Làm sao tôi có thể đọc hết một bộ sách dày như thế? Làm sao tôi có thể hiểu Kinh Thánh trong khi thậm chí các học giả cũng không thể hiểu? Làm sao tôi có thể hiểu Kinh Thánh trong khi có quá nhiều ý kiến trái ngược và chia rẽ trong việc hiểu Kinh Thánh? Làm sao tôi có thể hiểu Kinh Thánh, một quyển sách được viết bằng ngôn ngữ cổ, viết về những sự kiện đã xảy ra rất lâu rồi? Tại sao tôi cần đọc Kinh Thánh khi tôi dường như biết khá rõ về Kinh Thánh mà chẳng cần đọc nữa? Trên đây là những loại câu hỏi mà người ta thường gặp phải khi họ cân nhắc xem có nên tìm hiểu, học hỏi về Kinh Thánh hay không? Đó là những rào cản khiến người ta khó bắt đầu để tìm hiểu Kinh Thánh một cách nghiêm túc. Chúng ta hãy cùng nhau giải đáp những thắc mắc vừa nêu để có thể hiểu Kinh Thánh tốt hơn.
Trước tiên, Kinh Thánh không phải chỉ là một quyển sách dầy cộm đầy chữ. Kinh Thánh là một thư viện nhỏ gồm nhiều quyển sách. Mọi quyển sách trong Kinh Thánh khác nhau và độc đáo. Bạn không cần đọc hết các sách trong “thư viện” này từ đầu tới cuối. Bạn chỉ cần lựa một vài trong số nhiều sách khác nhau trong Kinh Thánh. Nếu được như vậy, việc đọc Kinh Thánh của bạn sẽ bớt nặng nề hơn.
Thứ hai, Kinh Thánh không hề khó. Kinh Thánh chính yếu do những người đơn sơ như người đánh cá, người thợ nhuộm, người chăn chiên… viết ra. Những sách Kinh Thánh được viết ra đã dùng kinh nghiệm của con người để mô tả sự hiện diện và hướng dẫn của Thiên Chúa và những kinh nghiệm đó không hề chứa dựng bất cứ ngôn ngữ nào quá mơ hồ. Kinh Thánh diễn tả đức tin của những con người bất toàn như chính chúng ta, những người vốn tin rằng Thiên Chú chăm sóc và hành động trong cuộc sống họ.
Thứ ba, Kinh Thánh không bao giờ khiến người ta xung đột hay mâu thuẫn với nhau. Việc dùng Kinh Thánh để chứng minh quan điểm, để vạch ra cái sai của người khác là một loại lạm dụng Kinh Thánh. Chúng ta cần tiếp cận Kinh Thánh với lòng khiêm tốn và thái độ ngạc nhiên; Kinh Thánh là văn học thánh của dân Thiên Chúa.
Thứ tư, Kinh Thánh được viết từ lâu, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể xâm nhập thế giới cổ xưa đó. Có nhiều cách để nối liền thế giới của quá khứ đó và thế giới ngày nay. Chúng ta có những bản dịch bằng tiếng Việt hiện đại. Chúng ta có nhiều công cụ, bản đồ, từ điển, chú giải mà chúng ta có thể dùng để hiểu thế giới trong quá khứ tốt hơn. Chúng ta cần cảm ơn các học giả Kinh Thánh về điều này.
Thứ năm, Kinh Thánh không chỉ là quyển sách của quá khứ nhưng Kinh Thánh còn là quyển sách của con người đương thời. Những nhu cầu và kinh nghiệm căn bản của con người là nỗ lực và vươn tới Thiên Chúa thì luôn giống nhau đối với mọi người mọi thời, mọi nơi. Những vấn nạn và thách đố của đời sống chúng ta cũng giống hệt như những vấn nạn và thách đố của những con người trong Kinh Thánh trong quá khứ. Do đó, Kinh Thánh có thể trả lời cho những vấn nạn của con người hiện đại hôm nay.
Thứ sáu, Kinh Thánh là một nơi đặc biệt mà chúng ta có thể kinh nghiệm Thiên Chúa đang đối thoại với chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy rằng mọi thứ đang diễn tiến yên ổn cho dù chúng ta không đọc Kinh Thánh, chúng ta hãy ý thức rằng Kinh Thánh có thể mang lại cho chúng ta những điều thú vị hơn cuộc sống hiện tại của chúng ta. Mặc dầu Thiên Chúa đối thoại với chúng ta qua nhiều cách, nhưng trong Kinh Thánh chúng ta được bảo đảm rằng chúng ta kinh nghiệm sự hiện diện và rằng chân lý của Chúa đang mời gọi chúng ta đến một cuộc gặp gỡ và hiểu biết sâu xa hơn. Thánh Jerome nói rằng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Công đồng Vatican nói với giáo hội ngày nay khi tuyên bố:
Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực thế, trong các sách thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội.
(Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa,số 21; GLHTCG, số 104)
Công Tùng, SJ
Trích nguồn: https://mucvugiaodan.org