Sau cuộc hội kiến riêng với tổng thống Barham Salih và gia đình, lúc gần bốn giờ chiều, Đức Thánh Cha tiến sang phòng khánh tiết để gặp gỡ khoảng 150 nhân vật, gồm các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa của Iraq.
ĐTC gặp gỡ chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn
Tại Baghdad, Phủ Tổng thống
Thứ sáu 05/3/2021
Thưa Tổng thống,
Các thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
các nhà chức trách,
Các đại diện xã hội dân sự,
Quý bà và quý ông!
Tôi biết ơn vì có dịp thực hiện chuyến tông du đến Iraq, một cuộc viếng thăm đã được mong đợi từ lâu. Vùng đất này là chiếc nôi của nền văn minh liên kết chặt chẽ, qua Tổ phụ Abraham và nhiều vị ngôn sứ, với lịch sử ơn cứu độ và các truyền thống tôn giáo lớn của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đến tổng thống Salih về lời mời và chào mừng của ngài và thay mặt các thành viên của chính phủ và dân tộc yêu quý của ngài dành cho tôi. Tôi cũng chào các thành viên của ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự.
Tôi gửi lời chào thân ái đến các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu của Giáo hội Công giáo. Tôi đến đây như một người hành hương để khích lệ chứng tá đức tin, niềm hy vọng và bác ái của các tín hữu giữa lòng xã hội Iraq. Tôi cũng chào thăm các thành viên các Giáo hội Kitô khác, các tín đồ Hồi giáo và đại diện các truyền thống tôn giáo khác. Xin Chúa cho phép chúng ta cùng nhau bước đi, như những anh chị em, trong “niềm tin mạnh mẽ rằng những lời dạy thực sự của các tôn giáo mời gọi chúng ta tiếp tục gắn với các giá trị của hòa bình, […] của sự hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ nhân loại và sự chung sống”. (Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại, Abu Dhabi, 4/02/2019)
Cuộc viếng thăm của tôi diễn ra vào thời điểm cả thế giới đang cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của nhiều người, mà còn cả đến kinh tế và xã hội. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi những nỗ lực chung của mỗi người để thực hiện nhiều bước cần thiết, trong đó có cả việc phân phối vắc xin công bằng cho mọi người. Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng này là một lời kêu gọi chúng ta ‘suy nghĩ lại lối sống và ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta’( Fratelli tutti, 33). Nghĩa là việc thoát ra khỏi giai đoạn thử thách này phải làm cho chúng ta trở nên tốt hơn trước đây, để cùng xây dựng tương lai dựa trên những gì đem lại sự hiệp nhất hơn là những gì gây chia rẽ giữa chúng ta.
Trong những thập kỷ qua, Iraq đã phải hứng chịu những thảm họa của chiến tranh, khủng bố và xung đột bè phái, thường dựa trên khuynh hướng cực đoan, không chấp nhận sự chung sống hòa bình của các nhóm dân tộc và tôn giáo, các ý tưởng và văn hóa khác. Tất cả những điều này đã mang đến sự hủy diệt, nhiều cái chết, những đống đố nát. Và không chỉ thiệt hại vật chất, thảm họa còn gây những vết thương sâu sắc trong tâm hồn mỗi người, cần thời gian dài để được chữa lành. Và ở đây, trong số những người đã chịu đau khổ, tôi không thể không nhắc đến người Yazidi, những nạn nhân vô tội của sự vô nhân đạo, bị bách hại và giết chết vì lý do tôn giáo. Căn tính và sự sống còn của họ đang bị đe dọa. Vì lẽ đó, chỉ khi chúng ta có thể nhìn vào nhau, với sự khác biệt của chúng ta, như những thành viên của một gia đình nhân loại, chúng ta mới có thể bắt đầu một quá trình tái thiết hiệu quả và để lại cho thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp, công bằng và nhân văn hơn. Về mặt này, sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa và sắc tộc, vốn là điểm đặc trưng của xã hội Iraq trong nhiều thiên niên kỷ, là nguồn lực quý giá cần được kín múc, chứ không phải là một trở ngại cần phải loại bỏ. Iraq được kêu gọi chỉ cho mọi người, đặc biệt Trung Đông thấy rằng sự khác biệt, thay vì làm phát sinh xung đột, phải được hợp tác hài hòa trong đời sống dân sự.
Chung sống huynh đệ cần phải đối thoại kiên nhẫn và chân thành, được công lý và pháp luật bảo vệ. Nhiệm vụ này không dễ dàng: nó đòi hỏi nỗ lực và dấn thân của các bên để vượt qua sự cạnh tranh và xung đột, đồng thời khi nói chuyện với nhau, phải khởi đi từ căn tính sâu sắc của chúng ta, là những người con của một Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Trên nền tảng nguyên tắc này, Tòa Thánh ở Iraq, cũng như ở các nơi khác, không bao giờ mệt mỏi kêu gọi các nhà cầm quyền nhìn nhận, tôn trọng các quyền và bảo vệ các cộng đoàn tôn giáo. Tôi đánh giá cao những nỗ lực đã được thực hiện theo hướng này và tôi muốn hiệp chung tiếng nói của tôi với mọi người nam nữ thiện chí để tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước.
Một xã hội mang dấu ấn của sự hiệp nhất huynh đệ là một xã hội, trong đó các thành viên sống tình liên đới với nhau. “Tình liên đới giúp chúng ta xem người khác […] là người thân cận, bạn đồng hành” (Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54 01/01/2021). Đó là một nhân đức giúp chúng ta thực hiện những cử chỉ chăm sóc và phục vụ cụ thể, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất. Tôi nghĩ đến những người, do bạo lực, bách hại và khủng bố, đã mất gia đình và những người thân yêu, nhà cửa và tài sản. Nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả những ai, trong khi thất nghiệp và nghèo đói gia tăng vẫn đang đấu tranh hàng ngày, tìm an ninh và phương tiện để tiến lên phía trước. “Biết mình phải chịu trách nhiệm về những yếu đuối của người khác” (Fratelli tutti, 115) phải truyền cảm hứng cho chúng ta, nỗ lực tạo ra những cơ hội cụ thể cả trên bình diện kinh tế và trong lĩnh vực giáo dục, cũng như chăm sóc thụ tạo, ngôi nhà chung của chúng ta. Sau khủng hoảng, tái xây dựng vẫn chưa đủ, chúng ta phải làm sao để mọi người có cuộc sống xứng nhân phẩm. Người ta không thoát ra từ một cuộc khủng hoảng giống như trước: chỉ có thể tốt hơn hoặc tồi tệ hơn.
Là các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao, quý vị được kêu gọi thúc đẩy tinh thần liên đới huynh đệ này. Cần phải giải quyết dứt điểm tệ nạn tham nhũng, lạm quyền và bất hợp pháp, nhưng vẫn chưa đủ. Đồng thời, cần xây dựng công lý, tăng cường tính trung thực, minh bạch và củng cố các thể chế chịu trách nhiệm về việc này. Bằng cách này, sự ổn định có thể phát triển và một chính sách lành mạnh có thể phát triển, có khả năng mang đến cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ – rất đông đảo ở đất nước này – hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Thưa Tổng thống, thưa quý vị! Tôi đến đây như một hối nhân cầu xin sự tha thứ từ Trời cao và từ các anh chị em, những người đã phải chịu đựng rất nhiều sự hủy hoại và tàn ác. Nhân danh Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, tôi đến đây như một người hành hương của hòa bình. Trong nhiều năm chúng ta đã cầu nguyện nhiều cho hòa bình ở Iraq! Thánh Gioan Phaolô II đã không ngừng đưa ra các sáng kiến, và trên hết đã dâng những lời cầu nguyện và đau khổ vì điều này. Thiên Chúa luôn lắng nghe! Phần chúng ta, chúng ta cũng phải lắng nghe Thiên Chúa, bước theo đường lối Người. Hãy ngưng sử dụng và phổ biến vũ khí tại đây và ở mọi nơi! Hãy chấm dứt hành động vì lợi ích của thiểu số, của thành phần bên ngoài đất nước, những người không quan tâm đến người dân địa phương. Chúng ta hãy lên tiếng cho những người xây dựng hòa bình, cho những người bé nhỏ, người nghèo, những người muốn sống, làm việc và cầu nguyện trong bình an. Bạo lực, bè phái, bất khoang dung đã đủ! Hãy dành không gian cho tất cả công dân, những người muốn cùng nhau xây dựng đất nước này. Trong những năm gần đây, Iraq đã cố gắng đặt nền móng cho một xã hội dân chủ. Theo nghĩa này, điều cần thiết là đảm bảo sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, xã hội và tôn giáo và đảm bảo các quyền cơ bản của người dân. Không ai bị coi là công dân hạng hai. Tôi khuyến khích các bước đã được thực hiện, và hy vọng rằng chúng củng cố sự thanh bình và hòa hợp.
Cộng đồng quốc tế cũng có vai trò quyết định trong việc thúc đầy hòa bình ở vùng đất này và toàn Trung Đông. Như chúng ta đã thấy trong cuộc xung đột kéo dài ở nước láng giềng Syria, từ khi bắt đầu cho đến nay đã 10 năm, những thách đố ngày càng gia tăng đối toàn thể gia đình nhân loại. Những thách đố này đòi hỏi một sự hợp tác toàn cầu để đối phó với những bất bình đẳng kinh tế và căng thẳng khu vực, đang đe dọa sự ổn định của vùng đất này. Tôi cám ơn các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Iraq để tái thiết và hỗ trợ những người tị nạn, những người phải di cư nội địa và những người đang gặp khó khăn khi trở về nhà; cũng như các chương trình hướng tới hòa giải và xây dựng hòa bình. Và ở đây, tôi không thể không nói đến các tổ chức có nhiều người Công giáo là thành viên. Trong nhiều năm, các tín hữu Công giáo đã tận tâm hỗ trợ các cộng đoàn dân sự. Việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của rất nhiều anh chị em là một hành động bác ái và công bằng, và góp phần vào hòa bình lâu dài. Tôi hy vọng các quốc gia không rút lại vòng tay mở rộng tình bạn và cam kết xây dựng dành cho dân tộc Iraq, nhưng tiếp tục làm việc trong tinh thần trách nhiệm chung với chính quyền địa phương, không áp đặt lợi ích chính trị hay ý thức hệ.
Tự bản chất, tôn giáo phải phục vụ hòa bình và tình huynh đệ. Danh Chúa không thể được sử dụng để “biện minh cho những hành động giết chóc, lưu đày, khủng bố và áp bức” (Tài liệu về Tình huynh đệ Nhân loại, Abu Dhabi, 04/02/2019). Trái lại, Thiên Chúa đã tạo dựng con người bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi, kêu gọi chúng ta lan tỏa tình yêu, lòng nhân từ, sự hòa hợp. Giáo hội Công giáo Iraq cũng mong muốn được làm bạn với tất cả mọi người, và qua đối thoại, cộng tác xây dựng với các tôn giáo khác, vì mục tiêu hòa bình. Sự hiện diện lâu đời của các Kitô hữu ở vùng đất này và đóng góp của họ cho đời sống quốc gia tạo thành một di sản phong phú. Các Kitô hữu muốn có thể tiếp tục phục vụ tất cả mọi người. Khi các Kitô hữu tham gia vào đời sống công cộng, và có được mọi quyền, tự do và trách nhiệm như các công dân khác, sẽ chứng tỏ rằng sự đa nguyên tôn giáo, dân tộc và văn hóa có thể đóng góp vào sự thịnh vượng và hài hòa của quốc gia.
Quý vị thân mến, tôi muốn một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với tất cả những gì quý vị đã làm và tiếp tục làm để xây dựng một xã hội dựa trên tình liên đới, tình huynh đệ và hòa hợp. Phục vụ công ích của quý vị là một công việc cao cả. Tôi cầu xin Đấng Toàn Năng nâng đỡ quý vị trong trách nhiệm và hướng dẫn tất cả quý vị trên con đường của sự khôn ngoan, công lý và sự thật. Với mỗi người, gia đình và những người thân yêu của quý vị, và toàn thể người dân Iraq, tôi cầu khẩn phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên quý vị. Xin cảm ơn!
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va