Luận Chứng Đơn Giản Về Thần Tính Của Đức Giêsu

Trước đây vài năm, một cặp vợ chồng thuộc tôn phái Chứng nhân Giêhôva đã gõ cửa nhà và làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi biết tôn phái Chứng nhân Giêhôva là một nhóm ngụy Kitô giáo với một số niềm tin khá kỳ quặc, nhưng tôi đã không hiểu được họ thực sự nguy hiểm ra sao. Qua cuộc trao đổi với những nhà truyền giáo này, tôi nhận ra rằng nhóm này không chỉ cố quảng bá cách hiểu sai lạc của họ về Tin mừng. Họ tích cực săn đuổi sự thiếu hiểu biết của mọi người về Kinh thánh và lịch sử Kitô giáo, và tẩy não để các thành viên trong nhóm chấp nhận mọi điều họ cung cấp mà không đặt bất kỳ nghi vấn nào.

Chứng nhân Giêhôva chính là một tôn phái (thậm chí quy mô có thể rộng hơn đôi chút), vậy nên chúng ta cần phải biết cách để đáp lại những lập luận và bác bỏ những niềm tin dị biệt của họ. Chúng ta cần có khả năng bảo vệ bản thân và những người mình yêu mến khỏi lối ngụy biện thần học của họ, và một trong những cách thức tốt nhất để làm điều này là có được một hiểu biết chắc chắn về giáo huấn của Kinh thánh liên quan đến thần tính của Đức Giêsu.

Có thể thấy tôn phái Chứng nhân Giêhôva tin rằng Đức Giêsu đơn giản là một thụ tạo chứ không phải Thiên Chúa, và những người truyền giáo đi từng nhà của họ thường cố gắng chứng minh điều này khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Do vậy, tuyến phòng thủ đầu tiên của chúng ta để chống lại họ là khả năng lật tẩy tư tưởng sai lạc này, và đó là điều tôi muốn thảo luận trong bài viết hôm nay. Chủ đề này thật rộng lớn đến mức chúng ta rõ ràng không thể phân tích mọi điều Kinh thánh đề cập về nó, tuy nhiên chúng ta thể xem xét đến một phương hướng then chốt, theo đó, Tân ước đã dạy cách hiển nhiên rằng Đức Giêsu thực sự là Thiên Chúa.

Giêrusalem Mới

Chúng ta cùng đến với Khải huyền, cuốn sách cuối cùng của Kinh thánh. Đây là một cuốn sách rất khó hiểu và bí hiểm, do vậy thường khó dùng để chứng minh bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, nó cũng chứa một số đoạn văn rất rõ ràng, và một trong số đó nằm ở chương kế cuối. Bản văn này cho chúng ta biết rằng Giêrusalem mới (danh xưng của Khải huyền để chỉ sự hồi phục công trình tạo dựng mà Thiên Chúa sẽ hoàn tất vào thời điểm Đức Giêsu tái lâm) sẽ không còn đền thờ, và đưa ra lý do chính xác:

“Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành” (Kh 21,22).

Thoạt nhìn, câu này có thể khó hiểu. Chúa Cha (“Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn năng”) và Đức Giêsu (“Con Chiên”, một trong những danh xưng phổ biến nhất mà Khải huyền áp dụng cho Đức Giêsu) là đền thờ của Giêrusalem mới thật ra nghĩa là gì? Có vẻ chẳng có gì rõ ràng, do đó, theo hướng này, bạn có thể nghĩ rằng tôi đang dẫn bạn đi đến một ngõ cụt thần học. Nhưng hãy kiên trì cùng tôi. Một khi chúng ta hiểu được bối cảnh Cựu ước của câu này, ý nghĩa của nó sẽ thực sự sáng tỏ.

Nhà Thiên Chúa

Đối với dân Israel ngày xưa, đền thờ là nhà của Thiên Chúa, là nơi cư ngụ của Người trên trần gian (1V 6,1-2; 8,12-13; Cv 7,45-47), và họ sẽ tới đây khi muốn gặp gỡ Người. Chẳng hạn, hãy xem đoạn văn được trích từ thánh vịnh sau đây:

“Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài”
(Tv 63,1-2; x. Tv 84,1-4.10; 42,1-4).

Khi dân Israel xưa muốn gặp Thiên Chúa, khi linh hồn họ khao khát được ở trong sự hiện diện của Người, họ đi đến đền thờ, và họ làm như thế vì đền thờ là nhà của Thiên Chúa. Đền thờ là nơi Thiên Chúa đang ngự giữa dân Người, và đây chính là chìa khóa để hiểu được lời tuyên bố lạ thường của Khải huyền, rằng Chúa Cha và Đức Giêsu sẽ chính là đền thờ của Giêrusalem mới.

Thiên Chúa và Con Chiên

Tuyên bố trên cho thấy Giêrusalem mới không cần đến một đền thờ theo nghĩa đen, vì Thiên Chúa sẽ trực tiếp gặp gỡ dân Người. Họ không cần phải đi đến nơi chốn đặc biệt nào để tiếp xúc và ở lại với Người. Thay vào đó, sự hiện diện viên mãn của Thiên Chúa dành sẵn cho tất cả vào mọi lúc.

Nhưng hãy lưu ý, Khải huyền không chỉ nói rằng Thiên Chúa sẽ hiện diện với dân Người. Bản văn còn nói rằng Đức Giêsu cũng sẽ hiện điện với họ. Một phần lý do của việc Giêrusalem mới không cần đền thờ là vì Đức Giêsu sẽ gặp gỡ trực tiếp với mọi người, và điều này chỉ có ý nghĩa nếu Ngài là Thiên Chúa. Nếu không thì sự hiện diện của Ngài không thể bãi bỏ tính thiết yếu của đền thờ. Chỉ có sự hiện diện của Thiên Chúa mới có thể làm điều đó.

Bất kể thế nào, nếu Đức Giêsu thật sự là Thiên Chúa thì tuyên bố trên mới có ý nghĩa đầy đủ. Giêrusalem mới sẽ không cần đền thờ, bởi vì cả Chúa Cha và Chúa Con, hai ngôi vị thần linh mà Khải huyền đặt trọng tâm (Chúa Thánh Thần cũng hiện hiện nhưng cuốn sách không tập trung quá nhiều vào Ngài), sẽ gặp gỡ trực tiếp với con người.

Vì thế, lần tới khi bạn thảo luận về thần tính của Đức Giêsu với thành viên phái Chứng nhân Giêhôva, hãy thử chỉ ra câu nói trên từ sách Khải huyền. Lập luận này có thể không rõ ràng tức khắc đối với mọi người, nhưng một khi xem xét kỹ, chúng ta không thể bác bỏ nó. Nó cho thấy Đức Giêsu thực sự là Thiên Chúa, vậy nên tôn phái Chứng nhân Giêhôva chỉ đang rêu rao một thứ tin mừng hư ngụy.

Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Trích nguồn: https://gpquinhon.org/q/than-hoc

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube