Hỏi: Thưa cha, Người Công giáo có được phép chưng trái cây lên bàn thờ người đã khuất? và có được phép nói: “Người chết thiêng phù hộ cho con cháu làm ăn, học hành tấn tới không?”(Lê Minh Hoàng, TP.HCM)
Trả lời:
Bạn Minh Hoàng thân mến, câu hỏi của bạn rất hợp cho tháng Mười Một ,tháng các Linh hồn, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời.
Đi sâu vào văn hóa, phong tục, ba ngày Tết nguyên đán, các cha thừa sai đã để ý tới phong tục Việt Nam, nên đã dạy: Mồng Một thờ lạy Đức Chúa Cha, lần hạt năm chục cầu cho ông bà tổ tiên, Mồng Hai thờ lạy Đức Chua Con cầu cho các linh hồn ở Luyện ngục, Mồng Ba thờ lạy Đức Chúa Thánh Thần lần hạt năm chục cầu cho được bằng yên. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hiện nay dạy: Mồng Một Tết cầu cho được bình an, Mồng Hai Tết kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, Mồng Ba Tết thánh hóa công ăn việc làm.
Cái sợ nhất của các ngài là sợ mắc vào tội thờ ngẫu tượng, mê tín dị đoan nên đã có những tranh luận, cãi nhau ở Việt Nam và ngay ở Tòa Thánh. Sắc lệnh Ex Quo singulari năm 1742 của Đức Giáo hoàng Bênêdictô 14 cấm những hình thức thờ người quá cố, các nhân vật có công với xã hội, với nghề nghiệp như là thần linh. Cho phép dùng từ ngữ Thiên Chúa, không cho dùng từ ngữ “thiên, thượng đế, kính thiên “ v.v .
Mãi sau nầy, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã xin phép Tòa Thánh cho tín hữu Việt Nam được tôn kính tổ tiên, các anh hùng của đất nước vì đây chỉ là cách bày tỏ lòng hiếu thảo, kính mến tổ tiên người có công trạng theo ý nghĩa phần đời.
Theo Thông tủ của Hội Đồng Giám mục Việt Nam ngày 14-9-1965, ta phân biệt :
a/ Những việc chỉ có tính cách dân sự trần thế với mục đích nhớ ơn, tuyên dương công trạng, bày tỏ hiếu thảo thì làm và tham dự chủ động. Thí dụ: lập bàn thờ tổ tiên ở trong nhà có chưng hoa quả (nhưng phải dưới bàn thờ Chúa, Đức Mẹ, Các Thánh) treo hình ảnh người quá cố, dựng tượng, lễ tưởng niệm người có công trạng với quê hương v.v.
- Những lễ có tính tôn giáo để thờ lạy người quá cố, xem hương hồn người quá cố về hưởng các lễ vật chất: rõ ràng không hợp với Giáo lý Công giáo, những lễ kính các nhân vật, các thánh tổ như là thần linh như là Thiên Chúa đều là hình thức thờ ngẫu tượng trái với Giáo lý Công giáo cử hành ở nơi nào nhất là nơi thờ tự, tín hữu Công giáo không được tham dự. Nếu cần thiết vì phép xã giao v.v. thì chỉ hiện diện như vị khách (hiện diện cách thụ động).
- Những việc lẫn lộn giữa tôn thờ ngẫu tương và tôn kính thánh tổ, hoặc người quá cố, phải căn cứ vào phép lịch sử và lòng hiếu thảo thì cần theo dư luận chung của địa phương đó để tìm ra cho mình một thài độ thích hợp khi mình có mặt tai buổi lễ đó.
Chung quanh vấn đề báo hiếu người quá cố, Hội Thánh cấm những gì không hợp với Giáo lý Công giáo, thí dụ: thắt hồn bạch, thu hồn bạch (tấm lụa hoặc tấm vải trắng dài đặt trên ngực người hấp hối, khi bệnh nhân tắt thở, tầm vải thâu lấy hơi thở cuối cùng và thắt tấm vải thành hình người để thờ trên bàn thờ sau bát hương. Khi tế đề chủ, người ta thâu hồn bạch, rồi viết tên húy, tên họ, quan chức người quá cố vào hai mảnh gỗ do quan đề chủ viết và gia đình thờ người quá cố ở bài vị đó).
Về việc ăn của cúng, thánh Phaolô dạy giáo dân Corintô: “Nếu có người ngoại giáo nào mời anh em đi ăn tiệc, anh em bằng lòng đi thì người ta dọn gì anh em cứ ăn, đừng có gạn hỏi vì cớ lương tâm”. Nhưng nếu có ai bảo : “Đó là đồ cúng thần thì anh em đừng ăn vì người ta đã mách bảo (1Cor 10, 27-30). Ăn trong đám tế thần ở nơi thờ tự của họ: không được (Văn thư Tòa Thánh năm 1768 và 1844 ). Người trong nhà ăn của cúng như ăn cơm thường vì ngoài của cúng chủ nhà không còn nấu gì nữa. Hành khất xin của ăn người mua bán ở chợ dầu là của cúng đều được dùng.
Như vậy, ta có thể chưng hoa quả, trái cây nơi bàn thờ kính nhớ người quá cố.
Ta cũng có thể nói: xin ông bà, cha mẹ… cầu nguyện xin Chúa cho con cái khỏe mạnh, làm ăn tấn tới được vì chúng ta dựa vào lòng nhân lành của Thiên Chúa ban cho các Ngài ở trên trời hoặc nếu ở trong luyện ngục cũng cầu xin Chúa cho con cháu được vì mầu nhiệm Các Thánh thông công .
Lm. Phanxicô Saviê Nguyễn Hùng Oánh