Tôi không có ý bỉ đạo của anh đâu. Tôi hỏi vì tôi không hiểu thôi. Người ta nói với tôi rằng: “Ông Giê-su năm lên 18 tuổi, mẹ bảo ông lấy vợ, ông không nghe. Ông cứ sống chùi lũi mãi cho đến năm 33 tuổi, thì ông “lấy” mẹ. Bà con xóm giềng thấy thế thì giận quá, bèn lột quần áo ông, đem đóng đinh”. Tôi hỏi thiệt anh: “Cái đó có không?”.
Mình ngồi trong phòng lạnh thẫn thờ nhớ lại chuyện xưa.
1/ Đầu năm 1975 mình tạm trú hơn bốn tháng tại một xóm hoàn toàn không công giáo. Một hôm có một phụ nữ tuổi bốn mươi đến hỏi mình: “Anh Tám nè, tôi hỏi anh cái này nha. Tôi không có ý bỉ đạo của anh đâu. Tôi hỏi vì tôi không hiểu thôi. Người ta nói với tôi rằng: “Ông Giê-su năm lên 18 tuổi, mẹ bảo ông lấy vợ, ông không nghe. Ông cứ sống chùi lũi mãi cho đến năm 33 tuổi, thì ông “lấy” mẹ. Bà con xóm giềng thấy thế thì giận quá, bèn lột quần áo ông, đem đóng đinh”. Tôi hỏi thiệt anh: “Cái đó có không?”.
Buồn quá! Mình cố gắng kể chuyện Chúa rao giảng, bị lãnh đạo Do Thái ghét, chụp mũ phản động và âm mưu lật đổ chế độ thuộc địa La Mã. Họ kết án tử hình, rồi đóng đinh, nhưng sau ba ngày, Ngài sống lại…
Người phụ nữ chăm chú lắng nghe, rồi cáo từ ra về, nhưng không tỏ thái độ mãn nguyện…
2/ Sau năm 1989 mình thậm thọt về thăm quê hương Miền Bắc. Một lần mình được mời tới giáo họ T.L.mừng lễ bổn mạng Luca. Đang mặc áo lễ, thì cha xứ ghé tai nói nhỏ:
– Cha Piô giảng nhé.
– Vâng
Bài Tin Mừng hôm ấy kể chuyện Chúa sai 72 môn đệ đi truyền giáo. Ngài than phiền: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”. Ngài yêu cầu: “Hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt xuống đồng”. Vâng lời Chúa, các vị thừa sai Châu Âu sẵn sàng bỏ quê hương sang tận Việt nam để truyền giáo. Các ngài đinh ninh rằng: “Chỉ được thờ một Chúa mà thôi”. Các ngài giật mình thấy người Việt Nam thờ cả ông bà, thờ cả vua chúa. Các ngài cho rằng như vậy là đa thần, sai với giới răn thứ nhất: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”. Thế là các ngài quyết tâm đòi buộc ai theo đạo Kitô, thì phải bỏ bàn thờ ông bà, chỉ được kính trọng và yêu mến ông bà, cha mẹ chứ không được thờ.
Mình đọc câu thơ của ông Phan Văn Trị gởi cho ông Tôn Thọ Tường:
“Anh hỡi, Tôn quyền, anh có biết
Tôi ngay thờ chúa, gái thờ chồng”.
Động từ THỜ của văn hóa Việt Nam có nhiều nghĩa:
– Con THỜ cha là hiếu thảo với cha mẹ
– Gái THỜ chồng là chung thủy với chồng
– Tôi THỜ chúa là dân trung thành với vua.
Bây giờ các giám mục tại Việt Nam đều là người Việt hết, nên hiểu rõ văn hóa Việt Nam. Do đó Giáo hội cho phép lập bàn thờ tổ tiên và nhang đèn cúng kiến theo tâm thức Việt Nam.
Sau một tuần lễ, có ba vị cao niên từ T.L. đến thăm mình tại tòa giám mục ở Sơn Tây, ba vị phát biểu nguyện vọng thế này:
“Chúng tôi không có đạo. Chúng tôi không đi lễ hôm ấy, nhưng bài giảng của linh mục được ghi băng, cả xã đều được nghe. Bây giờ chúng tôi mới hiểu ngày xưa bên đạo bắt bỏ bàn thờ tổ tiên không phải là bất hiếu, mà chỉ là một sự hiểu lầm của các cố thừa sai. Như vậy thì không có vấn đề. Hôm nay chúng tôi đến đây để xin học đạo.
3/ Mình lội bộ 4.200 mét từ cầu Cái Rắn về nhà thờ. Đi bộ để thưởng thức cái ngoằn ngoèo của con rạch. Đi bộ để ghé thăm nhà này nhà kia, tùy theo cảm hứng. Mình ghé thăm ông Út cùi. Đang ngồi mân mê bàn tay thiếu ngón và vài ngón không đủ lóng của ông Út, thì…bà vợ đi xóm về. Bà vừa lẹ tay châm nước trà, vừa lanh miệng kể chuyện:
– Ông cha ơi, hồi nãy ông cha đi qua cái nhà kế nhà tôi đó, có mấy con mẹ nó thấy ông cha đi qua, nó nói xấu ông cha quá xá.
– Họ nói xấu tôi làm sao?
– Tụi nó biểu là các cô dâu đến nhà thờ làm lễ cưới bị ông cha “oằm” hết trơn.
– Bà Út thử nhín mặt tôi xem tôi có thể làm những chuện bậy bạ như vậy được không? Nếu tôi “oằm” cô dâu người ta, vợ người ta, thì ai mà thèm theo cái đạo này.
– Thì mấy con mẹ ngu dốt nó mới nói như vậy.
Bây giờ ngồi nhớ lại chuyện xưa, đồng thời đọc một số tài liệu như: Sắc lệnh “Truyền giáo” của Vatican II, thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ” của Đức Gioan Phaolô II, tông thư “Cánh cửa Đức Tin” của Đức Bênêdictô XVI, và tài liệu dành cho “Thượng Hội Đồng Giám Mục” sắp diễn ra vào tháng 10/2012, mình ngẫm nghĩ mông lung. Buồn vui lẫn lộn. Vui ít, buồn nhiều. Mình cảm thấy một nỗi buồn da diết. Tin Mừng đã đến với dân tộc này từ một nửa thiên niên kỷ, thế mà những chuyện buồn vô lý ấy vẫn còn tồn tại một cách rộng rãi. Tai sao? Tại Tin Mừng vẫn còn bị giam giữ trong các giáo xứ như những ghét-tô. Tin Mừng đã được loan báo một cách sai lầm, không phù hợp với văn hóa địa phương.
Phải đổi mới truyền giáo.Nhưng đổi mới thế nào? Mình nghĩ ngay đến:
– Porta fidei (Cánh cửa Đức Tin) số 6.
– Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc) số 43.
– Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa XIII, Tài liệu làm việc số 51-59.
– Trong Porta fidei 6, Đức Bênêdictô XVI nhấn mạnh rằng: “Giáo Hội phải liên tục tiến bước trên con đường sám hối và canh tân”. Trong Redemptoris missio 43, Đức Gioan Phaolô II yêu cầu: “Giào Hội phải khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm của mình, để sửa chữa những cách sống đi ngược với Tin Mừng và làm biến dạng dung nhan của Đức Kitô”.
Đó là tâm và tư của hai vị giáo hoàng hiện đại. Lời giáo huấn rất tha thiết phát xuất từ nỗi buồn da diết. Nghe hai lời giáo huấn vừa chân thành, vừa nóng bỏng của các ngài, mình ngậm ngùi nghĩ về những sai sót của Giáo Hội trong suốt hai mươi thế kỷ hiện diện và loan báo
+ Trước hết mình nghĩ đến thời các tông đồ. Trong Mc 7,19 Chúa tuyên bố: “Mọi đồ ăn đều thanh hết”. Như vậy Chúa hủy bỏ toàn bộ luật “Thanh-Uế” được Môsê ghi trong Lv 11,1-47. Các Tông đồ ngẩn tò te khi nghe Chúa hủy bỏ luật “Thanh-Uế”
– Thưa Thầy, chúng con không hiểu dụ ngôn ấy.
– Anh em mà cũng tối dạ như vậy sao?
Mình tưởng rằng từ đó các Tông đồ thôi “tối dạ”. Ai ngờ… gần mười năm sau, thánh Phê rô vẫn “tối dạ”. Hôm ấy thánh Phêrô cầu nguyện trên sân thượng nhà ông Ximon ở Gioppê, ông thấy trong thị kiến, một cái màn túm bốn góc, thòng từ trời xuống. Bên trong lúc nhúc những vật uế theo luật Môsê. Có tiếng từ trời phán: “Hãy giết đi mà ăn”. Thánh Phêrô liền nhún vai thưa: “Từ bé tới giờ, chưa bao giờ con bỏ những thứ ô uế ấy vào miệng con” (Cv 10,9-14). Như vậy có nghĩa là suốt mười năm đầu trong sứ vụ sống và loan báo Tin Mừng, Thánh Phêrô vẫn còn sai sót về chính nội dung loan báo.
Sau Thánh Phêrô “tối dạ”, thì đến Thánh Giacôbê. Thời Công vụ Tông đồ có hai khuynh hướng truyền giáo: Khuynh hướng tiến bộ của Phaolô và Barnaba, khuynh hướng bảo thủ mà thư Galat 2,12 gọi là nhóm Giacôbê. Nhóm tiến bộ yêu cầu cho người ngoại trở lại khỏi cắt bì và khỏi giữ luật Môsê. Nhóm bảo thủ yêu cầu phải cắt bì rồi tin vào Đức Giê-su, thì mới được cứu độ. Không bên nào thắng, chẳng bên nào thua. Đành nại đến các Tông đồ. Các Tông đồ quy tụ về Giêrusalem để giải quyết. Hôm ấy Thánh Phê rô cho “nổ một trái bom” làm nhóm bảo thủ “bị thương” lả tả: “Chúng ta không được quyền thách thức Thiên Chúa mà quàng lên cổ anh em tín hữu cái ách mà cả ông cha chúng ta và chúng ta vác không nổi” (Cv 15,10). Sau đó, thánh Giacôbê tuyên bố quyết định của Công Đồng Giêrusalem: “Tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa”. Tưởng chỉ vắn tắt bấy nhiêu là đủ rồi, ai ngờ ngài lại thêm một câu: “Bảo họ kiêng ăn thịt loài vật, không cắt tiết và kiêng ăn tiết” (Cv15,20). Thế là Cv 15,20 nghịch với Mc 7,19. Thánh Giacôbê lại “tối dạ” nữa rồi.
Sau cái hèn yếu của các Tông đồ, rồi đến các thế hệ sau.
+ Thánh Tôma, một nhà thần học lớn, đã nghĩ rằng mọi tôn giáo ngoài Kitô giáo đều do ma quỉ mà ra. Thật không? Không! Đức Phaolô VI trong Thông điệp Ecclesiam suam coi các tôn giáo lớn trên thế giới đều là những con đường dẫn đến Đức Giê-su là Chân lý tuyệt đối.
+ Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), một nhà truyền giáo nổi tiếng tại Việt Nam, trong cuốn Phép giảng tám ngày, bài 4 đã gọi Đức Phật Thích Ca là “một tên gian dối… giảng những sự dối trá mà lừa gạt chúng sinh? Ngàn lần không! Đức Phalô VI gọi Đức Phật Thích Ca cũng như những vị lập đạo khác là “những vị ân nhân vĩ đại của loài người” (Ecclesiam suam)
Nhớ lại chuyện xưa, mình mới hiểu được nỗi bức xúc của hai vị giáo hoàng hiện đại là: Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêdictô XVI. Các ngài kêu gọi toàn thể Giáo hội phải sống và loan báo Tin Mừng đúng như ý của Đức Giê-su.
Có hai điều phải đổi mới: đổi mới cách đọc Tin Mừng, để hiểu cả ý, cả tâm, cả tánh của Đức Giê-su; đổi mới cách loan báo Tin Mừng phù hợp với cuộc sống con người trong các nền văn hóa, giữa một giai đoạn lịch sử quá nhanh.
1/ Đổi mới cách đọc Tin Mừng
Phải đọc Tin Mừng như thế nào, để không những hiểu được ý Chúa, mà còn cảm nghiệm được tâm tình của Chúa nữa. Hiểu và cảm mới đưa người đọc đến gặp gỡ Đức Giê-su. Loan báo Tin Mừng tạo cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và anh chị em chưa biết Người.
Chỉ suy nghĩ có bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho mình bối rối quá chừng. Mình đọc Phúc Âm hằng ngày từ hơn một nửa thế kỷ rồi, mà mình vẫn chưa cảm nghiệm được tâm tư của Đức Giê-su. Cũng chỉ vì Ngôi Lời Nhập Thể đã nói với mình qua một thứ ngôn ngữ của một nền văn hóa quá xa lạ với mình. Xa về thời gian là hai ngàn năm. Xa về không gian là mười ngàn cây số.
Ngôn ngữ rất là tương đối. Có những từ vừa tượng thanh, vừa tượng hình: nghe là cảm ngay. Có những từ sai hẳn với hiện thực. Nó chỉ còn là một quy ước. Trong tiếng Việt Nam có những từ được hình thành một cách phi lý vô cùng: Xe ôm, chuối lá xiêm trắng, lá xiêm đen. Gọi là xe ôm mà chẳng ai ôm ai. Gọi là lá xiêm trắng mà chẳng trắng tí nào. Gọi là xiêm đen mà chỉ là vàng xỉn.
Khoa chú giải chỉ giúp mình được một phần. Phần còn lại là tự mình phải làm lấy. Mỗi Lời của Chúa phải đặt vào bối cảnh. Bối cảnh ấy, mình phải tìm ra. Ví dụ: Chúa bảo: “Thầy đến không để mang hòa bình mà để mang gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha…” (Mt 10,34-35). Nếu không có bối cảnh, thì câu nói này làm cho Chúa tự mâu thuẫn. Bối cảnh ấy là: bà con thân thuộc đang phiền trách các Tông đồ, vì đi theo Chúa mà chả thấy quyền lợi đâu, lếch thếch, nhếch nhác, một đồng xu dắt túi cũng không có…
Muốn hiểu Chúa thì điều kiện đầu tiên là phải từ bỏ định kiến của mình, phải cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đặc biệt là phải yêu Chúa trước hết khi đọc Phúc Âm. Yêu Chúa rồi, thì hiểu cả tâm tư lẫn tính tình của Người. Người ta yêu nhau, thì dù câm điếc cũng hiểu nhau.
2/ Đổi mới cách loan báo
Nói đến việc đổi mới cách loan báo, mình nghĩ ngay đến giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc” số 42.
“Con người ngày nay tin vào các nhân chứng hơn là các thày dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và sự kiện hơn là lý thuyết. Hình thức đầu tiên của truyền giáo là chứng tá đời sống Kitô hữu. Hình thức này là điều không thể thay thế” Đúng thế và cũng chính vì thế mà có người dám mạnh dạn tuyên bố rằng: “Một hành động bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta có sức thuyết phục hơn một bài giảng hùng hồn của Đức Piô XII trên đài truyền thanh Vatican”.
Thế nào là hành động thay cho lý thuyết? Đức Gioan Phaolô II trả lời ngay trong SVĐCC 2: “Truyền giáo chỉ là trình bày tình yêu của Thiên Chúa được ngỏ bày trong Đức Giê-su Kitô”. Đức Giê-su yêu mọi người, yêu cả kẻ thù, nhưng vẫn có tình yêu ưu tiên dành cho người ngoại, người tội lỗi, người bệnh tật và người nghèo.
- Đức Giê-su yêu người ngoại đi ngược với truyền thống Do Thái:
– Tv 79 “Gốc nho ấy húa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân đi lấy chỗ mà trồng.”
– Is 66,12: “Chúa biến nguồn phú túc của chư dân chảy về thành đô tràn lan như thác vỡ bờ.”
– Et 14,17: “Bà Ette là hoàng hậu của vua Atxuêrô. Vua Atxuêrô là ân nhân vĩ đại của bà và của dân tộc Do Thái đang lưu đày ở Babylon. Nhưng vì Atxuêrô là “tên không cắt bì”, là “kẻ không biết Luật”, nên bà đã cầu nguyện với Chúa một cách đau khổ như sau: “Con cứ phải chăn gối với một tên không cắt bì. Hắn tặng cho con cái vương miện con cứ phải đội trên đầu khi ra trước quần chúng. Vì quà tặng ấy là của một tên không biết “lề luật”, nên con ghê tởm nó hơn cái khăn vệ sinh.”
Vì thế Chúa phải trả giá cao ngất trời tại Na-gia-rét, chỉ vì Người đề cao người ngoại hai lần:
– Thời Ê-li-a, có biết bao nhiêu bà góa nghèo đói trong nước Israel, thế mà sứ ngôn không cứu, lại cứu một bà góa tại Xarepta
– Thời sứ ngôn Êlixa, trong nước Do Thái có biết bao nhiêu người cùi, thế mà sứ ngôn không cứu; lại cứu ông Naaman là người nước Xiri.
Cái giá mà Chúa phải trả hôm ấy là tất cả đồng hương đều đả đảo và đòi giết Chúa đi (Lc 4,16-30)
- Đức Giê-su yêu người tội lỗi và cũng đã phải trả giá cao cắt cổ.
– Chúa vào ăn cơm nhà ông Matthêu, liền bị các ông Pharisêu thắc mắc và chê trách (Lc 5,30)
– Chúa vào trọ nhà ông Dakêu, thì bị giới hâm mộ đổi ý, xầm xì với nhau: “Ông nầy lại vào trọ nhà người tội lỗi!” Luca nói rõ là “mọi người xầm xì” (Lc 19,7)
- Đức Giê-su yêu người bệnh tật
– Thần học Do Thái dạy rằng: “Tội là nguyên nhân của bệnh tật”. Tư tưởng này phổ biến đến mức độ các Tông đồ dốt nát cũng biết. Khi thấy người mù bẩm sinh, bèn hỏi rằng: “Thưa Thầy, thằng này mù do tội của nó, hay của cha mẹ nó?” (Ga 9,2)
Để yêu thương người bệnh tật, Chúa cũng đã phải trả giá rất cao, vì Chúa đã đạp đổ bức hàng rào Luật phi lý. Luật không cho trị bệnh ngày Sabat là Luật phi nhân bản. Nhưng chính vì thế mà Chúa bị kết tội là phá Đạo, là chống lại Môsê. Cả hai tội đó đều đáng bị ném đá.
- Chúa yêu người nghèo, nên đã dành cho họ quyền ưu tiên được nghe loan báo Tin Mừng. Ngoài ra, Chúa còn động viên người giầu chia cơm sẻ áo cho người nghèo. Kết quả là ông Dakêu tự nguyện chia một nửa gia tài cho người nghèo (Lc 19,8). Không những khuyên người giầu chia cơm sẻ áo, mà còn kết án nặng nề nếu họ chỉ biết ăn xài vung vít bên cạnh kẻ túng thiếu. Hai dụ ngôn “ông phú hộ trúng mùa” (Lc 12,16-21) và “ông phú hộ và ông Lazarô” (16,19-31) đã nói lên điều đó. Cao điểm của giáo huấn “yêu người nghèo” là cào bằng hai điều răn yêu Chúa và yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu người. Yêu người là yêu Chúa (Mt 25,31-46).
- Người Kitô hữu mọi thời và cách riêng thời nay, cứ yêu người ngoại, người tội lỗi, người bệnh tật và người nghèo như thế, đó là cách truyền giáo hợp thời nhất và hợp cho mọi thời. Không ai chống lại được những hoạt động ấy. Chống là mất chính nghĩa. Chống là truyền giáo giùm người truyền giáo.
- Mình mơ ước thấy những Kitô hữu hằng ngày vẫn xin lễ cầu bình an, cầu cho linh hồn ở luyện ngục, xin tạ ơn Chúa và Đức Mẹ… thì nên thêm một ý nguyện nữa là xin Chúa ban ơn lành, ban ơn đức tin cho anh em lương dân.
- Mong rằng người Kitô hữu thuộc lòng những người nghèo, những người bệnh tật và người tội lỗi trong ấp, trong xã của mình, không phân biệt đạo-ngoại. Mong rằng mọi người mẹ biết dạy con mình truyền giáo theo mẫu của bà mẹ của Mẹ Têrêsa Calcutta. Mỗi sáng bà mẹ cho bé Têrêsa tiền trước khi đi học và dặn rằng: “Mẹ cho con tiền để con ăn hàng. Nhưng con phải chia cho bạn nghèo của con một nửa.”
- Cũng mong rằng mỗi gia đình Kitô hữu có một ngân sách cho người nghèo. Mỗi năm dành cho người nghèo bao nhiêu phần trăm thu nhập. Có sự đóng góp của mọi thành phần trong gia đình. Đó là sống đạo. Đó là truyền đạo.
3/ Đổi mới kỹ thuật loan báo
Trên đường truyền giáo, Đức Giê-su có kỹ thuật riêng của Người. Người cũng có nhiều “chiêu” truyền giáo. Ví dụ:
+ Hôm ấy dân chúng chen lấn nhau để đến gần Chúa mà nghe giảng. Như vậy thì giảng sao được. Mà đâu phải là đi nghe giảng, còn đua nhau rờ vai, nắm tay, kéo áo nữa chứ… Chúa ngoắt một cái, thế là có một chiếc xuồng chèo tới. Xuồng của ông Phêrô. Chúa nhảy xuống xuồng. Xuồng lùi ra. Thế là dân chúng hết xô lấn, ngồi trật tự trên bờ. Chúa bắt đầu giảng. Êm (Lc 5,1-3)
+ Con gái ông Giarô sắp chết. Ông đi tìm và mời Chúa đến cứu. Khi Chúa đến, thì em bé đã chết rồi. Bà con đang than khóc. Chúa bảo họ: “ Bà con ơi, đừng khóc nữa! Em bé có chết đâu. Nó ngủ đấy mà.” Cả ba ông Matthêu, Marcô và Luca đều kể rằng: “Họ chế giễu Ngài!”
Mình tự hỏi: “Ai chế giễu?” Rồi mình tự trả lời: “Đàn bà chửi”, vì chỉ có đàn bà khóc. Một sứ ngôn, một người lớn mà ăn nói ngang ngược để cho đàn bà chửi. Đau quá, nhục quá! Khi đàn bà chửi thì… thô tục tối đa. Tại sao Chúa dại thế? Tại Chúa khôn quá. Chịu dại hai phút để được tin yêu suốt đời. Sau khi em bé sống lại, những người nào chửi nhiều nhất sẽ thương và tin Chúa nhiều nhất. Những bà ấy sẽ loan báo mạnh miệng nhất. Đó là một “chiêu” trên đường truyền giáo. (Lc 8,40-56)
+ Marta và Maria cho người đi báo tin: “Người Thầy thương mến đang bị bệnh nặng.” Chúa tỏ vẻ lạnh nhạt và trả lời hững hờ: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu.” Rồi cho xù luôn… để cho Marta và Maria giận dỗi đã đời luôn. Khi Chúa đến thì Lazarô đã nằm trong mộ được bốn ngày. Cả Marta và Maria đều vừa hờn dỗi vừa mai mỉa: “Nếu Thầy có mặt ở đây (đến sớm) thì em con đâu có chết.” Hiểu ngầm rằng: “Bây giờ thì đến làm gì nữa.”
Lazarô từ trong mộ bước ra làm rung chuyển dư luận thủ đô… Phép lạ cuối cùng của đời truyền giáo. Phép lạ này dồn thượng tế Caipha và Công nghị vào chân tường. Họ kết án tử hình vắng mặt cả Chúa lẫn Lazarô. Sứ mạng cứu độ sắp hoàn tất… (Ga 11,1-54)
Đó cũng là một “chiêu”, một “tuyệt chiêu”.
Từ những chiêu có vẻ vặt vãnh của Chúa, mình nghĩ đến công tác loan báo hôm nay.
+ Phong trào di dân: truyền đạo hay làm mất đạo?
Phong trào di dân đang bùng vỡ trên khắp thế giới. Đó là qui luật của lịch sử, không ai cản chân nó được. Riêng tại Việt Nam, giới trẻ đang tung cánh rời bỏ làng mạc và giáo xứ, để đi tìm kiến thức và công ăn việc làm tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp.
Các mục tử đang lo sợ, vì “di dân làm mất đạo”.
Tại sao vậy? Mình mơ màng nghĩ về Giáo Hội thời sơ khai. Các Kitô hữu đang thu mình vào những cộng đoàn yêu thương: bán đất đai làm tài sản chung; sáng lên đền thờ cầu nguyện và nghe các Tông đồ giảng; tối về các tư gia tham dự lễ nghi bẻ bánh…
Bỗng Saolô tung ra một chiến dịch, bắt bớ Kitô hữu. Bắt bớ một cách tàn nhẫn. Bắt cả đàn ông lẫn đàn bà… Thế là các cộng đoàn yêu thương kia bị tan vỡ. Tín hữu Giêrusalem và Giuđê phải di tản. Người nghèo thì di tản lên Samari. Người giầu thì vượt biên đi đảo Sip, đảo Crét, Kyrênê và Antiokia. Di tản để lánh nạn, để kiếm kế sinh nhai và để loan báo Tin Mừng. Chính vì vậy xứ Samari trở thành một giáo hội vừa phát triển, vừa bình an vô sự. Sự nghiệp này không phải do các Tông đồ, mà do giáo dân tị nạn (Cv 8,14-17)
Những giáo dân vượt biên di tản đó, nhiều người tập trung về Antiokia. Tại đây, họ có sáng kiến loan báo Tin Mừng cho người ngọai. Đó là điều các Tông đồ chưa dám làm. Chính thánh Phêrô vì đã đến truyền giáo cho gia đình ông Cornêliô mà bị các tín hữu ở Giêrusalem phiền trách: “Ông đã vào nhà người không cắt bì và ngồi ăn với họ!” (Cv 11,3).
Giáo dân di tản ở Antiokia đã đi hàng đầu trong việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Thánh Phaolô đi sau giáo dân Antiokia một năm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho dân ngoại (Cv 11,19-26)
Mình ngậm ngùi tự hỏi: “Tại sao thời ấy di dân là truyền đạo, mà bây giờ di dân lại làm mất đạo?” Lỗi từ đâu và lỗi tại ai? Phải chăng vì qua bao nhiêu thế hệ, Kitô hữu chỉ biết bo bo giữ đạo trong các giáo xứ, mà quên sứ mạng cốt yếu của mình là truyền giáo, truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu chỉ giữ đạo mà không truyền đạo, thì mất đạo là chuyện dĩ nhiên.
Nếu giới trẻ ý thức được sứ mạng truyền giáo của mình, thì thời di dân là thời vàng son của lịch sử truyền giáo.
+ Chế độ kỳ thị Kitô giáo đang dọn bãi cho việc loan báo Tin Mừng.
Trên thế giới có những chế độ cai trị kỳ thị tôn giáo, kỳ thị Kitô giáo. Nhìn ngắm những ngôi nhà thờ bị đốt; nhìn thấy những vũng máu loang lổ trên nền nhà thờ; nhìn thấy những Kitô hữu lếch thếch, nhếch nhác dìu nhau đi tị nạn ở các nước ngoài… lòng mình thấy quặn đau. Đau thì vẫn đau, những không tuyệt vọng.
Mình quay lưng với hiện tại đau thương, để nhìn về quá khứ hai ngàn năm.
Khi Đức Giê-su bị đóng đinh, thì thành công của nhóm Caipha lên đến đỉnh điểm. Đó là sự thành công của gian dối và tàn bạo. Khi Đức Giê-su sống lại, thì sự thành công của họ đi tới ngõ cụt. Đành phải sụp đổ, đành phải vỡ vụn. Suốt ba năm truyền đạo của Chúa, nhóm Pharisêu là đối thủ đeo đuổi dai dẳng nhất. Nhưng khi Chúa sống lại rồi thì rất nhiều ông Pharisêu trở lại và đi truyền giáo. Họ chính là nhóm truyền giáo bảo thủ của thời Công Vụ Tông Đồ. Họ bảo thủ, họ chống Phaolô tiến bộ, nhưng…Đức Giê-su vẫn được rao giảng.
Sự kiện này sẽ tái diến trên bất cứ mảnh đất nào mà Tin Mừng bị bắt bớ. Người bắt bớ sẽ trở thành người loan báo. Saolô người bắt bớ tàn bạo, trở thành người truyền đạo tuyệt vời! Tiên đoán và giơ tay đón nhận những người này là loan báo Tin Mừng đúng thời, đúng cách.
+Điện thoại di động (ĐTDĐ), phương tiện truyền giáo trên tuyệt vời.
Hôm ấy mình ngồi trong phòng đợi của sân bay Nội Bài. Bỗng có tiếng nhạc chào phát ra từ trong nơi thẳm sâu của một bà già trầu, răng đen, đầu chít khăn mỏ quạ. Bà moi điện thoại di động ra áp vào tai, kêu “A-lô” một cách thật dõng dạc. Mình cảm nghiệm được rằng điện thoại đã đi sâu vào đời sống thường ngày của người dân Việt nam. Đáng mừng!
Từ cái “con dế” của bà già trầu tại sân bay Nội Bài, mình liên tưởng đến hàng triệu cái điện thoại di động hoạt động liên tục suốt ngày từ trên giường ngủ đến văn phòng làm việc, từ chuyện giá cả thị trường đến chuyện tình dấm dúi, từ chuyện nhậu nhẹt tới chuyện đâm chém, từ ban ngày tới ban đêm… Không óc tưởng tượng nào chịu nổi!
Bỗng mình nổi hứng viết một lá thư cho một anh giám đốc công ty TNHH về xây dựng.
Tuấn mến.
Hôm nay tôi viết thư cho cậu bàn về “con dế” của cậu. Cậu khoe với tôi là mỗi tháng cậu xài hết 5 triệu cho “con dế”. Hỏi cậu nói chuyện gì trên điện thoại, thì cậu nói ngay: “Đủ chuyện: từ chuyện vật tư đến chuyên đô la lên xuống; từ chuyện vợ con đến chuyện nhậu nhẹt; từ chuyện nhà hàng đến chuyện nhà thổ… Ôi, biết đâu mà nói cho xiết”. Có lẽ ĐTDĐ chiếm nhiều thì giờ nhất trong thời khóa biểu của mọi người. Dường như chuyện tầm phào, chuyện nhăng nhít lại chiếm nhiều thì giờ nhất trong cái thời khóa biểu chằng chịt ấy. Uổng phí quá chừng!
Tôi đề nghị với cậu: đưa ĐTDĐ vào công tác loan báo Tin Mừng. Cụ thể là thế này:
- Nhóm thợ xây của cậu mỗi ngày có chừng 45 phút chia sẻ Lời Chúa với nhau
- Nên mời bạn lương dân tham dự, đặc biệt là chủ công trình xây dựng
- Nên dùng ĐTDĐ chia sẻ Lời Chúa với một tổ khác đang xây dựng ở một nơi khác, cách xa hằng ngàn dặm.
- Những đoạn Phúc Âm nào anh em chưa hiểu rõ thì gọi về cha xứ, xin cha xứ giải thích giùm.
- Gọi điện về xin vợ con gọi điện cho anh em lương dân đang cùng chia sẻ Lời Chúa, và cho cả những người lương dân không có mặt. Xin vợ vận động các cụ già trong giáo xứ, đặc biệt là cha mẹ hai bên cùng cầu nguyện cho các buổi chia sẻ Lời Chúa giữa lương dân này.
Như vậy là nhóm truyền giáo của cậu đang hoạt động ở tiền tuyến mà có một hậu phương hùng mạnh đang hỗ trợ. Cha xứ biết giáo dân của mình đang truyền giáo ở phương xa, sẽ rất phấn khởi và sẽ xin giáo xứ cầu nguyện cho các nhòm truyền giáo của cậu. Như vậy hậu phương của cậu cứ lớn lên mãi.
Vợ thấy hằng ngày chồng gọi điện về xin cầu nguyện, thì sẽ rất sung sướng. Sung sướng vì chồng biết lo truyền giáo. Sung sướng vì tin tưởng chồng mình không “lo ra” chuyện kia.
Các nhóm chia sẻ Lời Chúa làm tông đồ tại địa phương nơi mình đang thi công. Anh em tìm hiểu thân phận những người nghèo, bệnh tật, lỡ lầm và cùng nhau thăm viếng an ủi vào các ngày nghỉ và các buổi tối. Mọi tin tức đều được báo về cha xứ và gia đình hằng ngày.
Cũng qua ĐTDĐ, cậu vận động bà con tiếp tay giúp về vật chất cho những đối tượng đáng thương. Như vậy uy tín của cậu sẽ lớn lên ngay ở nơi mình thi công. Thế là lại có thêm công ăn việc làm. Lợi cả về tinh thần lẫn vật chất.
Những chứng tá Tin Mừng này không ai dám chống đối, thế là sẽ xuất hiện những giáo điểm. Khi đi làm ăn ở một nơi khác, các cậu vẫn nuôi dưỡng giáo điểm này bằng ĐTDĐ.
Cậu nên noi gương gia đình Priskila và Aquila. Họ làm ăn ở Rôma, rồi dời về Corintô, rồi lại dời về Êphêsô. Đi đến đâu cũng mở xưởng dệt vải lều, đồng thời loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô đã từng làm công nhân cho họ tại Êphêsô. Họ đã trở thành mạnh thường quân yểm trợ công tác truyền giáo của thánh Phaolô.
Lời cuối cùng tôi muốn nói với cậu, đó là nếu cậu bắt tay vào sứ vụ loan báo Tin Mừng, thì cậu sẽ thành công hơn thánh Phaolô ít nhất là mười lần. Cậu hơn hẳn thánh Phaolô cái “con dế”. Ấy là chưa kể thánh Phaolô không có “con Camry” như cậu. Thánh Phaolô lội bộ một ngày, thì cậu chỉ cần lái “con Camry” đi ba mươi phút. Thánh Phaolô viết thư hỏi thăm và an ủi một giáo đoàn nào đó, thì có khi một năm sau thư mới tới. Còn cậu thì chỉ cần lôi ĐTDĐ ra, mọi lời thăm hỏi sẽ đến với đối tượng trong vòng một giây đồng hồ. Một phút của cậu bằng một năm của thánh Phaolô!
Chúc cậu và “con dế” của cậu trở thành những nhà truyền giáo tuyệt vời.
Tùy bút – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu