Sáng thứ Tư, ngày 05 tháng Mười năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 20.000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.
Như thường lệ, trước 9 giờ, Đức Thánh cha tiến ra quảng trường, trên chiếc xe mui trần, đi qua các hàng ghế để chào thăm đông đảo các tín hữu hành hương.
Lên đến bục cao trên thềm Đền thờ, Đức Thánh cha làm dấu thánh giá, với lời chào phụng vụ để mở đầu buổi tiếp kiến. Tiếp đến là phần công bố đoạn sách Huấn ca (17,1.6-7), do các giáo dân tuyên đọc bằng tám thứ tiếng:
“Thiên Chúa đã tạo dựng con người từ đất và làm cho nó trở lại đất […]. Phân định, lưỡi, mắt, tai và con tim Chúa ban cho họ để suy nghĩ. Ngài làm cho họ được đầy tràn tri thức và trí hiểu, và tỏ cho họ điều thiện cũng như điều ác.”
Bài giáo lý
Trong phần huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về sự phân định, và bài thứ tư này có tựa đề: “Những yếu tố để phân định: tự biết mình”.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tầm quan trọng của sự biết mình
Khi bàn về đề tài phân định, lần trước chúng ta đã cứu xét yếu tố không thể thiếu được của nó, đó là việc cầu nguyện, được hiểu như một sự thân mật và tin tưởng bộc lộ với Thiên Chúa. Hôm nay, như để bổ túc, tôi muốn nhấn mạnh rằng một sự phân định tốt cũng đòi phải tự biết mình. Thực vậy, sự phân định đòi có sự can dự các cơ năng con người chúng ta: trí nhớ, trí tuệ, ý chí và tình cảm. Thường chúng ta không biết phân định, vì chúng ta không biết mình cho đủ, và như thế chúng ta không biết mình thực sự muốn gì.
Nơi căn cội những nghi ngờ về tinh thần và khủng hoảng ơn gọi nhiều khi không có cuộc đối thoại đủ giữa đời sống đạo và chiều kích nhân bản, tri thức và tình cảm. Một tác giả tu đức nhận xét rằng vì nhiều khó khăn về đề tài phân định, có liên hệ tới những vấn đề thuộc loại khác, nên chúng cần được nhìn nhận và tìm hiểu. Tác giả ấy viết: “Tôi đi đến xác tín rằng chướng ngại lớn nhất cản trở sự phân định thực sự (và tăng trưởng thực sự trong việc cầu nguyện) không phải là bản chất không thể cảm nhận của Thiên Chúa, nhưng do sự kiện chúng ta không biết mình cho đủ, và chúng ta cũng chẳng muốn tự biết chúng ta thực sự thế nào. Hầu như tất cả chúng ta nấp đằng sau một mặt nạ, không những trước những người khác, nhưng cả khi chúng ta soi mình trong gương” (Th. Green, il grano e la zizđania, Roma, 1992, 25).
Quên lãng sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta đi song đôi với sự không biết bản thân mình, về những đặc tính của nhân cách chúng ta và những ước muốn sâu thẳm nhất của chúng ta.
Những điều kiện để biết mình
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Biết mình không phải là điều khó, nhưng là điều vất vả: nó đòi phải có một cố gắng kiên nhẫn đào sâu nội tâm. Nó đòi ta phải có khả năng dừng lại, “gỡ bỏ hệ thống lái tự động”, để đạt được ý thức về cách hành động của chúng ta, và những tâm tình trong chúng ta, những tư tưởng hay xuất hiện ảnh hưởng tới chúng ta, nhiều khi chúng ta không biết. Nó cũng đòi phải phân biệt giữa cảm xúc và những cơ năng tinh thần. “Tôi cảm thấy” không phải là “tôi xác tín”, “tôi cảm nghiệm” không phải là “tôi muốn”. Như thế, chúng ta đi tới chỗ nhìn nhận rằng cái nhìn chúng ta có về bản thân và về thực tại nhiều khi bị méo mó. Nhận thức điều đó là một ơn phúc! Thực vậy, nhiều lần có thể xảy ra là những xác tín sai lầm về thực tại, dựa trên những kinh nghiệm quá khứ, ảnh hưởng mạnh mẽ trên chúng ta, giới hạn tự do của chúng ta trong hành động cho điều thực sự là đáng kể trong đời sống chúng ta.
Sống trong thời đại tin học, chúng ta biết mật khẩu thật là điều quan trọng để có thể đi vào những thảo chương, trong đó có những thông tin cá nhân và quý giá nhất. Cả đời sống thiêng liêng cũng có những “mật khẩu” của nó: có những lời đánh động tâm hồn vì chúng gợi lại điều chúng ta nhạy cảm nhất. Kẻ cám dỗ biết rõ những lời “chìa khóa” ấy, và điều quan trọng là chúng ta cũng biết những lời ấy để không ở nơi mà chúng ta không muốn. Cám dỗ không nhất thiết xúi giục những điều xấu, nhưng thường là những điều xáo trộn, được trình bày như thể đó là một điều quan trọng thái quá. Qua cách đó, chúng ta bị thôi miên với những thu hút mà những điều đó gợi lên trong chúng ta, những điều đẹp đẽ nhưng là ảo ảnh, không thể duy trì những gì chúng hứa hẹn, rốt cuộc để lại cho chúng ta một cảm tưởng trống rỗng và buồn bã. Chúng có thể là bằng cấp, sự nghiệp, những quan hệ, tất cả những điều tự nó là đáng khen, nhưng nếu chúng ta không tự do thì chúng ta có nguy cơ nuôi dưỡng những mong đợi ảo tưởng đối với chúng, ví dụ như sự khẳng định giá trị của chúng ta. Từ sự hiểu lầm ấy thường nảy sinh những đau khổ lớn hơn, vì không đó điều gì trong những thứ ấy có thể là bảo đảm phẩm giá của chúng ta.
Vì thế, điều quan trọng là biết mình, biết “mật khẩu tâm hồn chúng ta, điều mà chúng ta nhạy cảm nhất, để bảo vệ chính mình khỏi những kẻ trình diện với những lời thuyết phục để lèo lái chúng ta và cũng để nhận ra điều thực sự là quan trọng đối với chúng ta, phân biệt nó với những điều thời trang, hoặc những khẩu hiệu hào nhoáng và hời hợt.
Cần xét mình
Một trợ lực trong vấn đề này là xét mình, nghĩa là một tập quán tốt bình tĩnh nhìn lại những gì xảy ra trong ngày sống của chúng ta, học cách ghi nhận, trong sự thẩm định và chọn lựa, điều chúng ta coi là quan trọng nhất, điều chúng ta tìm kiếm và lý do tại sao, và điều mà sau cùng chúng ta đã tìm được. Nhất là học cách nhận ra điều làm tâm hồn chúng ta mãn nguyện. Vì chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta sự xác nhận chúng ta giá trị thế nào. Đó là điều mà mỗi ngày từ thập giá, Chúa đã chết cho chúng ta, để tỏ cho chúng ta mình quý trọng dường nào trước mắt Ngài. Không có chướng ngại hoặc thất bại nào có thể cản trở vòng tay ôm dịu dàng của Chúa.
Cầu nguyện và biết mình giúp tăng trưởng trong tự do. Đó là những yếu tố căn bản của đời sống Kitô, những yếu cơ bản để tìm lại chỗ đứng của mình trong cuộc đời.
Chào thăm và kêu gọi
Buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và chào thăm các nhóm hành hương.
Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu đến từ các nước, đặc biệt từ Ecosse, Na Uy, Thụy Điển, Úc, Ấn Độ, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài chào thăm cách riêng các sinh viên mới thuộc Giáo hoàng Học viện thánh Beda và thành viên Hiệp hội Công giáo các nhà giảng thuyết từ Anh quốc.
Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở mọi người về lễ kính thánh nữ Faustina Kowalska. Ngài nói: “Qua thánh nữ, Thiên Chúa đã chỉ dẫn thế giới tìm kiếm ơn cứu độ trong lòng thương xót của Chúa. Nhất là lúc này chúng ta đặc biệt nghĩ đến chiến tranh tại Ucraina. Như tôi đã nói hôm Chúa nhật vừa qua, trong buổi đọc kinh Truyền tin, chúng ta hãy tín thác nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng có thể thay đổi các tâm hồn và tin tưởng nơi sự chuyển cầu từ mẫu của Nữ Vương Hòa Bình”.
Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm nhiều giáo xứ và hội đoàn, đồng thời nói rằng: “Tôi mời gọi mọi người hãy noi gương thánh Phanxicô Assisi, Bổn mạng nước Ý, chúng ta đã cử hành lễ hôm mùng 04 tháng Mười vừa qua. Ước gì tấm gương của thánh nhân tận hiến cho Thiên Chúa, phục vụ con người và tình huynh đệ với các thụ tạo, hướng dẫn hành trình của anh chị em”.
Và sau cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nghĩ đến những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắn nhủ họ hãy học nơi trường của thánh Phanxicô Assisi, noi gương thánh nhân về lòng yêu mến và chiêm ngắm Đấng Chịu Đóng Đinh.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org