Đời Sống Đức Tin Và Cử Hành Thánh Thể

Ngày nay, nếu có một một phép lạ nào xảy ra ở đâu đó, thì có lẽ người ta sẽ tập trung đến rất đông. Sự tập họp không chỉ đối với người Kitô hữu, mà có khi cả đối với người ngoài Công giáo. Họ tìm đến nơi xảy ra phép lạ mà không ngần ngại đường xá xa xôi hay khó khăn, chỉ vì họ muốn tìm kiếm một ơn nào đó hay thỏa mãn lòng hiếu kỳ. Tuy nhiên, họ sẽ mong ước và cầu nguyện những điều tốt lành sẽ đến với cuộc sống gia đình của họ qua các phép lạ này.

Thế nhưng, đối với người Kitô hữu, đôi lúc người ta đã quên đi rằng, hằng ngày trong đời sống đức tin vẫn có những “phép lạ” xảy ra. “Phép lạ” đó không hữu hình như những phép lạ mà ta thường nghe tới nơi này hay nơi khác. Những “phép lạ” đó chính là những sự biến đổi xảy ra trong thánh lễ khi Hội thánh cử hành hy tế Thánh Thể. Trong thánh lễ có những sự biến đổi kỳ diệu mà con mắt thể lý sẽ không thể nhận ra được, mà đòi hỏi cần được xem xét dưới con mắt đức tin. Sự biến đổi đó xảy ra nơi chính Hy tế của thánh lễ, nơi con người vị chủ tế và nơi mỗi người Kitô hữu. Vậy những sự biến đổi đó đã xảy ra trong thánh lễ hay cử hành Thánh Thể hằng ngày như thế nào dưới chiều kích của đức tin?

Nói về mối quan hệ giữa đức tin và các bí tích, gần đây, Ủy ban Thần học Quốc tế đã ra một văn kiện với tựa đề: Tính Hỗ Tương giữa Đức Tin và Các Bí Tích trong Nhiệm Cục Bí Tích (đầu tháng 3, 2020) để nhắc nhớ về vai trò quan trọng của đức tin trong khi cử hành các bí tích trong Giáo hội. Đây là văn kiện cũng nhằm nhắc nhở các vấn nạn về mục vụ đang diễn ra trong Giáo hội, mà các cử hành này đang dần đánh mất đi tính thiêng liêng vì sự “thiếu đức tin” khi người ta cử hành và lãnh nhận các bí tích.

Riêng về Bí tích Thánh Thể, văn kiện này đã nói rằng “đặc tính bí tích của đức tin tìm được biểu thức cao nhất của nó trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là một của nuôi dưỡng quý giá cho đức tin: một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hành động tối cao của tình yêu của Người, hồng phúc trao ban sự sống của chính Người.” (số 115)

Vì thế, nhân dịp này xin được nêu lên một vài khía cạnh trong việc cử hành phụng vụ Thánh Thể để thấy được những điều kỳ diệu đang diễn ra khi chúng ta cử hành và tham dự thánh lễ dưới chiều kích của đức tin.

Đầu tiên hết chúng ta phải nhìn lại vị trí của thánh lễ trong phụng vụ. Thánh lễ chính là việc thờ phượng chính thức của Hội thánh. Đây là đỉnh cao của toàn thể phụng vụ trong Hội thánh. Vì trong thánh lễ diễn ra cuộc hiến tế của Đức Giêsu. Hiến tế đã được thực hiện xưa kia trên thập giá, nay lại được hiện tại hóa trên bàn thờ. Đức Giêsu với tư cách là chủ tế lại dâng chính mình Ngài với tư cách là lễ vật. Nhờ sự tái diễn này, chúng ta hôm nay được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Như vậy, cuộc hiến tế này của Đức Giêsu xưa trên thập giá, nay được hiện tại hóa và trong cuộc hiến tế này chúng ta sẽ thấy có những sự biến đổi đi kèm. Qua đó thấy được rằng, đó chính là hiến tế cao cả của chính Con Thiên Chúa thực hiện và mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

1. Biến đổi nơi bản thân người Linh mục

Thánh lễ được được cử hành nhân danh Giáo hội để dâng lên Thiên Chúa Cha hy tế cứu độ là chính Đức Giêsu. Trong cuộc cử hành toàn thể Dân Chúa cùng nhau tụ họp và tham dự vào thánh lễ. Dân Chúa tụ họp có thể chỉ là một vài người, hay hàng trăm hàng ngàn người thì cũng đều cử hành nhân danh Giáo hội. Cuộc cử hành đó có chức tư tế cộng đồng và tư tế thừa tác. Chức tư tế thừa tác chính là con người của linh mục. Vị thủ lãnh đích thực của cộng đoàn là chính Đức Giêsu. Nhưng vị thủ lãnh vô hình đó được đại diện bởi một thủ lãnh hữu hình đóng vai trò thừa tác viên là chủ tế.

Vị chủ tế sẽ mang lại cho cộng đoàn thấy được sự hiện diện mới của đức Giêsu. Vị chủ tế đó chính là những con người đã lãnh nhận chức linh mục để chủ tọa các buổi cử hành trong “cương vị của Đức Kitô ‘in Persona Christi’.”[i]Lúc này linh mục chính là inter christus một Đức Kitô khác. Qua bí tích truyền chức thánh linh mục nhận được chức vụ thay mặt cho Đức Giêsu một cách trực tiếp hơn. Trong cử hành thánh lễ, linh mục không phải làm những hành động như chính ngài hành động nhưng là nói và hành động nhân danh Đức Giêsu. Đức Giêsu sẽ sử dụng toàn thể con người linh mục, lời nói và hành động của linh mục, để qua đó, linh mục sẽ nói và làm những gì mà chính Đức Giêsu đã làm xưa kia trong bữa tiệc ly. Đấy cũng chính là nguồn gốc của việc cử hành thánh thể mà chúng ta đang nói tới. Qua việc cử hành Thánh Thể, người linh mục có được sự đồng nhất thâm sâu với Đức Giêsu.

Vậy phải chăng đấy không phải là sự biến đổi hay sao? Giờ đây, trong mỗi thánh lễ linh mục được biến đổi từ con người mang bản tính nhân loại bất toàn của mình thành con người của Đức Giêsu để cùng với cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa hy tế cứu độ. Vị linh mục ấy “là tư tế, nên các ngài có thẩm quyền chủ sự nhân danh Đức Kitô thượng tế chủ tọa cộng đoàn và dâng hy tế” (QCSL số 91). Như vậy linh mục sẽ là trung gian giữa Thiên Chúa và cộng đoàn cử hành. Khi làm điều đó ngài hành động trong chính Hội thánh.

Cuộc đời linh mục cũng phải là một bánh thánh hiến tế cho Thiên Chúa và cho thế giới, bởi vì tất cả chức thừa tác linh mục và các bí tích đều quy hướng về bí tích Thánh Thể, nơi chất chứa kho tàng thiêng liêng của Giáo hội.

Thế nhưng, thật sự linh mục vẫn là một con người. Nhưng với tình yêu Thiên Chúa họ được kêu gọi trong ơn gọi thánh hiến và qua Bí tích Truyền chức thánh được trở nên tư tế. Khi kết thúc thánh lễ, linh mục lại trở về với cuộc sống của mình và sống cuộc sống với đó với tha nhân. Nên tự bản chất cũng chứa đầy những bất toàn và tội lỗi. Nhưng dù linh mục có là con người như thế nào thì việc ngài cử hành cũng đều nhân danh Đức Giêsu và vì thế mọi sự đều sinh ích cho toàn thể dân Chúa. Như thế, linh mục cần phải biết rằng, các ngài hành động thay cho Đức Giêsu khi cử hành thánh lễ, nên con người linh mục cần cố gắng làm sao càng trở nên giống Đức Giêsu mỗi ngày.

Một trong những dấu hiệu bề ngoài khi cử hành thánh lễ để diễn tả sự biến đổi nơi con người linh mục đó là lễ phục. Theo đó “khi dâng thánh lễ, linh mục mặc phẩm phục, biểu hiện cho việc ‘mặc lấy Chúa Kitô’ để cử hành bí tích trong cương vị của Chúa Kitô.[ii] Điều này sẽ nhắc nhở cho linh mục biết rằng khi cử hành điều này linh mục sẽ phải nên giống Chúa Kitô. Đó cũng chính là lời mời gọi mãnh liệt nơi con người linh mục hãy biến đổi con người của mình. Hãy sống trong ơn gọi linh mục theo gương mẫu của Đức Kitô và sống theo khuôn mẫu ấy suốt đời.

Vì mang sứ mệnh cao cả như vậy nên linh mục cần phải ý thức việc cử hành thánh lễ. Đó không phải là hành vi mang tính lễ nghi hay công thức mà là một sự hiện tại hóa hy tế thập giá của Đức Giêsu trên bàn thờ. Do đó, như Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI đã nhắc nhớ các linh mục “các linh mục phải ý thức việc này là trong khi thi hành chức vụ họ không được đặt chính họ hay những ý kiến cá nhân họ lên trên, mà đặt chính Chúa Giêsu Kitô. Bất cứ ý đồ nào muốn làm cho mình trở thành trung tâm của cử hành phụng vụ đều mâu thuẫn với chính căn tính linh mục của họ. Linh mục trước hết là đầy tớ mọi người, và phải luôn hành động để là một dấu chỉ quy hướng về Chúa Kitô, một khí cụ ngoan ngoãn trong bàn tay của Chúa. Điều này được nhận thấy rõ nhất trong việc ngài khiêm tốn hướng dẫn cộng đoàn phụng vụ, trong sự tuân thủ nghi thức, đặt hết tâm trí vào đó, đồng thời tránh tất cả những gì tạo ra cảm tượng ngài nhấn mạnh thái quá đến con người của mình. Tôi khích lệ hàng giáo sĩ hãy luôn coi trọng việc cử hành thánh thể như một việc khiêm hạ dâng lên Chúa Kitô và Giáo hội người.”[iii]

Như vậy, để xứng đáng cho sự biến đổi thiêng liêng và cao quý ấy nơi con người linh mục. Nên để cử hành thánh lễ xứng đáng nhất thì linh mục cần có sự chuẩn bị gần và chuẩn bị xa trước khi cử hành thánh lễ. Trước hết đó chính là tâm hồn và sau đó là hình thức bên ngoài sao cho trang trọng. Với sự chuẩn bị như vậy linh mục mới ý thức được giá trị của việc mình sắp cử hành và mình đóng vai trò như thế nào trong cử hành ấy. Qua đó có thể với tâm hồn và với những chuẩn bị tương xứng người linh mục sẽ làm cho dân Chúa nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô ngay trong cộng đoàn phụng vụ của mình.

2. Bánh – Rượu biến đổi nên Mình Máu Thánh Chúa

Trong thánh lễ như chúng ta đã thấy ở trên, điều biến đổi trước tiên là nơi con người linh mục, sau đến, càng đi sâu vào thánh lễ chúng ta sẽ nhận thấy có những sự biến đổi khác nữa. Mà trong phần này chính là sự biến đổi bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh của Đức Giêsu.

Sau khi kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa thì tới phần phụng vụ Thánh thể. Khởi đầu cho phần này, Quy chế Sách Lễ Rôma số 73 mô tả: “bắt đầu phụng vụ Thánh Thể thì đưa lên bàn thờ các lễ phẩm sẽ trở thành Mình và Máu Đức Kitô…” Điều này cho thấy bánh và rượu có một giá trị quan trọng trong mọi thánh lễ. Cho nên, sau khi đã nhận bánh và rượu, thì vị tư tế sẽ lần lượt cầm bánh và rượu và đọc lời chúc tụng. Đây chính là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người để có được những sản phẩm của hoa màu ruộng đất. Để rồi với ân ban đó, từ Thiên Chúa và do công lao của con người, bánh và rượu được chọn lựa để trở nên lễ vật và nguyên liệu trở nên Mình Máu Thánh Chúa.

Phần chính yếu sẽ diễn ra ngay sau đó đấy chính là phần Kinh Nguyện Thánh Thể, là lúc mà bánh rượu sẽ được biến đổi nên Mình và Máu Thánh Đức Giêsu “Kinh Nguyện Thánh Thể là kinh nguyện quan trọng nhất trong tất cả các kinh nguyện, kinh nguyện này là trung tâm của mầu nhiệm, vì thế không có Kinh Nguyện Thánh Thể sẽ không có thánh lễ. Vào bữa tiệc ly, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, tức là Ngài dâng Kinh Nguyện Thánh Thể.”[iv]

Như vậy, khi bánh và rượu được dâng trên bàn thờ, thì đó cũng là lúc bắt đầu một hành trình tuyệt vời. Để rồi khi linh mục cầm bánh và rượu trong tay và qua Kinh Nguyện Thánh Thể thì bánh và rượu được biến đổi. Khi mang lên bàn thờ bánh chỉ là bánh, rượu cũng chỉ là rượu, nhưng khi linh mục đọc lời truyền phép “này là Mình Thầy… này là Máu Thầy” (x. 1 Cr 11,23-27), vậy bằng những lời mà chính xưa kia Đức Giêsu đã đọc và qua lời khẩn cầu Thánh Thần ngự xuống trên lễ vật thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Đức Giêsu.

Sự biến đổi đã xảy ra, khởi đầu là những lễ vật vật chất, giờ đây bánh được biến đổi thành “bánh từ trời”, thành “bánh hằng sống” (x. Ga 6,47-51), bánh mang lại phúc trường sinh bất diệt cho những ai lãnh nhận bánh ấy. Như vậy, đã xảy ra một sự biến đổi tuyệt diệu nơi thánh lễ. Kế đến, sau khi kết thúc đọc lời truyền phép thì linh mục đọc lớn tiếng mời gọi cộng đoàn: “đây là mầu nhiệm đức tin”, đây chính là lời diễn tả sâu thẳm của vị linh mục trên mầu nhiệm đang xảy ra. “Lời tung hô long trọng này đồng thời là một lời khẳng định, một lời loan báo và một lời mời ngỏ với mọi người. Vì Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin, nên nếu không có đức tin, ta không thể hiểu và không thể cử hành nó.”[v]Giờ đây, hiến lễ trên thập giá thực sự được tái diễn trên bàn thờ dưới hình bánh rượu. Trong sự biến đổi ấy là Đức Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh rượu.

Kinh nguyện thánh thể được kết thúc bằng cách thức trang trọng và đầy ấn tượng khi linh mục cầm “bánh và rượu” đã được truyền phép trong tay nâng cao và hát Vinh Tụng Ca. Đó là lời tóm kết toàn bộ ý nghĩa của Kinh Nguyện Thánh Thể để tôn vinh chúc tụng ngợi khen và tán dương Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô đang hiện diện đích thực trong hy tế trên bàn thờ là Mình và Máu Ngài nơi hình bánh và rượu.

3. Thánh Thể biến đổi người lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa

Sau Vinh tụng ca là phần hiệp lễ, bắt đầu bằng lời mời gọi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Đây là lời kinh của con cái dâng lên Cha mình. Chúng cũng là lời kinh để chuẩn bị tâm hồn người rước Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Sau kinh này thì vị chủ tế sẽ trao Mình Thánh cho Dân chúa. Vì Thánh Thể là một tặng phẩm trao ban nên chúng ta không phải tự ý đến mà lấy nhưng được đón nhận từ người khác. Hành vi này nói đến sự trao hiến của Đức Giêsu cho mỗi người chúng ta một cách nhưng không. Tặng phẩm Thánh Thể xưa kia được hiến tế trên thập giá vì chúng ta thì giờ đây trong thánh lễ lại được trao ban cho tất cả chúng ta.

Khi chúng ta ăn bánh bình thường thì bánh ấy sẽ được đồng hóa nên thân thể chúng ta. Nhưng với ‘bánh’ Thánh Thể thì khác chúng ta sẽ phải trở thành ‘bánh’ ấy. Cho nên khi “chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh thánh, đó là thân mình Đức Giêsu Kitô thì không phải Đức Giêsu Kitô trở thành chúng ta, nhưng đúng ra, chính chúng ta thực sự trở thành thân thể Ngài.”[vi]

Đấy là sự biến đổi nơi người lãnh nhận Mình và Máu Thánh Đức Giêsu. Khi trở nên thân mình Ngài là đưa đến sự biến đổi trong và nơi chúng ta. Chúng ta sẽ nghĩ giống Ngài, hành động giống Ngài và đi trong đường lối của Ngài. Khi đón nhận Thánh Thể là chúng ta chấp nhận một cách tự nguyện và vui tươi để sống một cuộc sống tương tự cuộc sống của Đức Giêsu Kitô. Vì thế, giây phút hiệp lễ là giây phút hạnh phúc nhất trong thánh lễ, vì là giây phút cảm nghiệm và nhận thức được Chúa Giêsu đang hiện diện, chính Đức Giêsu đang sống trong chúng ta. Mỗi người sẽ sống khoảnh khắc riêng tư với Đức Giêsu vì đã được trở nên thân mình của Ngài. Vì “rõ ràng mục đích của thánh thể là sự biến đổi của riêng chúng ta, nhờ đó chúng ta trở nên ‘một thân thể và một tinh thần’ với Đức Kitô (1 Cr 6,17). Thời kỳ tiền trung cổ, khái niệm kép về thân thể mầu nhiệm (corpus mysticum) và thân thể đích thực (corpus verum) đã tích hợp lại những tư tưởng này. Những tư tưởng sâu xa này là thánh thể có nghĩa là biến đổi chúng ta, thay đổi chính nhân tính vào trong đền thờ sống động của Thiên Chúa, vào trong thân thể Đức Kitô.”[vii]

Khi ý thức được hiệu quả tuyệt diệu của thánh thể làm biến đổi con người, chúng ta mới ý thức được giá trị cao cả của Thánh lễ. Thiên Chúa hằng sống trao ban chính Con Một của của Ngài cho chúng ta, người con đó đi vào cuộc đời chúng ta và mời gọi chúng ta tận hiến cho Ngài. Điều này chúng ta phải cảm nghiệm như tâm tình của thánh Phaolô “tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Chỉ có thế việc lãnh nhận Thánh Thể mới trở thành hành vi nâng cao và biến đổi con người.

Ở điểm này, văn kiện Tính Hỗ Tương giữa Đức Tin và Các Bí Tích trong Nhiệm Cục Bí Tích số 113 đã khẳng định “Đức tin của tín hữu được làm phong phú và củng cố nhờ sự hiệp thông mật thiết với Chúa Kitô. Tư cách Giáo hội của người tham gia Bí tích Thánh Thể, việc họ được lồng vào thân thể hữu hình của Chúa Kitô, được hiện thực hóa và tăng cường. Việc được tháp nhập vào Chúa Kitô có tầm cỡ đến nỗi Thánh Augustinô nói với các tín hữu: “Nếu bạn là chi thể của thân thể Chúa Kitô, thì mầu nhiệm của bạn nằm ở bàn tiệc của Chúa… Hãy trở thành điều bạn thấy và lãnh nhận điều bạn là”. Nói tóm lại, trong đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng Bí tích Thánh Thể giả thiết phải có cách hiện diện mãnh liệt nhất của Chúa Kitô giữa chúng ta, vì đó là một sự hiện diện đích thực, có tính xác thịt và bổ dưỡng. Vì lý do này, việc tham dự đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể theo quan điểm đức tin hàm nghĩa một hiệp thông tối đa với Chúa Kitô.”

Kết luận

Thánh lễ là trung tâm điểm của phụng vụ và cũng là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Nơi thánh lễ mọi Kitô hữu sẽ tìm gặp Thiên Chúa và kín múc mọi ân sủng qua Lời Chúa, Thánh Thể và các Bí tích. Hay nói khác đi qua thánh lễ người Kitô hữu sẽ được mời gọi mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn. Nhưng cũng qua thánh lễ chúng ta đã nhận thấy có những sự biến đổi thực sự và hiện tại trong thánh lễ. Những sự biến đổi ấy đòi hỏi chúng ta phải nhìn bằng cái nhìn đức tin. Nhưng những biến đổi ấy cũng củng cố đức tin của mỗi người Kitô hữu. Khi nhận thức được những thực tại thiêng liêng ấy đang diễn ra, chắc hẳn mỗi người sẽ tham dự thánh lễ hay cử hành Thánh Thể với tất cả sự ý thức và kính trọng. Hy vọng qua những gì được trình bày sẽ làm cho cộng đoàn phụng vụ, cả nơi vị chủ tế lẫn cộng đoàn thấy được vai trò của mình mỗi khi tham dự thánh lễ, và như thế sẽ sinh nhiều ích lợi thiêng liêng hơn cho đời sống tâm hồn mỗi người.[viii]

Ước gì vài điều suy nghĩ này sẽ giúp mỗi người chuẩn bị tâm hồn sốt sắng và củng cố lại ý thức về đời sống đức tin nơi Bí tích Thánh Thể để mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô sắp tới.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM
Trích nguồn: https://giaophanphucuong.org


[i] Phan Tấn Thành. Cử hành Bí Tích Tình Yêu, Đời Sống Tâm Linh, tập X. Học viện Đa Minh, 2012, tr 41.

[ii] Sdd tr 74.

[iii] ĐGH Bênêdictô XVI. Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 23.

[iv] Jean- Yves Garneau, SSS. Khám Phá Bí Tích Thánh Thể, Chuyển ngữ Ts Phanxico Nguyễn Bạch Dương, sss. Học viện thánh thể, Đông phương, 2014, trg 79-80.

[v] Ủy ban Thần học Quốc tế. Văn kiện: Tính Hỗ Tương giữa Đức Tin và Các Bí Tích trong Nhiệm Cục Bí Tíchsố 108, được trích dẫn từ http://www.vietcatholic.net/News/Html/256621.htm.

[vi] Jean- Yves Garneau, SSS. Khám Phá Bí Tích Thánh Thể, tr117.

[vii] ĐGH Bênêdictô XVI. Tinh Thần Phụng Vụ. Nxb Tôn giáo, Hà nội, 2008, tr 98.

[viii] Ngoài ra bài viết có tham khảo một số sách khác như: Phạm Đình Ái. Thánh Lễ Qua Dòng Thời Gian. Phương Đông, 2014; Keith Pecklers. Liturgy in A Postmodern World. Great Britain, 2003; Phạm Đình Ái. Cử Hành Hy Lễ Tạ Ơn. Học viện Thánh thể, 2012; Martinus Von Cochem, O.S.F. Thánh Thể Hy tế Tuyệt Vời. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2011; Nguyễn Văn Tuyên. Đây Là Mầu Nhiệm Đức Tin. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 200; Enrico Mazza. Cử Hành Thánh Thể, tập 1 và 2, lm Vincent Nguyễn Xuân Tuấn dịch. Nxb Tôn giáo, Hà nội, 2016; Legall. Phụng Vụ Hội Thánh. Không rõ nơi và năm xuất bản.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube