Lời Chúa: Lc 7, 36-50
36 Khi ấy, có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”. 40 Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!”. Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. 41 Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”. 43 Ông Simon đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm”.
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. 48 Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”. 50 Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.
Suy niệm: Biết điều chính yếu và phụ thuộc
Con người dễ lẫn lộn giữa những cái chính yếu và cái tuỳ phụ. Bổn phận của người rao giảng là phải nhận ra đâu là điều chính và đâu là điều phụ thuộc trước khi rao giảng cho người khác. Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phaolo chỉ cho các tín hữu của ngài về sự quan trọng và những điều chính yếu của Tin mừng. Còn Lời Chúa trong bài Tin mừng tường thuật hai cách đón tiếp Chúa Giêsu của ông Simon, người Pharisieu và của người đàn bà tội lỗi.
Điều căn bản cần chúng ta khẳng định đó là Chúa thấy rõ tâm hồn của ông Simôn và người phụ nữ. Và Chúa cũng thấy rõ tâm hồn của mỗi chúng ta.
Trong cách giáo dục của Chúa qua câu chuyện này cũng cho thấy: Chúa không chỉ biết rõ lòng người đời nhưng còn tìm cách làm cho họ ý thức hơn về việc cần sự hoán cải, trở nên thánh thiện. Khi đưa ra câu chuyện hai con nợ, Chúa muốn nhắc khéo cả hai người rằng: họ cần phải chạy đến với tình thương tha thứ của Chúa.
Tội của người phụ nữ đã rõ ràng, tội của ông Simon là tội kiêu ngạo, dò xét, tự cho mình là công chính và có quyền xét đoán người khác. Câu hỏi của Chúa với ông Simon cho thấy Người muốn nhấn mạnh đến tình yêu chứ không đến tội lỗi của người được tha: Ai được tha nhiều thì sẽ yêu mến nhiều hơn. Tình yêu luôn là thước đo cho mọi mối tương quan.
Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận biết rằng :
Trước hết, tình yêu thương thì vượt lên trên tội lỗi và sự chết. Nhưng tình yêu ấy phải được đặt và ghim chặt vào tình yêu của Chúa dành cho con người. Chính tình yêu của Thiên Chúa là kiểu mẫu cho tình yêu mến mà con người dành cho nhau.
Kế đến, khi đón mời Chúa vào nhà, chúng ta phải chuẩn bị để đón tiếp Chúa cách xứng đáng. Một trong những chuẩn bị đầu tiên là thái độ khiêm nhường nhận ra mình hèn yếu trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đón Chúa cách bất xứng cũng là thái độ kiêu hãnh và xét đoán người khác như ông Simôn hôm nay.
Chúng ta cần để cho Lời Chúa hướng dẫn chúng ta. Để cho Lời Chúa thanh luyện chúng ta, nhờ đó, chúng ta sẽ luôn biết cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa và làm cho mình được gắn bó với Chúa nhiều hơn.
Cuối cùng, khi sống kết hợp mật thiết với Chúa, chúng ta sẽ hân hoan rao giảng Tin mừng của Chúa cho những anh chị em khác bằng đời sống của chúng ta.
Fr. Joseph