Phụ nữ trong Kinh Thánh – Người nữ tự lập

Người nữ tự lập không phải là người thành đạt với tư cách là vợ, là mẹ, mà chính yếu là do khả năng tự lập : khả năng xây dựng lấy cuộc sống của mình, các mối giao tế của mình, các năng khiếu của mình. Đây là một trạng huống nội tâm tự do, độc lập đối với thế giới bên ngoài, để tự mình sống và sáng tạo cuộc đời mình, không để ai sung công, chiếm hữu. Do đó, mô hình này cũng được gọi là mô hình người trinh nữ. Họ sống chan hoà với thế giới thiên nhiên nhiều hơn. Với tha nhân, họ sống những mối tương quan huynh đệ tự do và khách quan, có thể đồng hành với anh chị em mà không bao giờ “bao bọc” họ. Tự lập khác giao tế ở chỗ giao tế thì sống tương quan chiều sâu, tự lập thì sống tương quan chiều rộng. Do các cơ chế xã hội thời bấy giờ, mô hình nữ này tự biểu lộ một cách rất khó khăn trong Kinh Thánh.

Trong thế giới các tác giả Cựu Ước, người ta không dành cho hạng phụ nữ này một chỗ đứng nào cả. Nhưng họ lại có mặt trong thế giới đó. Chúng ta đã thoáng thấy bóng dáng họ qua những người đã lập gia đình nhưng có cá tính mạnh: các bà Xa-ra, A-vi-ga-gin, vv…

Đôi khi, dường như vai trò được trao cho họ là ở bên ngoài gia đình. Bà Mi-ri-am sống như thể không chồng không con, nhưng lại có vai trò quan trọng trong cộng đoàn dân Ít-ra-en. Tuy nhiên, Xh 15,20 giới thiệu bà là nữ ngôn sứ và là em ông A-ha-ron. Sau này, theo Ds 12, bà cùng với ông sẽ phản đối ông Mô-sê, nhưng khi Thiên Chúa phạt cái tội “không sợ, mà dám phản đối Mô-sê”, thì chỉ có một mình bà bị phạt !

Bà Đơ-vô-ra : vừa là thủ lãnh vừa là ngôn sứ, là những vai trò thường chỉ dành cho nam giới thời bấy giờ (Tl 4-5). Là thủ lãnh, bà tiếp những người đến xin giải quyết những tranh chấp giữa họ ; bà tổ chức các trận giặc, dẫn quân đi đánh. Bà nhận được tước hiệu là “mẹ hiền trong Ít-ra-en” (Tl 5,7), nhưng dường như bà lại không con. Câu 4,4 ghi bà là “vợ ông Láp-pi-đốt”, có thể đây chỉ là một ước đoán, vì ngôn ngữ Híp-ri tối nghĩa, và có thể là một tước hiệu khác nữa của bà. Trước hết, tác giả giới thiệu bà mà không chút ngại ngùng, không cần phải thanh minh gì hết – và như vậy là rất tốt.

Truyện hai bà Mi-ri-am và Đơ-vô-ra như phản chiếu một thời đại trong đó phụ nữ giữ những vai trò đáng kể, trước khi có chế độ quân chủ. Bà Đơ-vô-ra đã có thể thi thố tài năng và trở thành thủ lãnh (hay thẩm phán). Đàng khác, ơn nói tiên tri là một chức năng tiêu biểu của quyền bính (Tl 5,7-12). Điều đáng chú ý là hễ khi làm người lãnh đạo, thì, theo tác giả, phải làm như mọi người, tức là như đàn ông : đánh giặc, cổ võ sự bạo tàn, và thích thú trong những việc đó.

Truyện bà Giu-đi-tha cũng vậy, trong đó có một mặt phải và một mặt trái : bà chủ xướng diệt trừ kẻ thù của dân tộc đang lâm nguy. Bị vướng vào một vấn đề do nam giới tạo ra là chiến tranh, bà tìm giải pháp theo kiểu nam giới là dùng bạo lực. Nhưng với tư cách là người nữ tự lập, tự quyết, bà thật là lẫm liệt oai phong (Gđt 9,8-13 ; 15,9) !

Những người nữ như vậy thì dù sống trong gia đình hay giữa cộng đoàn, họ vẫn là người cô độc từ căn bản. Nhưng trong Tân Ước, chúng ta thấy rằng, đối với mẫu phụ nữ này, con người và lối sống của Đức Giê-su có một sức thu hút đặc biệt lớn. Một số phụ nữ thuộc mô hình này đã đi theo làm môn đệ Người.

 Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của Vua Hê-rô-đê, đã “xuất gia” đi theo Chúa (Tin Mừng không nói rõ chồng bà đã chết hay còn sống). Trong số các bà, nhiều người có vẻ tự quản lý tài sản và á-phe của mình. Điểm chắc chắn là trường hợp hai chị em làng Bê-tha-ni-a, đặc biệt là cô Mác-ta. Bản Lc 10,38-42 không nói tới ông La-da-rô, và bản Ga 11,1 nói làng Bê-tha-ni-a là “làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a”. Vậy các truyền thuyết cổ xưa nhất nhấn mạnh vai trò hai người phụ nữ đảm đang này hơn là người em trai của họ. Lòng nhiệt thành của cô Ma-ri-a tha thiết làm môn đệ Đức Giê-su khiến cho tính khí độc lập của cô mang một màu sắc đặc biệt. Phần cô Mác-ta, tính khí độc lập và cá tính mạnh của cô cũng nổi bật rõ rệt, nhất là trong Ga. Trong Cv, còn có mẹ ông Gio-an Mác-cô (12,12), bà Ly-đi-a (16,11-15 ), Pơ-rít-ki-la (18,2-18 ; Rm 16,3 ; 1 Cr 16,19 ; 2 Tm 4,19).

Cách sống độc lập của những phụ nữ trên còn có một ý nghĩa ở bình diện tương quan xác thịt với đàn ông. Ở mặt này, họ không lệ thuộc vào đàn ông, do đó, mô hình người trinh nữ theo nghĩa tự lập còn mang thêm ý nghĩa đã phổ biến, quen thuộc trong truyền thống Ki-tô giáo.

Cũng như các người nữ vô sinh cuối cùng rồi cũng được sinh con, định mệnh của người trinh nữ là đi vào kế hoạch của Thiên Chúa trên dân Người, và cộng tác với Thiên Chúa để thực hiện kế hoạch ấy. Họ không phải là “đồng bạn” của một người đàn ông, mà là của chính Thiên Chúa. Họ là người của giao ước với Thiên Chúa, độc lập đối với nam nhân, nhưng sống trong mối quan tâm và lòng dâng hiến đối với kế hoạch Thiên Chúa và vận mạng dân Người.

Riêng Đức Ma-ri-a, sự độc lập của Mẹ trước hết có nghĩa là không có liên hệ giới tính với đàn ông, từ giây phút truyền tin. Nhưng ngoài ra, Mẹ còn có những nét độc lập khác mà Tân Ước đã ghi lại. Câu hỏi của Mẹ ở Lc 1,34 : “Làm sao có chuyện ấy được ?” nói lên một trí tuệ tự do phóng khoáng, không để những rụt rè nhi nữ ngăn chặn bước suy tư của mình. Sau đó, cũng theo Lc, Mẹ lên đường một mình, hăng hái, đến với bà chị họ. Trong hai biến cố đó, không thấy Mẹ đi hỏi ý hoặc xin phép người chồng tương lai. Có một ý chí đương đầu với “cuộc phiêu lưu” mà Thiên Chúa vừa mở ra trước mắt Mẹ, làm cho Mẹ lấy thái độ “tự lực tự cường” trên bước đường tương lai của chính mình. Do đó, Mẹ là người trinh nữ tuyệt vời, ở cả hai bình diện tâm lý nhân loại và đạo lý Ki-tô giáo.

Phần Đức Giê-su, tình bạn với các môn đệ không làm cho Người trốn tránh sự cô độc căn bản. Người hoàn toàn thoải mái trong mô hình thứ ba, ở tư thế của một người không lập gia đình, đồng trinh, tự lập. Người sống tự nhiên với mọi người, với môi trường sống của Người – ba năm sống cho sứ mạng và cuối cùng chết cho sứ mạng. Những cảm nghĩ và tâm tình của Đức Giê-su trước thiên nhiên được biểu lộ đúng nơi đúng lúc trong các dụ ngôn, cho thấy Người thường trầm mình trong đó. Cũng vậy, chúng ta thấy Người có nhu cầu sống cô tịch, lấy thì giờ đi vào hoang địa, qua những đêm thức để cầu nguyện một mình trên núi, xa đám đông dân chúng và cả môn đệ nữa. Đó là những lúc Người nghỉ ngơi, lấy sức lại để khẳng định và tiếp tục sứ mạng. Đó là thời gian hội được những điều kiện tốt nhất để Người quyết định lựa chọn hướng đi căn bản của mình. Điều này rất cần thiết, nhất là những khi các môn đệ không hiểu lời Người hoặc hiểu sai sứ mạng của Người, làm gia tăng nỗi cô độc căn bản !

Đàng khác, người cô độc là người không dựa vào đời sống lứa đôi, vào tình bạn sâu xa, nhưng vẫn cần đến tương quan huynh đệ ; vì thế, Đức Giê-su luôn cho biết tương quan đó là điểm nhấn cũng như tương quan thầy – môn đệ. Và cũng như người trinh nữ trong Kinh Thánh chỉ độc lập đối với loài người nhưng hoàn toàn hiến dâng để phục vụ Thiên Chúa, thì Đức Giê-su cũng vậy, chỉ “cô độc” để hoàn toàn khẳng định căn tính của mình là Con Thiên Chúa Cha : “Điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19). Tự lập và cô độc đối với loài người, Đức Giê-su là cộng sự viên tuyệt hảo của Chúa Cha, “làm hài lòng Chúa Cha mọi đàng”.

M. Amélie Nguyễn Thị Sang, CND

Trích nguồn: http://dongducba.net

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jennifer Dines, CND. How to read the Bible as women (Đọc Kinh Thánh với tư cách là phụ nữ : như thế nào?). Liên tu sĩ Anh Quốc 1996.

2. R. de Vaux, OP. Institutions de l’Ancien Testament (famille – femmes – veuves – enfants – succession – héritage) Cơ cấu (Ít-ra-en) thời Cựu Ước. Paris 1960

3. Th. Maertens. La promotion de la femme dans la Bible (Bước thăng tiến của phụ nữ trong Kinh Thánh). Edition Casterman 1967

4. A. Jaubert. Les femmes dans l’Ecriture (Phụ nữ trong Kinh Thánh)Vie chrétienne, Ed. du Cerf 1992

5. Brépols. Dictionnaire encyclopédique de la Bible Femme (Từ điển bách khoa môn Kinh Thánh / Phụ nữ). 1987

6. J. Laplace, SJ. Người nữ và cuộc đời thánh hiến (Tài liệu chủ đạo cho phần IV.B)Chemins de la foi. Ed. du Châlet 1964

7. A.M. Pelletier. Le Cantique des cantiques (Sách Diễm Ca). trong Cahiers Evangile, số 85 Ed. du Cerf 1993

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube