Giáo Lý về Thánh Giuse – Bài 6

Bài giáo lý thứ 6 về Thánh Giuse của Đức Giáo hoàng Phanxicô, sáng thứ 4 ngày 05/01/2022 tại Vatican. Trong bài giáo lý hôm nay, ĐGH tập trung về chủ đề: Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm về Thánh Giuse là cha của Chúa Giêsu. Các thánh sử Matthêu và Luca trình bày Thánh Giuse như người cha nuôi của Chúa Giêsu chứ không phải là cha ruột. Thánh Matthêu xác định rõ, bằng cách tránh dùng công thức “sinh ra”, được sử dụng cho tất cả tổ tiên của Chúa Giêsu trong gia phả; ngài xác định Giuse là “chồng bà Maria, là người sinh ra Chúa Giêsu được gọi là Đấng Kitô” (1,16). Trong khi Luca khẳng định rằng Thánh Giuse là cha của Chúa Giêsu “như thiên hạ nghĩ” (Lc 3, 23), tức ngài xuất hiện với tư cách là một người cha.

Để hiểu được mối quan hệ cha con hợp pháp hay theo luật của Thánh Giuse, cần phải nhớ rằng vào thời cổ đại, ở Đông Phương, thể chế qui định nhận con nuôi rất thường xuyên, nhiều hơn so với thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến trường hợp phổ biến ở Israel được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật: “Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Israel” (Đnl 25, 5-6). Nói cách khác, cha mẹ của đứa trẻ này là anh rể, nhưng người cha hợp pháp vẫn là người đã khuất, là người cho đứa trẻ mới sinh thừa hưởng mọi di truyền. Mục đích của luật này gồm hai mặt: đảm bảo cho dòng dõi người đã khuất và bảo tồn tài sản.

Với tư cách là người cha chính thức của Chúa Giêsu, Thánh Giuse thực hiện quyền đặt tên cho con trai mình, công nhận đứa trẻ về mặt pháp lý. Ngài là cha về mặt pháp lý, nhưng cách chung không phải là người đã sinh ra Chúa Giêsu.

Trong thời cổ đại, cái tên là bản trích yếu danh tính của một người. Thay đổi tên có nghĩa là thay đổi chính mình, như trong trường hợp của Ápram, được Thiên Chúa đổi tên thành “Abraham”, nghĩa là “cha của mọi người”, “bởi vì – như sách Sáng thế nói – ông sẽ là cha của nhiều dân tộc” (17,5). Cũng vậy đối với Giacóp, người được gọi là “Israel”, nghĩa là “người vật lộn với Chúa”, bởi vì ông đã chiến đấu với Chúa để buộc Người phải chúc lành cho ông (x. St 32,29; 35,10).

Nhưng trên hết, đặt tên cho một người hay cho cái gì đó có nghĩa là khẳng định chủ quyền trên những gì được đặt tên, như Ađam đã làm khi đặt tên cho muôn vật (x. St 2,19-20).

Thánh Giuse đã biết rằng, đối với người con của Maria, Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn một cái tên – tên Giêsu do người cha đích thực của Chúa Giêsu là Thiên Chúa đặt cho – tên Giêsu, nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”, như Sứ thần giải thích “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1, 21). Khía cạnh đặc biệt này liên quan đến hình ảnh của Thánh Giuse cho phép chúng ta hôm nay suy tư về tình phụ tử và mẫu tử. Và tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng: hôm nay hãy nghĩ về tình phụ tử. Bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại nổi danh mồ côi. Thật lạ lùng: nền văn minh của chúng ta là một nền văn minh mồ côi, và chúng ta cảm thấy đây là trại mồ côi. Hình ảnh của Thánh Giuse giúp chúng ta hiểu được cách giải quyết cảm giác là một cô nhi mà ngày nay đang khiến chúng ta đau khổ rất nhiều.

Sinh một người con vào lòng thế giới để được gọi là cha mẹ của nó vẫn chưa đủ. “Những người cha không được sinh ra, nhưng họ được trở thành cha. Và họ không trở thành cha chỉ vì sinh ra một đứa con trong thế gian, nhưng vì họ là người đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của người khác, theo một nghĩa nào đó, họ trở thành cha của người ấy” (Tông thư Patris corde). Tôi nghĩ cách riêng đối với tất cả những người mở lòng đón nhận sự sống qua con đường nhận con nuôi, đó là một thái độ thật quảng đại và cao đẹp. Thánh Giuse cho chúng ta biết rằng mối dây liên kết kiểu này không phải là thứ yếu, không phải là tạm bợ. Kiểu chọn lựa này là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu, của tình phụ-mẫu. Biết bao đứa trẻ trên thế giới đang đợi ai đó chăm sóc chúng! Và biết bao đôi vợ chồng mong ước được làm cha làm mẹ nhưng không thành vì lý do sinh học; hoặc dù đã có con nhưng họ vẫn muốn chia sẻ tình cảm gia đình với những người không có được nó. Đừng sợ khi chọn con đường nhận con nuôi, là con đường chấp nhận “rủi ro”. Và ngày nay, cũng có một sự ích kỷ nào đó đối với thân phận mồ côi. Hôm trước, tôi đã nói về mùa đông nhân khẩu đang có ở thời đại này: nhiều người không muốn có con, hay chỉ duy nhất một đứa thôi. Nhiều cặp vợ chồng không sinh con vì họ không muốn hay chỉ muốn sinh một đứa vì họ không muốn có thêm nữa, thế nhưng họ có hai con chó, hai con mèo… Đúng vậy, chó và mèo thế chỗ của con cái. Thật buồn cười, tôi hiểu, nhưng đó là sự thật. Và việc từ bỏ thiên chức làm cha mẹ làm giảm giá trị và lấy đi nhân tính của chúng ta. Một nền văn minh như thế trở nên quá già cỗi và không có nhân văn, vì sự phong phú của tình phụ mẫu bị mất đi. Và tổ quốc đau khổ vì không có con cái – như có người đã từng nói hơi hài hước “và ai sẽ trả thuế cho tiền hưu của tôi, khi mà không có con cái? Ai sẽ chăm sóc cho tôi đây?”, người đó cười, nhưng đây là sự thật. Tôi cầu xin Thánh Giuse ơn thức tỉnh lương tâm và suy nghĩ về điều này: về việc sinh con cái. Tình phụ mẫu là sự viên mãn của cuộc sống con người. Anh chị em hãy nghĩ điều này. Thực vậy, có tình phụ mẫu thiêng liêng đối với những người dâng hiến cho Thiên Chúa; nhưng những người sống giữa đời và lập gia đình phải nghĩ đến chuyện sinh con, sinh ra cuộc sống, vì chúng sẽ là những người vuốt mắt bạn, sẽ bận tâm đến tương lai của bạn. Và thậm chí nếu không thể sinh con, anh chị em hãy nghĩ đến việc nhận con nuôi. Đó là một rủi ro, đúng: có một đứa con luôn là một rủi ro, con đẻ và kể cả con nuôi. Nhưng rủi ro hơn khi không có đứa con nào. Sẽ rủi ro hơn khi phủ nhận tình phụ mẫu, tình phụ mẫu thực và thiêng liêng. Hai người nam nữ tự ý không phát triển ý thức về tình phụ mẫu thì họ đang thiếu cái gì đó chính yếu và quan trọng.

Anh chị em hãy suy nghĩ về điều này. Tôi mong rằng các thể chế luôn sẵn sàng trợ giúp việc nhận con nuôi, bằng cách quan tâm hết sức nhưng cũng phải đơn giản hóa tiến trình cần thiết để biến giấc mơ cần có một gia đình của nhiều trẻ nhỏ trở thành hiện thực, và nhiều đôi vợ chồng mong ước dấn thân cho tình yêu.

Cách đây không lâu, tôi đã nghe được lời chứng của một người, một bác sĩ, hai vợ chồng không có con nên họ quyết định nhận con nuôi. Đến thời điểm nhận con, họ trao cho gia đình ông một đứa trẻ và nói: “chúng tôi không biết sức khỏe của đứa trẻ này như thế nào. Dường như nó có bệnh”. Và khi đã nhìn thấy đứa trẻ ông ấy nói: “Nếu bạn hỏi tôi điều này trước khi vào đây, có lẽ tôi nói không. Nhưng tôi đã gặp được nó: tôi sẽ đưa nó theo”. Đây là ước muốn được làm cha, làm mẹ cho dù là con nuôi. Anh chị em đừng sợ điều này.

Tôi cầu nguyện để không một ai cảm thấy thiếu thốn tình cảm cha con, và cho những người đau yếu trong cảnh mồ côi tiếp tục tiến bước mà không có cảm giác tồi tệ như vậy. Nguyện xin Thánh Giuse thực thi việc che chở và giúp đỡ của ngài cho các cô nhi; và xin thánh Giuse chuyển cầu cho các cặp vợ chồng đang mong được sinh con. Vì lý do này chúng ta cùng cầu nguyện:

Lạy Thánh Cả Giuse

Ngài đã yêu thương Chúa Giêsu bằng tình yêu hiền phụ
xin ở bên những đứa trẻ không có gia đình
và đang mong ước có được cha mẹ.
Xin nâng đỡ các đôi vợ chồng không thể có con
giúp họ khám phá ra một chương trình rộng lớn hơn qua nỗi đau này.
Xin đừng để một ai thiếu gia đình, thiếu tình cảm,
thiếu người chăm sóc họ;
và xin cứu chữa lòng ích kỷ của những người khép mình với cuộc sống
để họ mở rộng tâm hồn cho tình yêu.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng
Trích nguồn: https://gpquinhon.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube