Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi những người cao niên vượt thắng quan niệm xã hội coi người già là “đồ phế thải” và hãy sống tuổi già trong tinh thần tích cực, xác tín đó là một phúc lành của Chúa.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp công bố sáng ngày 10 tháng Năm năm 2022, để chuẩn bị cho Ngày Thế giới lần thứ II các Ông Bà và người cao niên, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 24 tháng Bảy tới đây, với chủ đề: “Trong tuổi già, họ còn mang lại hoa trái” (Tv 92,15), một câu trích từ thánh vịnh 92.
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Thánh vịnh này, ghi dấu sự hiện diện của Chúa trong các giai đoạn của cuộc sống, mời gọi chúng ta tiếp tục hy vọng: khi tuổi già đến và mái tóc bạc, Chúa sẽ còn ban cho chúng ta sự sống và sẽ không để sự ác đè bẹp. Khi tín thác nơi Chúa, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để gia tăng chúc tụng Chúa (vv.14-20) và chúng ta sẽ khám phá thấy rằng trở nên già nua không phải chỉ là sự suy thoái tự nhiên của cơ thể hoặc trải qua thời gian không thể tránh được, nhưng là hồng ân trường thọ. Tuổi già không phải là một bản án, nhưng là một phúc lành!”
“Vì vậy, chúng ta phải chăm sóc bản thân và học cách sống tuổi già tích cực, cả về phương diện tâm linh, vun trồng đời sống nội tâm qua việc chăm chỉ đọc Lời Chúa, cầu nguyện hằng ngày, năng lãnh nhận các bí tích và tham gia phụng vụ. Và cùng với tương quan với Chúa, có tương quan với tha nhân: nhất là gia đình, các con, cháu, cống hiến cho họ tình yêu thương đầy ân cần của chúng ta; cũng như đối với những người nghèo khổ, trở nên những người gần gũi với họ bằng cách giúp đỡ cụ thể và bằng lời cầu nguyện. Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta cảm thấy mình không phải chỉ là những khách bàng quan trong kịch trường thế giới, không phải chỉ “đứng ở cửa sổ” mà nhìn.”
Đức Thánh cha xác tín rằng: “Tuổi già không phải là một thời gian vô ích, trong đó chúng ta rút lui, rút mái chèo lên thuyền, nhưng là một thời kỳ còn sinh hoa trái: có một sứ mạng mới đang chờ đợi và mời gọi chúng ta hướng nhìn về tương lai. Sự nhạy cảm đặc biệt của người già chúng ta đối với sự quan tâm, những ý tưởng và tình cảm làm cho chúng ta nhân bản hơn, phải tái trở thành một ơn gọi của bao nhiêu người. Và đó là một sự chọn lựa yêu thương của người già đối với các thế hệ trẻ” (Bài giáo lý về tuổi già, 16-3-2022). Hỡi những ông bà và người cao niên quí mến, đó là đóng góp của chúng ta cho ‘cuộc cách mạng dịu dàng’, một cuộc cách mạng tâm linh và không võ khí, mà tôi mời gọi anh chị em trở thành những nhân vật chính”.
Trong phần kế tiếp của sứ điệp, Đức Thánh cha gợi ý một số lãnh vực mà người già có thể dấn thân giúp đỡ như:
Đứng những cuộc khủng hoảng hiện nay, như đại dịch, chiến tranh tại Ucraina và những thứ “dịch” khác, “chúng ta có trách nhiệm lớn dạy cho những người nam nữ thời nay nhìn tha nhân với cùng cái nhìn cảm thông và dịu dàng, như khi chúng ta nói với các cháu của chúng ta… Ngày nay, chúng ta có thể dạy về cách sống an bình và quan tâm đến những người yếu nhất”.
Cần giúp thế giới ý thức rằng “chúng ta không thể tự cứu thoát một mình. Hạnh phúc là chiếc bánh ta cùng ăn. Chúng ta hãy làm chứng điều đó cho những người nuôi ảo tưởng tìm được sự thành đạt bản thân và thành công bằng con đường đối nghịch”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org