Đời Sống Vĩnh Cửu Trong Kinh Thánh Và Truyền Thống

ĐỜI SỐNG VĨNH CỬU TRONG KINH THÁNH VÀ TRUYỀN THỐNG

Tác giả nhìn lại sự tiến triển của ý tưởng “đời sống vĩnh cửu” từ những gợi ý trong Cựu ước cho đến những lối diễn tả khác nhau trong Tân ước (Tin mừng nhất lãm, thánh Phaolô, thánh Gioan). Từ nền tảng Kinh thánh truyền thống Kitô giáo dần dần cô đọng vào khái niệm “nhìn thấy Thiên Chúa”, tuy không thiếu những khó khăn khi giải thích quan niệm ấy. Những canh tân thần học trong thế kỷ XX đã muốn nhìn lại toàn diện vấn đề, nêu bật chiều kích lịch sử và cộng đồng của sự thông hiệp với Thiên Chúa. (Lưu ý về việc dịch thuật. Vita aeterna trong tiếng Latinh có thể chuyển dịch sang tiếng Việt bằng nhiều thuật ngữ: đời sống vĩnh cửu, sự sống đời đời, cuộc sống vĩnh hằng, cuộc sống bất diệt, vv).

Cuộc đời con người mong manh và ngắn ngủi. Chúng ta ý thức điều đó, và chúng ta luôn phải đối diện với nó, bằng cách này hay cách khác, trong các tư tưởng và hành động của mình. Đối lại tục ngữ Việt Nam (“Người làm sao chiêm bao làm vậy”),  Shakespeare khẳng định: “Bạn mơ thế nào thì bạn sẽ sống như vậy…”[1]. Đành rằng đó không hẳn là chân lý duy nhất của nhân sinh, nhưng nó cũng nói lên phần nào thân phận con người. Con người mơ ước một cuộc sống không còn bị cái chết đe dọa nữa, một cuộc sống duy trì được những điều tốt lành mà mình đã nếm hưởng trên đời, cho dù trên đời này ta gặp khá nhiều sóng gió.  Niềm ước mơ ấy bắt nguồn từ đâu? Liệu giấc mơ ấy có thể thành tựu hay không, hay chỉ là một ảo tưởng? Phải chăng đó chỉ là thuần túy ước mơ, hay đã có một Ai đó cho phép ta được hy vọng rằng “ngươi sẽ không phải chết”?

Dưới những hình thức khác nhau, Kitô giáo đã mang đến cho toàn thể nhân loại lời công bố rằng: “con người sẽ không phải chết”, và cung cấp những lý do cho phép tin tưởng rằng mặc dù chúng ta vẫn cảm nghiệm cái chết trong cuộc đời, nhưng bên trong và bên trên cái chết, chúng ta được hứa sẽ thụ hưởng một đời sống “vĩnh cửu”.

Đời sống vĩnh cửu là một trong những công thức được các Kitô hữu sử dụng đặc biệt để diễn tả nội dung của niềm hy vọng phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh[2]. Quả là một công thức nghịch lý: làm thế nào mà sự sống (một khái niệm bao hàm sự chuyển biến) lại có thể vĩnh cửu (thuộc về lãnh vực không thay đổi)? Công thức “đời sống vĩnh cửu” có một nội dung chân lý gì không?

Tuy nhiên, trước khi gạt bỏ khái niệm “đời sống vĩnh cửu” vì nhận thấy nó vô nghĩa, hoặc trước khi tuyên bố rằng nó quá rõ ràng, thiết tưởng cần phải tìm hiểu xem những lời ấy có nghĩa gì hoặc muốn chuyển đạt sứ điệp gì[3].

Chúng tôi không thể đi sâu vào những cách thức diễn tả điều kiện con người trong cái chết và sau khi chết, trong đó có những lần người ta hình dung một đời sống “khác biệt” so với đời sống cảm nghiệm được ở trên đời này[4]. Chúng tôi chỉ giới hạn việc truy tầm vào các đọan văn của Kinh thánh Cựu và Tân ước, cùng với vài khuôn mặt tiêu biểu của truyền thống Kitô giáo. Chúng tôi sẽ không tóm lược tất cả những đối tượng của niềm hy vọng Kitô giáo (thường được trình bày trong môn cánh-chung-luận), nhưng chỉ tập trung vào chủ để đời sống vĩnh cữu, chú ý cách riêng đến khía cạnh lịch sử của nó.

1. Những căng thẳng trong Cựu ước

Nên cẩn thận khi đọc các bản dịch Kinh thánh Cựu ước. Những thuật ngữ như là “tình yêu hằng hữu”, “giao ước vĩnh cửu”, “cuộc sống vĩnh hằng” (dịch từ tiếng Latinh aeternum hoặc tiếng Anh eternal) trong nguyên gốc Do thái mang một nghĩa khác. Trong tiếng Do thái, olam tự nó không ám chỉ một thời gian “vượt lên trên thời gian”, cho bằng một thời rất xa xưa và hướng tới tương lai, nghĩa là tính cách bền bỉ, trường tồn (có thể sánh với các kiểu nói trong tiếng Việt: “muôn đời”, “đời đời”)[5]. Thực ra, các sách Cựu ước chưa có một quan niệm thống nhất về số phận sẽ đón chờ con người sau khi chết. Đức tin của ông Abraham dựa trên một lời hứa, và lời hứa này hướng về tương lai. Tuy nhiên, tương lai ấy chưa được hình dung rõ rệt như là cuộc sống bên kia cái chết. Vào lúc đầu, tương lai được diễn tả qua những hồng ân Chúa ban như là: dòng dõi đông đảo, sở hữu đất đai, bình an (shalom). Những người đã chết thì ở dưới “âm ti” (sheol) như những “bóng mờ”: đó không phải là “linh hồn” hiểu theo nghĩa triết học Platon, nhưng là những kiếp sống yếu ớt, mất liên lạc với Thiên Chúa, không thể chúc tụng ngài (x. Tv 88,11).

Viễn tượng duy trì mối liên lạc giữa Thiên Chúa và cá nhân (người công chính) trong cõi chết và sau khi chết được nói đến trong các bản văn sau thời kỳ lưu đày. Những chủ đề: “được cướp về trời” nơi vài nhân vật đặc biệt (Enoch, Elia), cảm nghiệm về lòng tín trung của Thiên Chúa giữa lúc thử thách, yêu sách phần thưởng dành cho người lành chịu đau khổ bởi kẻ ác ngạo mạn … đã dẫn đến niềm xác tín trong vài thánh vịnh (chẳng hạn như 49,16; 73,24; xem thêm 16,10) rằng mối liên kết giữa Thiên Chúa với người công chính không những đưa đến sự cứu thoát “khỏi chết” mà còn đưa đến sự tồn tại “bên kia sự chết”.

Vào khoảng thế kỷ II trước CN, vào thời khởi nghĩa chống lại sự đàn áp của đế quốc Seleucide, nảy sinh tư tưởng về “người chết chỗi dậy” khi Thiên Chúa thiết lập vương triều của ngài, để thưởng người lành và phạt người dữ. Trong sách Đaniel, chúng ta đọc thấy như sau:

Nhiều người ngủ trong nơi cát bụi sẽ được thức dậy: kẻ thì vào đời sống vĩnh cửu, kẻ thì vào nơi sỉ nhục nhơ nhuốc vĩnh cửu. Những hiền sĩ sẽ sáng rực như tinh tú trên bầu trời; những ai làm cho người khác nên công chính sẽ chiếu sáng mãi mãi như những vì sao (Đn 12,2-3)[6].

Trong đoạn văn trên đây, người ta còn trông mong những người chết sẽ được đánh thức vào cuộc sống “đời đời” (ở dưới đất này); quyển thứ hai Sách Maccabê mở ra niềm hy vọng cho những công chính, bị giết vì lòng trung thành với lề luật, sẽ được đón nhận “vào trời” ngay chính lúc chết:

Hỡi tên độc ác kia, ngươi loại bỏ chúng ta khỏi cuộc đời này, nhưng vua vũ trụ sẽ cho chúng ta được sống lại vào đời sống mới và vĩnh cữu (2Mcb 7,9).

Số phận tương phản giữa người lành và người dữ được nêu bật trong những chương đầu (1-5) của sách Khôn ngoan:

Niềm hy vọng của quân vô đạo khác nào vỏ trấu bị gió cuốn đi, ví như bọt nước vỡ tung trong cơn bão; nó sẽ qua đi như khói tan trong gió, như khách trọ một ngày. Còn người công chính sẽ sống muôn đời. Phần thưởng của họ ở nơi Thiên Chúa, Đấng Tối cao quan tâm săn sóc họ (Kn 5,14-15).

Do đó sự sống “vĩnh cửu” là mối tương quan với Thiên Chúa, đối với kẻ nào trung thành với giao ước, vẫn tiếp tục sau khi chết; đó không phải là kéo dài cuộc sống trên đời này, nhưng là thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, Đấng Hằng Cửu, Đấng Hằng sống và luôn trung tín với lời hứa.

Niềm hy vọng vào việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa được diễn tả qua nhiều hình ảnh khác nhau và với những ngôn ngữ không hoàn toàn trùng hợp với nhau. Người Kitô hữu giải thích mặc khải Cựu ước theo nghĩa tiệm tiến: từ niềm hy vọng gắn liền với trái đất này, đến niềm hy vọng vào tương lai sẽ hoàn tất vào thời cánh chung. Lối giải thích này có thể chấp nhận được, tuy nhiên không nên bỏ qua những đặc trưng của mỗi truyền thống (lề luật, ngôn sứ, văn phẩm) cũng như những căng thẳng trong cảm nghiệm đức tin của dân tộc Israel. Những cách diễn đạt khác biệt ấy sẽ được sáng tỏ khi đối chiếu với biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu[7].

2. Những viễn tượng của Tân ước

Trong tiếng Hy lạp của Tân ước có ba danh từ diễn tả “sự sống”: bíospsychézoê. Hai danh từ đầu tiên liên quan đến sự sống sinh lý, chung cho cả con người và các sinh vật khác (bios có khi được áp dụng cho tất cả các vật hiện hữu); từ zoê muốn nói đến một hình thức sự sống có được nhờ sáng khởi của Thiên Chúa. Kể cả khi zoê không kèm theo tính từ “vĩnh cửu” (aionios) thì nó cũng có liên hệ nào đó với Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chú ý đến cụm từ “đời sống hằng hữu”[8]

– Đối với thánh Phaolô, đời sống vĩnh cửu là phần thưởng mà Thiên Chúa dành cho “những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh” (Rm 2,7). Bối cảnh và ngôn ngữ không khác thể văn khải huyền cho lắm, với trọng tâm là sự phán xét của Thiên Chúa (x. Đn 12,2): điều mới mẻ là quy hướng về “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”, nhờ Người mà ân sủng thống trị “bằng cách làm cho người ta trở nên công chính để được sống đời đời” (Rm 5,21). Sự sống vĩnh cửu là đích đến / mục tiêu (télos) và là ân huệ (chárisma) được ban cho những ai, nhờ đức tin và phép rửa, do tác động của Thánh Linh (nguyên ủy ban sự sống), được thông phần vào sự chết và sự sống của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh (x. Rm 6,22-23). Sự hiệp thông với Đức Kitô bắt đầu trong cuộc đời trần thế nhưng được hoàn tất trong sự phục sinh kẻ chết:

Cũng như trong ông Ađam mọi người phải chết thế nào, thì trong đức Kitô tất cả sẽ nhận được sự sống (zoopoiethésovtainhư vậy (1Cr 15,22).

– Trong Phúc âm nhất lãm, thuật ngữ “đời sống vĩnh cửu” ít được dùng, và thường nhắm đến tương lai. Chẳng hạn như câu hỏi của người thanh niên với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, con phải làm gì để được đời sống vĩnh cửu?” (Mt 19,16, cf. Mc 10,17; Lc 18,18). Đối với Chúa Giêsu, đời sống vĩnh cửu là gia nghiệp (“thời sẽ đến”) dành cho những ai đã khước từ “nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng” vì danh của Người (x. Mt 19,29; Mc 10,30; Lc 18,30); đó là điều kiện mà những người công chính sẽ đạt được, những người hiến thân phục vụ “một em bé nhỏ nhất” (Mt 25,46).

– Sách Tông đồ công vụ cũng xem “đời sống vĩnh cửu” như là điều được dành cho (tetagmenoi) những ai đón nhận lời Chúa do thánh Phaolô rao giảng (Cv 13,48).

– Trong Tân ước, các văn phẩm của thánh Gioan sử dụng nhiều nhất thuật ngữ “đời sống vĩnh cửu”. “Đời sống vĩnh cửu” không chỉ thuộc về tương lai mà thôi, nhưng được áp dụng cho chính Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa, được ban cho nhân loại. Ngay từ bây giờ, con người có thể lãnh nhận hồng ân đó nhờ đức tin, nghĩa là đón nhận Đức Giêsu, Lời Chúa Nhập thể:

Cũng như ông Mosê đã giương cao con rắn trong sa mạc, thì Con Người cũng cần phải được giương lên, ngõ hầu ai tin tưởng vào Người thì được đời sống vĩnh cửu [hoặc bản dịch khác: ngõ hầu ai tin, thì nơi người ấy có đời sống vĩnh cửu]. Thật vậy Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi trao ban Con Một, ngõ hầu ai tin vào Người sẽ không bị hư mất, nhưng được đời sống vĩnh cửu […] Ai tin vào Con thì được đời sống vĩnh cửu; ai không vâng theo Con thì sẽ không thấy sự sống, nhưng cơn giận của Thiên Chúa đổ xuống trên người ấy (Gv 3,15-16.36; xem thêm 6,47).

Nơi diễn ra bước chuyển tiếp “từ cõi chết sang cõi sống” là việc lắng nghe lời Chúa Giêsu (x. Ga 5,4: “Thật vậy, thật vậy, tôi nói cho các ông biết: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì có đời sống vĩnh cửu và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết sang cõi sống”), đồng thời với việc thực hành điều răn yêu thương (x. 1Ga 3,15: “Ai ghét anh em mình là kẻ sát nhân, và các con biết rằng đời sống vĩnh cửu sẽ không cư ngụ nơi kẻ nào phạm tội sát nhân”). Lời của Chúa Giêsu là “mạch nước vọt lên thành đời sống vĩnh cửu” (Ga 4,14) và “lương thực mang lại đời sống vĩnh cửu” (Ga 6,27). Người có “lời mang đời sống vĩnh cửu” (Ga 6,68), và “ban đời sống vĩnh cửu” cho những con chiên mà Người là mục tử và không để cho con nào bị cướp mất (Ga 10,28). Chúng ta đọc thấy trong lời mở đầu thư thứ nhất của thánh Gioan: Chúa Giêsu chính là “đời sống vĩnh cửu, ở bên cạnh Chúa Cha và đã tỏ hiện mình cho chúng ta” (1Ga 1,2; xem thêm kết thúc ở 1 Ga 5,20: “Người là Thiên Chúa chân thật và đời sống vĩnh cửu”). Đời sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là sự sống “trong Con của Ngài” (1Ga 5,11).

Đời sống vĩnh cửu đã được nghiệm thấy ngay từ bây giờ trong mối tương quan với Chúa Giêsu (đức tin), nhưng chỉ sẽ hoàn tất trong biến cố cánh chung của sự phục sinh:

Quả vậy, đây là ý muốn của Chúa Cha: phàm ai thấy Con và tin vào Người thì có đời sống vĩnh cửu; và tôi sẽ cho họ chỗi dậy trong ngày sau hết (Ga 6,40).

Đời sống vĩnh cửu là một thực tại được ban từ bây giờ, và đồng thời là “một lời hứa” (x. 1Ga 2,25).

Đặc tính vừa “hiện tại” vừa “tương lai” của đời sống vĩnh cửu cũng tương tự như đặc tính của hình ảnh “vương quốc Thiên Chúa” được sử dụng trong Tin mừng nhất lãm để mô tả tình trạng mới mẻ và vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và nhân loại. “Hiện tại” và “tương lai” đan xen với nhau, bao hàm một sự căng thẳng, trong khái niệm đời sống vĩnh cửu” cũng như trong khái niệm “vương quốc Thiên Chúa”.

Chúng tôi muốn để dành cho đến cuối một bản văn của thánh Gioan, trong đó đời sống vĩnh cửu mang theo đặc tính của “hiểu biết”. Khi đã đến “giờ” của mình, Chúa Giêsu đã cầu xin Cha hãy biểu lộ “vinh quang” của Con, và Người nói thêm:

Cha đã ban cho Người Con được quyền trên mọi phàm nhân, ngõ hầu Người ban đời sống vĩnh cửu cho tất cả những ai mà Cha đã ban cho Người. Đời sống vĩnh cữu là thế này: được biết Cha là Thiên Chúa duy nhất, và kẻ được Cha sai đến là Giêsu Kitô (Ga 17,2-3).

Đây không phải là sự hiểu biết thuần túy trí tuệ (bởi vì chúng ta đã thấy rằng đời sống vĩnh cửu đòi hỏi việc tuân giữ điều răn và có liên quan đến một biến cố lịch sử), nhưng là cảm nghiệm trực tiếp và thân thiết với Chúa Cha nhờ đức tin vào Chúa Giêsu; như vậy không loại trừ một chiều kích “đạo lý”[9]. Đoạn văn của Ga 17,3 mang tầm quan trọng đặc biệt khi được móc nối với hai đoạn văn khác của Tân ước diễn tả sự hoàn tất lịch sử của nhân loại bằng thuật ngữ “nhìn thấy Thiên Chúa”. Một đoạn văn là của thánh Gioan: “Chúng ta biết rằng […] chừng nào Ngài tỏ hiện, thì chúng ta sẽ nên giống như Ngài, bởi vì Ngài thế nào thì chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài như thế” (1Ga 3,2); đoạn văn thứ hai là của thánh Phaolô : “Hiện giờ chúng ta còn thấy lờ mờ như trong một tấm gương; còn lúc ấy chúng ta sẽ nhìn nhãn tiền. Hiện giờ tôi biết một cách bất toàn, nhưng lúc ấy tôi sẽ biết hoàn toàn, như chính tôi cũng được biết” (1Cr 13,12).

Dựa trên các đoạn văn ấy, truyền thống Kitô giáo đã chú trọng đến việc “nhìn ngắm Thiên Chúa” như là nội dung của đời sống vĩnh cửu[10].

3. Thánh Irênê, Augustinô, truyền thống Đông phương, thánh Tôma Aquinô.

– Đề tài “nhìn thấy Thiên Chúa” đã chiếm một chỗ nổi bật trong cánh chung luận của thánh Irênê (130-202) giám mục Lyon vào khoảng cuối thế kỷ II, như ta có thể đọc thấy trong quyển Bốn của tác phẩm Chống lại các lạc giáo:

Con người  […] tự mình không thể nhìn thấy Thiên Chúa; nhưng chính Ngài đã để cho mình được nhìn thấy bởi những con người mà Ngài muốn, vào lúc và cách thức mà Ngài muốn. Thiên Chúa là Đấng quyền năng trong hết mọi sự: trước kia, Người để cho mình được thấy qua các ngôn sứ nhờ Thánh Linh; Người để cho mình được thấy như là những dưỡng tử nhờ Con của Ngài, và được thấy như là Cha trong nước trời, bởi vì Thánh Linh trước đây đã chuẩn bị con người cho Chúa Con, và Chúa Con dẫn con người đến với Chavà Cha ban cho con người được bất diệt nhờ đời sống vĩnh cửu mà họ nhận được khi nhìn thấy Thiên Chúa. Cũng như ai nhìn thấy ánh sáng thì ở trong ánh sáng và thông phần vào vẻ rạng ngời của nó, thì những kẻ nhìn thấy Thiên Chúa cũng ở trong Thiên Chúa, thông dự vào vẻ rạng ngời của Ngài. Lý do vì sự rạng ngời của Thiên Chúa mang lại s sống, cho nên những ai nhìn thấy Thiên Chúa cũng sẽ thông dự vào sự sống. Vì lý do ấy mà Đấng không thể nào hiểu được, không thể nào nắm được, không thể nào thấy được, thì đã tỏ cho loài người như là có thể thấy được, nắm được và hiểu được, để mang lại sự sống cho ai hiểu và thấy Ngài. Vì sự cao cả của Ngài không thể dò được thế nào thì lòng nhân lành của Ngài cũng không thể tả được, nhờ vậy mà Ngài đã để cho nhìn thấy và ban sự sống cho những ai nhìn thấy Ngài. Thật vậy, không thể nào sống nếu không có sự sống, và sự sống có thể có nhờ thông dự vào Thiên Chúa, và sự thông dự này hệ tại nhìn thấy Thiên Chúa và tận hưởng lòng nhân lành của Ngài. Vì thế, con người sẽ nhìn thấy Thiên Chúa để được sống, và nhờ việc nhìn ngắm ấy họ trở nên bất tử và đạt đến Thiên Chúa (IV, 20,5-6)[11].

Trong những bản văn của các giáo phụ liên kết đời sống vĩnh cửu với “nhìn thấy Thiên Chúa” (ngoài thánh Irênêo, còn phải kể đến Clêmentê Alexandria, Origene, Grêgoriô Nyssa, Basiliô  Cesarea về phía Hy-lạp; Ambrosiô và Augustinô về phía La-tinh[12]) ta dễ nhận thấy sự móc nối giữa tư tưởng Kinh thánh với truyền thống Hy-lạp (và Tây phương nói chung), nơi mà “nhìn thấy” (hoặc “chiêm ngưỡng”) là phương thế tuyệt vời nhất trong việc tiếp xúc với thực tại[13].

– Tuy nhiên, chiều kích tâm tình (chứ không chỉ có tri thức) của việc “nhìn thấy Thiên Chúa” vẫn được duy trì nơi thánh Augustinô (354-430): ở đây chỉ cần nhắc đến sự liên kết giữa lòng khát khao chân lý và lòng khát khao hạnh phúc, dẫn tới định nghĩa hạnh phúc như là gaudium de veritate, «niềm hỉ hoan về chân lý»[14]. Tất cả dòng lịch sử được mời gọi tập trung về chiêm ngưỡng, yêu mến, ca tụng:

Lúc ấy [ngày sabat không tàn lặn, trong ngày thứ tám của đời sống vĩnh cửu, được dâng kính cuộc phục sinh của Đức Kitô] chúng ta sẽ nghỉ ngơi và nhìn ngắm, nhìn ngắm và yêu mến, yêu mến và ca tụng[15].

Có thể thêm rằng, đối với thánh Augustinô, đời sống vĩnh cửu có nghĩa là “ở trong Chúa”: Thiên Chúa là “chỗ của ta”, như thánh nhân đã viết khi chú giải câu 21 của thánh vịnh 31(30): “Chúa giấu kín họ bên thánh nhan”[16].  Như thế, Người đã cung cấp cho chúng ta một chìa khóa quan trọng để giải thích những đoạn Kinh thánh, và sẽ được trưng dẫn bởi các giáo phụ, các nhà thần học Kinh viện, các nhà giảng thuyết, các sách huấn giáo, khi phải xác định “nơi ở trên trời” trong cuộc sống vĩnh cửu.

– Thần học bên Đông phương đã dành nhiều suy tư về đời sống vĩnh cửu như là “nhìn thấy Thiên Chúa”, nhất là để phản ứng lại ông Eunomiô (k.330 – 392/5) vì ông cho rằng lý trí có thể hiểu biết Thiên Chúa như chính Ngài hiểu biết mình. Trong thế kỷ IV và V, nhiều tác giả như là Theodoreto Ciro và Gioan Kim khẩu đã  khai triển sự phân biệt giữa sự nhìn ngắm “vinh quang” và sự nhìn ngắm “bản tính” Thiên Chúa: con người chỉ có thể đạt tới lối thứ nhất, chứ không thể nào đạt tới lối thứ hai. Sự phân biệt này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận lâu dài trong nội bộ thần học Đông phương cũng giữa thần học Đông phương và thần học Latinh[17].

– Một thí dụ điển hình của thần học Latinh trong việc suy tư về đời sống vĩnh cửu có thể đọc thấy trong bài giảng của thánh Tôma Aquinô (1224-1274) vào mùa chay năm 1273, khi chú giải kinh Tin kính. Sau đây là đoạn văn ở chương cuối cùng:

Thật thích hợp để kinh tín biểu, gói ghém những điều phải tin, kết thúc với lời tuyên xưng:  “tôi tin đời sống vĩnh cửu”, bởi vì sự sống vĩnh cửu cũng là cùng đích của tất cả mọi khát vọng của chúng ta.
Chống lại niềm tin này là ý kiến của những người cho rằng linh hồn sẽ bị hủy diệt cùng với thân xác. Nếu thực sự đúng như vậy thì tình trạng của con người cũng chỉ giống như loài vật mà thôi. […]. Nhưng linh hồn mang tính bất tử giống như Thiên Chúa, và chỉ giống với động vật về những quan năng khả giác mà thôi […].
Trong chương này, trước hết chúng ta xét xem đời sống vĩnh cửu là như thế nào.
1) Thứ nhất, đời sống vĩnh cửu hệ ở chỗ con người được hiệp nhất với Thiên Chúa. Chính Ngài là phần thưởng và là cùng đích cho mọi lao nhọc của chúng ta […]. Sự hiệp nhất này hệ tại sự nhìn thấy Thiên Chúa cách hoàn hảo […]. Sự hiệp nhất cũng hệ tại lòng mến dạt dào, bởi vì chúng ta càng biết nhiều thì càng yêu mến nhiều, và sẽ chúc tụng tuyệt vời […].
2) Thứ hai, đời sống vĩnh cửu hệ tại sự thỏa mãn hoàn toàn mọi khát vọng của con người. Ở trên trời, mỗi phúc nhân sẽ sở hữu tràn đầy những gì mà họ hy vọng và khao khát ở dưới thế này. Lý do là vì trong cuộc sống này không một ai có thể thỏa mãn những khát khao của họ; cũng chẳng thụ tạo nào có thể lấp đầy lòng khao khát của con người. Chỉ duy có Thiên Chúa mới làm thỏa mãn và vượt quá những khát vọng vô biên của con người […]. Trong đời sống vĩnh cửu, bất cứ điều gì mang lại hoan lạc thì hoàn toàn đem lại hoan lạc và là thứ hoan lạc dư tràn. Nếu người ta thèm khát hoan lạc, thì sẽ nếm được hoan lạc cao siêu nhất, bởi vì đó là thứ hoan lạc phát xuất từ Thiên Chúa là Sự Thiện tối cao […]. Nếu người ta khao khát danh dự thì sẽ được mọi danh dự […]. Nếu điều mong muốn là kiến thức, thì người ta sẽ được kiến thức hoàn hảo nhất, bởi vì trong đời sống vĩnh cửu chúng ta sẽ hiểu biết bản chất của mọi sự vật và hết mọi chân lý, cũng như bất cứ điều gì chúng ta muốn biết. Bất cứ điều gì chúng ta muốn sở hữu thì chúng ta sẽ có được, cùng với đời sống vĩnh cửu […].
3) Thứ ba, đời sống vĩnh cửu hệ tại sự an toàn hoàn hảo nhất. Thật vậy, trên đời này, không có sự an toàn hoàn hảo, xét vì người ta càng có nhiều của cải và càng có nhiều danh dự thì lại càng thêm lo âu và lại càng thêm nhiều tham vọng. Nhưng trong đời sống vĩnh cửu thì s không còn lo âu, không còn vất vả, không còn sợ hãi […].
4) Cuối cùng, cuộc sống vĩnh cửu hệ tại hợp đoàn hoan hỉ với toàn thể các thánh. Thật vậy, mỗi phúc nhân sẽ cùng với các phúc nhân khác chiếm hữu tất cả mọi điều thiện hảo, bởi vì mỗi người đều yêu mến các phúc nhân như chính mình, vì thế họ sẽ hân hoan về điều thiện của những người khác như là của chính mình. Như thế, niềm vui nỗi mừng của tất cả mọi người đều gia tăng do niềm vui nỗi mừng của mỗi một người, như lời thánh vịnh (86,7): “Hỡi Sion, thật vui mừng biết mấy bởi vì tất cả đều cư ngụ trong ngươi”[18].

Những tác phẩm lớn của thánh Tôma sẽ cung cấp nhiều chi tiết hơn những nét phác họa trên đây. Nên ghi nhận là đề tài “nhìn thấy bản tính Thiên Chúa” như là cứu cánh tối hậu của con người đã được nghiên cứu từ nhiều góc độ. Con người được tạo dựng để “nhìn thấy” Thiên Chúa. Ngoài Chúa ra, con người không thể nào thỏa mãn được lòng khao khát hiểu biết và yêu mến. Mặt khác, con người đạt đến cứu cánh ấy không phải bởi cố gắng của mình nhưng là nhờ ân sủng, nhờ đó con người có thể có tương quan trực tiếp với Thiên Chúa, là đối tượng và cũng là phương tiện của việc chiêm ngắm ấy[19].

Cũng nên ghi nhận những đoạn văn trong đó thánh Tiến sĩ Thiên thần thu nhận tư tưởng của Tin mừng thứ bốn, khi liên kết cuộc đời hiện tại trong đức tin và ân sủng với cuộc sống mai hậu trong vinh quang. Trong bối cảnh này, đức tin được định nghĩa là như là “khởi đầu cho đời sống vĩnh cửu”[20].

4. Những cuộc tranh luận chung quanh “phúc kiến” (visio beatifica)

Truyền thống Kitô giáo hầu như nhất trí chấp thuận rằng đời sống vĩnh cửu  hệ tại việc nhìn thấy Thiên Chúa, một sự chiêm ngắm mang lại hạnh phúc (tức là “chiêm ngắm hạnh phúc”, nói gọn là “phúc kiến”). Thế nhưng vấn đề được đặt ra là phải giải thích bản chất của nó như thế nào. Lịch sử thần học đã ghi nhận hai cuộc tranh luận sôi nổi, nảy lên hầu như đồng thời (thế kỷ XIV), một bên ở Tây phương, một bên ở Đông phương.

– Bên Tây phương, cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề: những người công chính được hưởng nhan Thiên Chúa liền ngay sau khi chết, hoặc là họ phải chờ đến ngày tận thế (một cách tương tự như vậy: những người sẽ lãnh hình phạt vĩnh viễn liền ngay sau khi chết, hay phải chờ đến ngày tận thế). Như chúng ta đã biết, từ năm 1331 đến năm 1334, giáo hoàng Gioan XXII đã có sáu bài giảng, trong đó ngài lấy lại tư tưởng của vài tác giả thời cổ và dựa trên uy tín của thánh Benađô, đã chủ trương rằng cho đến ngày phục sinh và phán xét chung, linh hồn những người công chính chỉ có thể chiêm ngắm nhân tính của Đức Kitô, chứ chưa được chiêm ngắm bản tính Thiên Chúa. Ý kiến của vị giáo hoàng đã gây ra một cuộc phản đối mạnh mẽ, trong đó những động lực đạo lý pha lẫn những yếu tố chính trị nữa. Sau khi đã đặt một ủy ban để nghiên cứu vấn đề, đức Gioan XXII đã soạn thảo một sắc chỉ, ký ngày 3/12/1334 (một ngày trước khi băng hà), trong đó ngài rút lại những tuyên bố xem ra trái nghịch với đức tin công giáo. Không đầy một năm sau[21], vị kế nhiệm là giáo hoàng Beneđictô XII, với tông hiến  Benedictus Deus (19/1/1336) định tín việc thưởng phạt người lành và kẻ dữ xảy ra liền sau khi chết. Linh hồn những người công chính

lập tức sau khi chết, và sự thanh luyện đối với những ai cần được thanh luyện  […], thì ngay cả trước khi phục sinh với thân xác và phán xét chung […] họ đã, đang và sẽ ở trên trời, trong  nước trời và thiên quốc, cùng với Đức Kitô, được kết nạp vào hàng ngũ các thánh thiên thần; và  […] những linh hồn này […] đã và đang nhìn thấy bản tính Thiên Chúa bằng một cái nhìn trực kiến, và diện đối diện, không cần đến trung gian của một thụ tạo nào hết, vì ban tính Thiên Chúa được tỏ lộ cho họ cách trực tiếp, minh bạch, rõ ràng[22].

– Một cuộc tranh luận thứ hai xoay quanh vấn đề: con người có thể nhìn thấy “bản tính” Thiên Chúa hay không, xét vì Kinh thánh nói rằng bản tính Thiên Chúa thì vô hình và không thể hiểu thấu[23]. Thánh Grêgoriô Palamas (1296-1359) đã đưa ra sự phân biệt giữa “bản tính” (không thể nào thấu được) và « năng lực thụ tạo » (tác động tựa như ánh sáng núi Tabor, khiến cho con người được “thần hóa”). Ngài vạch ra một lộ trình cho thần học bên Đông phương, nhưng thần học Latinh lại tỏ ra dè dặt. Nói chung, bên Tây phương, người ta phân biệt giữa “nhìn thấy” và “hiểu thấu” Thiên Chúa. Ta có thể “nhìn thấy” Thiên Chúa nhờ một hồng ân (gọi là ánh sáng vinh quang : lumen gloriae) cho phép trí tuệ thông dự vào đời sống Thiên Chúa, dĩ nhiên là trong khả năng hạn chế của loài thụ tạo. Còn « hiểu thấu » (comprehensio) thì trí tuệ của loài người không tài nào đạt được, cho dù được thông dự vào vinh quang của Ngài đi nữa.

5. Việc canh tân thần học trong cánh-chung-luận thế kỷ XX

Việc canh tân thần học cánh chung đòi hỏi phải thay đổi cái nhìn về đời sống vĩnh cửu trước đây ra như chỉ quan tâm đến chiều kích cá nhân và thiêng liêng, như ta có thể nhận thấy trong các sách huấn giáo, các bài giảng hoặc lòng đạo đức xưa nay. Vào đầu thế kỷ XX, những phong trào về nguồn đã muốn trở về với các bản văn Kinh thánh, cách riêng với khái niệm “vương quốc Thiên Chúa” cũng như nhạy bén hơn với chiều kích lịch sử và cộng đồng của niềm tin Kitô giáo.

Công đồng Vaticanô II, trong các số 48-51 của hiến chế Lumen gentium, đã vạch cho thấy chiều kích Hội thánh và vũ trụ của đời sống vĩnh cửu: số phận của mỗi cá nhân cần được giải thích trong hành trình gắn bó người tín hữu (qua những cách thế khác nhau và không lúc nào cũng thấy được) với tha nhân (Hội thánh) cũng như với những thực tại làm thành thế giới nơi chúng ta đang sống. Điểm này được khai triển đặc biệt trong số 39 của hiến chế Gaudium et spes[24].

Ngay cả câu chuyện “cánh chung trung thời” (giai đoạn giữa cái chết của mỗi cá nhân với cánh chung của toàn thể lịch sử) cũng được xét lại về phía các nhà thần học thuộc nhiều giáo hội khác nhau (O. Cullmann, G. Greshake, N. Lohfink, K. Rahner, J. Ratzinger) khiến cho Huấn quyền phải quan tâm[25]. Việc xét lại này bắt nguồn từ cái nhìn về con người đặt trong bối cảnh tương quan với Giáo hội và với vũ trụ: giai đoạn “trung thời” là thời buổi của Hội thánh, trên đường hướng về sự thông hiệp với Thiên Chúa Tam Vị, trong những điều kiện khác nhau của các phần tử (Đức Mẹ Maria, các thánh, những người đang được thanh luyện). Trong bối cảnh này, đời sống vĩnh cửu không có nghĩa là tĩnh lặng, bất động. Đàng sau những cách diễn tả cụ thể, mặc khải Kitô giáo muốn nói rằng đời sống vĩnh cửu là sự sung mãn của sự sống, đối với mỗi cá nhân cũng như đối với toàn thể nhân loại và ngay cả đối với thế giới vật chất.

Những hình ảnh mà Kinh thánh sử dụng để diễn tả đời sống vĩnh cửu (bữa tiệc, đám cưới, thành phố được Con Chiên chiếu sáng…) cần được giải thích liên lỉ (chứ không đóng khung thành những ý niệm cố định). Đời sống vĩnh cửu là thông hiệp với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh, đồng thời cũng là thông hiệp với toàn thể vạn vật đã được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Đời sống vĩnh cửu, đối tượng của đức hy vọng và cũng là đối tượng của suy tư, khởi đi từ những “cảm nghiệm vĩnh cửu” mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong dòng thời gian: cảm nghiệm về tình yêu, cảm nghiệm về vẻ đẹp, cảm nghiệm về sự khám phá chân lý dù lớn dù nhỏ, cảm nghiệm của niềm vui được chia sẻ những gì ta sống và sở hữu.

Riccardo Battocchio
Trích nguồn: https://giaophannhatrang.org

 

[1] W. Shakespeare, La tempesta, atto IV, in Id., Tutte le opere, a cura di M. Praz, Sansoni, Firenze 19829, p. 1207.

[2] Tín biểu các thánh tông đồ, một trong những bản tuyên xưng đức tin cổ điển nhất của truyền thống Kitô giáo, đã kết thúc như sau: “Tôi tin thân xác phục sinh, đời sống vĩnh cửu” (Credo … carnis resurrectionem, vitam aeternam). X. H. Denzinger, Enchiridion symbolorum, definitionum et declarationum de rebus fidei et morum, ed. bilingue a cura di P. Hünermann, EDB, Bologna 20045, n. 30 [= DenzH]).

[3] Có những người phủ nhận chân lý về đời sống vĩnh cửu, chẳng hạn như triết gia (người Tây ban nha) F. Savater, La vita eterna, Laterza, Roma-Bari 2007.

[4] Có thể tìm thấy trong tác phẩm của L.Moraldi những cách diễn tả thế giới bên kia của con người dựa theo văn hóa Babylonia, Ai-cập, Hy-lạp, La-tinh, Do thái, Kitô giáo và Islam (L. Moraldi, L’aldilà dell’uomo nelle civiltà babilonese, egizia, greca, latina, ebraica, cristiana e musulmana, Mondadori, Milano 1985).

[5] X. H.D. Preuss, ‘ôlâm – ‘âlam, in: G.J. Botterweck – H. Ringgren – H.-J. Fabry (edd.), Grande Lessico dell’Antico Testamento, vol. VI, Paideia, Brescia 2006, coll. 526-543.

[6] Bản văn của Đaniel «không đối chọi giữa đời sống vĩnh cửu vinh quang / đời sống vĩnh cửu ô nhục, nhưng là giữa đời sống vĩnh cửu / ô nhục vĩnh cửu. Về sau này, các sách khải huyền mới khai triển ý tưởng này thành những lối diễn tả tượng hình về cuộc sống của người lành và cuộc sống của người dữ. Các thánh vịnh của Salomon vẫn còn dùng ngôn từ vắn ngọn (3,16; 14,9), nhưng sách Henoc thì đi sâu vào chi tiết: 103,7ss: “Họ sẽ bị xô xuống địa ngục để bị trừng phạt với những khổ hình kinh sợ […] tối tăm, xiềng xích, lửa nung”;108,5ss: “Ngục được soi sáng bằng ngọn lửa, chen lẫn tiếng thét gào, khóc lóc, rên xiết”» (L. Alonso Schökel – J.L. Sicre Diaz, I profeti, Borla, Roma 1989, p. 1489).

[7] Chỉ cần đối chiếu quan điểm của phái Pharisieu và phái Sadoc liên quan đến niềm hy vọng cánh chung thig đủ rõ. X. Mt 22,23-33 và tt. (cuộc chất vấn Đức Giêsu; x. Cv 23,6-8 chất vấn thánh Phaolô).

[8] X. H. Balz, aiónios, in: H. Balz – G. Schneider (edd.), Dizionario esegetico del Nuovo Testamento, vol. I, Paideia, Brescia 1995, coll. 122-127; L. Schottroff, zo, zoé, in: ibid., coll. 1520-1530.

[9] Có thể xem chú giải đoạn văn này của Raymond Brown, Giovanni. Commento al Vangelo spirituale, Cittadella, Assisi 19862, pp. 915-917.

[10] L.F. Ladaria, Vie éternelle, in G. Mathon – G.-H. Baudry (edd.), Catholicisme hier, aujourd’hui, demain, vol. 15, Letouzey et Ané, Paris 2000, coll. 1040-1049.

[11] Ireneo di Lione, Contro le eresie e gli altri scritti, a cura di E. Bellini – G. Maschio, Jaca Book, Milano 19972, pp. 347-348.

[12] Xem các trưng dẫn nơi J.-M. Maldamé, Visione beatifica, in J.-Y. Lacoste (ed.), Dizionario critico di teologia. Borla – Città Nuova, Roma 2005, p. 1471.

[13] Nguồn gốc bắt đầu từ Heraclitô (tk VI-V trước CN). Ông cho rằng “chứng cớ của mắt thấy thì chính xác hơn là chứng cớ của tai nghe” (Diels 101a). X. S. Petrosino, Visione, in:  Fondazione Centro studi filosofici di Gallarate (ed.), Enciclopedia filosofica, vol. 12, Bompiani, Milano 2006, pp. 12183-12188.

[14] «… tôi đi hỏi từng người: bạn thích điều sai hay điều thật, và chẳng ai ngập ngừng khi trả lời rằng họ thích điều thật, cũng chẳng thua kém gì khi tuyên bố rằng mình thích hạnh phúc. Bởi vì hạnh phúc chính là thích thú điều thật. Như vậy, lạy Chúa của con, hạnh phúc có nghĩa là hoan hỉ vì Chúa, bởi Ngài là sự thật, ánh sáng và sự cứu độ cho đôi mắt của con » (Confessiones X,23,33).

[15] Đoạn kết thúc của sách  De civitate Dei (XXII,30,5).

[16] «Ngài giấu kín họ bên thánh nhân. Ở đâu vậy? Vịnh gia không nói: Ngài giấu kín họ trên trời; không nói: Ngài giấu kín họ trên thiên đàng; không nói: Ngài giấu kín họ trong lòng ông Abraham. Thật vậy, đối với nhiều người tín hữu, nơi mà các thánh sẽ ở trong tương lai đã được Kinh thánh chỉ dẫn. Tất cả mọi nơi ở bên ngoài Thiên Chúa đều chẳng có giá trị gì hết! Ước chi Đấng phù hộ chúng ta ở đời này sẽ trở thành nơi cho chúng ta ở đời sau, bởi vì trước đó thánh vịnh đã nói: xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con. Vì thế chúng ta sẽ được giấu ẩn trong thánh nhan của Thiên Chúa” (Enarr. in Ps. 30,3,8).

[17] X. Khảo luận của V. Lossky, La teologia mistica della Chiesa d’Oriente. La visione di Dio, Il Mulino, Bologna 1967, pp. 245-400.

[18] Kinh Tin kính theo chú giải của thánh Toma Aquino, Học viện Đa Minh 2015, trang 137-140.

[19] Để hiểu rõ tư tưởng của thánh Tôma qua các bản văn và các cuộc tranh luận triết học và thần học đương thời, có thể xem: A. Valsecchi, Il fine dell’uomo nella teologia di Tommaso d’Aquino. Un percorso attraverso le opere maggiori, PUG, Roma 2003.  Tác giả chú ý cách riêng đến các đoạn văn dành cho đề tài beatitudo và visio Dei trong chú giải sách Sententỉae (IV,49,1-2), Summa contra Gentiles (III, 2-63) và Summa Theologiae (I, q. 12, aa. 1-13; I-II, qq. 1-5).

[20] Vài đoạn văn tiêu biểu. – Đức tin và đời sống vĩnh cữu: “Fides est habitus mentis, qua inchoatur vita aeterna in nobis, faciens intellectum assentire non apparentibus” (Summa Theologiae II-II, q. 4 a. 1; cf. Quaestiones disputatae de veritate, q. 14 a. 2). – An sủng và đời sống vĩnh cửu: “Gratia est nihil aliud quam quaedam inchoatio gloriae in nobis” (Summa Theologiae II-II, q. 24, a. 3, ad 2um).

[21] Joannes XXII, Bulla Ne super his (3-12-1334), in: DenzH 990-991.

[22] Benedictus XII, Constitutio Benedictus Deus (20 gennaio 1336), in: DenzH 1000-1002. Về lịch sử cuộc tranh luận này, xem C. Trottmann, La vision béatifique. Des disputes scolastiques à sa définition par Benoît XII, École française de Rome, Roma 1995.

[23] X. Xh 33,20: «Không phàm nhân nào có thể nhìn thấy Ta mà có thể sống nổi » ; 1Tm 6,16 : Thiên Chúa là «Đấng duy nhất có sự bất tử; Ngài ngự trong một ánh sáng siêu phàm: chưa phàm nhân nào đã thấy hoặc có thể thấy Ngài »

[24] Trong thông điệp Spe salvi (30/11/2007), đức thánh cha Beneđictô XVI đã nhấn mạnh rằng cần phải vượt qua một quan niệm tư riêng về niềm hy vọng Kitô giáo vào đời sống vĩnh cửu.

[25] X. Thư của Bộ Giáo lý đức tin liên quan đến vài câu hỏi cánh chung luận (17/5/1979), in: Enchiridion Vaticanum, vol. 6 (EDB, Bologna 1980), nn. 1528-1549.
 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube