Kinh Thánh Được Phân Chia Thành Chương, Câu Khi Nào?

Kinh Thánh được phân chia thành chương, câu khi nào?

Kinh Thánh là cuốn sách được linh hứng nhưng cách phân chia thành chương và câu là điều không được linh hứng.

Các bản thảo cổ không có các chương và câu. Hồng y Hugo de Sancto Caro bắt đầu công việc này từ năm 1244 cho đến 1248 A.D. Khi soạn thảo một bản đối chiếu cho cuốn Thánh Kinh bản tiếng Latinh (bản Vulgate), ngài đã phân chia thành các đoạn để giúp người ta dễ tìm. Những đoạn này cơ bản trở thành các chương như chúng ta biết hiện nay. Tuy nhiên, lúc ấy các chương này chưa được phân ra thành câu.

Người Do Thái sơ thời cũng đã thử phân chia Sách Thánh. Trong thời lưu đày ở Babylone, họ đánh dấu các bản cuộn thành những phân đoạn rồi tiểu đoạn. Tuy nhiên hệ thống này khác hoàn toàn với cách phân chia của chúng ta hiện nay.

Vào năm 1445, một người Do Thái là Mordecai Nathan đã phân chia Cựu Ước thành các chương, và sau đó vào năm 1448, một học giả tên là Athias đã phân chia Cựu Ước thành câu. Năm 1551, một ông chủ nhà in người Anh tên là Robert Stephens đã phân chia Tân Ước thành câu trong chuyến du hành từ Thụy Sĩ đến Pháp và ông dùng hệ thống phân chia này khi in cuốn Kinh Thánh vào năm 1555 hoặc 1551. Từ khi xuất bản cuốn Kinh Thánh Geneva (cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Anh xuất bản ở Paris vào năm 1560) thì hầu như tất cả các bản Kinh Thánh sau đó đều sử dụng hệ thống phân chia chương và câu này.

Các chương và câu rất hữu ích để tìm ra đoạn Kinh Thánh, nhưng đôi khi làm tối nghĩa với những câu ngắt đoạn hoặc phân chia những ý tưởng mà lẽ ra nó phải nối tiếp nhau.

Một ví dụ cho thấy cách phân câu không hợp lý. Sách Sáng Thế Ký 2, 1-3 mô tả Thiên Chúa tạo dựng ngày thứ Bảy (ngày Sabát). Vì 3 câu này nội dung vẫn còn nằm trong tường thuật về việc tạo dựng 6 ngày ở chương 1, nên đáng lẽ ra chúng phải thuộc về chương 1, và chương 2 phải được bắt đầu sau 3 câu này (tức bắt đầu bằng câu 4 của chương 2). Cụ thể, đúng ra phải được phân chia như thế này:

Stk 1, 31: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu

Stk 1, 32 (thay vì Stk 2,1): “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất

Stk 1, 33 (thay vì Stk 2,2): “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi

Stk 1, 34 (thay vì Stk 2,3): “Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người

Stk 2, 1 (thay vì Stk 2,4): “Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo. Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên…

Việc trích dẫn các câu Kinh Thánh cũng đòi hỏi sự chính xác để khỏi phải xảy ra tình trạng dở khóc dở cười như câu chuyện sau đây:

Một đôi bạn trẻ đến tiệm bánh để đặt bánh cưới và họ muốn ghi trên đó câu Kinh Thánh “1 Gioan 4, 18” để nói lên sự dấn thân của họ trong tình yêu. Câu này ý nói rằng: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi”. Ông thợ bánh chẳng may vất tờ giấy đặt hàng đi đâu mất nên chỉ ghi lại trên bánh cưới câu Kinh Thánh theo trí nhớ: “Gioan 4, 18”. Chẳng ai để ý gì cho đến khi có người phát hiện ra Gioan 4, 18 là câu mà Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samari: “Chị này đã năm đời chồng rồi, và người đàn ông hiện giờ không phải là chồng chị!”.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Trích nguồn: http://conggiao.info

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube