Thần Học Luân Lý (THLL) hay còn goị là Đaọ Đức Học Kitô Giáo, nhằm tìm hiểu những hàm ý chứa đựng trong mặc khải liên quan đến cách cư xử, hành vi và nhân cách của con người, để hướng dẫn cho chúng ta biết cách sống ở đời này như thế nào cho xứng hợp với danh nghĩa là con cái Thiên Chúa. Trong khi tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề nêu trên, khoa thần học luân lý đã tự khám phá ra hai mục tiêu chính:
Một mặt là về những vấn đề liên quan đến cuộc sống thường ngày của một người Kitô Hữu. Chẳng hạn như, sống đời sống Kitô Hữu nghĩa là gì? Làm thế nào để chúng ta có thể am hiểu tất cả những thuật ngữ về luân lý mà chúng ta thường sử dụng – tỷ dụ như: đúng hay sai, thiện và ác hay còn gọi là sự lành hay sự dữ, sự tội và nhân đức.
Một mặt khác, là về những vấn đề liên quan đến những lãnh vực có tính cách chuyên biệt hơn trong cuộc sống. Tỷ dụ như: đâu là hành động xứng hợp cho một Kitô hữu đối với các lãnh vực như công lý, tôn trọng sự sống của con người, nói sự thật, quyền sở hữu v.v…
Ngay từ đầu, thần học luân lý đã quan tâm để ý đến cả hai, tổng quát và cụ thể. Thực vậy, trong chiều hướng truyền thống Công Giáo cả hai lãnh vực đều được triển khai trong thần học luân lý tổng quát và thần học luân lý chuyên biệt. Mặc dù cả hai lãnh vực trên được liên kết với nhau một cách nghiêm túc và có sự tiếp nối lẫn nhau, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy được sự phân biệt rõ rệt của từng phần. Trong tập sách này, chúng ta chỉ quan tâm đến phần thần học luân lý tổng quát, bao gồm một số các nguyên tắc cơ bản về thần học luân lý.
Trong nổ lực kiếm tìm và ra sức đào sâu hơn nữa, để cho mỗi người trong chúng ta có thể thấu hiểu một cách chặt chẽ hơn những nguyên tắc căn bản của đời sống luân lý Kitô hữu. Mỗi chúng ta, có thể đặt sự chú ý của mình theo hình thức nội tại hay ngoại tại. Mỗi chúng ta, có thể đặt câu hỏi về tác nhân luân lý (moral agent) hoặc hành vi luân lý (moral action). Thêm vào đó, mỗi chúng ta có thể tự hỏi chính mình: “Tôi là ai” khi chúng ta muốn đáp trả lại Tin Mừng của Đức Kitô.
Đâu là những yếu tố cần thiết để tạo nên câu trả lời thật thỏa đáng. Đâu là ý nghĩa của sự tự do và kiến thức của con ngươì? Làm thế nào để chúng ta có thể tự chọn cho mình một lối sống xứng hợp với tư cách là con caí Thiên Chúa, và một đáp trả phù hợp với những yêu cầu của Tin Mừng.
Vai trò Lương tâm có liên hệ gì không trong những phán quyết hoặc chọn lựa của chính tôi về mặt luân lý. Đâu là ý nghĩa của sự tội và nhân đức. Nói tóm lại, tác nhân luân lý là ai?
Tất cả những điểm nêu trên và một số vấn đề khác nữa sẽ được lần lượt trình bày và đem ra phân tách, trong những chương sắp tới trong tác phẩm này, để chúng ta cùng nhau thảo luận và học tập, ngõ hầu xây dựng một nền tảng vững chắc về các nguyên tắc cơ bản trong đạo đức học Kitô giáo. Và ngang qua đó, hy vọng chúng ta sẽ tiếp cận được cái nhìn mới về bộ môn thần học luân lý, nhất là vào thời điểm hậu Công đồng Vaticanô II.
Cho nên, tôi đã nổ lực và ra sức cố gắng để soạn thảo cuốn sách này, nhằm đáp ứng một phần nào đó, cái nhu cầu cần thiết hiện nay về bộ môn thần học luân lý, đang được giảng dạy tại các Đại chủng viện và các Dòng tu tại Việt Nam. Ước mong nhỏ nhoi của tôi là cuốn sách này sẽ đem lại sự hữu ích thiết thực cho công việc học tập của quí nam nữ tu sĩ và chủng sinh. Giúp các bạn khám phá ra, trước tiên, là sự phong phú về truyền thống thần học luân lý trong Giáo hội Công Giáo, một kho tàng trong đó chứa đựng phần lớn tuí khôn loài người về cách hành xử, được tích lũy qua nhiều thế kỷ. Ngõ hầu các điều ấy sẽ đóng góp và giúp cho các bạn làm giàu cho cuộc sống đức tin của chính mình, đặc biệt hơn cả là những ứng xử về mặt luân lý. Đồng thời, tôi hy vọng ngang qua cuốn sách này, các bạn sẽ cảm nghiệm được những nỗi trăn trở và những hoàn cảnh éo le, trong cuộc sống nhiêu khê và phức tạp của con người, mà đôi khi trong những hoàn cảnh thực tại, không một chuẩn mực luân lý khách quan nào, có thể đưa ra câu trả lời cho thỏa đáng. Nói như vậy để chúng ta ý thức hơn về sự hữu hạn của chúng ta, nhất là về phương diện luân lý, để chúng ta có thể bước theo Chúa Giêsu và học nơi Ngài tấm lòng khiêm nhu, hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.
(Còn tiếp: mời quý vị đón đọc ở các bài sau)