Phôi và giá trị luân lý dựa vào các khám phá mới của khoa học (phần 3)

3. Mầm phôi và ý nghĩa luân lý

Thomas Shannon và một số tác giả ủng hộ lập trường: cá thể chỉ hiện hữu sau 14 ngày,  khi trứng đã thụ tinh, thì cho rằng trứng thụ tinh chưa có thể được xem là một “cá thể” về mặt thể lý (physical individual) cho tới khi tiến trình làm tổ hoàn tất. Thêm vào đó, họ cũng đồng ý rằng: sẽ không đạt được cá thể tính cách trọn hảo, nếu tiến trình hạn định chưa hoàn tất, vì khi đó các tế bào vẫn chưa đánh mất tính toàn năng (totipotency) của nó.[1] Vì thế, thời gian ấn định để đạt được cá thể tính về mặt thể lý nằm giữa khoảng từ  tuần thứ 1 cho đến tuần lễ thứ 3. Cho nên, không thể nói một cách đơn giản rằng sự hiện hữu của cá thể (individual’s being) đã có mặt ngay từ giây phút thụ tinh (moment of fertilization). Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng: một cá thể đích thực – một con người cá thể – chỉ có được từ tiến trình thụ tinh. Điều này có nghĩa là, thực tại tính của một con người sẽ không hiện hữu ít nhất cho đến khi tiến trình cá thể hoá (individualization) xuất hiện. Cá thể tính là điều kiện tuyệt đối và cần thiết cho việc hình thành một bản vị tính (personhood).[2]

Từ những chứng cứ trên Shannon kết luận rằng: Không có cá thể (individual) thì cũng không có bản vị (person) cho tới khi tiến trình hạn định và việc hình thành ngôi vị hoàn tất, thời gian để hoàn tất là khoảng ba tuần sau khi thụ tinh. Vì thế, nếu huỷ một mầm phôi người vào thời điểm này thì chắc chắn sẽ kết thúc sự sống và chấm dứt sự độc nhất vô nhị về mặt di truyền của mầm phôi. Và như thế về mặt luân lý hẳn nhiên hành vi đó không thể bị kết tội là giết người, vì ở thời điểm này cá thể tính chưa hiện hữu.[3]

Thứ đến, ông vẫn duy trì lập trường rằng: ở giai đoạn này (từ lúc thụ tinh đến tuần thứ ba), mầm phôi không cần được bảo vệ cách tuyệt đối. Nhưng vì mầm phôi là một sinh thể (có sự sống), lại được ban cho khả năng độc nhất vô nhị về mặt di truyền, nên cũng cần đặt ra các quy luật bảo vệ sự sống cho mầm phôi, nhưng điều này không phải là tuyệt đối.[4]

Hẳn nhiên, đây cũng chỉ là quan điểm của một số các thần học gia luân lý được đưa ra để nhận định và thảo luận. Lẽ dĩ nhiên, trong một xã hội mà chủ nghĩa đa văn hóa, đa tư tưởng luôn được khuyến khích và ủng hộ, ắt nhiên sẽ không thể tránh khỏi sự khác biệt về cách thức suy luận, nhất là hiện nay khi những vấn đề này vẫn còn nhiều tranh luận, và khoa y-sinh học cũng đang cung cấp thêm cho chúng ta những dữ liệu chính xác hơn về tiến trình thụ thai, bởi những khám phá mới do sự tiến triển của ngành y học hiện đại.[5] Công đồng Vaticanô đệ nhị tuyên bố: “Sự sống một khi đã được hình thành cần phải được bảo vệ tối đa; nạo phá thai và tội giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm”.[6] Nhưng sau Công đồng Vaticanô đệ nhị, Thánh bộ Giáo Lý và Đức Tin, sau khi lên tiếng chỉ trích tội phá thai đã nhấn mạnh rằng: “Tuyên ngôn này hiển nhiển không bàn đến thời điểm khi linh hồn được phú nhập”.[7] Tuy nhiên trong một tài liệu hoàn hảo hơn vào năm 1987, Thánh bộ đi xa hơn một bước nữa, nhưng vẫn chưa đưa ra được tuyên bố chính xác về thời điểm khi nào thì hồn nhập vào thể xác. Thánh bộ nói rõ: “những kết luận do khoa học đưa ra liên quan đến phôi người cung cấp chỉ dẫn giá trị cho việc nhận thức bằng lý trí về sự hiện diện của cá thể ngay từ giây phút đầu tiên khi xuất hiện sự sống của con người: làm sao có thể không chấp nhận một sinh vật người mà lại không phải là con người?”[8]

Chỉ cần điểm qua các văn kiện của Huấn Quyền cũng như các tài liệu y khoa bàn về những khám phá mới của ngành phôi học, thì chúng ta cũng đã thấy có nhiều sự hóc búa và éo le khi bàn luận về khởi điểm sự sống của con người và về sự hiện diện của một nhân vị cá thể ngay khi trứng thụ tinh. Quả thực, đây là một công việc nhiêu khê và không mấy dễ dàng để thực hiện. Tuy nhiên, người viết muốn phân tích một cách nghiêm túc các nhận định, lập trường và quan điểm của các phe đã lên tiếng đóng góp ý kiến của mình trong cuộc tranh luận này, hầu có thể đưa ra một cái nhìn khách quan và đúng với tinh thần giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến việc tôn trọng sự sống con người mà gần đây Bộ Giáo Lý và Đức Tin đã phổ biến một huấn thị, nhằm trình bày các giáo huấn luân lý của Giáo Hội sao cho phù hợp với các khám phá mới của ngành y khoa trong thế kỷ thứ 21 này. Đây là một văn kiện rất quan trọng trực tiếp đề cập đến các lãnh vực nghiên cứu phôi người, việc sử dụng các tế bào gốc cho những mục đích chữa trị cũng như trong những lãnh vực y học thực nghiệm khác. Những vấn đề mới mẻ này đòi hỏi phải có câu trả lời thích đáng.[9]

KẾT LUẬN

Để kết luận sau khi duyện xét các lý chứng đã được trình bày trong chương này, tôi cho rằng: sự sống của con người được bắt đầu từ giây phút trứng thụ tinh và con người ấy là một nhân vị cá thể mang tính chất độc nhất vô nhị, và có đầy đủ phẩm giá của một con người, cần phải được tôn trọng, dù “con người ấy” chưa có khả năng để hiện thực hóa hoặc phát triển một cách đầy đủ và trọn vẹn tất cả các tiềm năng đã được phú bẩm ngây từ giây phút thụ tinh.[10] Nếu chúng ta tự đặt câu hỏi: “Có khi nào một nhân vị không phải là con người?” Câu trả lời hẳn nhiên là không bao giờ. Và giả như chúng ta hỏi ngược lại: “Có khi nào một con người không phải là một nhân vị?” Tôi giả thiết câu trả lời sẽ giống như trên, nghĩa là không bao giờ. Vì lẽ đó, mà tôi cho rằng: tất cả phôi người cần phải được tôn trọng một cách tuyệt đối và vô điều kiện. Đồng thời, các quyền của phôi cần phải được công nhận như là quyền của một con người, trong đó, quyền được sống và quyền bất khả xúc phạm đến sự sống của những con người vô tội, cụ thể là các thai nhi trong dạ mẹ. Điều này đã được Huấn Thị Donum Vitae (Quà tặng Sự Sống) do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành ngày 22.02.1987 khẳng định.

Ngay từ giây phút thụ tinh, sự sống của mỗi người phải được tôn trọng cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính nó, và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa trực tiếp tạo thành.

Con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi thụ tinh, và vì vậy cũng từ lúc đó nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội.”

Thai nhi tự bản chất có quyền được sống – đó là quyền cơ bản nhất trong mọi quyền. Bằng cách nào để bảo vệ và cổ vũ tốt nhất quyền này vẫn là một vấn đề nan giải. Cần phải xác minh rõ ràng rằng, khởi đầu sự sống của con người không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề thuộc khoa học. Chắc chắn giáo dục phổ thông là cần thiết đối với vấn đề khởi điểm sự sống con người. Nói cách khác, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là chinh phục trái tim và ý kiến của con người nhờ giáo dục và thuyết phục để họ hiểu được khi nào thì sự sống con người bắt đầu cũng như sự sai trái của việc nạo phá thai. Chúng ta có nên đấu tranh để thông qua pháp luật nhằm phản đối nạo phá thai trước khi có được sự đồng tâm nhất trí nơi xã hội hay không? Đây là một vấn đề nan giải.

Trong khi chúng ta tìm cách cảnh báo mọi người về tội ác nạo phá thai, tôi nghĩ cần phải ghi nhớ lời của Đức cố Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài viết:

Những quyết định đi ngược lại sự sống đôi khi nảy sinh từ những tình huống khó khăn hoặc thậm chí từ các bi kịch về những đau khổ tột cùng, sự cô đơn, hoàn toàn không có triển vọng kinh tế, tuyệt vọng và lo lắng cho tương lai. Những tình cảnh như thế có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm chủ quan ở mức đáng kể, cũng như hậu qủa tội ác kèm theo của những người đã quyết định những điều này, mà tự thân nó là điều xấu.[11]

Nói cách khác, khi chúng ta cam kết nỗ lực bảo vệ quyền của những trẻ em sơ sinh chưa chào đời, chúng ta cần nhận thức được rằng, phụ nữ tìm đến biện pháp nạo phá thai thường là những người cần được giúp đỡ; kết tội không phải là một phương thức mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, chúng ta phải tránh trở thành những người nhẫn tâm, tự cho mình là công chính khi muốn cải thiện những tệ đoan xã hội.

Kiên quyết với quan điểm sự sống con người bắt đầu từ khi thụ tinh và xã hội có trách nhiệm bảo vệ trẻ em sơ sinh chưa chào đời, điều này không đồng nghĩa với việc sự sống con người là điều thiện hảo tuyệt đối. Sự sống con người, dù là của đứa bé chưa ra đời, cũng cần phải được duy trì cho đến khi không thể kéo dài hơn nữa về mặt thể lý. Truyền thống Công Giáo liên quan đến việc duy trì sự sống đã được triển khai khá đầy đủ; nếu các biện pháp duy trì và bảo tồn sự sống không mang lại lợi ích và có hy vọng giúp cho bệnh nhân được bình phục, hoặc áp đặt gánh nặng quá mức, người mang bệnh chí tử hay người ủy nhiệm của bệnh nhân có thể được phép ngừng áp dụng các biện pháp trị liệu y khoa đó, ngay cả khi hậu qủa của các quyết định sẽ dẫn đến tử vong. Áp dụng các nguyên tắc này trong trường hợp trẻ sơ sinh hay trẻ chưa ra đời trên thực tế là đề xuất khó khăn, nhưng một sự thật của lời giáo huấn của chúng ta không nên qúa nhấn mạnh nhằm để bảo vệ những sự thật khác.

Tôi hy vọng rằng tất cả những gì mà chúng ta đã trình bày và trao đổi với nhau trong chương đầu tiên của cuốn sách này sẽ tạo nên nền tảng vững chắc về mặt luân lý và nó sẽ tiếp tục là ngọn hải đăng soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong những thảo luận kế tiếp. Đồng thời, tôi cũng tin rằng chính điều này sẽ đóng góp tích cực cho các cuộc thảo luận về vấn đề phá thai mà chúng ta sẽ có cơ hội để bàn thảo với nhau trong phần hai của cuốn sách này. Việc phá thai hiện nay đang được bàn tán sôi nổi trên thế giới, nhất là khi phương pháp phá thai được xem như là cách để điều hoà sinh sản hay hạn chế nạn nhân mãn. Điều này đã gây ra rất nhiều sự tranh luận và đem lại khó khăn cho các vị lãnh đạo tinh thần trong Giáo Hội Công Giáo – cũng như các Giáo Hội bạn và cả hàng ngũ giáo dân – trong thiện chí và nổ lực tìm kiếm một giải pháp luân lý thỏa đáng cho những vấn đề nan giải mà chúng ta đang phải đương đầu.

Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, STD


[1] . Theo như những gì mà chúng ta được biết hiện nay về khả năng đặc biệt của các tế bào gốc toàn năng (Totipotent stem cells) là các tế bào này chỉ hiện diện ở phôi khi mới được hình thành từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ năm. Trong thời gian này các tế bào gốc toàn năng có thể tự nó phát triển để trở thành một sinh thể (organism), ví dụ như trong trường hợp trẻ em sinh đôi (hoặc nhiều hơn nữa), khi một trứng đã thụ tinh tự mình tách ra làm hai tế bào, rồi từ đó tự phát triển thành hai sinh thể (hai bào thai). Đây là yếu tố độc đáo mà các khoa học gia đã khám phá ra khi khảo sát và nghiên cứu về tế bào gốc phôi toàn năng. Xem Lm Trần Mạnh Hùng, Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay (T.P. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Phương Đông, 2016).

[2] . Tuy nhiên, cũng đã có những lý luận đi nghịch lại với ý kiến và lập trường của Shannon và những người cùng đồng quan điểm với ông. Cụ thể là Fr. Kevin D. O’Rourke (Thần học gia luân lý), người đã xác quyết và khẳng định rằng: Phôi là một nhân vị trong bài viết khá nổi tiếng của ông và đã được phổ biến trên tạp chí National Catholic Bioethics Quarterly. Xem Kevin D. O’Rourke, O.P., “The Embryo as Person,” National Catholic Bioethics Quarterly (2006): 241-251. Bài viết này đã được Trà Mi và Lm. Trần Mạnh Hùng dịch sang tiếng Việt và tôi đã cho đăng tại website congiaovietnam.net http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=20597  (Truy cập, Thứ 6, ngày 19.06.2020)

[3] . Theo Shannon và Wolter, cá thể tính chỉ hiện hữu khi trứng thụ tinh không còn khả năng phân chia thành nhiều phần, nghĩa là, khi hoàn tất tiến trình hạn định và việc hình thành phôi vị. Thời gian hoàn tất là khoảng ba tuần. Trong thời gian này, mầm phôi hay trứng thụ tinh hay phôi bào đã có sự độc nhất vô nhị về mặt di truyền và sự sống mà nó mang khác biệt hoàn toàn với bố mẹ, nhưng nó vẫn chưa là một cá thể đích thực (true individual), vì chưa có cá thể tính.

[4] . Thomas A. Shannon & Allan B. Wolter, “Reflections on the Moral Status of the Pre-embryo,” Theological Studies 51(1990), 623ff.

[5] . Thực vậy, Giáo Hội Công Giáo hiện nay chưa có một phán quyết tối hậu về thời điểm chính xác khi nào thì sự sống con người bắt đầu. Xem Lisa Sowle Cahill, “The Embryo and the Fetus: New Moral Contexts,” in Theological Studies 54 (1993): 124 – 142, đặc biệt trang 127. Quan trọng hơn cả là ngay chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống (Gospel of Life), đã không xác định chính xác thời điểm khi nào thì phú hồn diễn ra (ensoulment); nghĩa là khi nào thì hồn nhập vào xác. Xem Kevin D. O’Rourke, “The Embryo as Person?” Published in National Catholic Bioethics Quarterly (2006): 241-251. Reposted with permission http://embryoconnection.org/pdf/Orourke-F48.pdf  (Accessed 12 June 2015).

[6] . Xem Gaudium et spes (1965), n.51, as quoted in the Vatican translation of Congregation for the Doctrine of the Faith (CDF), Donum vitae (22 Feb. 1987), I, n.1.

[7] . Xem CDF, Declaration on Procured Abortion, n.13, note 19, in AAS 66 (1974).

[8] .  Xem CDF, Donum vitae, I, n.1, in AAS 80 (12 January 1988).

[9] . Xem Bộ Giáo Lý & Đức Tin, Huấn Thị Dignitas Personae (Phẩm Giá Con Người) Về Một Số Vấn Đề Về Đạo Đức Sinh Học. Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam

http://www.hdgmvietnam.org/huan-thi-dignitas-personae-pham-gia-con-nguoi-ve-mot-so-van-de-dao-duc-sinh-hoc/137.115.3.aspx (Truy cập, ngày 16.06.2015).

[10] . “Phẩm giá nhân vị phải được công nhận nơi mọi hữu thể nhân linh từ khi thụ thai cho tới lúc chết. Nguyên tắc nền tảng này nói lên thái độ hết sức kính trọng đối với sự sống con người và nguyên tắc ấy phải chiếm vị trí trung tâm trong suy tư đạo đức về nghiên cứu y-sinh học, vốn có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong thế giới ngày nay.” Trích dẫn từ Huấn Thị Dignitas Personae (Phẩm Giá Con Người) Về Một Số Vấn Đề Về Đạo Đức Sinh Học. Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam

http://www.hdgmvietnam.org/huan-thi-dignitas-personae-pham-gia-con-nguoi-ve-mot-so-van-de-dao-duc-sinh-hoc/137.115.3.aspx (Truy cập, ngày 16.06.2015).

[11] . See John Paul II, “Gospel of Life (Evangelium vitae),” Origins 24.42 (April 6, 1995): n. 18.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube