Lời Chúa: Ga 19, 25-27
Lúc ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Suy Niệm:
Phụng vụ Giáo hội đặt ngày lễ “Đức Mẹ Sầu Bi” ngay sau lễ “Suy Tôn Thánh Giá”, điều này cho thấy có một mối liên hệ sâu sắc giữa 2 ngày lễ này. Chúa Giêsu đã dùng thập giá mà cứu độ nhân loại tội lỗi, thì Mẹ Maria, nhờ thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu – con Mẹ, cũng đã cộng tác rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế. Bởi vậy, nếu trong lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta đã cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu dành cho nhân loại qua sự hy sinh đẫm máu của Người, thì lễ Đức Mẹ Sầu Bi cũng là dịp để chúng ta cảm ơn tình yêu của Mẹ dành cho Chúa Giêsu và dành cho cả nhân loại chúng ta.
Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại, chiếc màn tăm tối của đau khổ và chết chóc che phủ khắp cõi trần gian này. Bà Evà – người đàn bà đầu tiên của nhân loại – bị nguyền rủa một cách đáng thương vì đã bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Thế nhưng, đó không phải là dấu chấm hết cho lịch sử nhân loại. Bằng sự quan phòng kỳ diệu, Thiên Chúa đã đưa lịch sử ấy bước sang một trang khác. Với lời thưa “xin vâng” của Evà mới là Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể vào trần gian, mở ra cho loài người một chân trời hy vọng để nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa. Và cùng với lời thưa “xin vâng” ấy, cuộc đời Mẹ đã gắn kết với những đau khổ của Chúa Giêsu và tham dự trọn vẹn vào sứ mạng cứu chuộc nhân loại của Người.
Kinh thánh kể lại cho chúng ta những câu chuyện cụ thể. Khi vừa sinh hạ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã cùng với Hài nhi Giêsu chịu cảnh giá rét nơi đồng vắng; rồi sau đó phải bôn ba chạy sang đất khách quê người để lẩn trốn sự lùng bắt của bạo chúa Hêrôđê; khi đến tuổi dâng Hài nhi Giêsu vào đền thờ, Mẹ Maria đã hết sức đau khổ vì lạc mất con trẻ. Có thể nói qua dòng thời gian, cứ mỗi giờ phút, Mẹ lại làm mới lời “xin vâng” ban đầu bằng tất cả lòng trung thành và sự dũng cảm của đức tin và lòng mến, trước những biến cố xảy đến cho Chúa Giêsu – con Mẹ.
Cho đến khi đứng gần thập giá Chúa Giêsu, lòng Mẹ đã quặn thắt khi thấy con mình đang từng phút hấp hối trong đau khổ muôn vàn. Hơn lúc nào hết, Mẹ cảm nhận lời tiên báo của cụ già Simêon hôm nào đã trở thành hiện thực: “còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.
Ngôi Lời nhập thể đã sống một đời vâng theo thánh ý Chúa Cha cách trọn vẹn để cứu chuộc nhân loại. Thư gửi tín hữu Hipri đã diễn tả điều này như sau: “ Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người ”. Bởi đó, Đấng Cứu Thế cũng muốn người mẹ mà Người thương yêu nhất được thông phần đau khổ để hưởng trọn nguồn ơn cứu độ này. Nếu trên thập giá, Chúa Giêsu hiến tế chính mình cho Thiên Chúa để nên nguồn ơn cứu độ vô giá, thì đứng gần bên thập giá, Mẹ Maria cũng chết lịm trong tâm hồn để cho thánh ý Chúa được thực hiện.
Với tất cả lòng khiêm cung và phó thác, Mẹ đã sẵn sàng để cho thánh ý Chúa được thực hiện nơi cuộc đời mình với ý thức rằng: “ Này tôi là nữ tỳ của Chúa ”. Bằng một đức tin kiên trung, Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu không chỉ lúc tràn trề niềm vui và hạnh phúc, nhưng cả những lúc đứng bên bờ vực của khổ đau. Cuộc đời Mẹ, vì thế, gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu, thăng trầm trong đời sống Mẹ đan kết với mọi biến cố của Con Mẹ. Mẹ đã không hề tỏ thái độ nghi nan hay tuyệt vọng, trái lại, Mẹ luôn phó thác vào tình thương nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, mỗi chúng con hôm nay cũng xin được học tập với Mẹ để biết thưa xin vâng với thánh ý Chúa trong cuộc đời. Noi gương Mẹ, chúng con nguyện luôn kết hợp những đau khổ trong đời sống hằng ngày với đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá như là phương tiện thánh hóa, đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Amen.
Trích nguồn: https://giaophanphucuong.org