“ Ta biết các việc ngươi làm : ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hâm, chẳng nóng, chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa người ra khỏi miệng Ta.” ( Kh 3:15-16)
Hỏi: xin cha giải thích vài thắc mắc sau đây liên can đến việc dạy dỗ và cử hành bí tích của linh mục:
- Có linh mục kia, khi dâng lễ ở tư gia, đã mời mọi người có mặt tham dự lên rước Mình Thánh Chúa, vì cho rằng Chúa đã tha hết mọi tội cho con người rồi nên không ai cần phải xưng tội nữa (dù có tội trọng) trước khi rước Mình Thánh Chúa ! Như vậy có đúng không ?
- Cũng linh mục đó, khi vào nhà thương thăm một bệnh nhân, đã chứng hôn cho đôi vợ chồng đang “rối” về hôn phối, vì nể lời yêu cầu của bà mẹ đôi vợ chồng kia. Như vậy hôn phối đó có thành sự hay không ?
Trả lời :
- Tôi thực ngạc nhiên về những câu hỏi trên đây,vì nếu là linh mục được đào tạo đến nơi đến chốn, thì phải dạy đúng giáo lý của Giáo Hội cũng như cử hành các bí tích
Trước hết là việc linh mục mời mọi người lên rước Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ dù là ở tư gia hay ở nhà thờ là điều không đúng và không được làm vì những lý do sau đây:
Đành rằng Thánh lễ, về một phương diện, là Bữa ăn cuối cùng mà Chúa Giêsu đã cùng ăn uống với Nhóm Mười Hai Tông Đồ buổi tối trước khi Người bị trao nộp cho những kẻ đến bắt bớ vì Giuda phản bội, bán Chúa cho nhóm thượng tế và luật sĩ Do Thái.
Vì thế, khi tham dự Thánh Lễ, mọi người cũng được mời ăn tiệc thánh là rước Mình Máu Chúa Kitô hiện diện thực sự dưới hai hình bánh và rượu nho.
Tuy nhiên, việc rước Mình Máu Chúa Kitô trong Thánh Lễ hàng ngày hay ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng không phải là điều bó buộc cho mọi người tham dự Thánh Lễ, mà chỉ là lời mời gọi cho những ai cảm thấy mình xứng hợp –hay không có gì ngăn trở-để rước Mình Máu Thánh Chúa mà thôi. Phải nói là không có gì ngăn trở, nghĩa là không đang có tội trọng, ( mortal sin), vì nếu ai có tội trọng thì không được làm lễ ( linh mục) và rước Mình Thánh Chúa ( giáo dân) (x. SGLGHCG số 1415, giáo luật số 916).Như vậy, nếu có tội trọng, thì phải đi xưng tội để làm hòa với Chúa trước khi rước Mình Thánh Chúa trong Thánh Lễ.
Lại nữa, những trẻ em chưa rước lễ lần đầu, cũng không được rước lễ khi tham dự Thánh lễ cùng với cha mẹ, vì chưa được dạy giáo lý cần thiết về Phép Thánh Thể. Điều này cũng áp dụng cho những người thuộc các tôn giáo khác, vì xã giao đến tham dự lễ với người Công giáo. Không thể mời họ lên rước Mình Thánh Chúa được, vì họ không cùng hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, và không hiểu biết gì về bí tích Thánh Thể.
Sau hết, những người đang bị ngăn trở về hôn phối, như đã li dị ngoài tòa án dân sự nhưng chưa được Tòa án hôn phối của Giáo phận tháo gỡ hôn phối cũ mà lại sống chung với người khác như vợ chồng, thì cũng tạm thời không được lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể, cho đến khi tình trạng hôn phối của họ được giải quyết thỏa đáng theo giáo luật. Nghĩa là họ phải được tháo gỡ hôn phối cũ ( annulled), nếu đủ điều kiện theo giáo luật, rồi mới được tái kết hôn và lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể.
Như vậy, mời tất cả mọi người tham dự Thánh lễ ở tư gia hay ở nhà thờ lên rước Mình Thánh Chúa là sai hoàn toàn , vì biết đâu trong số những người tham dự Lễ có người đang mắc tội trọng, có người ngoài Công giáo hay đang bị ngăn trở về phép hôn phối. Không thể nói Chúa đã tha hết mọi tội cho con người rồi nên mọi người được rước MÌnh Thánh Chúa, bất kể họ đang ở tình trạng nào.Thiên Chúa tha tội cho con người nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô: đúng, nhưng con người vẫn có thể lại phạm tội nặng hay nhẹ nhiều lần nữa sau khi được rửa tội chứ, vì bản tính yếu đuối , vì ma quỉ cảm dỗ, vì gương xấu của thế gian và nhất là vì con người còn có tự do để tránh phạm tội hay cứ phạm vì ỷ lại vào tình thương tha thứ của Chúa. Ai không cố gắng chừa tội mà cứ ỷ lại vào lòng thương xót tha thứ của Chúa, thì hãy nghe lời cảnh cáo nghiêm khắc sâu đây của Chúa Kitô:
“ Ta biết các việc ngươi làm : ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hâm, chẳng nóng, chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa người ra khỏi miệng Ta.” ( Kh 3:15-16)
Tóm lạị việc rước Mình Máu Chúa Kitô trong Thánh Lễ là hoàn toàn tùy thuộc ý muốn của người tham dự Lễ. Không có luật nào buộc mọi người tham dự Lễ phải rước Mình Thánh, mà chỉ có lời khuyên, lời mời cho những ai cảm thấy mình xứng hợp hay không có gì ngăn trở để rước Mình Thánh Chúa mà thôi. Lại nữa ,về phần linh mục, nếu biết rõ ai không phải là công giáo, ai đang có ngăn trở về hôn phối mà lên rước Lễ, thì có quyền từ chối trao Mình Thánh Chúa cho những người ấy.Nếu họ thắc mắc, thì sau đó giải thích lý do cho họ.
- Về câu hỏi thứ hai, xin được trả lời như sau:
Trước hết, muốn chứng hôn cho ai, linh mục phải biết rõ đôi hôn phối đó có hội đủ điều kiện để kết hôn trong Giáo Hội hay không. Thứ đến linh mục có thẩm quyền để chứng hôn nữa hay không. Nghĩa là đôi hôn phối đó có thuộc quyền coi sóc mục vụ của mình hay không, vì không ai được chứng hôn cho những người vô gia cư, hay không thuộc quyền coi sóc mục vụ của mình. ( giáo luật số 1071 & 1).
Nếu không thuộc quyền coi sóc mục vụ của mình thì, muốn chứng hôn thành sự ( validly) linh mục chứng hôn phải có sự ủy quyền về năng quyền chứng hôn của cha xứ coi sóc cặp hôn phối đó. ( x Giáo luật số 1111& 2).Ngoài ra, hai người kết hôn phải có hai người làm chứng ( witness) trước mặt đại diện của giáo quyền.
Sau hết, nhà thương hay tư gia không phải là nơi cho phép cử hành hôn lễ
Nghĩa là hôn lễ phải được cử hành ở nhà thờ hay nhà nguyện công do một linh mục hay phó tế chủ sự với sự có mặt chứng hôn của hai người làm chứng. ( giáo luật số 1116&2)
Như vậy, căn cứ theo câu hỏi trên đây, thì linh mục kia đã sai trái hoàn toàn khi chứng hôn cho một một đôi hôn phối ở nhà thương, thể theo lời yêu cầu của bà mẹ đang nằm điều trị ở đây mà không biết đôi hôn phối đó đang bị ngăn trở kết hôn vì lý do gì. Sai trái này khiến cho việc chứng hôn không thành sự và bất hợp pháp ( invalidly and llicitly ) vì đôi hôn phối không thuộc quyền coi sóc mục vụ của mình, hoặc không được thẩm quyền nào cho năng quyền ( faculty) để chứng hôn mà dám chứng hôn chỉ vì nể lời bà mẹ của một trong hai người nam hay nữ yêu cầu. Lại nữa, thiếu hai người làm chứng thì hôn phối cũng không thể thành sự được, cho dù thừa tác viên của bí tích là hai người phối ngẫu tự do ưng thuân lấy nhau trước mặt đại diện của giáo quyền và hai người làm chứng.
Tôi không hiểu ông linh mục kia học về bí tích và giáo luật ở đâu mà dám liều lĩnh chứng hôn bừa bãi như vậy. Và chắc chắn việc chứng hôn này là vô hiệu quả và bất hợp pháp ( invalidly and illicitly) vì những lý do nêu trên.
Vậy ai biết việc này, thì xin nói cho bà mẹ và đôi hôn phối kia biết về việc kết hôn không thành sự của con bà vì lỗi của linh mục kia.
Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn các câu hỏi nêu ra.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn