Khi Linh mục đọc sai lời truyền phép, thì sao?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Có lần cha xứ của con đã đọc lời truyền phép bánh hai lần: lần đầu trên bánh và lần sau trên rượu. Hình như ngài không nhận ra điều này – mặc dù một số giáo dân đã nhận ra. Chắc chắn ngài không quay lại và đọc lời truyền phép đúng. Như thế liệu việc truyền phép rượu có thành sự không? Thánh lễ có hợp lệ không? Có một thầy phó tế trong Thánh lễ đó, nhưng thầy không can thiệp. Thầy cũng giật mình như bất kỳ ai trong chúng con, và trước khi chúng con nhận ra điều gì đã xảy ra, linh mục vẫn tiếp tục với phần còn lại của Kinh Nguyện Thánh Thể. Liệu thầy phó tế nên can thiệp ngay lập tức chăng, thậm chí đến mức làm gián đoạn Kinh nguyện Thánh Thể? Liệu có ai đó nên can thiệp ngay lập tức chăng, ngay cả khi nói lớn tiếng từ ghế tín hữu? – F. T., Anh Quốc.

Đáp: Câu hỏi này nhấn mạnh tầm quan trọng của các linh mục chúng tôi là phải chú ý cẩn thận trong khi cử hành thánh lễ, nhất là vào các khoảnh khắc quan trọng của Thánh Lễ.

Có lời khuyên là đừng quá tin vào trí nhớ, và hãy đọc các lời kinh trực tiếp từ Sách lễ. Nhiều người trong chúng ta có lẽ đã rơi vào một số lỗi lầm do quá tin tưởng vào trí nhớ của mình.

Câu hỏi là khá tế nhị, nhưng tôi sẽ cố gắng trả lời ngắn gọn. Sự truyền phép bánh là hợp lệ. Còn sự truyền phép rượu là không hợp lệ, bởi vì ý định truyền phép của linh mục không thể cung cấp cho việc thiếu mô thức bí tìch riêng.

Kết quả là Thánh Lễ, vốn đòi hỏi sự truyền phép cả hai hình, là không hợp lệ. Những người Rước lễ trong thánh lễ đó là ở vào tình trạng giống như những người Rước lễ ngoài Thánh Lễ.

Vậy thì phó tế hoặc tín hữu nên làm gì lúc ấy? Vì linh mục cũng là người như chúng ta, và cũng có thể cảm thấy mệt mỏi và mất tập trung, các ngài cần hiểu rằng các lầm lỗi ấy có thể xảy ra. Vì vậy, các lầm lỗi ấy nên được khắc phục càng sớm càng tốt.

Trong trường hợp trên, thầy phó tế nên ngay lập tức, một cách thầm lặng, giúp nhắc linh mục không đọc tiếp nữa, ngay sau khi ngài nhận ra ngài đã dùng sai công thức. Nếu không có thầy phó tế, thì một trong các tín hữu có thể đến gần bàn thờ và báo cho ngài biết.

Linh mục, ngay sau khi nhận ra sai lầm của mình, đọc lại công thức thích hợp. Nếu ngài mới bắt đầu phần thứ hai của Kinh Nguyện Thánh Thể, ngài nên đọc lại phần này. Nếu Kinh Nguyện Thánh Thể đã gần kết thúc hoặc đã hoàn tất, ngài nên ngưng Thánh lễ ở thời điểm đó, lặng lẽ đọc lại công thức truyền phép rượu, và sau đó tiếp tục Thánh Lễ từ điểm ngài đã ngừng lại.

Nếu ngài được thông báo về sai lỗi của mình ngay sau khi Thánh lễ kết thúc, ngài nên ngay lập tức truyền phép rượu và rước Máu Thánh, để hoàn thành hy lễ, trong phòng thánh nếu cần.

Nếu ngài biết sai lỗi của mình muộn hơn, sau thánh lễ một thời gian, thì không còn gì để làm nữa, chỉ còn cầu xin Chúa tha thứ, và cam kết phải chú ý cẩn thận hơn trong tương lai. Nếu có bổng lễ cho việc cử hành thánh lễ ấy, linh mục sẽ cử hành một thánh lễ khác theo ý chỉ đó, để hoàn thành nghĩa vụ.

Một khoảnh khắc bối rối nhẹ của linh mục là một giá cả nhỏ để trả nhằm đảm bảo tính hợp lệ của việc cử hành thánh lễ. Tương tự như vậy, sự hiền lành và khiêm nhường của một linh mục trong việc nhận ra sai lỗi của mình sẽ là nguồn xây dựng cho các tín hữu, và giúp chế ngự bất kỳ sự nhận xét khắc nghiệt nào.

Sau bài viết của tôi như trên, một số câu hỏi được gửi đến nhằm làm sáng rỏ thêm vấn đề.

Một ban đọc ở Los Angeles, Hoa Kỳ, hỏi: “Cha xứ chúng con cầm chén thánh trong tay và đọc lời truyền phép bánh. Nhưng trước khi ngài nâng chén thánh lên, ngài nhận ra sai lỗi, đặt chén xuống và nâng bánh lên. Sau đó, ngài cầm chén thánh lần nữa trong tay, đọc lởi truyền phép rượu và nâng chén thánh lên. Vào cuối Thánh lễ, ngài nói với chúng con (mà không xin lỗi) rằng Thánh Lễ này là một Thánh Lễ hợp lệ. Đúng không, thưa cha?”.

Đáp: Từ thông tin được cung cấp, tôi sẽ nói rằng đó là một Thánh lễ hợp lệ. Rõ ràng là linh mục lơ đãng. Nhưng việc cầm bánh trong tay, trong khi là cần thiết cho tính xác thực của nghi thức bằng cách minh họa ý nghĩa của từ “Đây là”, thường không được coi là hoàn toàn thiết yếu cho tính hợp lệ.

Nếu không, sẽ thật là khó khăn hơn để biện minh rằng linh mục, một cách hợp lệ, truyền hép bánh và rượu trong các chén thánh khác, mà không chạm vào chúng.

Một bạn đọc ở Toronto, Canada, hỏi: “Một linh mục 84 tuổi bị chấn thương phổi, thường cử hành Thánh Lễ cho cộng đoàn, và bị khó thở. Liệu có là hợp lệ cho ngài khi đọc nhỏ tiếng một số phần của lễ quy, vì ngài bị khó thở không?”.

Đáp: Tôi chắc chắn rằng các tín hữu hiểu chuyện, và sẽ được củng cố bởi sự trung tín của linh mục này, trong việc ngài kiên trì trong sứ vụ, tùy theo tình trạng sức khỏe của mình.

Mặc dù lễ quy là một lời cầu nguyện công khai và thường được đọc rõ ràng lớn tiếng, nhưng trong các trường hợp như thế, thật là đủ khi linh mục nghe được lời mình đọc. Tuy nhiên sẽ là bất hợp lệ khi linh mục chỉ đọc thầm Kinh nguyện Thánh Thể, chứ không dọc lớn tiếng, và sự truyền phép sẽ là không hợp lệ, nếu được thực hiện theo cách này.

Micrô (ống phát thanh) hiện đại cũng có thể giúp khuếch đại tiếng nói, ngay cả một giọng yếu ớt. (Zenit.org 3-7 và 17-7-2007)

 Nguyễn Trọng Đa
(vietcatholic 23.04.2019/ 
zenit.org)

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube