Vài nét sơ lược về Thần học Luân lý

Phần giới thiệu

Thần Học Luân Lý (THLL) hay còn goị là Đaọ Đức Học Kitô Giáo, nhằm tìm hiểu những hàm ý chứa đựng trong mặc khải liên quan đến cách cư xử, hành vi và nhân cách của con người, để hướng dẫn cho chúng ta biết cách sống ở đời này như thế nào cho xứng hợp với danh nghĩa là con cái Thiên Chúa. Trong khi tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề nêu trên, khoa thần học luân lý đã tự khám phá ra hai mục tiêu chính:

Một mặt là về những vấn đề liên quan đến cuộc sống thường ngày của một người Kitô Hữu. Chẳng hạn như, sống đời sống Kitô Hữu nghĩa là gì? Làm thế nào để chúng ta có thể am hiểu tất cả những thuật ngữ về luân lý mà chúng ta thường sử dụng – tỷ dụ như: đúng hay sai, thiện và ác hay còn gọi là sự lành hay sự dữ, sự tội và nhân đức.

Một mặt khác, là về những vấn đề liên quan đến những lãnh vực có tính cách chuyên biệt hơn trong cuộc sống. Tỷ dụ như: đâu là hành động xứng hợp cho một Kitô hữu đối với các lãnh vực như công lý, tôn trọng sự sống của con người, nói sự thật, quyền sở hữu v.v…

Ngay từ đầu, thần học luân lý đã quan tâm để ý đến cả hai, tổng quát và cụ thể. Thực vậy, trong chiều hướng truyền thống Công Giáo cả hai lãnh vực đều được triển khai trong thần học luân lý tổng quát và thần học luân lý chuyên biệt. Mặc dù cả hai lãnh vực trên được liên kết với nhau một cách nghiêm túc và có sự tiếp nối lẫn nhau, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy được sự phân biệt rõ rệt của từng phần. Trong tập sách này, chúng ta chỉ quan tâm đến phần thần học luân lý tổng quát, bao gồm một số các nguyên tắc cơ bản về thần học luân lý.

Trong nổ lực kiếm tìm và ra sức đào sâu hơn nữa, để cho mỗi người trong chúng ta có thể thấu hiểu một cách chặt chẽ hơn những nguyên tắc căn bản của đời sống luân lý Kitô hữu. Mỗi chúng ta, có thể đặt sự chú ý của mình theo hình thức nội tại hay ngoại tại. Mỗi chúng ta, có thể đặt câu hỏi về tác nhân luân lý (moral agent) hoặc hành vi luân lý (moral action). Thêm vào đó, mỗi chúng ta có thể tự hỏi chính mình: “Tôi là ai” khi chúng ta muốn đáp trả lại Tin Mừng của Đức Kitô.

Đâu là những yếu tố cần thiết để tạo nên câu trả lời thật thỏa đáng. Đâu là ý nghĩa của sự tự do và kiến thức của con ngươì? Làm thế nào để chúng ta có thể tự chọn cho mình một lối sống xứng hợp với tư cách là con caí Thiên Chúa, và một đáp trả phù hợp với những yêu cầu của Tin Mừng.

Vai trò Lương tâm có liên hệ gì không trong những phán quyết hoặc chọn lựa của chính tôi về mặt luân lý. Đâu là ý nghĩa của sự tội và nhân đức. Nói tóm lại, tác nhân luân lý là ai?

Tất cả những điểm nêu trên và một số vấn đề khác nữa sẽ được lần lượt trình bày và đem ra phân tách, trong những chương sắp tới trong tác phẩm này, để chúng ta cùng nhau thảo luận và học tập, ngõ hầu xây dựng một nền tảng vững chắc về các nguyên tắc cơ bản trong đạo đức học Kitô giáo. Và ngang qua đó, hy vọng chúng ta sẽ tiếp cận được cái nhìn mới về bộ môn thần học luân lý, nhất là vào thời điểm hậu Công đồng Vaticanô II.

Lẽ đó, tôi đã nổ lực và ra sức cố gắng để soạn thảo cuốn sách này, nhằm đáp ứng một phần nào đó, cái nhu cầu cần thiết hiện nay về bộ môn thần học luân lý, đang được giảng dạy tại các Đại chủng viện và các Dòng tu tại Việt Nam. Ước mong nhỏ nhoi của tôi là cuốn sách này sẽ đem lại sự hữu ích thiết thực cho công việc học tập của quý nam nữ tu sĩ và chủng sinh. Giúp các bạn khám phá ra, trước tiên, là sự phong phú về truyền thống thần học luân lý trong Giáo hội Công Giáo, một kho tàng trong đó chứa đựng phần lớn tuí khôn loài người về cách hành xử, được tích lũy qua nhiều thế kỷ. Ngõ hầu các điều ấy sẽ đóng góp và giúp cho các bạn làm giàu cho cuộc sống đức tin của chính mình, đặc biệt hơn cả là những ứng xử về mặt luân lý. Đồng thời, tôi hy vọng ngang qua cuốn sách này, các bạn sẽ cảm nghiệm được những nỗi trăn trở và những hoàn cảnh éo le, trong cuộc sống nhiêu khê và phức tạp của con người, mà đôi khi trong những hoàn cảnh thực tại, không một chuẩn mực luân lý khách quan nào, có thể đưa ra câu trả lời cho thỏa đáng.Nói như vậy để chúng ta ý thức hơn về sự hữu hạn của chúng ta, nhất là về phương diện luân lý, để chúng ta có thể bước theo Chúa Giêsu và học nơi Ngài tấm lòng khiêm nhu, hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.

Một vài nét sơ lược về Thần học Luân lý

Thần Học Luân Lý là một phần trong khoa thần học. Thần học luân lý  dùng  đức tin Kitô Giáo và lý trí để tìm kiếm và vạch ra một phương hướng cho con người cần phải nêu theo để đạt tới mục tiêu tối hậu của chính mình.

Thần học tín lý, kết hợp với thần học luân lý làm thành thần học hệ thống. Như chúng ta biết, thần học hệ thống có nhiệm vụ tìm hiểu theo thứ tự luận lý các chân lý về Thiên Chúa, về công trình sáng tạo của người, công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô và con đường đưa thụ tạo đến với Thiên Chúa. Thần học tín lý có đặc tính là biện luận, suy tư về bản tính Thiên Chúa và công trình sáng tạo mới trong Đức Kitô. Còn thần học luân lý  thì có đặc tính thực tiễn hơn. Nó sẽ tận dụng những trực giác thần học và nhân học của thần học tín lý, thêm vào đó là những khám phá của các ngành khoa học khác nhau về con người và thiên nhiên, để rút ra những kết luận cho hành vi con người, cũng như hướng dẫn chúng ta thực hiện mục tiêu cuối cùng cuả mình.

Một môn có liên hệ mật thiết với thần học luân lý là khoa Đạo Đức Học (Ethics) hay Triết Học Luân Lý (Moral Philosophy). Khoa này cũng tìm cách thiết lập những nguyên tắc và qui luật hướng đến đời sống luân lý của con người. Nhưng ngược lại với khao thần học luân lý, khoa triết học luân lý hoàn toàn loại bỏ mặc khải của Thánh Kinh (Cựu Ứơc & Tân Ứơc), không lấy đó làm nguồn cung cấp sự hiểu biết và hướng dẫn luân lý cho mình. Các trực giác của khoa triết học luân lý chỉ rút ra từ lý trí và từ sự mặc khải tổng quát, được ban cho hết mọi người nhờ sự hiện diện của Thần khí Thiên Chúa khắp mọi nơi. Trong khi ấy, thì thần học luân lý được giúp đỡ không những bởi lý trí và mặc khải tổng quát mà còn bởi mặc khải thiết định của Thiên Chúa trong Thánh Kinh và nơi Đức Kitô qua các giáo huấn luân lý của Ngài, nên chúng ta có quyền hy vọng rằng những trực giác của thần học luân lý về mục tiêu cuối cùng ấy sẽ được đầy đủ hơn, vừa có thêm chiều kích mới. Nói chi tiết hơn, thần học luân lý sẽ biện luận theo 4 hình thức sau đây.

Trước hết, tham khảo các giáo huấn luân lý trong các tác phẩm Kinh Thánh; phải luôn luôn dành một vị trí ưu tiên cho các giáo huấn ấy trong việc biện luận thần học.

Thứ đến,  cứu xét qúa trình phát triển của một của một giáo thuyết hay một chuẩn mực luân lý trong lịch sử, dĩ nhiên nhấn mạnh đặc biệt tới quá trình phát triển của chúng ta trong lịch sử Kitô giáo, dù vẫn không bỏ qua sự phát triển ấy trong lịch sử ngoài Kitô giáo.

Kế tiếp là tìm hiểu giáo huấn chính thức của thẩm quyền Giáo Hội và việc thực hành cụ thể mà lâu nay Giáo Hội  vẫn theo đuổi. Ở đây phải dành một thế gía đặc biệt cho giáo huấn của các Công Đồng và các đức Giáo Hoàng. Các Hội Đồng Giám Mục quốc gia, cũng như suy tư và giảng dạy của các nhà thần học luân lý hiện nay, những bất đồng và đồng ý của họ với nhau cũng đáng cho ta chú ý.

Cuối cùng, là một phương pháp có tầm quan trọng quyết định là sử dụng các lập luận của lý trí thuần túy. Các lập luận ấy sẽ được đưa ra dựa trên hai nền tảng, có thể xác  định vắn tắt như sau:

  • Một là dựa vào Hữu Thể (Ontological)
  • Hai là dựa vào Cánh Chung (eschatological)

Bắt đầu từ hữu thể để suy tư chính là tìm hiểu bản tính cụ thể và đang có của con người và của thế giới chung quanh. Để thực hiện điều này, chúng ta cần sự giúp đỡ của khoa thần học và triết học cũng như những phân tích của nó. Tuy nhiên, những trực giác của khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên như Tâm Lý Học, Xã Hội Học, Nhân Học, Y Học… cũng có tầm quan trọng không kém. Những khoa học ấy sẽ cung cấp thông tin cho chúng ta biết, đâu là hậu qủa mà khi hành động con người sẽ gây ra cho bản thân mình, cho tha nhân, cho xã hội và cho thế giới noí chung. Các hậu qủa ấy rất quan trọng trong việc giúp ta đánh giá một hành vi về mặt luân lý, dù đó không phải là cơ sở duy nhất.

Điều mà chúng ta cần lưu ý là muốn quyết định xem con người nên lựa chọn điều nào, trong vô số khả năng mở ra cho mình thì dựa vào hữu thể thôi chưa đủ. Mà cần phải bổ túc thêm bằng cách cứu xét đến cứu cánh luận (Teleology) và cánh chung luận nữa (Eschatology). Hai khoa này sẽ cho ta biết về mục tiêu phải đạt tới, mẫu người cần trở thành và việc cần phải làm. Song cũng cần chú ý là không phải cả 4 kiểu biện luận trên đây, luôn luôn được dùng để kiểm chứng một giáo thuyết luân lý. Có nhiều vấn đề hiện nay không được nhắc đến trong Kinh Thánh hay trong các tác phẩm thần học trước đây. Cũng có lúc một giáo thuyết nọ lại được mọi người rộng rãi đón nhận, tới mức không cần phải nghiên cứu chi tiết lịch sử qúa khứ của giáo thuyết đó nữa. Đang khi đó, đối với các giáo thuyết  còn bị tranh luận, ta cần phải nghiên cứu cẩn thận mọi lý chứng hiện có. Như vậy, hầu như không bao giờ được miễn công việc biện luận thuần lý.

Để tóm lược những tư tưởng chủ yếu về thần học luân lý tổng quát, tôi xin mạn phép đúc kết như sau: thần học luân lý tổng quát cứu xét những điều kiện và đặc tính tổng quát mà hành vi nào của con người cũng phải có, thì mới giúp đạt được mục tiêu cuối cùng của mình. Thần học luân lý tổng quát sẽ bàn đến cứu cánh của con người, các chuẩn mực khách quan làm thành tính luân lý như luật Thiên Chúa, luật Tự nhiên và luật con người/nhân luật, chuẩn mực chủ quan như lương tâm, việc thực hiện các giá trị luân lý qua các hành vi nhân linh, tội lỗi tức là các hành vi xấu về mặt luân lý, sự hoán cải, các nhân đức và sự hoàn hảo của con người trong sự thánh thiện.

Sau đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu Thần Học Luân Lý là gì?
(Còn tiếp: mời quý vị đón đọc ở các bài sau).

 

Linh mục Trần Mạnh Hùng
Tác giả giữ bản quyền – Copyright©2024 by the Author.


[1] . Trích trong tác phẩm Thần học luân lý, một cái nhìn mới. Tác giả Lm Trần Mạnh Hùng (NXB Tôn Giáo. XB 2012).

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube