Thứ Năm Tuần II Mùa Chay

Tin Mừng: Lc 16: 19-31

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được’.

“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’”.

Suy niệm: 

Trang Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai khung cảnh trái ngược nhau:

– Khung cảnh một: Khi còn sống, Lazaro nghèo khổ và đói khát; trong khi ông phú hộ thì yến tiệc linh đình.
– Khung cảnh hai: Sau khi chết, Lazaro “giàu có” và hạnh phúc trong lòng Abraham; trong khi ông phú hộ “nghèo đói” và đau khổ nơi hoả ngục.

Sau cảnh sống tại thế của kẻ giàu và người nghèo, tác giả nói đến cuộc sống của họ bên kia thế giới khi từ trần, cũng đối nghịch nhau giữa hai người, nhưng đã đảo ngược hoàn toàn.

Trong niềm tin của người Kitô hữu, chết không phải là hết, nhưng là bước vào một đời sống mới, đời sống trong Đức Kitô. Vì thế, khi nhìn vào tình huống đối nghịch của hai nhân vật Lazarô và người phú hộ, chúng ta thấy của cải giàu sang tự nó không phải là dấu chỉ được Thiên Chúa chúc phúc, cũng không phải là dấu chỉ của con người thánh thiện. Tuy nhiên, nhiều khi trong cuộc đời, người ta nghĩ rằng giàu có, sang trọng là đã được Chúa chúc phúc, rồi họ yên tâm với những suy nghĩ đó, và không thèm quan tâm đến người xung quanh.

Những người Kinh sư, Pharisêu, các thầy Tư tế và Lêvi họ cũng nghĩ giống y như vậy và họ yên tâm với cuộc sống của mình, còn những người xung quanh thì mặc kệ.

Chúng ta hãy nhìn hình ảnh trong dụ ngôn người Samari nhân lành (Lc 10: 29-37): Những thầy Tư tế và Lêvi là những người phục vụ trong đền thờ, họ nghĩ rằng mình đã gần Chúa, họ “giàu có” vì việc phục vụ đền thờ và như thế là đủ rồi; họ không quan tâm đến người bị kẻ cướp đánh nhừ tử ven đường nữa. Có thể ví họ như những người “giàu có” vì nghe nhiều Lời Chúa nhưng lại “nghèo hèn” vì không thực hành Lời Chúa. Trong khi đó, một người dân ngoại Samari, “nghèo khó” trong việc hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng lại “giàu có” công phúc trước mặt Thiên Chúa, vì “thực thi lòng thương xót” mà ngài đã dạy. Như vậy, ai mới là “giàu có” đích thực?

Khi hai đối tượng này chết, ai sẽ là người được ngồi trong lòng Abraham? Ai sẽ là người phải khóc lóc nghiến răng nơi hoả ngục? Chúa Giêsu nói rằng người thân cận: “Chính là kẻ thực thi lòng thương xót” với người bị nạn dọc đường (x. Lc 10: 37).

Quay trở lại câu chuyện của Lazarô và ông phú hộ, ai là kẻ không thực thi lòng thương xót của Chúa?

Nơi hình ảnh người phú hộ, chúng ta thấy ông thường xuyên được tiếp xúc với người ăn mày, để nhờ của cải mà “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” như Kinh Thánh đã dạy, nhưng vì tính ích kỷ, thiếu lòng thương xót, thiếu sự quan tâm, nên ông đã không chụp lấy “cơ hội vàng” đó. Đáng lẽ ra, ông phú hộ có thể biến của cải mình có thành “dấu chỉ chúc phúc của Thiên Chúa”: Ông có đầy đủ của cải, luôn có người nghèo trước mắt; ông đã thấy nỗi khốn cùng của họ, và cũng có khả năng cải thiện trình trạng khốn cùng đó. Nhưng ông đã không làm gì cả, vẫn bỏ rơi người nghèo nằm trước cổng nhà ông.

Hình ảnh của người phú hộ trên cho chúng ta thấy, của cải tự nó không phải là dấu chỉ Thiên Chúa chúc phúc. Thiên Chúa chúc phúc khi ta sử dụng của cải để thực thi lòng thương xót của Ngài. Nếu chúng ta không tận dụng cơ hội để thực thi lòng thương xót của Chúa, thì như lời của Thánh Giacôbê Tông đồ nói: Các người đã kết án, đã giết hại người công chính (Gc 5: 6) và vàng bạc của các người đã bị rỉ sét và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người” (Gc 5: 2). Như vậy, không những ta không được chúc phúc mà còn mang tội với Thiên Chúa.

Sống trong thế giới ngày nay, đôi khi chúng ta cũng bỏ rơi người nghèo, người bị nạn bên vệ đường; đôi khi chúng ta cũng kết án và giết hại người công chính khi chúng ta thiếu sự quan tâm và thương xót những người xung quanh. Sự thiếu quan tâm và thương xót đó có thể là sự vô tâm khoe mẽ những món đồ đắt tiền mới mua trên Facebook. Đó là những hình ảnh phản cảm trước những người nghèo đói, không có đủ tiền để mua ổ bánh mì lót bụng, trong khi chúng ta bỏ hàng chục triệu, có khi cả trăm triệu ra mua một cái đồng hồ đính kim cương rồi chụp hình khoe lên Facebook. Khi chết đi, đồng hồ kim cương đó cũng mục nát cùng với linh hồn của chúng ta trong hoả ngục…

Và như thế, chúng ta cũng tự kết án chính mình như bản án của ông phú hộ kia. Sự kết án đó cũng tương tự như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Không có thứ Kitô giáo không có lòng thương xót. Vì thế, số phận của ông phú hộ không phải là do Thiên Chúa kết án, nhưng là chính sự lựa chọn đưa ông đến số phận đời sau. Sự lựa chọn cách sống và sử dụng tiền bạc của chúng ta cũng sẽ quyết định số phận đời sau của chính mình.

Lạy Thiên Chúa của lòng xót thương, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương chăm sóc chúng con. Xin cho chúng con luôn có một tấm lòng rộng mở, một đôi mắt sáng suốt biết quan tâm, thương xót đến nỗi thống khổ của mọi người, nhất là những người nghèo đói, bị bỏ rơi, không ai giúp đỡ. Amen.

Linh mục Cao Nhất Huy
Trích nguồn: https://giaophanphucuong.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube