay đổi. Chỉ sau một thời gian, Ignatio mới nhận ra điều đó và khi ấy ngài quyết định đặc biệt để ý đến điều ấy. Thiên Chúa làm việc qua những biến cố không được sắp xếp trước trong chương trình và cả trong những việc trục trặc. Chúng ta cũng thấy điều có trong một đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu; một người đang cày bừa trong ruộng, tình cờ gặp một kho tàng chôn giấu trong đó. Một tình trạng hoàn toàn bất ngờ. Nhưng điều quan trọng là họ nhận thấy đó là điều may mắn trong cuộc sống của mình và quyết định bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng ấy (Xc 13,44).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Phân định là giúp nhận ra những dấu chỉ, qua đó Chúa làm cho ta gặp Ngài trong những tình trạng bất ngờ, thậm chí cả tình trạng gây khó chịu, những vụ bị thương ở chân đối với thánh Ignatio. Từ đó có thể nảy sinh một cuộc gặp gỡ đổi đời, mãi mãi…”

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm phái đoàn các tín hữu từ Sénégal bên Phi châu, do Đức giám mục giáo phận Tambacounda hướng dẫn.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến các chủng sinh thuộc giáo phận Verona, và nhiều phái đoàn tín hữu hành hương khác, đặc biệt là các em bệnh nhân từ nhà thương thánh Camillo ở Roma.

Và sau cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nghĩ đến những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài không quên nhắc đến Ucraina đang chịu đau khổ và nói rằng: “Đứng trước mọi cảnh tượng chiến tranh thời nay, tôi xin mỗi người hãy trở thành những người xây dựng hòa bình và cầu nguyện để trên thế giới những tư tưởng và dự án hòa hợp và hòa giải được phổ biến. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế chiến. Tôi phó thác cho Đức Mẹ Maria các nạn nhân của mọi chiến tranh, đặc biệt là nhân dân Ucraina yêu quý.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube