Làm Chứng Cho Chúa Phục Sinh

LÀM CHỨNG CHO CHÚA PHỤC SINH
Tin Mừng Luca đoạn 24 bao gồm ba cảnh – các bà tại mộ trống (24, 1-12), hai môn đệ trên đường tới Emmau (24, 13-25), và các môn đệ tụ họp tại Giêrusalem (24, 36-49) – tiếp theo là một tường thuật ngắn của Luca về việc Chúa lên trời. Trong ba cảnh trên, các độc giả được tường trình về việc Chúa Giê-su sống lại và những lần Người hiện ra.

1. Các bà tại ngôi Mộ Trống
– “Hai người đàn ông” báo tin cho các bà
– Các bà báo tin cho các môn đệ đang tụ họp

2. Hai môn đệ trên đường tới Emmau
– Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ
– Ông Simon kể chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra với ông
– Hai môn đệ tường thuật lại chuyện của họ cho các môn đệ nghe

3. Các môn đệ ở Giêrusalem
– Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ đang tụ họp

Trước khi các môn đệ được nghe Chúa uỷ nhiệm “các con là chứng nhân” ở cuối cảnh ba, các ông phải tin rằng Chúa Giê su đã sống lại thật, diễn tiến này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Tường thuật của Luca về việc Chúa sống lại không chỉ xoa dịu những nỗi lo sợ và nghi ngờ của các khán giả nhưng cũng cam đoan với họ rằng họ cũng sẽ được gặp Chúa Phục Sinh khi đọc Kinh Thánh và dùng bữa ăn chung, hay nói một cách khác: nơi ngôn từ và bí tích. Kinh nghiệm thờ phụng của họ sẽ giúp chuẩn bị họ trở thành các chứng nhân.

Các phụ nữ tại mộ trống

Các phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê, họ là những người đầu tiên biết Chúa sống lại. Các bà đã “đứng đàng xa” khi Chúa bị treo trên cây thập giá và họ đã “chứng kiến” những điều xảy ra (23, 49). Họ vẫn ở lại đó cho tới khi ông Giuse Arimathê tháo xác Chúa xuống từ cây thập giá và đưa vào trong mộ: “những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm” (23, 55-56). Các bà đã đi theo Đức Giêsu trong một thời gian dài và vẫn ở lại với Người ngay cả khi Người đã chết.

“Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn để xức dầu cho xác Chúa như tục lệ vốn có khi chăm sóc xác kẻ chết.  Lúc họ đến, họ thấy mộ trống, không thấy xác Chúa đâu họ chưa hiểu được điều gì đã xảy ra. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ” (24,4). Mặc dầu “y phục sáng chói” giúp ta nghĩ ngay tới các thiên thần, nhưng cách mà thánh Luca mô tả hai nhân vật đó là “đàn ông” có thể dẫn thính giả tới một kết luận khác. Y phục họ “sáng chói” khiến ta liên tưởng tới biến cố Biến Hình (Lc 9, 28-36) có đoạn “y phục Chúa trở nên trắng tinh chói loà” khi Người nói chuyện với ông Môisê và ông Êlia, là hai nhân vật đại diện cho Lề Luật và các Tiên Tri mà Chúa sẽ cắt nghĩa sau này.

Hai người đàn ông nói với các phụ nữ, “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại”(24, 5-7). Để hiểu ý nghĩa của mộ trống, các bà phải “nhớ”. Các bà này đi theo Chúa từ Galilê được chỉ dẫn phải nhớ những điều Chúa đã dạy họ ở Galilê. Chúa đã báo trước về cuộc thương khó của mình hai lần khi Ngài còn ở tại Galilê, một lần ngay trước và một lần nữa ngay sau biến cố Hiển Dung. Chúa đã dùng hai lần tiên báo này để đóng khung biến cố Hiển Dung khi ông Moisê và Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu “về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (9,31). Các bà “nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói (24.8): “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (9, 22 &24). Khi nhớ lại những điều đó các bà bắt đầu tin và lập tức họ rời khỏi ngôi một trống để đi báo tin cho các môn đệ. Thật vậy, “nhớ lại” dẫn đến “làm chứng”.

Những thay đổi nơi Tin Mừng Luca từ nguồn Mác-cô

Cảnh này nơi Tin Mừng Luca dùng nguồn từ Mác-cô 16, 1-8. Phần lớn các học giả tin rằng Luca dùng Tin Mừng Máccô như một nguồn để soạn thảo Tin Mừng. Bất cứ những thay đổi Luca làm với bản văn Máccô đều cho thấy những điểm mà Luca đặc biệt nhấn mạnh. Có hai khác biệt lớn ở đây. Thứ nhất, trong văn bản Máccô, các bà tại mộ trống được dặn bảo rõ ràng rằng hãy nói với các môn đệ về việc Chúa sống lại: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô” (16,7). Trong văn bản Luca thì ngược lại, các bà không được chỉ dẫn để kể cho những người khác về sự sống lại, các bà chỉ được căn dặn là “hãy nhớ lại” (24,6)

Thứ hai, trong văn bản Mác-cô, các bà sau khi được dặn bảo đi công bố việc Chúa sống lại đã cảm thấy sợ hãi và các bà chẳng nói với ai cả: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi” (Mc 16,8). Ngược lại, nơi văn bản Luca, mặc dầu các bà được dặn đừng nói với ai, nhưng các bà đã tức thì làm chuyện đó. Nhớ lại những lời Chúa nói với họ ở Galilê  “khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy” (24,9).

Chúng ta có thể hiểu được cách các bà phản ứng nơi Tin Mừng Mác-cô, vì họ đã nhận được một tin không thể tưởng tượng nổi. Các bà có lẽ không thể tin vào tai và mắt mình. Các bà tin chắc là nếu mình có nói ra thì cũng chẳng ai tin. Thánh sử Mác-cô có lẽ muốn thính giả thất vọng với hành vi của các bà – Sao vậy? Họ chẳng nói với ai ư? Nhưng đây là một tin trọng đại mà! và từ sự thất vọng này, các thính giả sẽ làm điều mà các bà đã không làmđó là chia sẻ tin mừng. Còn với các bà trong Tin Mừng Luca thì ngược lại, các bà là những chứng nhân mẫu mực. Các bà nhớ những điều Chúa đã nói với họ và họ loan báo tin mừng Chúa phục sinh mà chẳng cần chờ ai thúc giục.

Phản ứng của các môn đệ khi nghe các bà báo tin

Những chứng nhân đầu tiên cho việc Chúa sống lại đã gặp phải những người không tin. Khi các bà nói với các môn đệ về việc Chúa sống lại “thì các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (24.11). Tuy nhiên những lời của đã không hoàn toàn bị xếp xó. Trước tiên, “ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra” (24,12). Ông Phêrô cũng đã tin chút ít điều các bà nói nên ông chạy ra mộ để tìm hiểu thêm. Kế đến là hai môn đệ trên đường đi Emmau kể rằng “có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống” (24,22-23). Đấy lời các bà nói đã được nghe, được nhớ, và ngay cả dẫn đến hành động nữa, thế nhưng các môn đệ không thể tin rằng Chúa Giêsu đã phục sinh.

Tại sao lời các bà nói không đủ thuyết phục? Họ là những môn đệ gương mẫu, họ nghe tin loan báo, họ nhớ lại những điều Chúa Giê-su đã nói, và họ tin. Họ là những chứng nhân mẫu mực, họ loan báo ngay lập tức những điều họ nghe. Có một vài giả thuyết được đưa ra để giải thích việc các môn đệ không tin vào lời báo cáo của các bà, và có lẽ không phải chỉ các môn đệ là không tin vì còn những người khác cũng không tin. Giả thuyết thứ nhất có tính lịch sử: vào thời Luca viết sách, lời chứng của các phụ nữ thường được coi là không đáng tin, trong sách Tông Đồ Công Vụ, chỉ có đàn ông được phục vụ như các tông đồ và được loan báo Tin Mừng. Giả thuyết thứ hai có tính cách tâm lý: Tin được loan báo quá đỗi lớn lao nên cần thêm chứng cứ để thuyết phục người nghe. Giả thuyết thứ ba có tính văn chương: Luca cung cấp cho khán giả những ví dụ cụ thể về việc các môn đệ đã bán tin bán nghi như họ đã từng có lần kinh nghiệm. Luca diễn tả việc các môn đệ do dự trong việc tin Chúa sống lại như một phương cách để trấn an độc giả hay thính giả là những người đang cố gắng tin.

Hai môn đệ trên đường tới Emmau

Trong cảnh hai của Tin Mừng Luca chương 24, Clêopas và người môn đệ thứ hai không được gọi tên trên đường rời khỏi Giêrusalem. Hướng đi của họ cho thấy họ đã mất niềm tin nơi Chúa Giê-su. Họ đã “hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” (24, 21), nhưng giờ đây Chúa Giê-su đã chết thế nên chẳng còn lý do nào nữa để ở lại Giêsusalem. Trên đường đi hai môn đệ này gặp Chúa, “Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (24.16). Người “lạ” này dùng Kinh Thánh giải thích kinh nghiệm của họ: “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (24,27).  Nhưng họ không nhận ra Chúa.

Chỉ tới lúc bẻ bánh hai môn đệ này mới nhận ra Chúa. Sau khi mời khách lạ ở lại với họ, họ ngồi vào bàn để cùng ăn tối. “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (24.30). Những lời Chúa truyền phép Thánh Thể trong đêm trước khi bị đóng đinh trên thập giá vang vọng trong tâm trí người đọc: “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (22,19). Đang khi bẻ bánh trong bữa ăn chung, những môn đệ cuối cùng cũng nhận ra Chúa: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (24,31). Sau khi nhận biết Chúa trong lúc bẻ bánh, hai môn đệ ở Emmau lập tức quay trở lại Giêrusalem để kể chuyện đã xảy ra với họ.

Không phải sự hiện diện hữu hình của Chúa Giê-su đã khiến các môn đệ tin. Nhưng chính là việc họ nhận ra Ngài khi bẻ bánh. Thính giả của Luca cũng có cơ hội này. Họ được gặp Chúa trong bữa tiệc Thánh thể. Khả năng được chiêm ngắm Chúa Phục Sinh không chỉ dành riêng cho các môn đệ đầu tiên.

Trở lại Giêrusalem  

Ở Giêrusalem hai môn đệ này gặp những người khác đầy hứng khởi bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn” (24,34). Điều gì đã khiến họ tin vào Chúa sống lại vậy? Hãy nhớ lại những giả thuyết đưa ra để giải thích tại sao họ không tin vào lời các phụ nữ nói. Có lẽ họ dễ tin vào lời chứng của đàn ông hơn. Và có lẽ một tường trình từ ai đó sẽ dễ thuyết phục hơn nếu người ấy đã thực sự gặp Chúa Phục Sinh. Cũng có lẽ thời gian trôi qua cũng khiến biến cố Chúa Phục Sinh ít “gây sốc” hơn. Lời chứng của hai môn đệ trở về từ Emmau đã xác nhận điều mà các môn đệ ở Giêrusalem nay bắt đầu tin.

Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ đang tụ họp

Trong cảnh ba và cảnh cuối của Tin Mừng Luca chương 24, sự sợ hãi và lo âu lại nổi lên. Mặc dầu có vẻ như các môn đệ ở Giêrusalem tin Chúa sống lại, nhưng khi Chúa Phục Sinh hiện ra giữa họ, niềm hân hoan của họ lại lặn đâu mất. “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”(24,37). Chúa Giêsu an ủi các môn đệ sợ hãi và ngờ vực: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?”(24,38). Để trấn an họ, Người tỏ cho họ thấy thân xác của Người:” Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? (24,39). Để tỏ cho thấy Người không phải là ma, Chúa ăn “một khúc cá nướng”(24,32). Luca đã dùng nỗi sợ hãi của các môn đệ như một cơ hội tốt để cho thấy thân xác phục sinh là một thân xác thể lý; Chúa Giêsu thực sự sống lại từ cõi chết. Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cũng như môn đệ của những thế hệ tiếp theo cần được trấn an.

Trong cảnh thứ ba, Luca lập lại thông điệp của Đức Giêsu ở hai cảnh trước, nhưng với thứ tự được đảo ngược. Đối với hai môn đệ trên đường đi Emmau Chúa dẫn giải cho họ “khởi từ Môisê và hết thảy các tiên tri” (24,27); nhưng đối với các môn đệ ở Giêrusalem, Người giải thích mọi điều “viết về (Người) trong luật Môsê và các tiên tri cùng Thánh Vịnh” (24.44). Các phụ nữ có mặt tại mộ đã được nhắc rằng Đức Giêsu chịu chết và sống lại “vào ngày thứ ba” (24,7). Kinh thánh và những lời Đức Giêsu phán dạy rất cần cho các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu và những thính giả sau này của Luca để xóa tan những nghi ngờ và để thúc giục các tín hữu đi làm nhân chứng.

Những môn đệ này gặp Đức Giêsu Phục Sinh trong bữa ăn chung và trong Kinh thánh nay được sai đi. Xoay quanh từ những điều Ngài đã làm tới những điều các môn đệ sắp làm, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Về các điều ấy, các ngươi là chứng nhân” (24.48). Cũng như các môn đệ đầu tiên làm chứng cho những lời Chúa giảng dạy, cho cái chết và sự phục sinh của Người, thì các thính giả của Luca cũng làm chứng cho những điều này qua Kinh Thánh và nghi thức bẻ bánh, qua ngôn từ và bí tích.

Dulcinea Boesenberg
Luke Khổng Quang chuyển ngữ

Trích nguồn: https://gpquinhon.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube