“Người thành công từ nhỏ đã xem trọng bản thân”
Lưu Dung Trứ
Trong cuộc sống hiện tại, xu hướng thực dụng của nhiều người hướng về đời sống vật chất hơn tinh thần. Vì thế, thường xác định hạnh phúc và giá trị cuộc đời qua thành đạt, địa vị và nhất là tiền của. Đối với nhiều người trẻ, tiêu chuẩn xác định giá trị một người thường dựa trên sự việc người đó đã làm ra bao nhiêu tiền.
Các bạn có tán đồng quan điểm này không ?Có lẽ một phần nào chăng ? Nhưng dường như chưa ai lấy làm thoả mãn với những yếu tố đó. Cuộc sống con người còn nhiều giá trị cao cả hơn bạc tiền và thành đạt.
Phải, của cải chỉ là những gì ngoại lai, không thể dựa trên nó để xác định niềm hạnh phúc, ý nghĩa hay giá trị của mình. Hôm nay nó thuôc về mình, nhưng ngày mai có thể thuộc về người khác. Giàu sang có thật sự đem đến cho chúng ta sự trọng nể và một tâm hồn bằng an thoải mái, vui vẻ không ? Có ai dám quả quyết chắc rằng : Có ?
Danh vọng cũng chỉ là một lớp bọc, giá trị cuộc đời không thể xác định qua sự thành đạt hay địa vị. Người ta có thể đạt đến hoặc ngay cả mua địa vị, nhưng phẩm chất cuộc đời thì phải tự xây dựng.
Thành đạt là một giá trị và là kết quả của nỗ lực bản thân. Tuy nhiên, điều làm nên chất lượng cuộc sống chính là thái độ sống của người thành đạt. Thành công không phải đợi mà có, cũng không phải là trông chờ vào cơ may hay duyên số, nhưng là tích cực vươn tới bằng chính sức lực của riêng mình.
Nỗ lực để “xem trọng bản thân” là bước đầu, bước tiếp theo và cũng là đoạn cuối của đời mình. Nghĩa là chúng ta cần luôn tỉnh thức để có thể xây dựng và gìn giữ những phẩm chất đời mình.
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, suy cho cùng thì điều đáng giá nhất và cũng là món quà vô giá không chi sánh được đó chính là BẢN THÂN. Vì thế, trân trọng cuộc sống đồng nghĩa với trân trọng bản thân. Chính thân này sống, và dấn thân vào cuộc sống hay thưởng thức cuộc sống, làm cho cuộc đời trở nên đáng sống hay có giá trị vẫn chính là trách nhiệm của bản thân. LD. Vinci đã khẳng định như thế:
“Ai không quý trọng cuộc sống,
người đó không đáng sống”.
Phải, nếu chính mình không coi trọng bản thân, khẳng định sự tồn tại của mình, vậy làm thế nào để đòi hỏi người khác tôn trọng mình ?
Bản thân chúng ta quý giá vô vàn, vì mình là độc nhất vô nhị. Trên thế gian sẽ không có ai giống hệt như mình. Chúng ta chỉ có một cuộc đời, phẩm chất của nó tùy thuộc vào thái độ và cách sống của mình.
. nếu đã mất đi – khó có thể tìm lại,
. nếu đã hư đi – rất khó sửa chữa,
. nếu đã tổn thương – chắc khó chữa lành.
Vì thế, chúng ta cần chú trọng và nâng niu từng giây phút sống; làm sao cho nó đem lại niềm vui và ý nghĩa. Mỗi giây phút đã qua không thể nào lấy lại được, vì thế mà chúng ta cần cẩn trọng. Bản thân hay cuộc sống này là trách nhiệm của mình. Hoàn cảnh và người khác chỉ góp phần rất nhỏ vào chất lượng cuộc sống mỗi người thôi.
Phụ huynh nào cũng rất chú trọng và lo sợ cho tương lai của con em về mặt giới tính; làm sao cho chúng đứng vững trong tuổi mới lớn và tuổi vào đời ? Thao thức của phụ huynh là điều rất chính đáng, và không phải đợi đến lúc trẻ đến tuổi dậy thì mới lo dạy bảo, mà phải bắt đầu ngay từ thuở ấu thơ.
Một trong những điều giúp ích và làm nên chất lượng cho cuộc đời mỗi người đó là lòng tự trọng. Phụ huynh cần dạy cho con em, và mỗi chúng ta cần học biết cách không xúc phạm ai, và cũng không để ai xúc phạm mình. Tự trọng là không làm hay nói một điều gì có thể làm mất đi giá trị của bản thân. Như khi chúng ta sở hữu một đồ vật quý giá, chúng ta thường nâng niu và giữ gìn rất cẩn thận, chú tâm không để nó bị hư, bị vỡ hay bị mất… Cũng thế với thân thể và con người của mình. Nếu đã tập thói quen trân trọng và quý bản thân, chắc chắn chúng ta sẽ biết giữ gìn.
Làm thế nào để thể hiện sự tôn trọng bản thân ?
Đối với mỗi người và nhất là các bạn trẻ trước hết là sống TRUNG THỰC. Trung thực là một hình thức tự trọng, và đồng thời chứng tỏ lòng trọng người. Hai yếu tố này luôn hỗ tương.
“Ai thẳng thắn với bản thân và với người khác thì bao giờ cũng có phẩm chất hết sức quý báu” . W. Gớt
Trung thực là đặc nét của tuổi trẻ, vì người trẻ chưa bị rêu phong của cuộc đời che lấp sự trong sáng của con tim và khối óc. Trung thực tạo phẩm chất cho các mối tương quan, vì có trung thực nguời ta mới thật sự gặp nhau sâu xa. Trái lại, người tự hại mình chính là những nguời thiếu tôn trọng bản thân. Làm những điều vô nghĩa hay phi đạo đức là tự hủy.
“Những người tráo trở thì họa núp sẵn, nếu đã sống vì tráo trở thì có lúc chết vì tráo trở.” Cách Ngôn Trung Quốc.
Tôn trọng bản thân là không để mình trở nên người hèn nhát bởi sự dối trá thiếu trung thực.
“Nói dối là dấu hiệu chắc chắn của sự hèn nhát”. R. Xu-thơn
Tôn trọng bản thân là biết tự làm cho mình “lớn lên” qua việc trang bị cho đời mình những giá trị trường tồn, nghĩa là không như bạc tiền hay địa vị, danh tiếng, tất cả là những thứ chóng qua. Trái lại, làm sao để mình trở nên một người đáng yêu vì sống hiền hoà, khiêm tốn, một người nhân hậu biết cho đi và dấn thân mưu cầu hạnh phúc cho người khác.
Người tôn trọng bản thân luôn phấn đấu để thắng những điều xấu, điều thiếu lành mạnh trong chính mình và quanh mình; Trái lại, làm cho mình trở nên mới mẻ tươi đẹp bằng cách giữ sức khoẻ tinh thần và thể chất, Luôn nâng cao phẩm chất đạo đức và trí tuệ. Không để mình bị ô nhiễm bởi những con người hay những làn sóng văn hoá thiếu lành mạnh.
“Cuộc sống con người là một dòng nước ô uế, muốn dung nạp dòng nước này mà không mất đi sự thanh khiết, con người nhất thiết phải trở thành biển lớn”. Sách Ni Thái Ngữ Lục
Tôn trọng bản thân là luôn cầu tiến, không ngừng học hỏi, sẵn sàng mở mình ra để khám phá, để nghe, để nhìn, để ngâm cứu và để phản tỉnh … Lào sao cho những điều mới lạ có thể thấm nhập. Qua kinh nghiệm sống, sách báo và những người mình tiếp xúc, tất cả đều là những yếu tố có thể giúp cải tiến phẩm chất đời mình thường xuyên.
Người tôn trọng bản thân biết làm sao để mình luôn được kính nể, không làm gì để hạ giá mình cũng như người khác : Một lời nói dư thừa, một cử chỉ thiếu lịch sự, một hành vi xúc phạm người khác, một tư tưởng tiêu cực, bi quan, một lần buông thả, một phen bội phản; tự hạ qua việc a dua nịnh bợ, hay tìm cách thu hút sự chú ý và lòng thương xót của người khác, huênh hoang hay tìm cách bành trướng gây ảnh hưởng ….
Người tôn trọng bản thân là người sống đơn sơ, biết thu nhỏ mình, xoá mình…. Chính trong hành vi này mà chúng ta trở nên cao cả. Đây không phải là một thái độ tầm thường, giản đơn, mà chỉ những người biết làm chủ bản thân, không ham danh tiếng hay những sự hào nhoáng bên ngoài mới có thể làm được. Như thánh Phanxicô đã từng nhắc nhở chúng ta rằng :
“Chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân
Chính lúc hiến thân là lúc nhận lãnh…”
Ngạn ngữ Trung Hoa, sự khôn ngoan còn tồn đọng của một dân tộc cũng xác định rõ ràng :
“Chính người biết tôn trọng mình, mới có thể dám thu nhỏ mình” .
Tôn trọng bản thân được chứng minh qua thái độ mang trách nhiệm về tất cả những gì mình làm, mình nói, không đổ lỗi hay chối bỏ hoặc né tránh.
Tôn trọng bản thân là người tự lập, không dựa dẫm tiếng tăm, địa vị, tiền bạc của cha mẹ hay người thân để vươn lên,
Tôn trọng bản thân là biết suy tư, tìm kiếm lối đi, cách nghĩ riêng, và biết bảo vệ lập trường của mình cách khách quan và chính đáng, không “cuốn theo chiều gió”, nhưng cũng không cứng nhắc cố chấp.
Người tôn trọng bản thân biết từ chối bất cứ những gì không đem lại phẩm chất cho đời mình về thể chất cũng như tinh thần.
Người tôn trọng bản thân được thể hiện rõ nét nhất qua việc tôn trọng giá trị, và quyền lợi của người khác, biết trân trọng những giá trị của văn hoá, truyền thống và đạo đức của xã hội. Tôn trọng người khác tôn giáo, khác quan điểm và cả khác phái tính nữa !
Trên đây chỉ là một số gợi ý. Với thái độ thức tỉnh quan sát, tìm và hiểu cùng với sự sáng tạo, chắc chắn chúng ta sẽ trở nên những con người biết tôn trọng bản thân. Một điều xin được nói nhỏ vào tai các bạn: Trong tiến trình đào luyện này, xin đừng quên tập luyện ngay cả trong những chi tiết cụ thể nhỏ nhặt hằng ngày, vì sự hình thành thái độ sống và nhân cách của mỗi người chính là sự ý thức và chỉnh sửa dần dần.
Thương yêu chính mình, muốn xây đắp cho mình trở nên người tôn trọng bản thân, không gì chắc chắn cho bằng kinh nghiệm nhận được sự tôn trọng của người lớn. Bạn trẻ có thể học được qua thái độ và cách ứng xử như là một gương sống, một cảm nghiệm riêng. Đây là một phương pháp giáo dục có sức thuyết phục nhất.
M.Thécla Trần Thị Giồng, Dòng Đức Bà
Trích nguồn: https://dongducba.net