Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C

Lời Chúa: Ga 21, 1-19

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?”. Các ông trả lời: “Thưa không”. 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”. Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!”. Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết. 15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. 16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. 17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?”. Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy”. Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

Suy niệm: Bắt đầu lại với niềm tin

Chúa Giêsu nói với ông Phêrô : hãy thả lưới. Nhưng ông Phêrô chẳng ai biết người đang đưa ra lời đề nghị “hãy thả lưới” là ai. Chỉ sau phép lạ mẻ lưới đầy cá, và Gioan, người môn đệ Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó.”

Ông Phêrô đã thả lưới như lời đề nghị. Điều này có nghĩa là ông Phêrô đã vâng lời một người mà ông không biết. Vậy, sự ngạc nhiên chính là ông Phêrô đã có thể bắt đầu lại một công việc nặng nhọc, vất vả bằng cách thả lưới xuống và kéo lưới lên nhiều lần, nhất là phải làm lại một lần nữa sau khi ông đã thả lưới cả đêm mà chẳng được gì cả.

Ông Phêrô có ý thức về chính điều mình đang làm ? Mọi sự đang diễn ra không như mong đợi. Trước đó, ông Phêrô đã bỏ lại cả gia đình và nghề nghiệp. Ông đi Đức Giêsu, Người đề nghị ông “hãy theo tôi”. Nhưng cuối cùng tất cả chọn lựa của ông đều vô nghĩa! Đức Giêsu đã bị đóng đinh như một tên trộm và ông Phêrô cũng như bao môn đệ khác đã chạy trốn. Niềm hy vọng đổi đời tiêu tan: ông thất vọng. Ông trở về gia đình của ông với tâm trạng nặng nề: ngại ngùng và cả xấu hổ. Ông đã mất tất cả, không tiền bạc.

Vậy, nếu ông Phêrô đã trở về với nghề cũ: chài lưới, điều này không có nghĩa là để thay đổi những ý tưởng, kế hoạch … nhưng để có cái gì đó để ăn, và nếu có thể thì có thứ gì đó để bán, kiếm chút tiền. Nhưng chẳng có gì trong lưới sau nhiều lần thả lưới. Hôm nay, ông chẳng đánh bắt được gì. Sự chán chường xâm lấn! Nhưng có ai đó nói với ông hãy “bắt đầu lại!”

Cần thấy rằng: vấn đề của chúng ta là tất đều muốn sống, đều muốn có kết quả! Ông Phêrô có quyền nói : lời khuyên của người lạ kia chẳng kết quả gì, vì ông đã nhiều lần thả lưới và bản thân ông đã kinh nghiệm. Ông đang kinh nghiệm về sự thất bại ấy. Nhưng ông đã lại thả lưới một lần nữa theo lời khuyên, và hành động đó đã cứu vớt ông.

Dẫu vậy, ông lại chẳng có khả năng để hiểu về người lạ kia, người đã đề nghị ông thả lưới. Chính ông Gioan, người môn đệ Đức Giêsu yêu mến, người đã nói rằng: Chúa đó. Chính Gioan đã giúp ông Phêrô và những môn đệ khác nhận ra sự hiện diện của Chúa. Vì vậy, điều cần thiết trong trường hợp này không phải chỉ là sự chuyên nghiệp, nhưng bằng cả khả năng biết lắng nghe: lắng nghe Chúa Giêsu nói, vì Người là Đầu của Giáo hội.

Ngày hôm nay, ông Gioan chính là Giáo hội, là dân của Chúa, nói với chúng ta rằng: Chúa Giêsu hằng sống ở giữa chúng ta. Chúa đã Phục sinh! Chính Giáo hội, chính mỗi người, mở đôi mắt chúng ta để thấy Thiên Chúa hành động trong đời sống chúng ta. Và bổn phận của chúng ta là học để khám phá lại sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.

Ông Phêrô đã nhảy xuống nước khi vừa nghe nói “Chúa đó”. Tại sao vậy? Vì ông đang ở trần. Nhưng xa hơn đó là ông bơi về phía Chúa Giêsu. Đây là một hành động tuyệt vời, làm thay đổi nơi người đang buồn chán.

Ông Phêrô không còn sợ nữa. Ông không còn thất vọng. Ông không còn ở mãi trên thuyền vì chán nản. Tinh thần ông được nâng đỡ, được vực dậy! Ông trở nên vui tươi, phấn khởi và chạy tới Đấng Tốt Lành để ở cạnh Người, để tận hưởng trong sự hiện diện của Người và để chính mình trở nên một người “chài lưới người”.

Chính tình yêu vào Chúa và lòng can đảm đã thức tỉnh ông Phêrô và các môn đệ khác. Vì thế, các ngài đã can đảm xác tín rằng: “Phải nghe lời Thiên Chúa hơn là nghe lời người phàm!” Các ngài đã mạnh mẽ nói rằng: “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi ; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy”. “Tất cả chúng tôi là những chứng nhân cùng với Thánh Thần” về điều chúng tôi rao giảng.

Mỗi ngày, chúng ta được mời gọi tái khám phá niềm vui Phục sinh và niềm vui đi theo Chúa Kitô. Chúng ta được mời gọi can đảm vượt qua những nỗi sợ, những chán nản và bế tắc, để sống và có thể công bố cho thế giới biết về những kỳ công tuyệt vời mà Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh đã làm cho chúng ta. Amen.

Fr. Joseph

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube