Dẫn nhập
Mỗi năm vào dịp Ngày Quốc Tế Các Bệnh Nhân, đồng thời cũng là ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11.02, tại một số giáo xứ, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân thường được cử hành đồng thời cho nhiều anh chị em bệnh nhân. Việc cử hành cách tập thể như vậy thật có ý nghĩa không chỉ về phương diện tâm lý nhưng nhất là về phương diện phụng vụ. Về phương diện tâm lý, sự gặp gỡ với những anh chị em khác trong cùng hoàn cảnh sẽ giúp mỗi bệnh nhân được nâng đỡ rất nhiều về mặt tinh thần, vì thấy mình không lẻ loi trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Về mặt phụng vụ, việc cử hành mang tính tập thể diễn tả thật đẹp chiều kích Hội Thánh, sự hiệp thông, sự liên đới với nhau trong việc kết hợp với cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Và do đó Hội Thánh khuyến khích cách cử hành này khi có thể (NT 83) [1].
Tuy nhiên, trong những truờng hợp này, việc cử hành cũng cần phải hết sức cẩn trọng để Bí tích này không đuợc ban cho những người khỏe mạnh và nhất là những bệnh nhân ngoài Kitô giáo. Tại sao phải như thế? Nói cách khác, theo giáo huấn của Hội Thánh, những ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân? Hơn nữa, giáo lý của Hội Thánh cũng dạy: “các Bí tích mang lại hoa trái nơi những người lãnh nhận có sự chuẩn bị nội tâm cần thiết” (GLTC 1131) [2]. Như vậy, đâu là sự chuẩn bị nội tâm cần thiết cho việc lãnh nhận Bí tích này?
Đối diện với vấn đề này, chúng ta xin mạn phép góp một vài suy nghĩ liên quan đến người lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, với ước mong để việc cử hành và việc sống Bí tích này đạt được nhiều hoa trái thiêng liêng. Chúng ta sẽ khởi đi từ giáo huấn của Thánh Kinh, đến Thánh Truyền và sẽ dừng lại với giáo huấn hôm nay của Hội Thánh.
I. Giáo huấn của Thánh Kinh
Nền tảng đầu tiên của các Bí tích hệ tại nơi mặc khải Thánh Kinh. Với Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, một trong những mặc khải ấy thể hiện nơi thư thánh Giacôbê: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,13c-15)
Chúng ta chỉ đề cập đến câu đầu tiên của bức thư này. Theo văn mạch, thánh Giacôbê đang viết đoạn thư này cho cộng đoàn Kitô giáo. Do vậy cụm từ ai trong anh em muốn nói đến một người Kitô hữu. Từ ngữ đau yếu được hiểu thế nào? Theo đa số các nhà chú giải, từ đau yếu được dùng ở đây để chỉ sự đau yếu về mặt thể lý; từ ngữ ấy được dùng để chỉ những người bệnh nặng, bệnh liệt giường. Thánh Kinh Tân Ước cũng đã sử dụng từ đau yếu này tổng cộng 35 lần để chỉ những trường hợp bệnh nhân được khiêng đến với Đức Giêsu[3].
Như vậy, theo mặc khải của Thánh Kinh, người lãnh nhận Bí tích này cần có hai điều kiện: 1/người Kitô hữu; 2/vì hiệu quả của Bí tích này là để bệnh nhân được Chúa nâng dậy, nên người lãnh nhận phải là người bệnh nặng về mặt thể lý.
II. Giáo huấn của Thánh Truyền
Nếu các Bí tích có nền tảng đầu tiên là mặc khải của Thánh Kinh; thì nền tảng thứ hai không thể thiếu của các Bí tích là mặc khải của Thiên Chúa được thể hiện qua Thánh Truyền. Với Thánh Truyền của Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, chúng ta tạm chia ba giai đoạn sau:
2.2. Giai đoạn I: từ thế kỷ II đến thế kỷ VII
Vào thế kỷ III (khoảng năm 215), tác phẩm Truyền Thống Tông Đồ được coi là của thánh Hyppôlytô vẫn xác định người lãnh nhận Bí tích này phải là người đau yếu về mặt thể lý, vì hiệu quả chính yếu của Bí tích này là để “mang đến sức mạnh cho những ai lãnh nhận và mang đến sức khỏe cho những ai sử dụng”[4]. Hai trăm năm sau, tư tưởng ấy được lập lại bởi Đức Giáo Hoàng Innocent I trong thư gởi cho Decentius de Gubbio vào ngày 19.03.416. Trong bức thư này, Đức Giáo Hoàng vẫn xác định Bí tích này chỉ được ban cho những ai đau yếu về mặt thể lý, nhưng Ngài thêm vào một qui định mới: những người đang trong thời kỳ thống hối thì không thể lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (DS 216)[5]. Trong giai đoạn này còn có tác phẩm Những Bài Giảng Của Giám Mục Césaire d’Arles (năm 470-543). Tác giả vẫn xác định người lãnh nhận Bí tích này là người đau yếu về thể lý, nhưng cũng xuất hiện ý tưởng mới: “các bạn thấy rằng ai trong cơn đau bệnh đến nhà thờ sẽ xứng đáng lãnh nhận sức khỏe thân xác và ơn tha thứ tội lỗi”[6]. Nói cách khác, đối với tác giả, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân vừa có hiệu quả về mặt thể lý, vừa có hiệu quả thiêng liêng là tha thứ tội lỗi.
Như vậy, đến thế kỷ VII, giáo huấn của thánh Giacôbê vẫn được Hội Thánh duy trì: Bí tích Xức Dầu chỉ được ban cho các bệnh nhân Kitô hữu, vì hiệu quả chính yếu của Bí tích này là ban sức mạnh cho những ai lãnh nhận. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cũng bắt đầu xuất hiện khó khăn: làm sao dung hòa quan điểm của Đức Giáo Hoàng Innocent I (không thể ban Bí tích Xức Dầu cho các tội nhân) và quan điểm của Đức Giám Mục Césaire d’Arles (Bí tích này cũng ban ơn tha tội). Cần một giai đoạn mới ra đời để giải quyết vấn đề này.
2.2. Giai đoạn II: từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII
Bước sang thế kỷ VIII, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được Hội Thánh qui định: chỉ được cử hành bởi Linh Mục (và Giám Mục) [7]. Do đó, các sách Phụng Vụ bắt đầu ghép nghi thức Bí tích Xức Dầu với nghi thức trao Của Ăn Đàng và với nghi thức Bí tích Thống Hối, vì cả ba nghi thức đều do Linh Mục cử hành cho cùng bệnh nhân. Thứ tự cử hành gồm bốn bước: 1/ Linh mục nghe hối nhân xưng tội; 2/ ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân; 3/ ban ơn giao hòa của Bí tích Thống Hối; 4/ trao Của Ăn Đàng. Sở dĩ phải theo thứ tự này vì phải đảm bảo ý nghĩa của việc sám hối vào thời ấy: hối nhân sau khi xưng tội phải trải qua thời gian thống hối, trước khi lãnh ơn giao hòa, quãng thời gian biểu trưng ấy được tận dụng để ban Bí tích Xức Dầu[8].
Việc thực hành với thứ tự như vậy bắt đầu gặp khó khăn với Công Đồng Pavie năm 850. Dựa vào bức thư của Đức Giáo Hoàng Innocent I ngày 19.03.416 (DS 216), Công Đồng Pavie quyết định không ban Bí tích Xức Dầu cho những ai chưa lãnh nhận ơn giao hòa (DS 620). Do đó, người ta đã phải thay đổi thứ tự cử hành hiện thời. Từ nay, bốn bước cử hành sẽ theo thứ tự mới: 1/ Linh mục nghe hối nhân xưng tội; 2/ ban ơn giao hòa; 3/ trao Của Ăn Đàng; 4/ ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Vì được cử hành sau cùng, trước khi Bệnh nhân qua đời, nên Bí tích Xức Dầu dần dần bị coi như Bí tích chuẩn bị cho sự chết. Do đó, người lãnh nhận Bí tích này cũng dần dần được hiểu là người hấp hối chứ không chỉ bệnh nặng.
Như vậy, cho đến thế kỷ XII, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân vẫn chỉ được dành cho người bệnh về mặt thể lý vì hiệu quả của Bí tích này vẫn là ban sức mạnh phần xác. Tuy nhiên, bắt đầu có sự thay đổi: người lãnh nhận Bí tích Xức Dầu không còn thuần túy là người bệnh nặng về thể lý, nhưng phải là người đang hấp hối. Các Công Đồng chung có chuẩn nhận không?
2.3. Giai đoạn III: từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XX
Trong giai đoạn này, có hai Công Đồng chung đề cập đến người lãnh nhận Bí tích:
1/ Công Đồng Florence (năm 1439) trong Décret pour les Arméniens đã định tín: “Bí tích thứ năm là Bí tích Xức Dầu Cuối Cùng (l’extrême – onction) với chất thể là dầu Oliu được Đức Giám Mục làm phép. Bí tích này chỉ được ban cho những bệnh nhân sắp lìa cõi thế. […] Về hiệu quả, Bí tích này là sự chữa trị cho tâm hồn. Tuy nhiên, nếu hữu ích cho linh hồn, Bí tích này cũng chữa trị phần xác” (DS 1324-1325). Như vậy, Công Đồng Florence đã chuẩn nhận tư tưởng đương thời: Bí tích này chỉ được ban cho những ai sắp lìa cõi thế. Hiệu quả chính của Bí tích là chữa trị tâm hồn, còn việc chữa lành phần xác chỉ tùy thuộc.
2/ Công Đồng Tridentinô (năm 1545-1563) định tín: “Bí tích này được trao ban cho những bệnh nhân, nhất là những ai lâm vào tình trạng nguy tử; vì thế Bí tích này cũng được gọi tên là Bí tích của những người sắp ra đi” (DS 1698). Như vậy, có một khác biệt nhỏ với Công Đồng Florence, Công Đồng Tridentinô phân biệt giữa người bệnh và người nguy tử, cả hai đều có thể lãnh nhận Bí tích này.
Nhận định: dù có thay đổi về cách gọi tên Bí tích, hai Công Đồng chung trong giai đoạn này vẫn luôn trung thành với truyền thống và đã định tín: vì hiệu quả của Bí tích là sự chữa lành phần hồn và phần xác, nên người lãnh nhận Bí tích này phải là người bệnh nhân Kitô hữu và thậm chí phải là người hấp hối. Giáo Huấn hôm nay có theo sát giáo huấn này không?
III. Giáo huấn hôm nay của Hội Thánh
Từ Công Đồng Vatican II, có hai mảng giáo huấn quan trọng sau đây:
A/ Hiến Chế Phụng Vụ của Công Đồng Vatican II dạy: “Bí tích Xức Dầu Cuối Cùng hay đúng hơn còn có thể gọi là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân không phải chỉ là Bí tích dành riêng cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thuận tiện để nhận Bí tích này chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu” (PV 73)[9]. Như vậy, Công Đồng Vatican II đang canh tân điều Công Đồng Florence đã nói trước đó: từ nay sẽ là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, vì người lãnh nhận là người bệnh (hoặc già yếu) chứ không hẳn là người hấp hối.
B/ Theo định hướng của Công Đồng Vatican II, Bộ Phụng Tự khi ban hành Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ, vào ngày 07.12.1972, và đã qui định 6 trường hợp như sau về người lãnh nhận Bí tích này (NT 8-15):
1/ Bí tích này có thể ban lại nếu sau khi lãnh nhận Bí tích, bệnh nhân bình phục và sau đó lại bệnh trở lại; hay nếu trong cùng một căn bệnh kéo dài lâu, tình trạng nguy cập trở nên trầm trọng hơn.
2/ Bí tích này có thể ban cho bệnh nhân trước khi giải phẫu vì căn bệnh nguy hiểm.
3/ Bí tích này có thể ban cho người già cả khi sức lực đã yếu nhiều, dù không có bệnh nguy ngập.
4/ Bí tích này có thể ban cho trẻ em đến thời kỳ biết sử dụng trí khôn.
5/ Bí tích này có thể ban cho những bệnh nhân tuy dù đã bất tỉnh hoặc mất trí, miễn là khi họ còn tỉnh táo, với tư cách là những người có đức tin, có thể họ xin chịu Bí tích này.
6/ Đối với bệnh nhân đã chết, Linh Mục chỉ cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho họ; và Linh Mục không ban Bí tích Xức Dầu cho họ. Còn nếu hồ nghi không biết bệnh nhân chết thật chưa, thì có thể ban Bí tích này với điều kiện.
Nhận định: giáo huấn ngày hôm nay của Hội Thánh về Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân không phải tự nhiên mà có. Giáo Huấn ấy được dệt nên từ nền tảng Thánh Kinh, Thánh Truyền. Đó là điều Hội Thánh đã sống và đã cử hành dưới tác động của Chúa Thánh Thần trong suốt hai ngàn năm qua.
Kết luận
Suốt hai ngàn năm qua điều kiện của người lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân vẫn luôn thể hiện tính Duy Nhất trong giáo huấn của Hội Thánh. Điều kiện để Bí tích thành sự : 1/người lãnh nhận phải là người Kitô hữu (nghĩa là đã được Rửa Tội, vì Bí tích Rửa Tội là cửa ngõ của tất cả các Bí tích khác); 2/phải là người bệnh nặng về mặt thể lý (hoặc là người già yếu). Và để việc lãnh nhận được hợp pháp, người lãnh nhận cần: 1/ đến tuổi khôn; 2/ ở trong tình trạng ân sủng (xưng tội trước khi lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân).
Như thế, vì mục đích và ý nghĩa riêng của mình, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân không thể ban cho những bệnh nhân ngoài Kitô giáo, không thể ban cho những ai còn khoẻ mạnh. Thậm chí Bí tích này cũng không thể ban cho những ai sắp lâm vào cơn nguy tử nhưng không phải vì bệnh tật, ví dụ các người lính sắp ra trận hoặc những người sắp phải ra pháp trường… (trong những trường hợp này chỉ cần giải tội và ban Mình Thánh Chúa).
Để kết thúc, chúng ta mượn lời giáo huấn của Hội Thánh để tóm kết ý nghĩa của Bí tích này: “Qua việc xức dầu bệnh nhân và lời cầu nguyện của các Linh Mục, toàn thể Hội Thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa chịu nạn và vinh hiển để Người nâng đỡ và cứu chữa họ; hơn nữa, Hội Thánh còn khuyên bảo họ tự nguyện kết hợp với cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Kitô, để mưu ích cho dân Thiên Chúa” (GLTC 1499).
Linh Mục Giuse Đỗ Xuân Vinh
Trích nguồn: http://conggiao.info
[1] Bộ Phụng Tự, Nghi thức xức dầu Bệnh nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ, 07.12.1972. Bản dịch của Ủy Ban Giám Mục về Phụng Vụ, Saigon, 1974, chúng ta viết tắt NT.
[2] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, ban hành ngày 11.10.1992, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Bản dịch của Hội Đồng giám mục Việt Nam, Ủy ban giáo lý đức tin, nxb Tôn Giáo, 2010, viết tắt GLTC.
[3] Hai trong số các tác giả mà chúng ta dựa vào: 1/B. Sesboüé, “L’onction des malades, tendresse de Dieu envers l’humanité souffrante”, in Invitation à croire. Des sacrements crédibles et désirables, Paris, Cerf, 2009, tr. 231-232 ; 2/ C. Ortemann, Le sacrement des malades. Histoire et signification, Paris, Ed. du Chalet, 1971, tr. 14-19.
[4] Hippolyte de Rome, La Tradition Apostolique, Paris, Cerf, 1946, coll. “Source Chrétienne”, n°11bis, Introduction, traduction et notes par B. Botte, tr. 34.
[5] Denzinger, Symboles et définitions de la foi catholique, Paris, Cerf, 1996, viết tắt DS.
[6] Césaire d’Arles, Sermons au peuple, Paris, Cerf, 1971, coll. “Source Chrétienne”, n° 175, Introduction, traduction par M-J. Delage, tr. 423.
[7] Cho đến thế kỷ VII, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân có thể được cử hành bởi Giám Mục, bởi Linh Mục, bởi Phó Tế và thậm chí có thể bởi giáo dân. Nhưng từ thế kỷ VIII, nhất là do ảnh hưởng bởi cuộc canh tân của Hoàng Đế Charlemagne (768-814), hàng loạt Công Đồng qui định chỉ có Linh Mục (lẽ tất nhiên bao hàm Giám Mục) mới được cử hành Bí tích này: Capitulaire de Charlemagne (năm 769, canon 10); Concile de Chalon-sur-Saône (năm 813, canon 48); Concile d’Aix-la-Chapelle (năm 836, canon 5); Concile de Mayence (năm 847, canon 26).
[8] Chúng ta tham khảo J-P. Revel, Traité des sacrements. VI. L’onction des malades. Rédemption de la chair et par la chair. Paris, Cerf, 2009, tr. 77-88.
[9] Hiến Chế Phụng Vụ của Công Đồng Vatican II: Sacrosanctum Concilium, chúng ta viết tắt PV.