Thuyết tiến hóa của Darwin có tương hợp với Kinh Thánh không?

Ed 29,2-3: Hỡi con người, hãy quay mặt về phía Pharaô, vua Ai Cập, mà tuyên sấm hạch tội nó và toàn cõi Ai ập. Hãy nói, hãy bảo: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Hãy nói, hãy bảo: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Này Ta chống lại ngươi, hỡi Pharaô, vua Ai Cập, con cá sấu vĩ đại đang nằm giữa các dòng sông Nin của mình. Ngươi dám bảo: “Sông Nin là của ta, chính ta đã làm ra con sông ấy.”

Như tôi thường nói, câu hỏi cũng quan trọng như câu trả lời nếu không muốn nói là quan trọng hơn bởi vì nó bộc lộ cách tiếp cận vấn đề hoặc quan niệm của mỗi người về đối tượng nghiên cứu. Đây là trường hợp của câu hỏi này. Vì thế, chúng ta hãy phân tích câu hỏi thì sẽ có ngay câu trả lời.

Hỏi rằng thuyết tiến hóa của Charles Darwin có “tương hợp” với Kinh Thánh hay không là giả định rằng Kinh Thánh là một toàn bộ đồng nhất dạy về một vài giáo thuyết hay những niềm tin nào đó, và trong trường hợp này là về sự sáng tạo vũ trụ. Ấy vậy mà không phải vậy. Thật ra, có nhiều câu chuyện kể về sự sáng tạo ở trong Kinh Thánh. Nói chung, ngay trong phần đầu của sách Sáng Thế Ký thì đã có hai câu chuyện rồi. Và điều dễ nhận thấy là ít có điểm gì chung giữa hai câu chuyện mà chúng ta có thể gọi là trình thuật thứ nhất về sự sáng tạo (St 1,1–2,4a hoặc St 1) và trình thuật thứ hai (St 2,4b-24 hoặc St 2). Nói ngắn gọn, St 1 là trình thuật thuộc truyền thống tư tế (tradition sacerdotale) trình bày một Thiên Chúa siêu việt và quyền năng sáng tạo vũ trụ bằng lời trong khi St 2 trình bày một Thiên Chúa tạo tác vũ trụ bằng tay. Nhưng nằm rải rác trong các văn bản khác của cuốn Kinh Thánh còn có những câu chuyện về sự sáng tạo vũ trụ mà không ăn nhập gì với St 1 hay St 2, nhất là trong sách Gióp, các Thánh Vịnh và một vài ngôn sứ. Theo vũ trụ luận của vùng Babylone cổ xưa, các sách này nói về trận chiến ban sơ giữa vị chủ thần và các thế lực thù địch của hỗn mang được tượng trưng bằng con quái vật đại dương (mà Kinh Thánh gọi là “Léviathan” hay thủy thần “Rahab”):

Xin xem trong các bản văn sau đây:

G 3,8: Phải chi những kẻ đã nguyền rủa ngày đã sẵn sàng đánh thức con giao long cũng nguyền rủa đêm ấy

G 7,12: Con đâu có phải là biển cả hay thủy quái dị hình, khiến Ngài phải cho người canh gác?

G 9,13-15: Thiên Chúa không rút lại cơn thịnh nộ của Người, các đồng minh của thủy thần Raháp phải nằm rạp dưới chân Người. Chẳng lẽ tôi lại tranh cãi, hay tìm lý để chống đối Người sao? Cho dù tôi có lý, tôi cũng không tranh cãi, nhưng sẽ xin Đấng xét xử tôi thương xót.

G 26,12: Người dùng sức mạnh chặt biển khơi, lấy trí tuệ phanh thây thủy thần Raháp.

G 40,25-26: Liệu ngươi có thả câu bắt được con Giao Long, lấy dây buộc lưỡi nó, dùng cây sậy xỏ vào lỗ mũi, lấy móc câu chọc thủng xương hàm?

Tv 65,8: Biển cả gầm vang, sóng cồn gào thét, người muôn nước náo động xôn xao: Ngài khiến tất cả phải im hơi lặng tiếng.

Tv 74,12-17: Thế mà lạy Thiên Chúa, Vua chúng con từ muôn thuở, Đấng từng chiến thắng trên toàn cõi địa cầu, chính Ngài đã ra oai xẻ đôi lòng biển, trên làn nước biếc, Ngài đập vỡ sọ thuồng luồng.

Tv 77,17: Nước đã thấy Ngài, lạy Thiên Chúa, thấy Ngài, nước rùng mình khiếp sợ, cả vực sâu cũng run rẩy kinh hoàng.

Tv 89,10-11: Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ, dẹp yên bao sóng cả sóng cồn. Chính Ngài giày xéo thủy thần Raháp, như giày xéo tử thi, tay mạnh mẽ đập tan quân thù.

Tv 93,3-4: Sóng nước đã gầm lên, lạy CHÚA, sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào. Sóng nước đã gầm lên, long trời lở đất. Nhưng hơn hẳn tiếng nước ngàn trùng, hơn hẳn sóng oai hùng ngoài biển cả, CHÚA oai hùng ngự trị chốn cao xanh.

Tv 104,5-9: Chúa lập địa cầu trên nền vững, khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời! Áo vực thẳm choàng lên trái đất, khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao. Nghe tiếng Ngài doạ nạt, chúng đồng loạt chạy dài; sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát, băng qua núi qua đồi, chảy xuôi ra đồng nội về nơi Chúa đặt cho. Ngài vạch đường ranh giới ngăn cản chúng vượt qua, không còn cho trở lại dâng lên ngập địa cầu.

Tv 107,29: Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,

Tv 148,7: Ca tụng CHÚA đi, từ mười phương đất, này thủy quái dị hình, này tất cả vực sâu,

 Is 27,1: Ngày ấy, ĐỨC CHÚA sẽ dùng thanh gươm vừa cứng, vừa dài, vừa mạnh mà trừng trị con giao long, con rắn chui nhủi, con giao long, con rắn ngoằn ngoèo, và Người sẽ giết chết con thuồng luồng ngoài biển.

Is  51,9-10: Xin thức dậy, xin Ngài thức dậy đi, lạy ĐỨC CHÚA, xin vung mạnh cánh tay của Ngài! Xin thức dậy như những thời trước, như những ngày xưa. Chẳng phải chính Ngài đã phanh thây thủy thần Raháp, đã xé xác thuồng luồng đó sao? Chẳng phải chính Ngài đã làm khô biển cả, tát cạn nước đại dương, vạch dưới lòng biển sâu một con đường cho đoàn người được chuộc về có lối băng qua đó sao?

Ed 29,2-3: Hỡi con người, hãy quay mặt về phía Pharaô, vua Ai Cập, mà tuyên sấm hạch tội nó và toàn cõi Ai ập. Hãy nói, hãy bảo: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Hãy nói, hãy bảo: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Này Ta chống lại ngươi, hỡi Pharaô, vua Ai Cập, con cá sấu vĩ đại đang nằm giữa các dòng sông Nin của mình. Ngươi dám bảo: “Sông Nin là của ta, chính ta đã làm ra con sông ấy.”

Khi đọc kỹ các bản văn này, ta sẽ nhận ra chủ đích thật sự của chúng. Nhắc đến những thần thoại về cuộc chiến ban sơ này là cầu xin Thiên Chúa chinh phạt các thù địch của dân Israël như Ngài đã chinh phục con quái vật hỗn mang thời nguyên thủy. Trình thuật thứ nhất về sự sáng tạo trong St 1 trước hết là một trình bày phụng vụ nói về trật tự hiện nay của thế giới, với sự thống trị của con người và bổn phận của con người là phụng thờ Thiên Chúa. Trình thuật sáng tạo thứ hai trong St 2 là một suy tư về ba mối liên lạc cơ bản giữa Thiên Chúa, con người và vũ trụ, cấu thành một tổng thể với các chương tiếp theo sau đó (trình thuật về vườn Địa Đàng trong St 2 – 4). Như vậy kết luận hiển nhiên nhất là không một bản văn nào có ý muốn miêu tả lại vũ trụ được hình thành như thế nào. Cứ tự hỏi xem làm sao mà các tác giả này lại có thể biết được vũ trụ hình thành như thế nào được chứ? Kinh Thánh thật sự không muốn nói vũ trụ hình thành như thế nào mà chỉ muốn nói rằng nó do Thiên Chúa tạo thành và có một sứ mệnh cũng như một ơn gọi.

Vì thế, vấn đề “tương hợp” giữa Kinh Thánh và khoa học đã hoàn toàn bị tháo ngòi nổ. Từ lâu, người ta tin rằng đã giải quyết rốt ráo vấn đề này, mỗi môn học đều có lãnh vực chuyên môn riêng của mình và không lấn sân sang lãnh vực khác. Người khoa học không “làm tôn giáo” và nên dừng lại ở lãnh vực thực nghiệm và những gì quan sát được trong khi các chuyên viên Kinh Thánh và các tín hữu bằng lòng với hiểu biết rằng vũ trụ này xuất phát từ Thiên Chúa và có ơn gọi riêng của nó, họ không cần biết nó hiện hữu như thế nào – trừ phi họ tin lời các nhà khoa học! Như vậy, không có vấn đề tương hợp hay không, mỗi lãnh vực đều có chuyên môn riêng của mình. Một lần nữa, phải tránh hỏi Kinh Thánh những điều mà nó không hề nói hay đặt những câu hỏi không thuộc lãnh vực của nó. Làm như vậy là cưỡng bức và thiếu tôn trọng Kinh Thánh. Hãy để cho khoa học làm công việc của mình và cũng hãy để cho các tín hữu đọc Lời Chúa và nổ lực đáp trả ơn gọi của mình trong thế giới này đã được Thiên Chúa sáng tạo ra theo dự định của riêng Ngài.

 Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube