NGƯỜI CHA MẸ CÓ TRÁCH NHIỆM
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên. Gp. Hải Phòng
Trong suốt năm 2014, Giáo Hội tại Việt Nam nỗ lực đem tinh thần của Phúc Âm chiếu sáng đời sống gia đình, làm cho gia đình thăng tiến trong đời sống Đức Tin cũng như trong tình liên đới hài hòa giữa các thành viên. Trước bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay ngày càng có nhiều gia đình tan vỡ, các vị Chủ chăn của Giáo Hội Công giáo đã mời gọi mọi thành phần Dân Chúa, từ giáo sĩ đến giáo dân, hãy đóng góp phần mình làm cho các gia đình được bền vững chung thủy và hòa thuận. Gia đình trong giáo huấn của Giáo Hội là gia đình đơn nhất (tức chỉ có một vợ và một chồng) và bền vững (tức là không được phân ly, một khi đã cử hành bí tích hôn nhân). Khi Đạo Chúa được rao giảng ở Việt Nam, lòng chung thủy bền vững của vợ chồng trong bí tích hôn nhân đã gặp gỡ truyền thống tốt đẹp của người dân Việt, đó là gia đình hòa thuận, trên kính dưới nhường. Như thế, Tân-Phúc-Âm hóa đời sống gia đình, vừa là đưa gia đình trở về với giáo huấn của Tin Mừng, vừa là khôi phục và trân trọng gìn giữ nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam. Những nét đẹp này đang có nguy cơ mai một, do những quan niệm sai lạc về tự do và do ảnh hưởng của lối sống vô trách nhiệm.
Tham dự Thượng Hội đồng về gia đình tại Rôma dịp tháng Mười năm 2014 này, Đức Cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam, trong bài tham luận trước Đức Thánh Cha và các Nghị Phụ, đã nêu lên ba thách đố lớn của người Công giáo Việt Nam trong lãnh vực gia đình, đó là: tự do về tính dục, bạo lực gia đình và phá thai. Đây là những vấn đề lớn gây nhức nhối cho những ai có lương tri và làm băng hoại xã hội. Nhiều bạn trẻ chủ trương lối sống tự do buông thả, bất chấp những quy luật đạo đức. Tình trạng sống thử trước hôn nhân, sống chung theo “lối bầy đàn” đang phổ biến. Những thông tin báo chí cho thấy nhiều phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ngay giữa thời đại được gọi là văn minh của chúng ta mà vẫn còn những người vợ âm thầm chịu đựng bạo lực trong suốt nhiều chục năm. Cuộc sống gia đình của họ không một ngày hạnh phúc. Tại đất nước chúng ta, mỗi năm có đến hai triệu thai nhi bị giết hại. Những trẻ em vô tội chưa được nhìn thấy ánh sáng mặt trời đã bị giết vì lòng ích kỷ của con người. Những thách đố này đang làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của đời sống gia đình, làm lung lay nền tảng xã hội và làm mất định hướng nơi giới trẻ. Chúng ta, mỗi Kitô hữu, hãy đóng góp phần mình để xây dựng những gia đình thực sự thấm nhuần Phúc Âm, là tổ ấm yêu thương và là đền thờ có Chúa ngự.
Thánh Luca trong Tin Mừng hôm nay giới thiệu với chúng ta Thánh Giuse và Đức Maria là những người cha mẹ có trách nhiệm. Trước hết là trách nhiệm với Luật Chúa, sau là trách nhiệm với con cái. Để chu toàn Luật Chúa, hai ông bà đã đem Chúa Hài Nhi lên Đền thờ Giêrusalem để tiến dâng con mình cho Chúa. Ông bà cũng lên Đền thờ để thực hiện nghi lễ thanh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con. Đây là những nghi lễ đã được quy định trong Luật Do Thái. Thánh Giuse và Đức Maria là những tín hữu đạo đức, chuyên tâm và nhiệt thành thực hiện những gì đã được ấn định. Khi thi hành Luật Chúa, ông bà thể hiện lòng đạo đức và yêu mến đối với Ngài.
Cuộc tiến dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền thờ còn là cuộc gặp gỡ với cộng đoàn phụng vụ. Ông Simêon và Bà Anna là hai người đại diện cho cộng đoàn Dân Thánh tại Đền Thờ. Cuộc gặp gỡ này đã đem lại cho hai người niềm vui. Không những thế, cả hai vị đều được soi sáng để nhận ra nơi Hài Nhi Giêsu vị Cứu nhân độ thế mà thiên hạ bao đời mong đợi.
“Hài Nhi ngày càng lớn lên, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Thánh sử Luca đã diễn tả Ngôi Hai Thiên Chúa với từng bước phát triển về thể lý và tâm linh như biết bao trẻ thơ khác, và còn đặc biệt hơn là được “ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã sống trong một gia đình có người cha người mẹ có trách nhiệm. Ngài từng bước lớn lên, phát triển về mọi phương diện để chuẩn bị cho sứ mạng Thiên Chúa Cha đã trao phó. Thánh Gia là gương mẫu cho mỗi tín hữu chúng ta noi theo, nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay.
Các bài đọc Sách Thánh hôm nay (Bài đọc I và Bài đọc II) đều ca ngợi Đức Tin và sự phó thác của ông Abraham. Mặc dù tuổi đã cao mà chưa có con để nối dõi tông đường, ông vẫn tin vào lời Chúa hứa và niềm tin của ông đã được Chúa thưởng công xứng đáng. Khi đã có con trai là Isaac, Abraham lại đứng trước một thử thách lớn lao: Chúa bảo ông dâng cho Chúa đứa con một. Ông đã sẵn sàng thực hiện lời Chúa, không chần chừ nghi ngại. Ông là mẫu mực cho những người cha, luôn biết phó thác nơi Chúa và đặt ý Chúa là ưu tiên tối thượng của cuộc đời. Nhờ Đức Tin và lòng phó thác, Abraham đã trở nên cha của những người tin.
Trong những ngày này, chúng ta đến cầu nguyện bên hang đá máng cỏ. Hình ảnh Thánh Gia diễn tả một khung cảnh hiền hòa. Hòa bình của thế giới, của mọi cộng đoàn xã hội đều bắt nguồn từ đây. Xây dựng gia đình hòa thuận đạo đức, chính là góp phần kiến tạo một nền hòa bình chân thật và bền vững cho nhân loại. Gia đình hòa thuận, đó cũng chính là hình ảnh của Thiên Đàng nơi trần thế.
“Ở đời có hình ảnh nào đáng cảm, đáng kính như hình ảnh của một bà mẹ sống giữa đàn con, lo sắp đặt công việc của kẻ ăn người làm, mưu toan cho chồng được sung sướng một đời và cai quản việc nhà một cách khôn khéo” (Khuyết danh).
GIA ĐÌNH – CON ĐƯỜNG
(Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Tục ngữ Việt nam có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Đứa con nào cũng ít nhiều mang khí huyết của cha, mang thịt máu của mẹ.
Nếu trong sinh học, yếu tố di truyền là tất yếu thì trong đời sống luân lý, nề nếp gia phong cũng ảnh hưởng sâu xa đến con người. Trẻ thơ vốn dễ bắt chước. Đứa trẻ lớn lên trong gia đình sẽ nói ngôn ngữ của cha mẹ, học lề thói cư xử của anh chị, tiếp thu những quy ước, hít thở thấm tẩm bầu khí gia đình. Gia đình là vườn ươm. Vườn ươm cung cấp những tố chất đầu tiên cho cây giống. Những tố chất tốt sẽ giúp cây lớn mạnh, sinh hoa kết quả tốt đẹp. Gia đình là con đường. Con đường thẳng sẽ dẫn trẻ đạt ước mơ, lý tưởng.
Qua bài Tin Mừng, ta thấy Thánh Gia thật là một vườn ươm tốt đẹp đã ấp ủ hạt mầm Giêsu, một con đường thẳng tắp đưa Đức Giêsu tiến trên con đường vâng phục Thánh Ý Chúa Cha.
Thánh Giuse và Đức Maria đưa Hài Nhi Giêsu lên Giê-ru-sa-lem để dâng cho Thiên Chúa. Thực ra luật Mô-sê không buộc phải đưa con lên Đền Thờ, chỉ buộc nộp một số tiền nếu đó là con đầu lòng (Xh 13,13; 34, 20). Việc dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ cho thấy Thánh Gia nhiệt thành chu toàn lề luật và tha thiết gắn bó với Đền Thờ.
Sự nhiệt thành đối với lề luật và tha thiết với Đền Thờ còn được tỏ lộ qua việc hằng năm các ngài hành hương lên Giê-ru-sa-lem. Đức Giêsu bắt đầu được tham dự cuộc hành hương khi lên 12 tuổi.
Như những người Do-thái thuần thành, hằng tuần các ngài vào hội đường Na-da-rét để đọc và nghe Sách Thánh. Việc đến hội đường vào ngày Sa-bát đã trở thành thói quen của gia đình và sau này Đức Giêsu vẫn duy trì. Tất cả những nề nếp đó in sâu vào Đức Giêsu.
Đức Giêsu tha thiết với Đền Thờ nên không những giữ trọn luật hành hương mà Người còn ra công tẩy uế (x. Ga 2, 13-17). Đức Giêsu yêu mến Đền Thờ đến nhỏ lệ thương cho Đền Thờ sẽ bị tàn phá cùng với Thành Thánh Giê-ru-sa-lem (x. Lc 19, 41; 21, 5-6). Đức Giêsu yêu mến lề luật nên không huỷ bỏ dù là một chấm, một phẩy, mà chỉ kiện toàn cho luật nên hoàn hảo (x. Mt 5, 17). Đức Giêsu vẫn thường xuyên vào Hội Đường, nên khi trở về thăm làng quê Na-da-rét, “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát và đứng lên đọc Sách Thánh” (Lc 4, 16).
Xem thế đủ biết nề nếp đạo đức gia đình đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời Đức Giêsu như thế nào. Chắc chắn Đức Giêsu không chỉ thừa hưởng từ nơi Thánh Giuse và Đức Maria lòng yêu mến lề luật, gắn bó với Đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa, mà còn thừa hưởng nơi các ngài sự mau mắn vâng phục Thánh Ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình, sự chuyên chăm làm việc, sự ân cần âu yếm với con cái… mà ta thấy bàng bạc trong những lời Người giảng dạy và nhất là trong đời sống của Người. Chính trong bầu khí gia đình nề nếp ấy, Đức Giêsu đã phát triển về mọi mặt, “càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.
Gia đình thật quan trọng. Chính gia đình quyết định tương lai trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt mầm trẻ thơ có lớn mạnh được là nhờ vườn ươm có đầy đủ nước, phân bón và đất tốt. Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành bổ dưỡng thì trẻ thơ mới phát triển được về mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng, có định hướng thì tương lai trẻ thơ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt.
Lạy Thánh Gia, xin nâng đỡ gia đình chúng con.
LỄ THÁNH GIA THẤT_B
(Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa)
Ông bà anh chị em thân mến. Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập thể bắt đầu ở Na-da-rét và từ giây phút đó Thiên Chúa đã sống và lớn lên ở trần gian. Mái ấm Thánh Gia của Chúa Giê-su, Đức Maria và thánh Giu-se rất đặc biệt, nhưng cũng rất bình thường, hay còn tầm thường hơn những mái ấm, gia đình khác trong ngôi làng này. Gia đình này cũng là trường học huấn luyện Chúa Giê-su, chuẩn bị cho Ngài thực hiện sứ mệnh của thánh ý Chúa Cha sau này. Nơi đây, Chúa Giê-su đã được Đức Maria dạy cầu nguyện, giữ giới luật Chúa, có lòng quảng đại, nhân từ, và nhất là biết hy sinh yêu thương, hiến mình cho tha nhân, bạn cũng như thù. Chúa Giê-su cũng đã học tính khiêm nhường, sự công chính và tinh thần lao động từ thánh Giuse. Thật vậy, Đức Maria và Thánh Giu-se là những thày cô gương mẫu, và Chúa Giê-su đã vâng phục, lớn lên một cách tốt đẹp từ một đứa trẻ trở thành một người trưởng thành khôn ngoan quân bình thể xác, trí tuệ, đức tính và tâm linh. Thánh Gia tượng trương cho những gia đình có bầu khí yêu thương, hòa thuận, hạnh phúc, và có những đức tính thánh thiện. Thánh Gia là một gia đình thánh, nhưng sự thánh thiện ấy không miễn chuẩn cho các Ngài những khó khăn vất vả. Như tất cả gia đình chúng ta, Thánh Gia cũng phải đương đầu với những khó khăn, thử thách.
Có một người mẹ viết một lá thư cho người phụ trách mục gia đình trên một tờ báo nói về người con của mình như sau: “Mặc dù tòa án lên án người con của tôi, nhưng tôi không thể nào từ bỏ đứa con. Nó là con tôi, làm sao tôi có thể từ bỏ nó được! Tôi cầu nguyện cho nó hằng ngày; Tôi đau khổ, thương khóc nó; Tôi khuyến khích nó can đảm. Và trên hết, tôi thương yêu nó.”
Một lá thư khác viết bởi một cô gái 16 tuổi, như sau: “Tôi là một người mẹ thay thế. Khi mẹ tôi đi làm tại một tiệm ăn, tôi phải trông coi 3 người em trai và 1 người em gái. Tôi phải dẫn em đi cầu; Chùi mũi cho em; phải dọn bữa ăn và chuẩn bị các em tôi lên giường ngủ, sau đó tôi mới lo cho tôi. Tôi phải làm tất cả công việc của một người mẹ. Nhưng thay vì cám ơn tôi, các em tôi lại ghét thù tôi. Thỉnh thoảng tôi có ý nghĩ và ước gì tôi đã chết. Tôi có ý nghĩ trốn chạy khỏi gia đình, nhưng tôi không biết phải đi đâu và phải làm gì. Khi tôi lớn lên, tôi không bao giờ muốn trở thành một người mẹ. Đây là một công việc khó khăn, cực nhọc nhất trên đời này.
Như chúng ta nhận thấy, gia đình ngày nay và nhất là trong xã hội này, đang phải đương đầu với những khó khăn, thử thách như luật lệ của một số tiểu bang công nhận hôn nhân đồng tính, hay sự sống chung chạ ngoài hôn nhân, và những sự cám dỗ về vật chất làm cho con người đảo lộn thứ tự những giá trị trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sự liên hệ giữa vợ chồng và con cái, và nhất là trẻ em trở thành những nạn nhân của những vụ ly dị, vì vắng mặt người cha hay mẹ, một người chủ yếu trong gia đình, để dạy dỗ và hướng dẫn các em.
Ông bà anh chị em thân mến. Các nhà phân tích tâm lý và xã hội tìm ra nhiều đặc tính chung tạo nên một gia đình hòa thuận, hạnh phúc và thành công, trong khi đó những gia đình đổ vỡ, không hạnh phúc và có những sự xung khắc vì những lý do riêng biệt của từng trường hợp. Trong ngày kính Thánh Gia Thất hôm nay, tôi xin được đề cập đến một nét đặc biệt giúp cho hôn nhân và gia đình thành công và hạnh phúc đó là sự thánh thiện. Điều trước tiên chúng ta phải để ý là những người trong gia đình hay hôn nhân thánh thiện không phải là những người hoàn toàn tách biệt sự thông thường hàng ngày. Những người này cũng có những vấn đề, khó khăn và thử thách như mọi người, cũng như gia đình Thánh Gia Thất. Tin mừng của thánh Mát-thêu và Lu-ca cho chúng ta biết Thánh gia thất có nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bài Tin mừng hôm nay là một đoạn văn duy nhất cho chúng ta biết về thời gian Chúa Giê-su lớn lên. Thật là một sự kinh hoàng và hoảng hốt cho Đức Maria và thánh Giu-se khi không tìm thấy Chúa Giê-su trong ba ngày. Tất cả gia đình đều có những lúc vui và buồn.
Một gia đình thánh thiện vì gia đình đó luôn đặt thánh ý Chúa trên hết trong cuộc sống. Và thánh Lu-ca muốn cho chúng ta biết rõ về điểm này. Ngài đề cập đến nhiều trường hợp Đức Maria và thánh Giu-se thực hành thánh ý Chúa, làm những điều Chúa truyền dạy, khi thì qua lời của thiên thần truyền, khi thì qua sự trung thành với luật truyền. Thí dụ như trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Lu-ca cho chúng ta biết, “hằng năm cha mẹ Chúa Giê-su có thói quen lên Giê-ru-sa-lem để mừng đại lễ Vượt Qua.” Cuộc hành trình từ Ga-li-lê tới Giê-ru-sa-lem mặc dù chỉ khoảng độ 70 dặm, nhưng phải mất mấy ngày vì vào thời điểm đó không có những phương tiện di chuyển như bây giờ, mà hầu hết đi bộ và từng nhóm vì nguy hiểm trộm cắp hay thú dữ dọc đường.
Lòng khao khát muốn sống thánh ý Chúa tạo nên hay giúp chúng ta phát triển những giá trị, đức tính và tâm tình mà chúng ta nghe trong bài đọc 2 hôm nay như: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ, và trên hết là đức yêu thương là dây ràng buộc điều toàn thiện. Những giá trị và đức tính này giúp mọi người có những tình liên hệ tốt và chân thành.
Ông bà anh chị em thân mến. Khi tôi nói là nếu một gia đình thánh thiện thì gia đình đó sẽ có chiều hướng thành công, hòa thuận và hạnh phúc, tôi không giả dụ, không hóa trang hay đề nghị một lý thuyết mà tôi nghĩ rằng là một tư tưởng tốt. Một số những cuộc thăm dò cho chúng ta biết một cách chắc chắn, những người thường đi tham dự Thánh lễ một cách sốt sắng là những người sống hạnh phúc hơn và thành công hơn, và đời sống hôn nhân gia đình của họ cũng hòa thuận và hạnh phúc hơn. Những cuộc thăm dò cách đây mấy năm cho biết, tỉ lệ ly dị của những người không tham dự Thánh lễ cao gấp 2 lần hơn so với những người thường xuyên tham dự. Do đó nếu ông bà anh chị em muốn có một gia đình hạnh phúc thì phải giữ 2 điều luật trên hết trong đời sống hôn nhân gia đình, đó là, Thiên Chúa trên hết và trước hết mọi sự, và thương yêu nhau. Hai điều luật trên đây sẽ giúp ông bà anh chị em chiến thắng, vượt qua được mọi sự.
Trong ngày kính Thánh gia thất hôm nay, chúng ta cầu xin cho các gia đình, đặc biệt trong giáo xứ, biết noi gương gia đình Thánh gia, trở nên một trường học tốt, dạy dỗ con cái những đức tính căn bản, để trở thành những người hữu ích cho xã hội và giáo hội. Giáo dục gia đình là một điều thiết yếu trong các gia đình nhất là gia đình Công giáo, và khẩn thiết trong xã hội ngày hôm nay. Chúng ta cũng cùng cầu xin Chúa, giúp cho cho các hôm nhân gia đình luôn trung thành, nhất là nhận ra và sống thánh ý Chúa, có cuộc sống thánh thiện, để luôn có sự yêu thương, hòa thuận và hạnh phúc hiện diện trong gia đình.
GIA ĐÌNH YÊU THƯƠNG
(Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)
Suy nghĩ về gia đình hạnh phúc, ấm áp yêu thương, ai cũng có khái niệm và ước muốn đó. Đặt sự may rủi cho số phận, chúng ta không chịu như thế, học theo gương các thánh hiền, nhiều người sẽ nói không còn mấy thuyết phục, vì khác thế hệ rồi. Do đó mà nhiều ông bố bà mẹ, mạo hiểm tạo hạnh phúc gia đình theo lối riêng phó mặc : “trời sinh voi trời sinh cỏ”, hoặc chịu vậy theo lý luận : gia đình họ sống được, ta cũng sống được.
Khi quan sát các mối ưu tư về gia đình, hầu hết các bậc làm cha mẹ luôn ý thức “cái đích” nơi cuộc sống này không phải là tiền, là tình, chính xác phải là bình an hạnh phúc, mọi người biết yêu thương nhau. Trọng tâm của Ngôi Lời đến trần gian là để cứu chuộc tội lỗi nhân loại, thông chia phúc vinh với con người. Con Thiên Chúa đã chọn sinh ra trong một gia đình có cha có mẹ, thật vui mừng biết bao khi Chúa chọn giải pháp làm người, làm con trong gia đình Thánh Gia Thất.
Nếu thần thánh hóa một chút người ta sẽ nói rằng : Đức Giêsu không hề biết đến tình yêu đôi lứa, còn lý tưởng hóa về các linh mục, tu sĩ, người ta lại nói : trái tim của các linh mục tu sĩ chỉ có lý, mà không có tình. Cũng trong 1 cái nhìn, mà người Việt Nam chúng ta gọi là : nhìn loáng thoáng, nhìn đại khái, nhìn kỹ lưỡng, nhìn xuyên suốt…. Mọi người Kitô hữu đều có khuynh hướng nhìn gia đình Thánh Gia là bình an, hạnh phúc, đầy yêu thương, đơn giản vì các ngài là Thánh, là Ngôi Lời nhập thể làm người.
Trên hết và trước hết, cái nhìn bi quan, hay cái nhìn tiêu cực về gia đình bất hạnh thời đại nào cũng cần loại bỏ, vì mọi gia đình mới cũ, sang hèn, luôn có đủ điều kiện để đạt hạnh phúc. Nếu như ngạn ngữ có câu : ngoại trừ cái chết, còn bệnh nào, người ta cũng có quyền hy vọng chữa khỏi. Tất cả các ông bố, bà mẹ đều có quyền hy vọng chọn lựa cho gia đình mình giải pháp thật phù hợp, thật tuyệt vời nhằm đưa dẫn các thành viên gia đình mình tới bến bờ yêu thương….
Cha ông nói : nồi tròn không thể úp vung méo, lời răn dạy ấy cho thấy sự bất hợp lý giữa gia đình lộn xộn không còn phân biệt được trên dưới, làm sao có hạnh phúc, có yêu thương được ! Theo tinh thần của người gia trưởng mang tên Giuse, tuy ông không được Sứ thần hiện diện để đối thoại, nhưng người Gia Trưởng ấy ít là đọc hiểu ý Chúa qua giấc mơ. Giuse không thể không đau khổ khi đầu óc “lóe lên” bạn mình phản bội; nản, chán, đến nỗi ông định tâm lìa bỏ bạn mình cách kín đáo…. Giuse, Maria, cũng phải vượt đau khổ bằng tín thác, sống lời thưa vâng trong suốt cuộc đời làm mẹ làm bạn, chấp nhận bị người đời chê cười là khờ dại…, miễn sao thánh ý Chúa được thực hiện.
Còn gì khiến cha mẹ buồn hơn khi con cái bất hiếu, bỏ nhà ra đi ? Vậy mà cha mẹ Giuse Maria đã phải chứng kiến cảnh thất lạc con, ông bà phải quay trở lại Đền Thờ tìm kiếm Giêsu. Gia đình Thánh Gia là gia đình mà trong đó các ngài biết bỏ ý riêng để tìm thánh ý Chúa; mau vâng nghe, và sống trọn Thánh ý Chúa…. Hôm nay mừng lễ Gia Thất, các vị gia trưởng và hiền mẫu được mời gọi đến bên Hài Nhi Giêsu để cầu nguyện, và kiểm soát lại gia đình của mình, vui vẻ hạnh phúc, trên thuận dưới hòa như thế nào ? Uy tín của người cha hay người mẹ giảm sút đi vì lý do, vì ảnh hưởng bên ngoài xã hội mạnh hơn ảnh hưởng từ chính bên trong gia đình.
Giới trẻ hầu như đang nghi ngờ về tình yêu thương và cách giáo dục của đấng bậc sinh thành ! Cuộc đời luôn cho phép chúng ta chọn lựa, quí vị gia trưởng và hiền mẫu có thể buông trôi hết, hoặc cố gắng chấn chỉnh mọi sự. Bậc làm cha mẹ có thể bỏ cuộc hoặc làm mới lại gia đình của mình bằng tình yêu thương. Mừng lễ Thánh Gia Thất, Giáo hội xác thực cho chúng ta : để cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa làm người, Ngài đã chọn gia đình làm nơi sinh trưởng, hy vọng mỗi thành viên đều hiểu và sống đúng phận mình.
Chúng ta hôm nay vẫn nói “cơm lành canh ngọt”, đó là dấu hiệu hạnh phúc do ta đã đúc kết được kinh nghiệm; dù là phàm nhân hay thánh nhân, tất cả đều hiểu có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Có chất liệu để xây dựng hạnh phúc, thì cũng cần đến nghệ thuật sáng tác làm cho vẻ đẹp hài hòa, có sức khỏe tốt, thì cũng dễ có tâm hồn đẹp, dễ có niềm vui hạnh phúc và bền vững… Ơn cứu độ không thể bị cất giấu trong một đền thờ duy nhất, cho dù đền thờ ấy có uy thế lẫy lừng cách mấy. Muốn có đủ yêu thương hạnh phúc thật trong mái ấm gia đình, trước tiên phải có Chúa hiện diện. Lễ Thánh Gia, chính là lễ của mọi gia đình, vì gia đình kiểu mẫu là gia đình yêu thương, gia đình có Chúa. Amen.
NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG GIA ĐÌNH
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
Con người ai cũng tự hào về gia đình của mình. Con cái tự hào về cha mẹ. Cha mẹ tự hào về con cái. Có người còn tự hào về gia tộc và dòng họ của mình. Thế nhưng, niềm tự hào ấy hôm nay đang mất dần khi mà nhiều thành viên trong gia đình đang sống thiếu trách nhiệm với bổn phận, đôi khi còn gây đau khổ cho gia đình bởi tội lỗi và đam mê của mình. Đó cũng là nguyên nhân đưa đến sự đổ vỡ nơi các gia đình hôm nay.
Nhìn vào những vụ bạo lực trong gia đình, mẹ sát hại con, cháu “xuống tay” với bà, chồng cạn tình với vợ liên tục xảy ra gần đây khiến cho chúng ta có cái nhìn thật bi quan về cái nôi gia đình mà trước đây bảo là nơi bình yên, hạnh phúc nhất.
Chỉ trong 2 ngày 22 và 23-6, Vĩnh Phúc chấn động với hai vụ án giết người mà kẻ xuống tay lại chính là những người thân thích cùng chung dòng máu. Người mẹ N.T.L chỉ vì giận chồng cũ tái hôn mà dùng dao chém chết đứa con trai 8 tuổi để trả thù. Đứa trẻ chết trong giấc ngủ, không kịp biết khi kẻ hại mình lại chính là người mẹ dứt ruột đẻ ra. Tiếp sau đó 1 ngày, tại xã Đình Chu anh N.Đ.T đã dùng gậy hạ sát bà. Nguyên nhân cũng chỉ vì người bà đã khuyên nhủ cô gái mà T đang theo đuổi không nên yêu T, rằng T vốn hung hăng, đã từng đánh đập 2 người vợ trước, khiến họ phải bỏ đi.
Trước đó, ngày 20-6, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ án chồng sát hại vợ. Kẻ thủ ác Đ.M.Q trú tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm. Do mâu thuẫn vợ chồng, vợ Q đã bỏ về nhà mẹ đẻ sống. Do ép vợ quay về không được nên Q đã tước đoạt mạng sống của vợ, bỏ lại hai đứa con thơ, đứa 4 tuổi, đứa mới lên 3.
Sở dĩ người ta có thể đoạn tình, đoạn nghĩa với người thân của mình thường chỉ vì ai đó đã lao vào vòng xoáy của tiền, tình, quyền. Vì danh lợi thú mà họ sẵn sàng hành động trái với cả luân thường và đạo lý làm người.
Một nguyên nhân khách quan mà chúng ta không thể không nói đến chính là sự hội nhập với trào lưu văn hóa thế giới khi Việt Nam hội nhập kinh tế, nhưng người dân Việt Nam lại chưa có sự chuẩn bị tâm lý, trình độ để tiếp thu. Điển hình là sự tự do cá nhân đối với phương tây là tốt, nhưng với Việt Nam lại là một tai họa khi đa số không hề có khả năng sống tự lập và tự chủ dẫn đến rất nhiều thành phần buông lỏng trách nhiệm với gia đình. Cha mẹ thiếu trách nhiệm với con vì mải mê kiếm tiền. Con cái sống buông thả tự do đến nỗi thiếu trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Đó là nguyên nhân dẫn đến những bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, quan hệ tình dục bừa bãi và hôn nhân đồng giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em, xâm hại tình dục, bất bình đẳng giới tính trong gia đình Việt Nam.
Có lẽ chúng ta cần phải xác định lại giá trị hạnh phúc trong gia đình. Gia đình hạnh phúc không hẳn là có tiền để rồi mải mê kiếm tiền mà bỏ rơi nhau. Gia đình không hệ tại ở việc người có chức này, người kia có chức nọ. Gia đình hệ tại ở sự đùm bọc yêu thương nhau trong tình nghĩa ruột thịt. Nếu có tiền, có địa vị mà xa cách gia đình thì cũng không mang lại hạnh phúc cho gia đình. Gia đình chỉ tồn tại khi mỗi thành viên biết sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình của mình.
Hôm nay lễ kính thánh Gia Thất là một gia đình gương mẫu. Các ngài đã sống đùm bọc với nhau. Các ngài luôn sống có trách nhiệm với nhau. Các ngài luôn sử dụng tự do theo thánh ý Chúa. Không tìm kiếm nhu cầu của bản thân. Không chiều theo xu hướng cá nhân nhưng luôn sống cho nhau và vì nhau. Nhất là các ngài đã biết sống theo thánh ý Thiên Chúa. Các ngài luôn lắng nghe và thực thi lời Chúa trong cuộc đời.
Thánh Giuse vì an nguy của Mẹ Maria và hài nhi Giê-su đã sẵn lòng đón Mẹ về làm bạn mình. Đức Maria đã không sợ hiểm nguy khi nói lời xin vâng để ý Chúa được nên trọn. Chúa Giê-su dầu là Thiên Chúa nhưng vẫn sống khiêm tốn vâng lời thánh Giuse và Mẹ Maria.
Cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi mà mỗi thành viên trong gia đình biết từ bỏ ý riêng để sống có trách nhiệm với gia đình. Gia đình sẽ không có khổ đau nếu mỗi người biết sống hy sinh cho gia đình, biết làm việc để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Và cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi các gia đình Công Giáo biết đặt ý Chúa trên mọi ý hướng cá nhân để vì Chúa họ sống yêu thương và có trách nhiệm với nhau.
Xin Chúa cho các gia đình luôn được hợp nhất bình an khi họ có Chúa đồng hành và để ý Chúa được thực hiện trên cuộc đời của họ. Amen
BIẾN GIA ĐÌNH THÀNH ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA
(Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)
Hơn lúc nào hết, gia đình ngày nay đang bị tấn công hết sức khốc liệt bởi các trào lưu hưởng thụ vật chất, lối sống ích kỷ, trục lợi cá nhân. Các vấn đề về gia đình nảy sinh không ngừng, cấu trúc của gia đình bị thay đổi, nền tảng gia đình bị rạn nứt. Vì thế, gia đình không còn là nơi an toàn cho các thành viên, không còn là mái ấm hạnh phúc, cũng không còn là tổ ấm để mỗi người đi về. Nhiều người đã biến gia đình chỉ còn như căn phòng trọ mà thôi.
Trong những năm qua, không chỉ Giáo Hội, mà các tổ chức xã hội dân sự cũng không ngừng lên tiếng về các thảm họa của các gia đình ; đồng thời cũng đã nỗ lực tìm nhiều cách thế để cứu vãn các gia đình. Nói như thế không phải là bi quan, nhưng là để mỗi người dám nhìn thẳng vào các vấn đề của gia đình mình, để kịp thời điều chỉnh, uốn nắn và làm mới lại bầu khí gia đình mình. Đối với Giáo Hội Công Giáo, năm 2014 vừa qua đã dành một Thượng Hội đồng Ngoại thường để bàn về vấn đề gia đình. Năm 2015 sẽ dành một Thượng Hội đồng khác để tìm ra những đường hướng mục vụ giúp các gia đình tìm lại ơn gọi và phẩm giá của mình.
Trong bầu khí tưng bừng của mùa Giáng Sinh, chúng ta lại cùng với cả Giáo Hội mừng lễ Thánh Gia : Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse như là gương mẫu cho các gia đình Công giáo. Qua ngày lễ này, Lời Chúa chỉ cho chúng ta những cách thức làm cho gia đình mình thành gia đình thánh, thành đền thờ của Thiên Chúa.
Chúng ta biết rằng, đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự, và Thiên Chúa ngự nơi nào, thì Ngài biến nơi đó thành nơi thánh, thành đền thánh. Với cuộc sống ngày nay bộn bề vất vả, Chúng ta có thể làm cho gia đình mình thành đền thờ Thiên Chúa ngự được không ? – Thưa được ! Nhưng trước tiên phải bắt đầu từ chính vợ chồng, cha mẹ.
Câu chuyện Apbraham và vợ ông cho thấy ông bà đã làm được điều đó qua việc sống thân tình, gắn bó với Chúa. Mỗi thời, cuộc sống gia đình có những khó khăn riêng. Apbraham sống vào thời cổ đại, thì việc có đông con nhiều cháu là ước mơ hàng đầu, thế mà đã đến tuổi già mà ông bà vẫn không có con. Niềm hy vọng có được đứa con nối dõi dường như đã vụt tắt. Vậy mà một ngày kia, Thiên Chúa lại khơi lên niềm hy vọng khi hứa rằng : Sang năm, bằng độ này, khi tôi trở lại, Sara sẽ sinh cho ông một con trai. Câu chuyện cho thấy Apbraham đã sống với Chúa như người bạn, ông truyện trò thân mật và đôi khi còn tranh luận với Chúa.
Apbraham như dỗi với Chúa khi thưa rằng : Chúa sẽ ban cho con cái gì ? Con ra đi mà không có con cái, người nối dòng cũng không, kẻ thừa tự sẽ là con một đứa tỳ nữ hay sao ? Chúa đã quả quyết với ông : Kẻ thừa kế ngươi, chính là con ruột của ngươi, không phải con của nữ tỳ, mà là đứa con do người vợ chính thức của người là Sara sẽ sinh ra cho ngươi. Dòng dõi ngươi sẽ đông như sao trên trời, không thể đếm nổi. Chúa cũng hiện ra với bà Sara và báo cho bà như thế.
Điều đó cho thấy, vợ chồng Apbraham đã biết đặt vào tay Chúa những lo toan, những ước mơ của mình. Thay vì oán trách Thiên Chúa, ông bà trải lòng ra với Ngài qua việc trò chuyện, cầu nguyện. Thiên Chúa đã giải đáp, đã trả lời các vấn đề của gia đình ông bà. Trong mọi sự, ông bà hoàn toàn tin vào lời của Thiên Chúa, không chút hồ nghi. Vì Thế, Thánh Kinh xác nhận : Đức Chúa kể ông là người công chính.
Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã giải thích thêm về đời sống đức tin của Apbraham khi ca tụng Apbraham như một tấm gương vâng nghe tiếng Chúa và dám phó thác gia đình mình cho Chúa : Ông ra đi đến một nơi Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Thánh Phaolô cũng ca ngợi bà Sara đã tin dù hiếm muộn. Bà đã tin Thiên Chúa sẽ cho bà được sinh con nối dõi lúc tuổi già. Không chỉ tin như thế, ông bà còn tin khi gặp thử thách tột cùng, đó là lúc Thiên Chúa thử ông, muốn ông dâng người con trai duy nhất làm của lễ toàn thiêu. Apbram đã không ngần ngại biến con mình thành của lễ như Thiên Chúa truyền. Thiên Chúa đã chấp nhận lòng tin và của lễ của ông, đã trả lại cho ông Isaac và còn làm cho dòng dõi của ông nên đông đúc như Ngài đã hứa.
Mẫu gương thứ hai cho các gia đình là mẫu gương của gia đình Maria và Giuse. Trước hết, Giuse – Maria là một cặp vợ chồng đạo đức. Dù hết sức vất vả với công việc thường ngày, dù cũng phải đổ mồ hôi để kiếm tiền nuôi sống gia đình, nhưng Giuse – Maria vẫn chu toàn trọn vẹn giới răn, lề luật của Thiên Chúa khi đem dâng người con trai cho Chúa như luật dạy. Ông bà đã tin rằng, Hài nhi Giêsu là Con Thiên Chúa và cũng là quà tặng của Thiên Chúa gửi cho ông bà. Vì thế, ông bà hết sức trân trọng, chăm sóc, giữ gìn. Việc đem con dâng cho Thiên Chúa còn thể hiện lòng biết ơn về món qùa sự sống này, đồng thời cũng xác tín rằng con trẻ là thuộc về Thiên Chúa.
Dù cho Con mình sinh ra trong gia đình Maria – Giuse, nhưng Thiên Chúa không hề cho gia đình này được miễn trừ khó khăn, đau khổ. Kể từ những ngày đầu về chung sống, vợ chồng đã có những hiểu lầm, rồi phải sinh con trong hoàn cảnh vất vả ; và hôm nay, khi đem con lên đền thờ dâng cho Chúa, thì lại được nghe những lời tiên báo không mấy vui. Cụ già Simeon đã tiên báo về Hài nhi :Trẻ này sẽ là duyên cớ nho nhiều người ngã xuống hay chỗi dậy, là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn bà : Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.
Dù những khó khăn đã trải qua và cả những đau khổ được tiên báo sắp đến nhưng đã không hề làm Giuse – Maria bất an. Họ hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa và kiên trì chu toàn bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục trẻ Giêsu cũng như vun đắp hạnh phúc gia đình, giúp cho Hài nhi : Càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, nhân đức và có Thiên Chúa ở cùng. Chính vì có Thiên Chúa ở cùng mà gia đình Giuse – Maria trở thành gia đình thánh, thành đền thờ của Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, những con số thống kê cho thấy các gia đình đổ vỡ đang ngày càng gia tăng. Rất nhiều gia đình tuy chưa đổ vỡ nhưng đang kéo lê cuộc sống trong mệt mỏi. Nhiều gia đình khác đã mất hẳn niềm vui tiếng cười, mất cả sức sống và tình yêu thương, các thành viên trong gia đình giống như sống trong ký túc xá. Nhiều bậc làm cha mẹ vì quá lo lắng cho cơm áo, kinh tế gia đình mà quên đầu tư tình yêu thương và hạnh phúc, khiến cho gia đình trở thành nhàm chán, nhạt nhẽo. Nhiều người khác đã biến gia đình thành nơi thỏa mãn dục vọng, để trút những cơn nóng giận và là nơi gây tội ác bạo hành, bạo lực và phá thai.
Trong ngày lễ Thánh Gia hôm nay, mỗi người được mời gọi nhìn thẳng vào gia đình mình, can đảm khắc phục những sai sót, chỉnh sửa những sai lầm và nỗ lực vun đắp cho gia đình thực sự trở thành tổ ấm cho các thành viên. Nhưng quan trọng hơn hết là mỗi người phải dám nhận trách nhiệm về mình và mỗi thành viên đều phải nỗ lực xây dựng và bảo vệ gia đình mình. Hãy noi gương Apbraham và Sara trong việc trò chuyện và thân thưa với Chúa về những khó khăn và những toan tính của gia đình mình. Hãy để Chúa tham gia và hướng dẫn cho mọi kế hoạch của mình, đồng thời biết hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Hãy noi gương Maria và Giuse, biết phó dâng con cái cho Chúa và sống chu toàn giới răn, lề luật của Thiên Chúa. Hãy luôn sống tâm tình cảm tạ về món quà sự sống là con cái mà Chúa đã ban, để biết trân trọng, bảo vệ và gìn giữ ; đồng thời chu toàn việc giáo dục con cái để chúng được lớn lên trong đức tin và trong đời sống nhân bản.
Các bậc làm cha mẹ hãy luôn nhớ rằng, gia đình mình đã được Thiên Chúa chúc phúc. Hãy làm cho gia đình mình trở thành đền thờ của Thiên Chúa khi mỗi thành viên biết sống thánh mỗi ngày, hay đúng hơn là biết thánh hóa từng ngày sống của mình. Hãy đem Chúa vào gia đình qua các giờ kinh tối sớm, để Chúa luôn hiện diện và chia sẻ với nhịp sống của gia đình. Hãy đem Chúa vào tâm hồn mình qua việc thường xuyên xưng tội, rước lễ, để Chúa thánh hóa mỗi người và giúp mỗi người có thể thánh hóa gia đình mình.
Không có một thành công nào mà không phải trải qua cố gắng và sự vất vả. Cũng vậy, để có được một gia đình thánh thiện, cha mẹ và con cái phải hy sinh, cố gắng liên tục mỗi ngày. Xin Chúa chúc lành, ban bình an và gìn giữ các gia đình chúng ta. Amen.
TẾ BÀO THÁNH
(Trầm Thiên Thu)
Sau lễ Giáng Sinh, còn trong Tuần Bát Nhật, âm hưởng Giáng Sinh vẫn vang vọng, Giáo hội mừng kính lễ Thánh Gia. Đó là một Gia Đình Thánh, mẫu gương của các gia đình, mẫu gương của mỗi thành phần trong ba thành phần chính của một gia đình: Cha, mẹ, và con cái. Cả ba thành phần đó tạo nên một chiếc-kiềng-ba-chân khả dĩ đứng vững trước mọi nghịch cảnh cuộc đời.
Con Thiên Chúa đã sinh trong một gia đình, điều đó chứng tỏ gia đình quan trọng lắm. Gia đình là một cộng đồng nhỏ, gồm những người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến xã hội, vì gia đình là “tế bào gốc” của xã hội – và Giáo hội.
Nữ phi công Hoa Kỳ Amelia Mary Earhart (1897-1937) nhận xét: “Người ta càng làm nhiều, thấy nhiều và cảm nhận nhiều, người ta càng có thể làm được nhiều, và càng biết đánh giá chân thực về những điều cơ bản như gia đình, tình yêu và thấu hiểu sự đồng hành”. Nữ tác giả Karen Armstrong (sinh năm 1944, Anh quốc) nhận định: “Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác”. Vâng, gia đình là Bến Bình An của mỗi chúng ta.
Còn Kinh Thánh xác định: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờcha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽđược trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân” (Hc 3:3-7). Cha mẹ quan trọng vì là những người đại diện Thiên Chúa để dưỡng dục con cái. Ai cũng chỉ có một gia đình. Người ta có thể tự chọn nhiều thứ, nhưng không ai có thể chọn cha mẹ và gia đình. Cha và mẹ đều có một vị trí quan trọng riêng, không thể thay thế, nhưng người mẹ luôn gần gũi và ảnh hưởng tới con cái nhiều. Bạn có thể lừa vài người trong mọi lần, và bạn có thể lừa mọi người trong vài lần, nhưng bạn không thể lừa mẹ.
Hiếu kính cha mẹ là bổn phận của con cái, nhưng Thiên Chúa coi đó là “công trạng” của con cái: “Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời” (Hc 3:14-15). Ngược lại, bất hiếu là trọng tội, tất nhiên Thiên Chúa sẽ trừng trị: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa. Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng” (Hc 3:16-17).
Kinh Phật có câu rất chí lý: “Tột cùng thiện không gì bằng có hiếu, tột cùng ác không gì bằng bất hiếu”. Vậy mà trong thực tế đời thường, chúng ta vẫn thấy có những nghịch tử dám hành hạ cha mẹ mình, thậm chí là sát hại cha mẹ mình. Thật là khủng khiếp! Tục ngữ ví von giản dị mà thâm thúy: “Có cha, có mẹ thì hơn / Không cha, không mẹ như đờn đứt dây”. Đờn đứt dây còn nối lại được, cha mẹ mất rồi thì con mãi mãi mồ côi, không gì có thể khỏa lấp. Mồ côi tội lắm, người ơi!
Tuy nhiên, dù muốn hay không thì rồi ai cũng có một lúc nào đó sẽ thấm thía cảm giác mồ côi. Cảm giác đó càng mạnh nếu bị mồ côi khi còn nhỏ tuổi.
Gia đình là tế bào yêu thương, cần thiết để nuôi dưỡng cuộc sống và tạo nên Tổ Ấm thực sự. Có thể nói được rằng mọi thứ khởi đầu từ gia đình. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128:1-2). Gia đình như cây cối, mỗi thành viên là những rễ nuôi cả thân cây. Thân cây có những cành và lá – đó cũng chính là mỗi thành viên gia đình: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn” (Tv 128:3). Mọi thứ được thể hiện rõ nét tại bàn ăn, vì thế mà bữa ăn rất quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình. Với các Kitô hữu còn có một “bàn tiệc” khác còn quan trọng hơn: Bàn tiệc Lời Chúa. Đó là những giờ kinh trong gia đình, thường là giờ kinh tối, trước khi đi ngủ.
Hạnh phúc gia đình là gì? Đó chính là hồng ân của Thiên Chúa, là “phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:4). Tất cả đều là hồng ân, đúng như Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Đây là lời cầu chúc quan trọng đối với mọi người: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128:5-6). Quả thật, gia đình quan trọng như tế bào gốc vậy!
Tại sao tế bào quan trọng? Vì tế bào là đơn vị cấu tạo cơ bản của sự sống. Cơ thể con người có hàng nghìn tỷ tế bào. Chúng giúp cơ thể tạo dưỡng chất từ thức ăn, chuyển hóa dưỡng chất thành năng lượng, và đem lại các chức năng đặc biệt. Tế bào còn chứa nguyên liệu di truyền và khả dĩ tự tạo nhiều bản sao từ chính chúng.
Tế bào gồm nhiều phần, mỗi phần có chức năng khác nhau. Một số gọi là “bào quan”, tức là những cấu trúc chuyên dụng thực hiện những nhiệm vụ nhất định bên trong tế bào. Hai bào quan lysosome và peroxisome là trung tâm tái tạo của tế bào. Chúng tiêu hủy vi khuẩn lạ xâm nhập tế bào, giải phóng tế bào khỏi chất độc, và tái tạo những thành phần tế bào bị hư hỏng. Ribosome là bào quan hoàn thiện các cấu trúc di truyền của tế bào để tạo protein. Bào quan này có thể di chuyển tự do trong tế bào chất hoặc liên kết thụ động với mạng lưới nội chất. Chỉ biết sơ sơ vậy cũng đủ thấy tế bào quan trọng thật!
Tế bào khỏe thì cơ thể mới mạnh, tế bào yếu thì cơ thể đuối, và khiến tinh thần cũng suy nhược. Tế bào đột biến, phát triển không theo quy trình tự nhiên, có thể gây ung thư và dẫn tới cái chết sớm!
Gia đình Công giáo không chỉ là “tế bào gốc” mà còn là “tế bào thánh”, vì mọi thứ của gia đình đều được dâng kính lên Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3:12a). Và cũng vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm lẫn nhau: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:12b-14).15 Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.
Thánh Phaolô có điều ước dành cho mọi người: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi vàthánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3:16-17). Nhiều lần Thánh Phaolô đã đề cập tâm tình tạ ơn. Vâng việc tạ ơn quan trọng, không phải lời tạ ơn của chúng ta thêm gì cho Chúa nhưng sinh ích lợi cho chính phần rỗi của chúng ta.
Về bổn phận vợ chồng với nhau, Thánh Phaolô khuyên: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3:18-21).
Trong Ep 5:21-28, Thánh Phaolô nói về “gia đình sống đạo” và tiếp tục nhấn mạnh việc vợ chồng tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng nhưtùng phục Chúa, người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình, yêu vợ làyêu chính mình”.
Con Thiên Chúa đã sinh trong một gia đình, và Ngài cũng giữ luật như mọi người. Trình thuật Lc 2:22-40 cho biết: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy (lễ tẩy trần) của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”. Đồng thời cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông luôn mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.
Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa bằng Bài ca “An Bình Ra Đi” (Nunc dimittis): “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài”. Ông đã thỏa nguyện và mãn nhãn, ông không mong gì ở đời này nữa. Khi đã cảm nhận được Thiên Chúa, người ta không cần gì khác ngoài Thiên Chúa. Ông Simêôn thật diễm phúc biết bao!
Đức Maria và Đức Giuse rất ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Hài Nhi Giêsu. Ông Simêôn chúc phúc cho hai người, rồi nói với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng. Và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính Cô, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Cô”. Một lời tiên tri rất lạ!
Thánh sử Luca cho biết thêm rằng cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc Ase, đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được 7 năm, rồi ở goá, đến nay đã 84 tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, luôn ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và cũng nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Một thời điểm lịch sử đáng ghi nhớ. Lời tiên tri hàng ngàn năm trước giờ đây đã ứng nghiệm, Hài Nhi này đúng là Đấng Cứu Độ rồi.
Sau khi làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, Đức Maria và Đức Giuse đưa Con Trẻ trở về nơi cư ngụ ở thành Nadarét, miền Galilê. Kinh Thánh cho biết điều đặc biệt: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Chúng ta cảm thấy xấu hổ vì càng thêm tuổi, có thể thêm “khôn” mà chưa “ngoan” thực sự, có thể thêm khôn ngoan về trần tục nhưng chưa chắc khôn ngoan về Đức Tin.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết chăm sóc và bảo vệ Tế Bào Gia Đình phát triển theo định hướng của Ngài, nhờ đó mà xã hội và Giáo Hội cũng phát triển tốt lành theo Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
GIA ĐÌNH LÝ TƯỞNG
(Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
“Hàng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng Lễ Vượt qua” (Lc 2,41). Câu Phúc Âm ý nghĩa, nguồn ánh sáng ấm áp có sức soi sáng các gia đình Công giáo. Một gia đình đi hành hương để thờ phượng Thiên Chúa. Hai ông bà là người sùng đạo, tuân giữ lề luật cách trung tín. Họ thao thức chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa. Chính trẻ Giêsu đã có một ý thức rất sâu xa về điều đó: Người ở lại Giêrusalem để học hỏi tìm hiểu Thánh Kinh, Người ý thức là phải đặt tình yêu Thiên Chúa Cha trên cả tình yêu đối với gia đình.
Theo luật quy định, người Do thái phải hành hương về Giêrusalem “mỗi năm ba lần mọi người nam phải trình diện trước Đấng Toàn Năng là Đức Chúa”. Một lần đi bộ hành hương về Nhà Chúa phải mất một tuần lễ. Họ vừa đi vừa hát “thánh vịnh lên đền” : tôi vui sướng biết bao khi người ta nói với tôi rằng nào ta tiến về Nhà Chúa.
Năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi, được cha mẹ đưa đi cùng đoàn hành hương tiến về đền thờ theo tập tục ngày lễ. Đối với người Do thái 12 tuổi là trưởng thành. Chúa Giêsu đã bộc lộ sự khôn ngoan trước các bậc thông thái. Sau khi dự lễ vượt qua, Người ở lại đền thờ tranh luận với các tiến sĩ luật “mọi kẻ nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Ngài đối đáp”.
Phụng vụ muốn đem câu chuyện này vào kể trong mùa Giáng Sinh, mùa Chúa tỏ mình ra; Người là đấng khôn ngoan am tường đường lối Thiên Chúa để dạy dỗ nhân loại.
Hai ông bà lạc con rồi vất vả đi tìm con, sau ba ngày mới tìm được con trong Đền thờ. Mẹ trách nhẹ : “Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con”. Người đáp lại : “Sao cha mẹ tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận đối với nhà của Cha con sao ?”. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh bản tính siêu phàm của Người. Cha Người không phải là Giuse mà là Thiên Chúa. Cần chu toàn bổn phận đối với Cha trên trời.
Sau đó cả gia đình trở về Nazareth. Chúa Giêsu hằng vâng phục hai ông bà. Người đã chu toàn cả hai phận sự đạo và đời.
Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình. Chúa Giêsu có thể sinh ra như một nhân vật thần kỳ nào đó trong các huyền thoại hay được giáng trần như Thánh Gióng, Tiên Nga… Nhưng Ngài muốn có một tổ ấm, một mái gia đình, có cha có mẹ. Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình.
Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. 30 năm sông dưới mái nhà Nazareth, Đức Giêsu đã thành một người chính chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó. Đức Giêsu đã học nơi Thánh Giuse tinh thần lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành thánh ý Thiên Chúa, lòng nhiệt thành chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Đức Giêsu học nơi Đức Mẹ nét đẹp hiền lành đơn sơ, tế nhị, tận tụy phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Các nhà tâm lý học cho biết rằng : đứa trẻ cần đến sự nâng đỡ của người cha cũng như người người mẹ. Người cha tạo cho con cái hùng, cái nghiêm trang mực thước.Người mẹ ảnh hưởng trên cảm tình con cái về sự tế nhị, dịu dàng, bao dung. Vì thế, đứa trẻ mồ côi cha thường sống uỷ mỵ, nhát đảm thiếu cương quyết và nghị lực. Đứa trẻ mồ côi mẹ thường mang tính cứng cỏi, cộc cằn, dễ u buồn, thiếu tế nhị vui tươi. Trẻ thơ cần được giáo dục về đời sống tình cảm và lý trí. Tình cảm dễ ảnh hưởng nơi người mẹ. Lý trí thường nhờ cậy người cha.Do đó người Ý có lý khi nhận xét : Người mẹ yêu thương dịu dàng, người cha yêu thương khôn ngoan. Người Anh nhận xét chí lý : Khi còn thơ con cái bú mẹ, lúc lớn khôn chúng lại bú cha. Tục ngữ Việt nam có câu : Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng.
Nền tảng cho việc đào tạo lý trí và tình cảm của một con người là đạo đức. Trên nền móng đạo đức vững chắc, xây một ngôi nhà gia đình hạnh phúc. Nếp sống đạo đức của Thánh gia đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi Thánh Giuse và Đức Mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với Đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình,sự chuyên chăm làm việc, sự ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.
Gia đình thật quan trọng. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Cha mẹ không chỉ nuôi con bằng cơm bánh vật chất, nhưng còn dạy dỗ, làm gương sáng cho con,người con đáp lại bằng tình hiếu thảo và vâng phục.
Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và ân cần chăm sóc.
Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt.
Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời.
Thánh Gioan Phaolô II hằng nhắc nhở về sự thánh thiêng của gia đình khi Ngài gọi gia đình là nền tảng của Giáo hội. Đức Thánh Cha Phaolô VI gọi gia đình là cung thánh của Giáo hội, là trường học đầu tiên của con cái mà cha mẹ là thầy cô.
Một gia đình mà cha mẹ, con cái siêng năng tham dự Thánh lễ, chuyên chăm kinh nguyện tại gia, biết dùng Lời Chúa làm ánh sáng soi đường chỉ lối, luôn sống hoà thuận yêu thương nhau thì đó chính là gia đình gương mẫu theo Thánh Gia. Từ gia đình tốt này sẽ trao tặng những người con hữu ích cho xã hội và giáo hội. Gia đình là trường dạy đức tin cho con cái tốt nhất. Cha mẹ có lòng tin vững chắc, biết truyền lại cho con bằng lời dạy dỗ, bằng gương sáng và cách ăn ở hằng ngày, chắc chắn con cái sẽ theo đường lối ấy.
Đức Thánh Cha Piô XI trong Thông Điệp Về Giáo Dục Kitô Giáo đã dạy rằng:Nền giáo dục bền bỉ nhất và hữu hiệu nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có quy cũ khuôn phép. Gương lành cha mẹ càng chiếu tỏ kết quả giáo dục càng lớn lao.
Thánh Cha Gioan XXIII, trong một lá thư gởi cha mẹ nhân ngày mừng ngũ tuần của mình có đoạn “Thưa Ba Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức tước trong Hôi thánh, được đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không có trường học nào dạy dỗ và làm ích cho con bằng hồi con được ngồi trên chân ba mẹ”.
Đức Hồng y FX Nguyễn Văn Thuận cũng từng viết :”Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình Công giáo. Không vị giám đốc tài ba nào, hay chuyên môn đến đâu có thể làm thay cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội thánh và xã hội cũng rung rinh sụp đổ”.
Thánh gia là một gia đình lý tưởng, đạo đức, yêu thương chăm lo cho nhau.Bầu khí yêu thương đạo hạnh Thánh gia là trường học đầu tiên huấn luyện Chúa Giêsu. Thánh gia là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác, chuẩn bị cho Chúa Giêsu gánh vác sứ vụ Chúa Cha trao phó sau này.Chúa Giêsu đã vâng phục kỷ luật trường này, chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ và Người đã lớn lên chững chạc, trưởng thành, quân bình thể xác trí tuệ, tâm linh. Chúa đã sống học tập rèn luyện 30 năm để rao giảng 3 năm. Một năm Chúa Giêsu giảng đạo thì 10 năm Người ở với gia đình. Chúa ưu tiên và đề cao tầm quan trọng của gia đình biết bao.
Thánh Gia là một gia đính lý tưởng, đạo đức, yêu thương, hạnh phúc ngập tràn. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình trên thế giới biết noi theo mẫu gương Thánh Gia, luôn coi trọng tình nghĩa vợ chồng và hạnh phúc gia đình, chăm lo giáo dục con cái, nhất là đời sống đạo đức, trong mọi sự luôn được hướng dẫn theo Thánh ý Chúa. Nhờ đó gia đình trở nên mái trường lý tưởng, nơi đào tạo tình yêu, nơi huấn luyện niềm tin, nơi bồi dưỡng tâm linh cho con cái.
Xin Chúa thương ban bảo vệ giữ gìn từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia, từng trẻ em là hình ảnh của Hài Nhi Giêsu và xin tình yêu Thiên Chúa chan hòa trong mỗi gia đình.
Nguyện xin Thánh Gia luôn nâng đỡ và gìn giữ gia đình chúng con. Amen.
HỌC ĐƯỢC GÌ NƠI GIA ĐÌNH THÁNH GIA?
(Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB)
Tôi thấy trong các gia đình công giáo rất thường trưng ảnh tượng Thánh Gia trên bàn thờ, và đó là điều đáng mừng. Nhưng nhiều khi tôi tự hỏi, họ học được điều gì nơi cái gia đình ‘siêu phàm’ này? Theo tôi được biết, đối với nhiều người, đó đơn thuần chỉ là một sự thờ kính, tôn sùng một ‘thế lực’ liên quan tới lãnh vực gia đình vốn rất phực tạp; họ ước mong nhận được, nhân danh Thánh Gia Thất, phước lành từ trời cao giúp giải quyết được những căng thẳng troang đời sống phu thê ngày càng cam go và nhiều thách đố. Cũng có nhiều người nói với tôi là họ được dạy coi Thánh Gia như gương mẫu để bắt chước noi theo. Tốt thôi, nhưng họ bắt chước được điều gì nơi gia đình thánh này mới được chứ? Những ‘công dung ngôn hạnh’, những cần cù đảm đang, những trên thuận dưới hòa… tôi đâu có thấy phúc âm ghi nhận chỗ nào đâu. Về mặt này có lẽ sách Huấn Ca của Cựu Ước (những răn dạy tương tự tìm thấy trong Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, Nhị Thập Tứ Hiếu, sách Giáo Khoa Thư… hoặc các tác phẩm tương tự như thế mà mỗi dân tộc đều có) đã có dư thừa và đôi khi còn phong phú hơn cả Phúc Âm nữa là đàng khác. Hơn thế nữa Lời Chúa của lễ Thánh Gia hôm nay kể về câu chuyện ‘trẻ Giê-su vị thành niên bị thất lạc trong đền thờ Giê-ru-sa-lem’, một giai thoại tôi thấy chẳng có chút gì liên quan tới nội dung luân lý giáo điều về gia đình.
Giai thoại tường thuật một sự kiện hiếm hoi được ghi nhận trong thời gian thật dài khi trẻ Giê-su còn chung sống trong gia đình mình tại Na-da-rét, giai thoại được Maria ghi vào ký ức để suy đi nhẩm lại, có vẻ gì đó khá tiêu cực nếu xét theo các tiêu chí luân lý thông thường: Trẻ Giê-su đã làm phiền lòng chính cha mẹ của mình. “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Thế thì trong đời sống của Thánh Gia đâu phải mọi sự đều trôi chảy, đều êm thắm, đều lý tưởng… để có thể trở thành mẫu gương luân lý tiết hạnh cho mọi thời đại! Tôi dám chắc rằng Thánh Gia cũng có những diễn biến cuộc sống tạo nên những hỷ, nộ, ái, ố như mọi gia đình bình dân khác mà thôi; điều đó là tất nhiên do giới hạn khiếm khuyết cố hữu của mọi kiếp người (kể cả kiếp người của Con Thiên Chúa giáng trần nên giống chúng ta mọi đàng). Tuy nhiên Thánh Gia đã có một điều gì đó rất khác lạ, rất phi thường… vì đó là gia đình đầu tiên đã học biết (… nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói) sống những ‘trục trặc’ bình thường đó trong một tinh thần Tin Mừng cao độ, đó là hãy lo ‘bổn phận ở nhà của Cha’. Trẻ Giê-su hình như đã mời gọi cả Ma-ri-a lẫn Giu-se áp dụng nguyên tắc đó vào trường hợp này cũng như những lúc khác mỗi khi đời sống gia đình bị chao đảo, bị xáo trộn do nhiều nguyên nhân khách quan hay chủ quan gây nên. Theo trẻ Giê-su ‘bổn phận ở nhà của Cha’ có lẽ không đơn giản chỉ là ở lại trong đền thờ? Cái ‘bổn phận’ đó, bằng cả cuộc sống trần gian, nhất là qua cái chết thập giá, Người đã không ngừng giải thích cho các môn đệ Người được rõ. Thánh Gioan, người môn đệ theo sát Thầy Giê-su nhất, đã dần học được cái bổn phận căn bản này; và một khi học được, vì là người môn đệ được tựa đầu vào ngực Chúa, ngài đã mạnh mẽ thốt lên: “Anh em hãy thương yêu nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa…Tình yêu cốt ở điều này… chính Người đã yêu thương chúng ta và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta… Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4:7-16). Mọi gia đình Ki-tô, bắt đầu từ chính Thánh Gia Thất, đều phải học thuộc bài học này. Giu-se cũng phải học, cả Maria cũng thế. Bài học yêu thương tha thứ cho nhau, vì biết rằng Thiên Chúa là người thứ nhất đã yêu thương và tha thứ, thì ai cũng phải học, đơn giản vì ai cũng có thể bực dọc hay phật lòng (bất kể có lý do chính đáng hay không). Và bài học này thực tế không dễ hiểu và lãnh hội chút nào, chưa nói tới việc đem nó ra thực hành, vì không đặt nền tảng trên lý luận hay hợp lý; nó cũng chẳng tỏ ra công bằng gì! Chỗ dựa duy nhất của kêu mời Tin Mừng này là niềm tin vào Ki-tô Giê-su, tin vào sự điên rồ hay ngu xuẩn của Thập giá tha thứ và cứu độ. Kể cả Giu-se và Ma-ri-a cũng phải cảm thấy khó khăn và bối rối, “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói…”, chính vì vậy mà “riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”. Chính ở điểm này mà Thánh Gia thật gần gũi với đời thường chúng ta, vì gia đình chính là môi trường, nơi mà tình yêu tìm được cách biểu lộ chân thực nhất giữa các thử thách cam go. Trong tất cả mọi môi trường được gọi là gia đình (kể cả gia đình cộng đoàn tu sĩ hoặc các gia đình Giáo Hội) nơi qui tụ và ‘chung sống’ những con người bất toàn, thì bất hòa hay bực dọc sẽ mãi mãi vẫn là chuyện cơm bữa, thì tình yêu thương xót và tha thứ bắt nguồn từ Tin Mừng Cứu độ của Thiên Chúa sẽ luôn có dịp cất lên tiếng nói mãnh liệt nhất của mình. Gia đình chính là môi trường Tin Mừng số một, nơi mà cùng với Thánh Gia, chúng ta được mời gọi thể hiện Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày, chu toàn ‘bổn phận ở nhà của Cha’!
Lạy Chúa Giê-su – Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se, xin cho con hằng biết chiêm ngưỡng Thánh Gia như nơi đầu tiên Tin Mừng đã được vun trồng và trong đó mọi người đều được kêu mời thi hành ‘bổn phận ở Nhà của Cha’. Chớ gì Thánh Gia không chỉ là một gương mẫu gia phong đáng nêu cao cho các gia đình, còn là một sức sống Tin Mừng mãnh liệt cho tất cả mọi môi trường nơi những con người nhân loại chung sống với nhau. Xin cho con không chỉ biết yêu mến tôn kính Thánh gia, mà còn biết đồng hành với gia đình thánh này trong suốt tiến trình sống niềm tin của mình. A-men.