Các tư tế cử hành hay đồng tế thánh lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ (Gl 945)
Bình thường theo giáo luật
– Các tư tế cử hành hay đồng tế thánh lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ (Gl 945)
– Mỗi ý chỉ được áp dụng cho một thánh lễ cho dù bổng lễ bé nhỏ (Gl 948)
– Nếu người xin lễ dâng một món tiền và không nói rõ số lễ, thì số tiền ấy phải được chia theo mức giá bổng lễ hiện tại ở nơi người xin lễ cư trú. Trừ khi có lý do phỏng đoán hợp lệ là người dâng có hảo ý khác (Gl 950).
Giá bổng hiện tại ở nơi người xin:
Ví dụ, một linh mục từ VN qua Mỹ mà có một người tới đưa 50 Đôla và xin cha làm lễ. Bình thường thì vị linh mục phải dâng 10 lễ vì giá bổng lễ ở Mỹ được quy định là 5 Đôla (?). Nếu một Việt Kiều về VN đến đưa cho một linh mục 50 Đôla và xin cha làm lễ, thì vị linh mục chỉ dâng 5 lễ, vì giá quy định ở VN trung bình là 10 Đôla (có một cha xứ khẳng định rằng Đức Tổng Giám Mục Grigelli nói ở Tp HCM là 10 Euro; Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT, trả lời vấn đề này trên “Tập Báo Mẹ Hiền” tháng 8 năm 2013 rằng: Tòa Giám Mục TP. HCM ấn định bổng lễ trong giáo phận là 250.000đ).
Lý do phỏng đoán hợp lệ:
Nghĩa là vị linh mục có đủ lý do tin rằng người dâng, ngoài việc xin lễ cầu nguyện thì còn có hảo ý khác như muốn giúp đỡ hay dâng tặng cho vị linh mục. Chẳng hạn, một linh mục VN sang Mỹ đi quyên góp tài chánh để xây nhà thờ, có người gửi dâng 100 Đôla và kèm theo lời xin lễ cầu bình an cho gia đình nhưng không nói rõ số lễ, thì vị linh mục có thể dâng một lễ và suy đoán rằng số tiền này là người dâng có hảo ý giúp mình trong việc xây nhà thờ. Hoặc có một ân nhân đến dâng 1 triệu đồng và xin lễ cầu bình an, vị ân nhân này thỉnh thoảng đến tặng biếu cho vị linh mục một vài triệu đồng, thì vị linh mục có thể suy đoán chắc rằng người dâng có hảo ý giúp mình nên chỉ cần làm 1 ý lễ và không cần phải chia 1 triệu đó theo mức giá bổng lễ hiện tại là mỗi ý lễ là 200.000đ (hoặc 250.000đ). Cũng vậy, trong trường hợp một linh mục đến đồng tế lễ an táng, hay lễ cưới, hoặc đi làm phép nhà… sau thánh lễ hay làm phép nhà, người nhà đưa một phong bì và xin cầu nguyện thì suy đoán hợp lý rằng người ấy muốn tặng món tiền đó cho vị linh mục.
Gửi bổng lễ khác về Đấng Bản Quyền
Trừ ngày lễ Giáng Sinh, mỗi ngày tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ. Những bổng lễ khác (binates or trinates etc.) phải nhường về các mục đích do đấng bản quyền quy định. Tuy nhiên linh mục được nhận một phần bổng lễ đó cho những chi phí ngoại tại (Gl 951 #1).
Các bổng lễ khác (binates or trinates etc.) gửi về đấng bản quyền của tư tế, nghĩa là các linh mục triều gửi các bổng lễ khác về cho Giám mục hoặc đấng bản quyền địa phương của họ, còn các tu sỹ linh mục (linh mục dòng) gửi về cho bề trên cao cấp của họ. Tuy nhiên, tất cả các cha xứ dù là linh mục triều hay dòng đều buộc gửi về Giám mục địa phận các bổng lễ khác mà họ nhận được qua chính giáo xứ.
Tuy vậy, một linh mục dòng mà là cha chính xứ hoặc quản nhiệm xứ và linh mục cử hành thánh lễ hai hay ba mà các bổng lễ khác vị linh mục này nhận được từ chính dòng tu của mình thì các bổng lễ khác đó được gửi cho bề trên cao cấp của họ. Bởi vì ý của người xin là muốn giúp đỡ tu viện.
Ngoài ra, một linh mục viếng thăm (vãng lại) được trao quyền làm lễ ở giáo xứ thì các bổng lễ khác (binates or trinates) được gửi về cho chính đấng bản quyền của linh mục ấy – bề trên cao cấp. Ví dụ, một linh mục SJ của tỉnh dòng VN không phải là cha xứ (giáo xứ Hiển Linh) ra làm lễ ở giáo xứ (Hiển Linh hay ở bất cứ một giáo xứ nào) thì các bổng lễ khác được gửi về cho đấng bản quyền của linh mục SJ đó – cha Giám Tỉnh. Trong trường hợp một linh mục triều thuộc địa phận (Hà Nội,…) đến làm lễ ở giáo xứ Hiển Linh thì bổng lễ khác được gửi về cho Giám mục địa phận (Hà Nội,…).
(Xem John P. Beal, James A. Coriden, Thomas J. Green, New Commentary on the Code of Canon Law, New York: Paulist Press, 2000, P. 1133)[1].
Nếu một linh mục đã cử hành hay đồng tế một thánh lễ, thì thánh lễ đồng tế thứ hai trong ngày vị linh mục không có quyền nhận bổng lễ nữa dưới bất cứ danh nghĩa nào (X. Gl 951 #1). Việc đồng tế này cho dù trước hay sau thánh lễ khác được cử hành. Nghĩa là nếu buổi sáng linh mục đồng tế thánh lễ và buổi chiều cử hành thánh lễ, thì linh mục chỉ được nhận bổng lễ thánh lễ ban chiều.
Trong trường hợp vị linh mục nghĩ là ngày hôm đó chỉ đồng tế thánh lễ ban sáng nên đã nhận bổng lễ, nhưng ban chiều vì một lý do cần thiết phải cử hành thánh lễ nữa thì được nhận bổng lễ cho mỗi thánh lễ, và linh mục giữ một bổng lễ cho mình, bổng lễ còn lại áp dụng nguyên tắc “binates” gửi về đấng bản quyền theo qui định.
Hưởng một phần bổng lễ khác:
Ở một số địa phận đấng bản quyền quy định tư tế được nhận một phần hai hay hai phần ba (hoặc một bổng lễ nữa nếu thánh lễ thứ hai là lễ gộp) bổng lễ từ thánh lễ thứ hai. Lý do vì linh mục phải bỏ công sức và những chi phí như đi lại, ăn uống,… cho thánh lễ thứ hai.
Theo giáo luật, mỗi ý lễ được áp dụng cho một thánh lễ (x. Gl 948). Tuy nhiên trong thực tế, trong các thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ ngày Chúa nhật có nhiều người xin lễ và ai cũng sẵn sàng và muốn linh mục chủ tế ngày hôm đó làm lễ theo ý họ xin để họ cùng tham dự và cầu nguyện. Vậy phải giải quyết vấn đề này thế nào?
Dự trù tình huống này, Giáo luật nói “Nếu tại những nhà thờ hay nhà nguyện người ta xin cử hành lễ quá số có thể cử hành ở đó, thì có thể cử hành ở nơi khác, trừ khi những người xin lễ minh thị bày tỏ ý định ngược lại” (Gl 954).
Ngày 22/01/1991, Bộ Giáo Sỹ ban hành một Sắc lệnh[3] hướng dẫn và cho phép các linh mục gộp các ý lễ với các điều kiện sau :
- Phải cho người xin lễ biết và được họ đồng ý là lễ họ xin được dâng chung với một ý lễ khác.
- Thời gian và nơi chốn dâng lễ gộp phải được công bố.
(3) Không được gộp hơn hai lần trong một tuần.
(4) Linh mục cử hành có thể giữ một bổng lễ và phải gửi về bản quyền của mình những bổng lễ khác theo giáo luật điều 951 triệt 1.
Như vậy, các linh mục được gộp ý lễ 2 lần mỗi tuần miễn là đáp ứng đủ các điều kiện trên.
Thiết tưởng cũng nên hiểu rằng, theo giáo luật điều 954 và sắc lệnh của Bộ Giáo Sỹ cho phép cử hành thánh lễ gộp các ý lễ thì tất cả các ý lễ gộp đã được làm trong thánh lễ đó và sẽ không phải làm lại. Bởi có một số linh mục sau khi cử thánh lễ gộp các ý lễ xong, lại lấy các ý lễ đã gộp đó làm lại mỗi ngày một ý lễ hoặc đem các ý lễ đó gửi cho linh mục khác làm. Theo quy định trên, vị linh mục sau khi đã cử hành thánh lễ gộp các ý lễ, chỉ giữ cho mình 1 bổng lễ, còn các bổng lễ khác được gửi về đấng bản quyền theo quy định như đã trình bày ở trên.
Phêrô Nguyễn Đức Trí, SJ
————-
[1]The other offerings go to his ordinary, namely, the local ordinary for the diocesan clergy and the major superior for members of clerical religious institutes and societies of apostolic life. All pastors and parochial vicars, not just diocesan priests, are bound to send the offering for additional Masses celebrated each day to the local ordinary. This rule applies only to parish Masses for which offerings have been received through the parish. Thus, a religious priest who is pastor or parochial vicar and who binates with an offering received from the sacristan of his own religious institute should send that offering to his own ordinary, not to the local ordinary, since the intention of the donor was to benefit the institute, not the diocese. Moreover, a visiting priest in the parish is entitled to all offerings for the Masses he celebrates, including binations and trinations, which he then sends to his own ordinary, not the local ordinary, unless they are the same (John P. Beal, James A. Coriden, Thomas J. Green, New Commentary on the Code of Canon Law, New York: Paulist Press, 2000, P. 1133.
[2]In 1991 the Congregation for the Clergy derogated from this canon to permit priests to accept several offerings for a “collective intention” at a single Mass. The following regulations must be observed if this practice is followed:
(1) the donors must be informed of and consent to the combining of their offerings before the Mass for the collective intention is celebrated;
(2) the place and time for the Mass must be announced;
(3) the practice may not be observed more than twice a week;
(4) the celebrant may keep for himself no more than the usual amount of a single Mass offering and must send any excess to his ordinary in keeping with canon 951, § 1.
(See John P. Beal, James A. Coriden, Thomas J. Green, New Commentary on the Code of Canon Law, New York: Paulist Press, 2000, P. 1132)
[3] Xem AAS 83 (1991) 443-446, BCL Newsletter 27 (1991)