Phôi và giá trị luân lý dựa vào các khám phá mới của khoa học (phần 1)

I. Mầm phôi và giá trị luân lý

Tôi muốn khởi đầu cuốn sách này[1] bằng việc khảo sát và đánh giá về các khám phá trong những thập niên gần đây đối với ngành phôi học, liên quan đến thời điểm khởi đầu sự sống con người, với những thông tin cập nhật và với những khám phá mới của ngành y-sinh học (Biomedical)  cũng như trong lãnh vực đạo đức sinh học (Bioethics), mà hiện nay đang nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc thẩm định và lượng xét các giá trị luân lý và trách nhiệm đối với việc tôn trọng và bảo vệ sự sống con người, nhất là khi sự sống còn trong trứng nước và vô phương tự bảo vệ cho chính mình, tôi có ý ám chỉ đến các phôi. Ví dụ như việc dùng phôi người trong các cuộc thử-nghiệm, hay nghiên cứu, tỉ dụ như việc nhân bản vô tính (Cloning)[2]  được sử dụng như phương pháp trị-liệu (Therapeutic cloning)[3] cho các chứng bệnh nan y. Hay việc sử dụng các phôi đông lạnh nhằm giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc vô sinh muốn có con, bằng phương pháp chuyển cấy phôi. Hiện nay phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là cách thông thường mà các cặp vợ chồng vô sinh hay sử dụng nếu họ muốn có con.[4]

Mục đích trong chương này, trước tiên nhằm trình bày quan điểm thời đại về vấn đề phôi thai người. Nó sẽ được chia làm 2 phần:

  1. Phần thứ nhất nói về sự phát triển của mầm phôi (pre-embryo)
  2. Phần thứ hai sẽ đề cập đến phôi thai (embryo).

Phần còn lại của chương này sẽ tập trung vào việc thảo luận và nhận định những gì liên quan đến các giá trị luân lý của phôi và việc tôn trọng phôi thai người (Human-embryo), dựa trên những khám phá gần đây nhất của ngành phôi thai học qua các dữ kiện khoa học.

Nguồn: vi.wikipedia.org

Hiện nay, trên toàn thế giới, đặc biệt trong khoa sinh học và cả trong Giáo Hội Công Giáo (gồm các triết gia, thần học gia, luân lý gia và cả một số vị đại diện hàng Giáo Phẩm), đã có những cuộc tranh luận sôi nổi và đôi lúc hơi nóng bỏng về thời điểm khởi đầu sự sống con người, về cá thể tính của con người (Human individuality) và về chân tính của nhân vị.[5] Cho nên, trọng tâm của chương này không nhằm mục đích đưa ra những giải thích thỏa đáng cho vấn nạn mà chúng ta đề cập ở trên, nhưng chỉ ước mong được đưa ra một vài suy nghĩ để chúng ta cùng nhau thảo luận, và chia sẻ vơí nhau một vài khó khăn mà đơì cũng như đạo hôm nay đang gặp phải, đặc biệt về phương diện đạo đức sinh học.

Phần đầu tiên, tôi xin mạn phép duyệt lại các dữ kiện sinh học liên quan đến kiến thức khoa học của chúng ta về việc sự sống con người bắt đầu từ khi nào. Các dữ kiện đó có thể ảnh hưởng sâu đậm đến những suy tư và quan điểm của chúng ta về lúc khởi đầu sự sống con người.

Trong huấn thị “Donum Vitae[6] do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành ngày 22/2/1987, số 1, Giáo Hội Công Giáo một lần nữa tái khẳng định lập trường không thay đổi về việc tôn trọng phôi thai người đã có từ lâu trong truyền thống Giáo Hội.

Ngay từ giây phút thụ tinh, sự sống của mỗi người phải được tôn trọng cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính nó, và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa trực tiếp tạo thành.”[7]

Dưới nhãn quan của người tín hữu Công Giáo, các giáo huấn của Giáo Hội cần chiếm một ưu thế trong lối suy tư và các minh định của chúng ta.[8] Vì lý do đó mà chúng ta cần bình tâm và suy luận cho thấu đáo, để nhận xét xem khi nào thì “sự sống” con người cần phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối, theo như giáo huấn truyền thống của Giáo hội, mà chúng ta có thể chấp nhận và tin cách chí lý như là một giá trị tuyệt đối.

Toàn bộ sự sống đều là tặng phẩm của Thiên Chúa, hay cũng có thể nói là một ân huệ. Sự sống chính là một phần trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Điều này càng đúng hơn với sự sống con người, ở bất kỳ giai đoạn nào trong tiến trình sự sống.[9]

1.Các khám phá khoa học

Các khám phá mới của chúng ta trong lãnh vực khoa sinh học, những thay đổi trong lý thuyết khoa học, những hiểu biết, các sáng kiến và niềm tin của thời đại hôm nay khác với thời trước rất nhiều. Đôi lúc, những khác biệt đó đã dẫn đến những sự xung đột nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thấy rằng những khám phá khoa học gần đây nhất của con người ăn khớp một cách kỳ diệu với quan niệm di truyền học biểu sinh (Epigenetic) về vấn đề nguồn gốc của con người, mà các nhà thần học danh tiếng và các vị tiến sĩ Hội Thánh thời xưa đã từng công nhận, và hôm nay con số các vị công nhận càng gia tăng. Các vị này, ngày càng đồng ý hơn và giờ đây đã chấp nhận minh nhiên rằng: giây phút thụ tinh là giây phút sự sống phát sinh. Sau Công Đồng Tridentinô, vào đầu thế kỷ 17, người ta đã công nhận cách phổ biến lý thuyết “Sự sống phát sinh ngay lập tức”. Giả thuyết sự sống phát sinh ngay lập tức này (Immediate Animation) vẫn chiếm một ưu thế lớn trong các văn kiện của Giáo Hội hôm nay; ví dụ như  Huấn Thị “Donum Vitae” (Tặng Phẩm Sự Sống) hay thông điệp “Evangelium Vitae” (Tin Mừng Sự Sống). Tất nhiên, quan điểm của Giáo Hội sẽ phong phú hơn và có sức thuyết phục rộng lớn, nhờ những khám phá của khoa y-sinh học ngày nay. Do đó, tôi thiết nghĩ, chúng ta cần mở rộng tầm nhìn và công tâm nhìn nhận các chứng cứ của khoa học. Và các nhà thần học luân lý cũng nên sử dụng các dữ kiện khoa học này khi thảo luận về tiến trình thụ tinh thụ thai nhằm đưa ra những chuẩn mực luân lý cho vấn đề này.

(Còn tiếp)

Lm. Trần Mạnh Hùng


[1] . Xem Lm Trần Mạnh Hùng, Sự Sống và Quyền Bất Khả Xâm Phạm: Nền Tảng Luân Lý cho Xã Hội (Sài Gòn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2020). https://ducbahoabinhbooks-osp.com/su-song-va-quyen-bat-kha-xam-pham-nen-tang-luan-ly-cho-xa-hoi/  (Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2024).

[2] . Từ Clone hoặc Cloning, theo như như những gì mà tôi đã khảo sát thì trong khoảng thập niên từ 2000-2010, trong tiếng Việt chưa có một sự thống nhất về cách thức diễn giải. Theo một số bản văn bằng tiếng Việt thì được dịch là: 1) Sinh sản vô tính hay sản sinh dòng vô tính, tạo sinh vô tính; 2) Nhân bản người, nhân bản vô tính (do linh mục Nguyễn Hồng Giáo đề nghị – xem “Nhân Bản Người và vấn đề đạo đức,” Dân Chúa Úc Châu, số 92, tháng 6 năm 2002, trang 78 và 80), đôi khi từ này cũng được phỏng dịch là phiên bản. Xem Từ Điển Anh-Việt, trang 282, do Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia Viện Ngôn Ngữ Học biên soạn. Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, tháng 6, năm 1993. Riêng Từ Điển Y Học Anh Việt (1996) do B.S. Bùi Khánh Thuần soạn thảo thì chỉ ghi: Clone – dòng vô tính, hệ vô tính (trang 236). Lẽ đó, quả tình thực khó để có thể chọn một nghĩa nhất định mỗi khi cần diễn dịch từ “Clone hoặc Cloning” bằng tiếng Anh. Do đó, tôi tạm thời sử dụng từ này theo nghĩa nhân bản vô tính.

[3] . Therapeutic cloning, tạm dịch là “liệu pháp điều trị bằng cách nhân bản vô tính.” Tỷ dụ việc nhân bản phôi người  bằng phương pháp tạo sinh vô tính, sau đó thâu hoạch các tế bào gốc và để cho các tế bào này phát triển thành các mô hay tạng nào đó. Rồi dùng các mô hay tạng này vào việc cấy ghép cho các bệnh nhân, với mục đích nhằm để điều trị những căn bệnh nan y. Xem bài viết của linh mục Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R.,  Tế Bào Gốc và Ứng Dụng Của Nó. Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu, số 88, tháng 01, năm 2002, trang 72-76.

[4] . Quý vị nào muốn tìm hiểu sâu xa hơn về vấn đề này, xin vui lòng tham khảo bài viết: “Kỹ thuật mới về sinh sản và ý nghĩa vai trò làm cha mẹ,” trong chương 5 của cuốn sách Đạo đức sinh học và những thách đố hiện nay (T.P Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Phương Đông, 2016).

[5] . There is no shortage of literature in regard to the question of the embryo as a human person. A few of the relevant articles by scholars in the Catholic tradition are Dianne Nutwell Irving, Philosophical and Scientific Analysis of the Nature of the Human Embryo, Ph.D. dissertation (Washington, D.C.: Georgetown University, 1991); Benedict Ashley, O.P., “A Critique of the Theory of Delayed Hominization,” in An Ethical Evaluation of Fetal Experimentation, eds. Donald G. McCarthy and Albert S. Moraczewski, O.P. (St. Louis, MO: Pope John XXIII Center, 1976); Benedict Ashley, O.P., “When Does a Human Person Begin to Exist?” Collected Essays (Naples, FL: Ave Maria University Press, in press); J. Bracken, “Is the Early Embryo a Person?” Linacre Quarterly 68 (1 February 2001): 49–70; Jason Eberl, “The Beginning of Personhood: A Thomistic Biological Analysis,” Bioethics 14 (2 April 2000): 135–151; Kevin D. O’Rourke, “The Embryo as Person?” National Catholic Bioethics Quarterly (2006): 241-251. Norman Ford, When Did I Begin? Conception of the Human Person in History, Philosophy, and Science (New York, Cambridge University Press, 1988); J. Donceel, “Immediate Animation and Delayed Hominization,” Theological Studies 31 (1970): 76–105; Robert George,  “Debating the Moral Status of the Embryo,” Published on Harvard Magazine. http://harvardmagazine.com/print/1682?page=all (accessed 11 August 2012). Robert P. George and Christopher Tollefsen, Embryo: A Defense of Human Life. New York: Published by Doubleday, 2008. T. Shannon and A. Wolter, “Reflections on the Moral Status of the Embryo,” Theological Studies 51 (4 December 1990): 603–626; S. Heaney, “Aquinas and the Presence of the Human Rational Soul in the Early Embryo,” Thomist 56 (1 January 1992): 19–48.

[6] . Xem Huấn Thị Donum Vitae “Tặng phẩm sự sống.” Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum Vitae on respect for human life at its origins and for the dignity of procreation (22 February 1987).

[7] . Xem Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Piô XII, “Humani Generis”, AAS 42 (1950) và Huấn thị “Donum Vitae” của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành ngày 22/2/1987.

[8] . Lm Trần Mạnh Hùng, “The Magisterium’s Teachings in Morality – Những giáo huấn của huấn quyền trong lĩnh vực luân lý,” trong bài thuyết trình tuần 12, Church Teaching Authority in Relation To Conscience – Huấn Quyền Của Giáo Hội Trong Mối Liên Hệ Với Lương Tâm (Auckland City: Good Shepherd Theological College, 2015).

[9] . “Con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi thụ tinh, và vì vậy cũng từ lúc đó nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội.” Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae về việc tôn trọng sự sống con người lúc phôi thai và phẩm giá của việc sinh sản (22/02/1987): AAS 80 (1988).

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube