“ Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” ( Rm 8: 3)
Hỏi : Xin cha giải thích cho biết tại sao người Tin Lành chỉ trưng cây thập giá không có Chúa chịu đóng đanh, trong khi người Công Giáo lại trưng hình Chúa chịu đóng đanh trên thập giá ở trong nhà thờ cũng như ở tư gia ?
Trả lời :
Đây là câu hỏi rất quan trọng về sự khác biết giữa Công Giáo và Tin Lành liên quan đến cây thập giá của Chúa Kitô. Các Nhóm Tin Lành, nói chung, đều cho rằng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại rồi, nên không cần thiết phải tôn kinh thánh giá với thân thể Chúa bị đóng đanh nữa. Đó là lý do họ chỉ tôn kinh thập giá không có Chúa bị đóng đanh mà thôi. Đây là niềm tin của anh em Tin Lành, chúng ta không muốn phê bình và tranh cãi gì với họ.
Ngược lại, về phần mình, sở dĩ Giáo Hội Công Giáo tôn kinh Thánh giá với hình Chúa chịu đóng đanh vì giáo lý sau đây của Thánh Phao lô Tông Đồ: “ Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đanh, một điều người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” ( 1 Cor 1: 22-23). Ở nơi khác, Thánh Phaolô cũng viết: “ Bởi thế tại vì lề luật mà tôi đã chết đối với lề luật để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đanh với Đức Kitô vào thập giá.” ( Gl 2: 19). Hay rõ hơn nữa: “ Hồi còn ở giữa anh em, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Kitô bị đóng đanh vào thập giá,” ( 1 Cor 2 : 2)
Như thế cho ta thấy rõ là Thánh Phaolô đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Kitô bị đóng đanh vào thập giá để hiến mạng sống mình làm “ giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20:28). Dĩ nhiên Thánh Phaolô cũng không coi nhẹ sự kiện Chúa đã sống lại, đã ra khỏi Mồ đá sau ba ngày được mai táng ở đây, như Thánh Kinh đã quả quyết, căn cứ vào sự kiện ngôi mộ trống và lời chứng của Maria Mac-đa-lê- na, và hai phụ nữ khác , là những người đầu tiên đã đến viếng Mộ Chúa sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần . Các bà đã không thấy xác Chúa và Mac-đa lêna đã khóc vì tưởng ai đã lấy trộm xác Chúa. Cho nên , để an ủi họ và cho các bà niềm tin về việc Người đã sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các bà và bảo họ về nói với các Tông Đồ là Chúa đã sống lại và sẽ gặp các ông ở Ga-li-lê , (Mt 28: 1-8; Mc 16: 1-8; Lc 24: 1-7).
Thánh Phaolô cũng quả quyết như sau về sự Phục Sinh của Chúa Kitô: “ Trước hết tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh; rồi Người đã được mai táng , và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.” ( 1 Cor 15: 3-4). Đây là niềm tin của Giáo Hội và là điều Giáo Hội phải dạy cho con cái mình tin từ xưa đến nay và còn mãi về sau cho đến ngày cánh chung tức là ngày tận thế hay hết thời gian.
Nhưng sự kiện Giáo Hội vẫn tôn kính Thánh giá với hình Chúa bị đóng đinh ( Crucifix) không có nghĩa không chú trọng đến việc Chúa đã sống lại như anh em Tin Lành quan niệm; mà ngược lại, Giáo Hội muốn nhấn mạnh thêm về ý nghĩa Chúa đã chịu đóng đinh và chết trên thập giá để đền tội thay cho cả nhân loại đáng phải phạt vì tội. Nghĩa là Giáo Hội muốn cho con cái khi nhìn thân hình Chúa bị treo trên Thánh giá, phải nhớ đến trước tiên điều Thánh Phaolô đã dạy là : “ Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” ( Rm 8: 3). Lên án tội trong thân xác Con mình , vì con người đã phạm tội trong thân xác nên Thiên Chúa đã sai Con mình là Chúa Giê su Kitô đến trần gian mang thân xác giống thân xác tội lỗi của con người để đền tội thay cho tất cả nhân loại qua khổ nạn vác thập giá nặng nề, chịu đóng và chết tất tưởi trên đó.
Như thế, nếu ai sống theo xác thịt, với những đòi hỏi bất chính, đối nghịch hoàn toàn với bản chất cực tốt cực lành của Thiên Chúa, thì sẽ dẫn đưa đến sự chết đời đời.Ngược lại, ai sống theo thần khí, tức sống theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa được Chúa Thánh Linh soi dẫn, thì sẽ được cứu độ để sống đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.Mọi người đều có tự do chọn lựa bao lâu còn sống trên đời này và trong thân xác có ngày phải chết đi này.Nghĩa là Thiên Đàng hay hỏa ngục là tùy chọn lựa của con người và Thiên Chúa luôn tôn trọng ý muốn tự do (free will) này của con người.
Lại nữa, vì Chúa Kitô đã chịu mọi khốn khó trong thân xác mình để đền tội thay cho con người, nên Thánh giá vởi hình Chúa đầu đội mão gai, chân tay bị đanh đóng thâu qua treo trên thập giá sẽ nhắc nhở cho chúng ta về tội lỗi của mọi người chúng ta khiến Chúa phải bị đánh phạt cách nặng nề như vậy.
Do đó,để xứng đáng hưởng công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa, mọi người tín hữu chúng ta phải quyết tâm chừa bỏ tội lỗi để không đóng đanh Chúa thêm lần nào nữa trong tâm hồn mình. Phải xa tránh tội vì chỉ có tội mới làm ngăn cách chúng ta với Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành. Chỉ có tội mới đẩy chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa để thuộc về ma quỷ là kẻ cầm đầu và gây ra mọi tội lỗi và sự dữ từ đầu cho đến bây giờ và còn mãi về sau cho đến ngày hết thời gian.Cứ nhìn vào thực trạng của thế giới hôm nay thì đủ biết tội lỗi ghê gớm thế nào, và vì sao Chúa Kitô còn phải chịu đóng đanh thêm nhiều lần nữa vì tội con người.
Đó là tội giết người, giết thai nhi để lấy các cơ phận của thai nhi đem bán như những món hàng thương mại để kiếm tiền cách vô luân,vô đạo như bọn điều hành cơ quan Planned Parenthood đã và đang làm công khai và hợp pháp từ bao lâu nay ở Mỹ. Đó là tội nhân danh tôn giáo để giết hại những ai không thuộc về phe của chúng, như bọn quá khich Hồi giáo ( ISIS) đang làm ở Trung Đông. Lại nữa, đó là tội ác của bọn buôn người, buôn bán phụ nữ cho nô lệ tình dục, và bắt cóc trẻ gái để bán cho bọn ma cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm( child prostitution) rất khốn nạn và tội lỗi ở rất nhiều nơi trên thế giới tục hóa ngày nay.
Lại nữa, đó là tội của bọn tham quyền cố vị , cố duy trì ách cai trị độc ác, để vơ vét của cải, làm giầu cho bọn chúng, và tạo bất công bóc lột người dân lành chẳng may rơi vào ách thống trị của chúng . Sau cùng đó là tội dửng dưng trước sự đau khổ , nghèo khó của biết bao người kém may mắn trong xã hội, nạn nhân của bóc lột và bất công của mọi chế độ cai trj hà khắc,bất công và vô nhân đạo.
Sự có mặt của các tội con người đã và đang phạm ở khắp nơi cũng biện minh cho lý do có nơi gọi là hỏa ngục để cho những kẻ đang làm những sự dữ mà không biết sám hối từ bỏ thì sẽ tự dẫn thân đến nơi khốn nạn này để bị trừng phạt xứng đáng với tội họ đã làm khi còn sống trên trần gian này.
Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, không muốn ai phải hư mất, không muốn phạt ai, vì Người “ muốn cho mọi người được cứu độ và nhậm biết chân lý,” ( 1 Tm 2: 4). Nhưng chính con người lại muốn chọn bị hư mất, vì đã tự do chọn lựa cách sống nghich cùng Thiên Chúa mà không hề biết ăn năn sám hối để xin Người tha thứ .
Mặt khác, Thánh giá với hình Chúa bị đóng đanh cũng minh chứng hùng hồn điều Chúa Kitô đã nói với các Tông Đồ trước ngày Người bị bắt và bị treo trên thập giá. Chúa nói:
“ Không có tình thường nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy” ( Ga 15: 13-14)
Chúa coi tất cả chúng ta là bạn hữu của Người, và Chúa đã thực sự hy sinh tính mạng của Người cho chúng ta khi giang tay chịu chết trên thập giá. Vì thế, mỗi lần ngắm hình Chúa bị đóng đanh trên thập giá là dịp cho ta nhớ đến tình thương lớn lao của Chúa dành cho mọi người chúng ta, để từ đó ta thêm quyết tâm yêu mến Chúa Kitô một ngày một hơn để bước đi theo Chúa là “ con Đường, là sự Thật và là sự Sống.” ( Ga 14: 6).
Tóm lại, thập giá với thân hình Chúa chịu đóng đanh nhắc cho ta giá đắt Chúa Kitô đã trả cho chúng ta được cứu rỗi, đồng thời cũng nhắc cho ta tình thương vô biên của Thiên Chúa Cha, Đấng đã hy sinh Con mình cho chúng ta được cứu chuộc và có hy vọng được sống đời đời với Chúa trên Thiên Đàng mai sau. Do đó, Giáo Hội dạy phải tôn kính thập giá với thân hình Chúa Kitô bị treo trên đó cho những ai nhìn lên để xin ơn cứu chuộc, giống như con rắn đồng mà ông Mô-sê đã treo trên cây cột trong sa mạc xưa để những ại bị rắn độc cắn nhìn lên sẽ được cứu sống.(x. Ds 21: 6-9). Ước mong giải đáp trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra.
Lm P.X Ngô Tôn Huấn