Lời Chúa: Ga 8, 51-59
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Người Do-thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: “Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết”. Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”. Người Do-thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”. Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.
Suy Niệm:
Chúng ta đang đọc và suy niệm đoạn cao trào ở chương 8 sách Tin mừng Gioan: lời chứng của Chúa Giêsu liên quan đến bản thân Người. Từ vấn đề nô lệ và tự do vốn đã gai góc đối với thính giả của Chúa, rồi lại đến vấn đề bao hàm hơn trong chương 8, đó là tính hằng hữu của Chúa Giêsu làm cho những người nghe choáng váng.
Trong đoạn từ câu 31-59 của chương 8 này, những tranh luận về gốc gác liên hệ giữa Chúa Giêsu và Abraham càng làm cho người nghe rối trí. Họ bật lại Người cách mạnh mẽ, nhưng qua đó cũng cho ta thấy một thực tại là họ không hiểu về điều Chúa Giêsu nói.
Người Do Thái tự hào mình là con cháu Abraham. Họ là dòng dõi được tuyển chọn và dĩ nhiên điều đó đáng tự hào. Nhưng chỉ dừng lại ở tự hào mang tính sĩ diện thì e là nông cạn, và họ bị đóng khung trong giới hạn do chính họ đặt ra. Thiên Chúa không muốn cho dân riêng của Ngài phải như thế mà còn hơn thế, dòng dõi Abraham phải được phóng chiếu xa hơn đến một thế giới thượng giới, đến Thiên Chúa là nguồn gốc của họ. Cụm từ “tôi hằng hữu” trong chương 8 này nhắc đi nhắc lại 7 lần cho thấy là sự hoàn hảo và quan trọng về nguồn gốc của Người phải được hiểu cách tường tận. Việc này nhắc lại về sự hiện hữu của Thiên Chúa từ ngàn đời, như đã mặc khải cho Môsê, như một lời khẳng định: “trước khi có Abraham, thì đã có tôi”.
Đoạn này gợi ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Chúng ta có tin nhận một Thiên Chúa có thể đưa chúng ta “đến thượng giới”, đến sự hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần? hay chỉ như các người: như lạc thuyết Ariô hay nhân chứng Yêhôva thời nay, không nhận thần tính và sự hiện hữu của Chúa Giêsu? Chúng ta có là những người thuộc về Chúa Kitô, “thuộc thượng giới”, là những người mong mỏi Thiên Chúa, hay chỉ là những người tự hào mình là con cháu Abraham mà lại thuộc hạ giới, tự giới hạn mình nơi những phàm tục và nô lệ tội lỗi?
Lạy Chúa, chúng con cũng chẳng khá hơn những thính giả của Chúa, chúng con loay hoay trong những giới hạn của mình khiến cho tâm trí chỉ tập trung những gì thuộc hạ giới. Xin soi sáng trí lòng chúng con để hiểu được lời Thánh Kinh hôm nay. Amen.
Trích nguồn: https://giaophanphucuong.org